Thuế GTGT, TNDN đối với hàng hóa tiêu dùng nội bộ, khuyến mại, biếu tặng

09/03/2018 1068 lượt xem    

Mục lục bài viết

Bài viết sau sẽ hướng dẫn về chính sách thuế GTGT, thuế TNDN đối với hàng hóa tiêu dùng nội bộ, khuyến mại, biếu tặng căn cứ vào công văn 289/TCT-CS ngày 23/01/2015

Căn cứ hướng dẫn tại khoản 3 và khoản 5 Điều 7 Thông tư số 219/2013/TT-BTC ngày 31/12/2013 của Bộ Tài chính hướng dẫn về giá tính thuế GTGT đối với hàng hóa, dịch vụ dùng để trao đổi, biếu, tặng, cho, khuyến mại.

– Đối với sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ (kể cả mua ngoài hoặc do cơ sở kinh doanh tự sản xuất) dùng để trao đổi, biếu, tặng, cho, trả thay lương, là giá tính thuế GTGT của hàng hóa, dịch vụ cùng loại hoặc tương đương tại thời điểm phát sinh các hoạt động này.

Ví dụ 1:

Đơn vị A sản xuất quạt điện, dùng 50 sản phẩm quạt để trao đổi với cơ sở B lấy sắt thép, giá bán (chưa có thuế) là 400.000 đồng/chiếc. Giá tính thuế GTGT là 50 x 400.000 đồng = 20.000.000 đồng.

Riêng biếu, tặng giấy mời (trên giấy mời ghi rõ không thu tiền) xem các cuộc biểu diễn nghệ thuật, trình diễn thời trang, thi người đẹp và người mẫu, thi đấu thể thao do cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép theo quy định của pháp luật thì giá tính thuế được xác định bằng không (0). Cơ sở tổ chức biểu diễn nghệ thuật tự xác định và tự chịu trách nhiệm về số lượng giấy mời, danh sách tổ chức, cá nhân mà cơ sở mang biếu, tặng giấy mời trước khi diễn ra chương trình biểu diễn, thi đấu thể thao. Trường hợp cơ sở có hành vi gian lận vẫn thu tiền đối với giấy mời thì bị xử lý theo quy định của pháp luật về quản lý thuế.

Ví dụ 2:

Công ty cổ phần X được cơ quan có thẩm quyền cấp phép tổ chức cuộc thi “Người đẹp Việt Nam năm 20xx”, ngoài số vé in để bán thu tiền cho khán giả, Công ty có in một số giấy mời để biếu, tặng không thu tiền để mời một số đại biểu đến tham dự và cổ vũ cho cuộc thi, số giấy mời này có danh sách tổ chức, cá nhân nhận. Khi khai thuế giá trị gia tăng, giá tính thuế đối với số giấy mời biếu, tặng được xác định bằng không (0). Trường hợp cơ quan thuế phát hiện Công ty cổ phần X vẫn thu tiền khi biếu, tặng giấy mời thì Công ty cổ phần X bị xử lý theo quy định của pháp luật về quản lý thuế.

– Đối với sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ dùng để khuyến mại theo quy định của pháp luật về thương mại, giá tính thuế được xác định bằng không (0); trường hợp hàng hóa, dịch vụ dùng để khuyến mại nhưng không thực hiện theo quy định của pháp luật về thương mại thì phải kê khai, tính nộp thuế như hàng hóa, dịch vụ dùng để tiêu dùng nội bộ, biếu, tặng, cho.

Một số hình thức khuyến mại cụ thể được thực hiện như sau:

a) Đối với hình thức khuyến mại đưa hàng mẫu, cung ứng dịch vụ mẫu để khách hàng dùng thử không phải trả tiền, tặng hàng hóa cho khách hàng, cung ứng dịch vụ không thu tiền thì giá tính thuế đối với hàng mẫu, dịch vụ mẫu được xác định bằng 0.

Ví dụ 3:

Công ty TNHH P sản xuất nước ngọt có ga, năm 2014 Công ty có thực hiện đợt khuyến mại vào tháng 5/2014 và tháng 12/2014 theo hình thức mua 10 sản phẩm tặng 1 sản phẩm. Chương trình khuyến mại vào tháng 5/2014 được thực hiện theo đúng trình tự, thủ tục khuyến mại được thực hiện theo quy định của pháp luật về thương mại. Theo đó, đối với số sản phẩm tặng kèm khi mua sản phẩm trong tháng 5/2014, Công ty TNHH P xác định giá tính thuế bằng không (0).

Trường hợp chương trình khuyến mại vào tháng 12/2014 không được thực hiện theo đúng trình tự, thủ tục khuyến mại theo quy định của pháp luật về thương mại, Công ty TNHH P phải kê khai, tính thuế GTGT đối với số sản phẩm tặng kèm khi mua sản phẩm trong tháng 12/2014.

b) Đối với hình thức bán hàng, cung ứng dịch vụ với giá thấp hơn giá bán hàng, dịch vụ trước đó thì giá tính thuế GTGT là giá bán đã giảm áp dụng trong thời gian khuyến mại đã đăng ký hoặc thông báo.

Ví dụ 4:

Công ty N hoạt động trong lĩnh vực viễn thông, chuyên bán các loại thẻ cào di động. Công ty thực hiện đăng ký khuyến mại theo quy định của pháp luật về thương mại dưới hình thức bán hàng thấp hơn giá bán trước đó cho thời gian từ ngày 1/4/2014 đến hết ngày 20/4/2014, theo đó, giá bán một thẻ cào mệnh giá là 100.000 đồng (đã bao gồm thuế GTGT) trong thời gian khuyến mại được bán với giá 90.000 đồng.

Giá tính thuế GTGT đối với một thẻ cào mệnh giá 100.000 đồng trong thời gian khuyến mại được tính như sau:

c) Đối với các hình thức khuyến mại bán hàng, cung ứng dịch vụ có kèm theo phiếu mua hàng, phiếu sử dụng dịch vụ thì không phải kê khai, tính thuế GTGT đối với phiếu mua hàng, phiếu sử dụng dịch vụ tặng kèm.

Căn cứ hướng dẫn tại khoản 2 Điều 3 Thông tư số 119/2014/TT-BTC ngày 25/8/2014 sửa đổi, bổ sung khoản 4 Điều 7 Thông tư số 219/2013/TT-BTC ngày 31/12/2013 của Bộ Tài chính hướng dẫn về giá tính thuế GTGT đối với hàng hóa, dịch vụ dùng để tiêu dùng nội bộ.

Giá tính thuế đối với sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ tiêu dùng nội bộ.

– Hàng hóa luân chuyển nội bộ như hàng hóa được xuất để chuyển kho nội bộ, xuất vật tư, bán thành phẩm, để tiếp tục quá trình sản xuất trong một cơ sở sản xuất, kinh doanh hoặc hàng hóa, dịch vụ do cơ sở kinh doanh xuất hoặc cung ứng sử dụng phục vụ hoạt động kinh doanh thì không phải tính, nộp thuế GTGT.

– Trường hợp cơ sở kinh doanh tự sản xuất, xây dựng tài sản cố định (tài sản cố định tự làm) để phục vụ sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ chịu thuế GTGT thì khi hoàn thành, nghiệm thu, bàn giao, cơ sở kinh doanh không phải lập hóa đơn. Thuế GTGT đầu vào hình thành nên tài sản cố định tự làm được kê khai, khấu trừ theo quy định.

– Trường hợp xuất máy móc, thiết bị, vật tư, hàng hóa dưới hình thức cho vay, cho mượn hoặc hoàn trả, nếu có hợp đồng và các chứng từ liên quan đến giao dịch phù hợp, cơ sở kinh doanh không phải lập hóa đơn, tính, nộp thuế GTGT.

Ví dụ 5:

Đơn vị A là doanh nghiệp sản xuất quạt điện, dùng 50 sản phẩm quạt lắp vào các phân xưởng sản xuất để phục vụ hoạt động kinh doanh của đơn vị thị đơn vị A không phải tính nộp thuế GTGT đối với hoạt động xuất 50 sản phẩm quạt điện này.

Ví dụ 6:

Cơ sở sản xuất hàng may mặc B có phân xưởng sợi và phân xưởng may. Cơ sở B xuất sợi thành phẩm từ phân xưởng sợi cho phân xưởng may để tiếp tục quá trình sản xuất thì cơ sở B không phải tính và nộp thuế GTGT đối với sợi xuất cho phân xưởng may.

Ví dụ 7:

Công ty cổ phần P tự xây dựng nhà nghỉ giữa ca cho công nhân ở trong khu vực sản xuất kinh doanh. Công ty cổ phần P không có đơn vị, tổ, đội trực thuộc thực hiện hoạt động xây dựng này. Khi hoàn thành, nghiệm thu nhà nghỉ giữa ca, Công ty cổ phần P không phải lập hóa đơn. Thuế GTGT đầu vào hình thành nhà nghỉ giữa ca được kê khai, khấu trừ theo quy định.

Ví dụ 8:

Công ty Y là doanh nghiệp sản xuất nước uống đóng chai, giá chưa có thuế GTGT 1 chai nước đóng chai trên thị trường là 4.000 đồng. Công ty Y xuất ra 300 chai nước đóng chai  để phục vụ trong các cuộc họp công ty thì Công ty Y không phải kê khai, tính thuế GTGT.

Ví dụ 9:

Công ty Y là doanh nghiệp sản xuất nước uống đóng chai, giá chưa có thuế GTGT 1 chai nước đóng chai trên thị trường là 4.000 đồng. Công ty Y xuất ra 300 chai nước đóng chai  với mục đích  không phục vụ sản xuất kinh doanh thì Công ty Y phải kê khai, tính thuế GTGT đối với 300 chai nước xuất dùng không phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh nêu trên với giá tính thuế là 4.000 x 300 = 1.200.000 đồng.

– Riêng đối với cơ sở kinh doanh có sử dụng hàng hóa, dịch vụ tiêu dùng nội bộ, luân chuyển nội bộ phục vụ cho sản xuất kinh doanh như vận tải, hàng không, đường sắt, bưu chính viễn thông không phải tính thuế GTGT đầu ra, cơ sở kinh doanh phải có văn bản quy định rõ đối tượng và mức khống chế hàng hóa dịch vụ sử dụng nội bộ theo thẩm quyền quy định.

Căn cứ hướng dẫn tại Điều 6 Thông tư số 09/2011/TT-BTC ngày 21/01/2011 của Bộ Tài chính hướng dẫn về giá tính thuế đối với dịch vụ bảo hiểm.

Đối với dịch vụ bảo hiểm, giá tính thuế GTGT:

Là phí bảo hiểm gốc chưa có thuế GTGT, cộng cả các khoản phụ thu và phí thu thêm ngoài giá dịch vụ mà doanh nghiệp bảo hiểm được hưởng, trừ các khoản phụ thu và khoản trích lập bắt buộc mà doanh nghiệp bảo hiểm phải nộp vào ngân sách nhà nước.

– Trường hợp phí bảo hiểm đã bao gồm thuế GTGT thì giá tính thuế GTGT được xác định như sau:

Giá tính thuế GTGT

=

Phí bảo hiểm đã bao gồm thuế GTGT

1 + Thuế suất (10%)

– Các hợp đồng bảo hiểm, đơn bảo hiểm, giấy chứng nhận bảo hiểm có thỏa thuận thu phí từng kỳ thì giá tính thuế GTGT là số tiền phí bảo hiểm trả từng kỳ; nếu thỏa thuận trả trước một lần thì giá tính thuế là số tiền phí bảo hiểm trả trước một lần chưa có thuế GTGT.

– Đối với hợp đồng đồng bảo hiểm: Giá tính thuế là phí bảo hiểm gốc chưa có thuế GTGT phân bổ theo tỷ lệ đồng bảo hiểm cho từng doanh nghiệp. Trường hợp các doanh nghiệp thống nhất một doanh nghiệp chịu trách nhiệm thu phí thì giá tính thuế đối với doanh nghiệp được ủy quyền là phí bảo hiểm gốc của toàn bộ giá trị hợp đồng bảo hiểm chưa bao gồm thuế GTGT.

Đối với dịch vụ đại lý giám định:

– Đại lý xét bồi thường, đại lý đòi người thứ ba bồi hoàn, đại lý xử lý hàng bồi thường 100% hưởng tiền công hoặc tiền hoa hồng thì giá tính thuế GTGT là tiền công hoặc tiền hoa hồng được hưởng (chưa trừ một khoản phí tổn nào) mà doanh nghiệp bảo hiểm thu được, chưa có thuế GTGT.

Đối với dịch vụ môi giới bảo hiểm:

Là số tiền phí hoa hồng môi giới bảo hiểm nhận được chưa có thuế GTGT trừ đi khoản giảm hoa hồng môi giới bảo hiểm (nếu có).

Các hàng hóa, dịch vụ khác thuộc diện chịu thuế GTGT thực hiện theo quy định của Luật thuế GTGT và các văn bản hướng dẫn hiện hành.

Căn cứ hướng dẫn tại tiết b Khoản 3 Điều 5 Thông tư số 78/2014/TT-BTC ngày 18/6/2014 của BTC thay thế Thông tư số 123/2012/TT-BTC hướng dẫn về doanh thu để tính thu nhập chịu thuế.

Đối với hàng hóa, dịch vụ dùng để trao đổi; tiêu dùng nội bộ (không bao gồm hàng hóa, dịch vụ sử dụng để tiếp tục quá trình sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp) được xác định theo giá bán của sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ cùng loại hoặc tương đương trên thị trường tại thời điểm trao đổi; tiêu dùng nội bộ.

Căn cứ hướng dẫn tại khoản 5 Điều 1 Luật thuế TNDN số 32/2013/QH13 sửa đổi, bổ sung Điều 9 Luật thuế TNDN số 14/2008/QH12 quy định như sau:

Phần chi quảng cáo, tiếp thị, khuyến mại, hoa hồng môi giới, tiếp tân, khánh tiết, hội nghị, hỗ trợ tiếp thị, hỗ trợ chi phí liên quan trực tiếp đến hoạt động sản xuất, kinh doanh vượt quá 15% tổng số chi được trừ. Tổng số chi được trừ không bao gồm các khoản chi quy định tại điểm này; đối với hoạt động thương mại, tổng số chi được trừ không bao gồm giá mua của hàng hóa bán ra.

Căn cứ hướng dẫn tại khoản 2.35 Điều 6 Thông tư số 78/2014/TT-BTC ngày 18/6/2014 của Bộ Tài chính quy định các khoản chi không được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế TNDN.

Các khoản chi của hoạt động kinh doanh bảo hiểm, kinh doanh xổ số, kinh doanh chứng khoán và một số hoạt động kinh doanh đặc thù khác không thực hiện đúng theo văn bản hướng dẫn riêng của Bộ Tài chính.

Căn cứ hướng dẫn tại Điều 13 Chương III Thông tư số 09/2011/TT-BTC ngày 21/1/2011 của Bộ Tài chính quy định một số khoản chi được trừ đối với doanh nghiệp bảo hiểm.

Một số khoản chi được trừ đối với doanh nghiệp bảo hiểm được xác định cụ thể như sau:

– Chi bồi thường theo hợp đồng bảo hiểm gốc (chi bồi thường bảo hiểm gốc đối với bảo hiểm phi nhân thọ, trả tiền bảo hiểm đối với bảo hiểm nhân thọ), hợp đồng tái bảo hiểm sau khi đã trừ đi các khoản phải thu để giảm chi như thu bồi thường nhượng tái bảo hiểm, thu đòi người thứ ba bồi hoàn, thu hàng đã xử lý, bồi thường 100%;

Nguyên tắc chi bồi thường bảo hiểm gốc đối với các doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ: Theo đúng phạm vi bảo hiểm, điều kiện bảo hiểm quy định tại hợp đồng bảo hiểm đã được thỏa thuận giữa các bên và có bằng chứng chứng minh thiệt hại xảy ra.

– Phí nhượng tái bảo hiểm;

– Trích lập dự phòng nghiệp vụ theo quy định của pháp luật về kinh doanh bảo hiểm;

– Chi hoa hồng bảo hiểm, hoa hồng môi giới bảo hiểm theo quy định của pháp luật về kinh doanh bảo hiểm;

– Chi giám định tổn thất theo quy định của pháp luật;

– Chi phí về dịch vụ đại lý bao gồm giám định tổn thất, xét giải quyết bồi thường, yêu cầu người thứ ba bồi hoàn;

– Chi xử lý hàng tổn thất đã được giải quyết bồi thường 100%;

– Chi quản lý đại lý bảo hiểm theo quy định của pháp luật về hoạt động bảo hiểm;

– Chi đề phòng, hạn chế tổn thất theo quy định;

 

Trả lời công văn số 10021/CT-TTHT ngày 20/11/2014 của Cục Thuế thành phố Hồ Chí Minh về chính sách thuế GTGT, TNDN đối với hàng hóa tiêu dùng nội bộ, khuyến mại, biếu tặng, Tổng cục Thuế có ý kiến như sau:

Căn cứ các hướng dẫn trên, trường hợp Tổng Công ty CP bảo hiểm Bảo Long dùng dịch vụ bảo hiểm của Tổng Công ty để bảo hiểm cho chính tài sản của đơn vị hoặc dùng để cho, biếu, tặng, khuyến mại và tiêu dùng nội bộ thì:

– Về chính sách thuế GTGT, hóa đơn:

Đối với dịch vụ bảo hiểm dùng để khuyến mại theo quy định của pháp luật về thương mại, giá tính thuế được xác định bằng không (0); trường hợp dịch vụ bảo hiểm dùng để khuyến mại nhưng không thực hiện theo quy định của pháp luật về thương mại thì phải kê khai, tính nộp thuế như hàng hóa, dịch vụ dùng để biếu, tặng, ch., Đối với dịch vụ bảo hiểm tiêu dùng nội bộ phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh của Tổng Công ty thì Tổng Công ty không lập hóa đơn GTGT và không phải kê khai, tính nộp thuế GTGT.

– Về chính sách thuế TNDN:

Tổng Công ty không phải ghi nhận doanh thu tính thuế thu nhập doanh nghiệp. Khi phát sinh chi phí tái bảo hiểm hoặc xảy ra sự cố phải bồi thường theo quy định của pháp luật về kinh doanh bảo hiểm thì khoản chi này được thực hiện theo hướng dẫn tại Thông tư số 09/2011/TT-BTC ngày 21/1/2011 nêu trên.

 

Tìm hiểu thêm về kế toán, kiểm toán, thuế tại calico.vn hoặc kiemtoancalico.com

Bài viết có ích cho bạn?
Banner-post-thu-vien-calico_960x300
Bài viết có ích cho bạn?

NGHIỆP VỤ CALICO