THUẾ GTGT, TNDN TIỀN THU TÀI TRỢ VÀ THU DỊCH VỤ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ

09/01/2021 564 lượt xem    
Thuế GTGT, TNDN tiền thu tài trợ và thu dịch vụ khoa học và công nghệ

Công văn số 73952/CT-TTHT về CST GTGT, TNDN đối với khoản thu tài trợ và thu dịch vụ KH&CN

Kính gửi: Trung tâm hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo quốc gia

Địa chỉ: 39 Trần Hưng Đạo, P.Hàng Bài, Q.Hoàn Kiếm, TP Hà Nội

MST: 0105604305-001

Trả lời công văn số 32/TTKN-HCTH ngày 27/7/2020 của Trung tâm hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo quốc gia (Sau đây gọi tắt là Trung tâm); hỏi về chính sách thuế GTGT, thuế TNDN đối với khoản tiền thu tài trợ và thu dịch vụ KH&CN. Cục Thuế TP Hà Nội có ý kiến như sau:

Căn cứ Luật chuyển giao công nghệ số 07/2017/QH14 ngày 19/6/2017 của Quốc hội.

Tại Điều 2 về việc giải thích từ ngữ:

7. Chuyển giao công nghệ là chuyển nhượng quyền sở hữu công nghệ hoặc chuyển giao quyền sử dụng công nghệ từ bên có quyền chuyển giao công nghệ sang bên nhận công nghệ.

21. Tư vấn chuyển giao công nghệ là hoạt động hỗ trợ lựa chọn, ứng dụng công nghệ; khai thác thông tin công nghệ, thông tin sáng chế, kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ; đàm phán, ký kết và thực hiện chuyển giao công nghệ.

…”

Căn cứ Luật Khoa học và công nghệ số 29/2013/QH13 ngày 18/6/2013 của Quốc hội.

Tại Điều 3 về việc giải thích từ ngữ:

3. Hoạt động khoa học và công nghệ là hoạt động nghiên cứu khoa học nghiên cứu và triển khai thực nghiệm; phát triển công nghệ; ứng dụng công nghệ; dịch vụ khoa học và công nghệ; phát huy sáng kiến và hoạt động sáng tạo khác nhằm phát triển khoa học và công nghệ.

10. Dịch vụ khoa học và công nghệ là hoạt động phục vụ; hỗ trợ kỹ thuật cho việc nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ; hoạt động liên quan đến sở hữu trí tuệ, chuyển giao công nghệ, tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật; đo lường, chất lượng sản phẩm, hàng hóa, an toàn bức xạ, hạt nhân và năng lượng nguyên tử; dịch vụ về thông tin, tư vấn, đào tạo, bồi dưỡng, phổ biến; ứng dụng thành tựu khoa học và công nghệ trong các lĩnh vực kinh tế – xã hội.”

Tại Khoản 4 Điều 11 quy định về điều kiện thành lập, đăng ký hoạt động của tổ chức khoa học và công nghệ

“4. Tổ chức khoa học và công nghệ phải đăng ký hoạt động tại cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền về khoa học và công nghệ và được cấp giấy chứng nhận đăng ký hoạt động khoa học và công nghệ.”

Tại Khoản 1 Điều 13 quy định về quyền của tổ chức khoa học và công nghệ:

“1. Tự chủ, tự chịu trách nhiệm trong hoạt động khoa học và công nghệ trong lĩnh vực đã được cấp giấy chứng nhận đăng ký hoạt động. Tổ chức khoa học và công nghệ công lập được Nhà nước giao biên chế.”

Tại Khoản 1 Điều 14 quy định về nghĩa vụ của tổ chức khoa học và công nghệ:

“1. Đăng ký hoạt động khoa học và công nghệ; thực hiện hoạt động khoa học và công nghệ theo đúng lĩnh vực đã được quy định trong giấy chứng nhận đăng ký hoạt động.”

Căn cứ Thông tư số 219/2013/TT-BTC ngày 31/12/2013 của Bộ Tài chính hướng dẫn thi hành Luật thuế GTGT và Nghị định số 209/2013/NĐ-CP ngày 18/12/2013 của Chính phủ

Quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật thuế GTGT.

Tại Khoản 21 Điều 4 quy định đối tượng không chịu thuế GTGT:

“21. Chuyển giao công nghệ theo quy định của Luật chuyển giao công nghệ; chuyển nhượng quyền sở hữu trí tuệ theo quy định của Luật sở hữu trí tuệ.

Trường hợp hợp đồng chuyển giao công nghệ, chuyển nhượng quyền sở hữu trí tuệ có kèm theo chuyển giao máy móc, thiết bị thì đối tượng không chịu thuế GTGT tính trên phần giá trị công nghệ, quyền sở hữu trí tuệ chuyển giao, chuyển nhượng; trường hợp không tách riêng được thì thuế GTGT được tính trên cả phần giá trị công nghệ, quyền sở hữu trí tuệ chuyển giao, chuyển nhượng cùng với máy móc, thiết bị.

Phần mềm máy tính bao gồm sản phẩm phần mềm và dịch vụ phần mềm theo quy định của pháp luật.”

Tại Khoản 1 Điều 5 quy định các trường hợp không phải kê khai, tính nộp thuế GTGT:

“1. Tổ chức, cá nhân nhận các khoản thu về bồi thường bằng tiền (bao gồm cả tiền bồi thường về đất và tài sản trên đất khi bị thu hồi đất theo quyết định của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền), tiền thưởng, tiền hỗ trợ, tiền chuyển nhượng quyền phát thải và các khoản thu tài chính khác.

Cơ sở kinh doanh khi nhận khoản tiền thu về bồi thường, tiền thưởng, tiền hỗ trợ nhận được, tiền chuyển nhượng quyền phát thải và các khoản thu tài chính khác thì lập chứng từ thu theo quy định. Đối với cơ sở kinh doanh chi tiền, căn cứ mục đích chi để lập chứng từ chi tiền.

Trường hợp bồi thường bằng hàng hóa, dịch vụ, cơ sở bồi thường phải lập hóa đơn và kê khai, tính, nộp thuế GTGT như đối với bán hàng hóa, dịch vụ; cơ sở nhận bồi thường kê khai, khấu trừ theo quy định.Trường hợp cơ sở kinh doanh nhận tiền của tổ chức, cá nhân để thực hiện dịch vụ cho tổ chức, cá nhân như sửa chữa, bảo hành, khuyến mại, quảng cáo thì phải kê khai, nộp thuế theo quy định.”

Tại Khoản 15 Điều 10 quy định thuế suất 5%:

“15. Dịch vụ khoa học và công nghệ là các hoạt động phục vụ, hỗ trợ kỹ thuật cho việc nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ; các hoạt động liên quan đến sở hữu trí tuệ; chuyển giao công nghệ, tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, đo lường, chất lượng sản phẩm, hàng hóa, an toàn bức xạ, hạt nhân và năng lượng nguyên tử; dịch vụ về thông tin, tư vấn, đào tạo, bồi dưỡng, phổ biến, ứng dụng thành tựu khoa học và công nghệ trong các lĩnh vực kinh tế – xã hội theo hợp đồng dịch vụ khoa học và công nghệ quy định tại Luật Khoa học và công nghệ, không bao gồm trò chơi trực tuyến và dịch vụ giải trí trên Internet.”

Tại Điều 9 quy định thuế suất 0%:

“1. Thuế suất 0%:

Áp dụng đối với hàng hóa, dịch vụ xuất khẩu; hoạt động xây dựng, lắp đặt công trình ở nước ngoài và ở trong khu phi thuế quan; vận tải quốc tế; hàng hóa, dịch vụ thuộc diện không chịu thuế GTGT khi xuất khẩu, trừ các trường hợp không áp dụng mức thuế suất 0% hướng dẫn tại khoản 3 Điều này.

b) Dịch vụ xuất khẩu bao gồm

  • Dịch vụ cung ứng trực tiếp cho tổ chức, cá nhân ở nước ngoài và tiêu dùng ở ngoài Việt Nam
  • Cung ứng trực tiếp cho tổ chức, cá nhân ở trong khu phi thuế quan và tiêu dùng trong khu phi thuế quan.

Cá nhân ở nước ngoài là người nước ngoài không cư trú tại Việt Nam; người Việt Nam định cư ở nước ngoài; và ở ngoài Việt Nam trong thời gian diễn ra việc cung ứng dịch vụ. Tổ chức, cá nhân trong khu phi thuế quan là tổ chức, cá nhân có đăng ký kinh doanh và các trường hợp khác theo quy định của Thủ tướng Chính phủ.…

Cơ sở kinh doanh cung cấp dịch vụ là người nộp thuế tại Việt Nam phải có tài liệu chứng minh dịch vụ thực hiện ở ngoài Việt Nam.

2. Điều kiện áp dụng thuế suất 0%:

b) Đối với dịch vụ xuất khẩu:

– Có hợp đồng cung ứng dịch vụ với tổ chức, cá nhân ở nước ngoài; hoặc ở trong khu phi thuế quan;

– Có chứng từ thanh toán tiền dịch vụ xuất khẩu qua ngân hàng; và các chứng từ khác theo quy định của pháp luật;

…”

Tại Điều 11 quy định thuế suất 10%:

“Thuế suất 10% áp dụng đối với hàng hóa, dịch vụ không được quy định tại Điều 4, Điều 9 và Điều 10 Thông tư này.…”

Căn cứ Khoản 2 Điều 1 Thông tư 130/2016/TT-BTC ngày 12/8/2016 của Bộ Tài chính sửa đổi, bổ sung Khoản 3 Điều 9 Thông tư 219/2013/TT-BTC ngày 31/12/2013 của Bộ Tài chính

Quy định các trường hợp không áp dụng mức thuế suất 0%:

“2. Sửa đổi, bổ sung Khoản 3 Điều 9 như sau:

3. Các trường hợp không áp dụng mức thuế suất 0% gồm:

– Các dịch vụ do cơ sở kinh doanh cung cấp cho tổ chức, cá nhân ở trong khu phi thuế quan bao gồm: cho thuê nhà, hội trường, văn phòng, khách sạn, kho bãi; dịch vụ vận chuyển đưa đón người lao động; dịch vụ ăn uống (trừ dịch vụ cung cấp suất ăn công nghiệp, dịch vụ ăn uống trong khu phi thuế quan);

– Các dịch vụ sau cung ứng tại Việt Nam cho tổ chức, cá nhân ở nước ngoài không được áp dụng thuế suất 0% gồm:

+ Thi đấu thể thao, biểu diễn nghệ thuật, văn hóa, giải trí, hội nghị, khách sạn, đào tạo, quảng cáo, du lịch lữ hành;

+ Dịch vụ thanh toán qua mạng;

+ Dịch vụ cung cấp gắn với việc bán, phân phối, tiêu thụ sản phẩm, hàng hóa tại Việt Nam.”

Căn cứ Điều 16 Thông tư 39/2014/TT-BTC ngày 31/3/2014 của Bộ Tài chính đã được sửa đổi, bổ sung tại Khoản 7, Điều 3 Thông tư 26/2015/TT-BTC ngày 27/02/2015 của Bộ Tài chính quy định về lập hóa đơn:

1. Nguyên tắc lập hóa đơn

b) Người bán phải lập hóa đơn khi bán hàng hóa, dịch vụ, bao gồm cả các trường hợp hàng hóa, dịch vụ dùng để khuyến mại, quảng cáo, hàng mẫu; hàng hóa, dịch vụ dùng để cho, biếu, tặng, trao đổi, trả thay lương cho người lao động (trừ hàng hóa luân chuyển nội bộ, tiêu dùng nội bộ để tiếp tục quá trình sản xuất).

Nội dung trên hóa đơn phải đúng nội dung nghiệp vụ kinh tế phát sinh; không được tẩy xóa, sửa chữa; phải dùng cùng màu mực, loại mực không phai, không sử dụng mực đỏ; chữ số và chữ viết phải liên tục, không ngắt quãng, không viết hoặc in đè lên chữ in sẵn và gạch chéo phần còn trống (nếu có). Trường hợp hóa đơn tự in hoặc hóa đơn đặt in được lập bằng máy tính nếu có phần còn trống trên hóa đơn thì không phải gạch chéo.…

2. Cách lập một số tiêu thức cụ thể trên hóa đơn

Căn cứ Thông tư số 78/2014/TT-BTC ngày 18/6/2014 của Bộ Tài chính hướng dẫn thi hành Nghị định số 218/2013/NĐ-CP ngày 26/12/2013 của Chính phủ

Quy định và hướng dẫn thi hành Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp.

Tại Điều 3 quy định phương pháp tính thuế:

1. Số thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp trong kỳ tính thuế bằng thu nhập tính thuế trừ đi phần trích lập quỹ khoa học và công nghệ (nếu có) nhân với thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp.Thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp được xác định theo công thức sau:

Thuế TNDN phải nộp=Thu nhập tính thuếPhần trích lập quỹ KH&CN (nếu có)xThuế suất thuế TNDN

 

Tại Điều 4 hướng dẫn xác định thu nhập tính thuế:

“1. Thu nhập tính thuế trong kỳ tính thuế được xác định bằng thu nhập chịu thuế trừ thu nhập được miễn thuế và các khoản lỗ được kết chuyển từ các năm trước theo quy định.Thu nhập tính thuế được xác định theo công thức sau:

Thu nhập tính thuế=Thu nhập chịu thuếThu nhập được miễn thuế+Các khoản lỗ được kết chuyển theo quy định

Thu nhập chịu thuế trọng kỳ tính thuế bao gồm thu nhập từ hoạt động sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ và thu nhập khác.

Thu nhập chịu thuế trong kỳ tính thuế xác định như sau:

Thu nhập chịu thuế=Doanh thu – Chi phí được trừ+Các khoản thu nhập khác

 …”

Tại Điều 5 quy định doanh thu để tính thu nhập chịu thuế:

“1. Doanh thu để tính thu nhập chịu thuế được xác định như sau:

Doanh thu để tính thu nhập chịu thuế là toàn bộ tiền bán hàng hóa, tiền gia công, tiền cung cấp dịch vụ bao gồm cả khoản trợ giá, phụ thu, phụ trội mà doanh nghiệp được hưởng không phân biệt đã thu được tiền hay chưa thu được tiền.

a) Đối với doanh nghiệp nộp thuế giá trị gia tăng theo phương pháp khấu trừ thuế là doanh thu chưa bao gồm thuế giá trị gia tăng.

2. Thời điểm xác định doanh thu để tính thu nhập chịu thuế được xác định như sau

a) Đối với hoạt động bán hàng hóa là thời điểm chuyển giao quyền sở hữu, quyền sử dụng hàng hóa cho người mua.

b) Đối với hoạt động cung ứng dịch vụ là thời điểm hoàn thành việc cung ứng dịch vụ hoặc hoàn thành từng phần việc cung ứng dịch vụ cho người mua trừ trường hợp nêu tại Khoản 3 Điều 5 Thông tư số 78/2014/TT-BTC, Khoản 1 Điều 6 Thông tư số 119/2014/TT-BTC.

Tại Khoản 15 Điều 7 quy định thu nhập khác:

“15. Quà biếu, quà tặng bằng tiền, bằng hiện vật; thu nhập nhận được bằng tiền, bằng hiện vật từ các nguồn tài trợ; thu nhập nhận được từ các khoản hỗ trợ tiếp thị, hỗ trợ chi phí, chiết khấu thanh toán, thưởng khuyến mại và các khoản hỗ trợ khác. Các khoản thu nhập nhận được bằng hiện vật thì giá trị của hiện vật được xác định bằng giá trị của hàng hóa, dịch vụ tương đương tại thời điểm nhận.”

Tại Khoản 7 Điều 8 quy định thu nhập được miễn thuế:

“7. Khoản tài trợ nhận được để sử dụng cho hoạt động giáo dục, nghiên cứu khoa học, văn hóa, nghệ thuật, từ thiện, nhân đạo và hoạt động xã hội khác tại Việt Nam.

Trường hợp tổ chức nhận tài trợ sử dụng không đúng mục đích các khoản tài trợ trên thì tổ chức nhận tài trợ phải tính nộp thuế thu nhập doanh nghiệp tính trên phần sử dụng sai mục đích trong kỳ tính thuế phát sinh việc sử dụng sai mục đích.

Tổ chức nhận tài trợ quy định tại Khoản này phải được thành lập và hoạt động theo quy định của pháp luật, thực hiện đúng quy định của pháp luật về kế toán thống kê.”

Tại Điều 11 quy định thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp:

“1. … Kể từ ngày 01/01/2016, trường hợp thuộc diện áp dụng thuế suất 22% chuyển sang áp dụng thuế suất 20%.”

Căn cứ các quy định nêu trên, Cục Thuế TP Hà Nội có ý kiến như sau:

1. Chính sách thuế đối với khoản thu tài trợ

Trường hợp Trung tâm nhận các khoản tài trợ bằng tiền từ các cá nhân, doanh nghiệp trong và ngoài nước cho tổ chức sự kiện, hội nghị, hội thảo thì thuộc trường hợp không phải kê khai, tính nộp thuế GTGT; theo quy định tại Khoản 1 Điều 5 Thông tư 219/2013/TT-BTC nêu trên. Khi nhận tiền tài trợ, Trung tâm lập chứng từ thu theo quy định.

Trường hợp Trung tâm nhận tiền của tổ chức, cá nhân để thực hiện dịch vụ cho tổ chức, cá nhân, như sửa chữa, bảo hành, khuyến mại, quảng cáo; thì phải kê khai, nộp thuế theo quy định.

Khoản thu nhập của Trung tâm nhận được từ các nguồn tài trợ nếu không thuộc các trường hợp quy định tại Khoản 7 Điều 8 Thông tư 78/2014/TT-BTC thì được xác định là thu nhập khác theo quy định tại Khoản 15 Điều 7 Thông tư 78/2014/TT-BTC nêu trên. Thu nhập chịu thuế trong kỳ tính thuế bao gồm thu nhập từ hoạt động sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ và thu nhập khác. Thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp kể từ ngày 01/01/2016 là 20%.

2. Chính sách thuế đối với khoản thu từ cung cấp dịch vụ

Trường hợp Trung tâm trực tiếp hoặc thuê đơn vị khác thực hiện các chương trình, hoạt động tư vấn cho các tổ chức, cá nhân tham gia

Khi cung cấp các dịch vụ này Trung tâm lập hóa đơn giao cho tổ chức, cá nhân theo quy định. Nội dung ghi trên hóa đơn thực hiện theo hướng dẫn tại Điều 16 Thông tư 39/2014/TT-BTC (đã được sửa đổi, bổ sung tại Khoản 7 Điều 3 Thông tư 26/2015/TT-BTC) nêu trên.

Trường hợp dịch vụ Trung tâm cung cấp được xác định là dịch vụ khoa học và công nghệ cung cấp cho tổ chức, cá nhân trong nội địa trên cơ sở hợp đồng dịch vụ khoa học và công nghệ theo quy định tại Luật khoa học và công nghệ số 29/2013/QH13 và theo đúng các lĩnh vực được quy định trong Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động khoa học và công nghệ mà Trung tâm được cấp; thì áp dụng thuế suất thuế GTGT là 5%.

Trường hợp dịch vụ Trung tâm cung ứng trực tiếp cho tổ chức, cá nhân ở nước ngoài và tiêu dùng ở ngoài Việt Nam; cung ứng trực tiếp cho tổ chức, cá nhân ở trong khu phi thuế quan và tiêu dùng trong khu phi thuế quan

Áp dụng thuế suất thuế GTGT 0%; nếu đáp ứng các điều kiện quy định tại Điểm b Khoản 2 Điều 9; và không thuộc các trường hợp quy định tại Khoản 3 Điều 9 Thông tư 219/2013/TT-BTC (đã được sửa đổi, bổ sung tại Khoản 2 Điều 1 Thông tư 130/2016/TT-BTC) nêu trên.

Trường hợp dịch vụ Trung tâm cung cấp không thuộc các trường hợp quy định tại Điều 4, Điều 9 và Điều 10 Thông tư 219/2013/TT-BTC nêu trên

Trường hợp này áp dụng thuế suất thuế GTGT 10%.

Khoản thu nhập của Trung tâm từ việc cung cấp các dịch vụ cho các tổ chức, cá nhân là thu nhập từ hoạt động sản xuất, kinh doanh của Trung tâm và chịu thuế TNDN theo quy định. Doanh thu để tính thu nhập chịu thuế được xác định theo hướng dẫn tại Điều 5 Thông tư 78/2014/TT-BTC nêu trên. Thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp kể từ ngày 01/01/2016 là 20%.

Đề nghị Trung tâm căn cứ vào tình hình thực tế; và đối chiếu với các quy định tại văn bản pháp luật nêu trên để xác định thuế GTGT, thuế TNDN đối với khoản thu tài trợ và thu từ cung cấp dịch vụ của Trung tâm theo đúng quy định.

Trong quá trình thực hiện, nếu còn vướng mắc về chính sách thuế; đề nghị Công ty liên hệ với Phòng Thanh tra – Kiểm Tra số 4 để được hướng dẫn.

Cục Thuế TP Hà Nội trả lời để Trung tâm hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo quốc gia được biết và thực hiện./.

Các bài viết liên quan:

Mọi chi tiết xin liên hệ:

  • Hãng kiểm toán Calico
  • Địa chỉ: Tầng 29, Tòa Đông, Lotte Center Hà Nội
  • Số 54 Liễu Giai, Phường Cống Vị, Quận Ba Đình, TP. Hà Nội
  • VPGD: Phòng 2302, Tháp B, Toà nhà The Light, đường Tố Hữu, Phường Trung Văn, Quận Nam Từ Liêm, TP. Hà Nội.
  • Hotline: 0966.246.800
  • Email: calico.vn@gmail.com
  • Website: kiemtoancalico.com | www.calico.vn
Bài viết có ích cho bạn?
Banner-post-thu-vien-calico_960x300
Bài viết có ích cho bạn?

NGHIỆP VỤ CALICO