Chính sách thuế GTGT đối với dự án sử dụng tiền viện trợ không hoàn lại, viện trợ nhân đạo

31/01/2018 773 lượt xem    

Mục lục bài viết

Các dự án sử dụng tiền viện trợ không hoàn lại, viện trợ nhân đạo cần phải tuân thủ các quy định gì về Chính sách thuế GTGT? Bài viết sau sẽ hướng dẫn các bạn về Chính sách thuế GTGT đối với dự án sử dụng tiền viện trợ không hoàn lại, viện trợ nhân đạo theo hướng dẫn tại Công văn số 2608/TCT-KK ngày 15 tháng 06 năm 2017, cụ thể như sau:

– Căn cứ các quy định tại Khoản 12, khoản 19.e Điều 4 Thông tư số 219/2013/TT-BTC ngày 31/12/2013 của Bộ Tài chính quy định đối tượng không chịu thuế GTGT:

“12. Duy tu, sửa chữa, xây dựng bằng nguồn vốn đóng góp của nhân dân (bao gồm cả vốn đóng góp, tài trợ của tổ chức, cá nhân), vốn viện trợ nhân đạo đối với các công trình văn hóa, nghệ thuật, công trình phục vụ công cộng, cơ sở hạ tầng và nhà ở cho đối tượng chính sách xã hội.

Trường hợp có sử dụng nguồn vốn khác ngoài vốn đóng góp của nhân dân, vốn viện trợ nhân đạo mà nguồn vốn khác không vượt quá 50% tổng số nguồn vốn sử dụng cho công trình thì đối tượng không chịu thuế là toàn bộ giá trị công trình.

Trường hợp có sử dụng nguồn vốn khác ngoài vốn đóng góp của nhân dân, vốn viện trợ nhân đạo mà nguồn vốn khác vượt quá 50% tổng số nguồn vốn sử dụng cho công trình thì toàn bộ giá trị công trình thuộc đối tượng chịu thuế GTGT.

Đối tượng chính sách xã hội bao gồm: người có công theo quy định của pháp luật về người có công; đối tượng bảo trợ xã hội hưởng trợ cấp từ ngân sách nhà nước; người thuộc hộ nghèo, cận nghèo và các trường hợp khác theo quy định của pháp luật.”

“19. Hàng nhập khẩu và hàng hóa, dịch vụ bán cho các tổ chức, cá nhân để viện trợ nhân đạo, viện trợ không hoàn lại trong các trường hợp sau:

e) Hàng hóa, dịch vụ bán cho tổ chức, cá nhân nước ngoài, tổ chức quốc tế để viện trợ nhân đạo, viện trợ không hoàn lại cho Việt Nam.

Thủ tục để các tổ chức quốc tế, người nước ngoài mua hàng hóa, dịch vụ tại Việt Nam để viện trợ nhân đạo, viện trợ không hoàn lại cho Việt Nam không chịu thuế GTGT: các tổ chức quốc tế, người nước ngoài phải có văn bản gửi cho cơ sở bán hàng, trong đó ghi rõ tên tổ chức quốc tế, người nước ngoài mua hàng hóa, dịch vụ để viện trợ nhân đạo, viện trợ không hoàn lại cho Việt Nam, số lượng hoặc giá trị loại hàng mua; xác nhận của Bộ Tài chính hoặc Sở Tài chính về khoản viện trợ này.

Khi bán hàng, cơ sở kinh doanh phải lập hóa đơn theo quy định của pháp luật về hóa đơn, trên hóa đơn ghi rõ là hàng bán cho tổ chức, cá nhân nước ngoài, tổ chức quốc tế để viện trợ không hoàn lại, viện trợ nhân đạo không tính thuế GTGT và lưu giữ văn bản của tổ chức quốc tế hoặc của cơ quan đại diện của Việt Nam để làm căn cứ kê khai thuế. Trường hợp tổ chức, cá nhân nước ngoài, tổ chức quốc tế mua hàng hóa, dịch vụ tại Việt Nam để viện trợ không hoàn lại, viện trợ nhân đạo có thuế GTGT thì thuộc trường hợp hoàn thuế theo hướng dẫn tại khoản 6 Điều 18 Thông tư này.

Căn cứ các quy định tại Khoản 7.a Điều 14 Thông tư số 219/2013/TT-BTC ngày 31/12/2013 của Bộ Tài chính quy định nguyên tắc khấu trừ thuế GTGT đầu vào:

“7. Thuế GTGT đầu vào của hàng hóa, dịch vụ sử dụng cho sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ không chịu thuế GTGT hướng dẫn tại Điều 4 Thông tư này không được khấu trừ, trừ các trường hợp sau:

a) Thuế GTGT của hàng hóa, dịch vụ mà cơ sở kinh doanh mua vào để sản xuất kinh doanh hàng hóa, dịch vụ cung cấp cho tổ chức, cá nhân nước ngoài, tổ chức quốc tế để viện trợ nhân đạo, viện trợ không hoàn lại hướng dẫn tại khoản 19 Điều 4 Thông tư này được khấu trừ toàn bộ.”

– Căn cứ các quy định tại Khoản 6.b Điều 18 Thông tư số 219/2013/TT-BTC ngày 31/12/2013 của Bộ Tài chính, được sửa đổi, bổ sung tại khoản 3 Điều 1 Thông tư số 130/2016/TT-BTC ngày 12/8/2016 của Bộ Tài chính hướng dẫn về đối tượng và trường hợp được hoàn thuế GTGT:

“6. Hoàn thuế GTGT đối với các chương trình, dự án sử dụng nguồn vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) không hoàn lại hoặc viện trợ không hoàn lại, viện trợ nhân đạo:

a) Đối với dự án sử dụng vốn ODA không hoàn lại: chủ chương trình, dự án hoặc nhà thầu chính, tổ chức do phía nhà tài trợ nước ngoài chỉ định việc quản lý chương trình, dự án được hoàn lại số thuế GTGT đã trả đối với hàng hóa, dịch vụ mua ở Việt Nam để sử dụng cho chương trình, dự án.

Trả lời công văn số 1587/CT-THNVDT đề ngày 04/5/2017 của Cục Thuế thành phố Đà Nẵng về chính sách thuế GTGT đối với dự án sử dụng tiền viện trợ không hoàn lại, viện trợ nhân đạo, Tổng cục Thuế có ý kiến như sau:

Căn cứ các quy định nêu trên và theo Hồ sơ thực tế của Công ty TNHH Chương Dương, trường hợp Công ty TNHH Chương Dương ký hợp đồng số W911KB-12-D-0009-0012 ngày 15/9/2014 với Chủ đầu tư là U.S. ARMY ENGINEER DISTRICT, AK và Đại sứ quán Hoa Kỳ tại Hà Nội về việc thiết kế và xây dựng công trình Trường trung học cơ sở Hải Sơn (xã Hải Sơn, huyện Hải Lăng, tỉnh Quảng Trị) từ nguồn vốn viện trợ không hoàn lại của Bộ tư lệnh Thái Bình Dương Hoa Kỳ thì hoạt động này thuộc đối tượng không chịu thuế GTGT. Công ty TNHH Chương Dương không phải tính thuế GTGT đầu ra đối với hoạt động xây dựng công trình Trường trung học cơ sở Hải Sơn. Đồng thời, Công ty được kê khai khấu trừ và hoàn thuế GTGT đầu vào đã trả của hàng hóa, dịch vụ mua vào để phục vụ cho hoạt động xây dựng công trình Trường trung học cơ sở Hải Sơn từ nguồn vốn viện trợ không hoàn lại theo quy định.

Chúc các bạn thành công!

Tìm hiểu thêm về kế toán, kiểm toán, thuế tại calico.vn hoặc kiemtoancalico.com

Calico2

 

 

Bài viết có ích cho bạn?
Banner-post-thu-vien-calico_960x300
Bài viết có ích cho bạn?

NGHIỆP VỤ CALICO