Kê khai, nộp thuế GTGT đối với doanh nghiệp chế xuất

29/01/2018 1063 lượt xem    

Hướng dẫn về kê khai, nộp thuế GTGT đối với doanh nghiệp chế xuất

– Tại khoản 7, Điều 1, Nghị định số 114/NĐ-CP ngày 09/11/2015 của Chính Phủ, sửa đổi, bổ sung Điều 21 Nghị định số 29/2008/NĐ-CP ngày 14 tháng 3 năm 2008 của Chính phủ có quy định về khu công nghiệp, khu chế xuất và khu kinh tế đã được sửa đổi, bổ sung tại Nghị định số 164/2013/NĐ-CP ngày 12 tháng 11 năm 2013 như sau:

Doanh nghiệp chế xuất được cấp Giấy phép kinh doanh hoạt động mua bán hàng hóa và các hoạt động liên quan trực tiếp đến mua bán hàng hóa tại Việt Nam phải mở sổ kế toán hạch toán riêng doanh thu, chi phí liên quan đến hoạt động mua bán hàng hóa tại Việt Nam và bố trí khu vực lưu giữ hàng hóa ngăn cách với khu vực lưu giữ hàng hóa phục vụ hoạt động sản xuất của doanh nghiệp chế xuất hoặc thành lập chi nhánh riêng nằm ngoài doanh nghiệp chế xuất, khu chế xuất để thực hiện hoạt động này.

– Tại khoản 6, Điều 3, Thông tư số 219/2013/TT-BTC ngày 31/12/2013 của Bộ Tài chính có quy định về người nộp thuế như sau:

Chi nhánh của doanh nghiệp chế xuất được thành lập để hoạt động mua bán hàng hóa và các hoạt động liên quan trực tiếp đến mua bán hàng hóa tại Việt Nam theo quy định của pháp luật về khu công nghiệp; khu chế xuất và khu kinh tế.

Ví dụ: Công ty TNHH Sanko là doanh nghiệp chế xuất. Ngoài hoạt động sản xuất để xuất khẩu Công ty TNHH Sanko còn được cấp phép thực hiện quyền nhập khẩu để bán ra hoặc để xuất khẩu, Công ty TNHH Sanko phải thành lập chi nhánh để thực hiện hoạt động này theo quy định của pháp luật thì Chi nhánh hạch toán riêng và kê khai, nộp thuế GTGT riêng đối với hoạt động này, không hạch toán chung vào hoạt động sản xuất để xuất khẩu.

Khi nhập khẩu hàng hóa để thực hiện phân phối (bán ra), Chi nhánh Công ty TNHH Sanko thực hiện kê khai, nộp thuế GTGT ở khâu nhập khẩu và khi bán ra (bao gồm cả xuất khẩu), Công ty TNHH Sanko sử dụng hóa đơn, kê khai, nộp thuế GTGT theo quy định”.

   – Tại Khoản 1, Điều 5, Thông tư số 119/2014/TT-BTC ngày 25/08/2014 của Bộ Tài chính sửa đổi, bổ sung Khoản 2, Điều 3, Thông tư số 39/2014/TT-BTC ngày 31/3/2014 của Bộ Tài chính có quy định về hoá đơn bán hàng dùng cho các đối tượng sau đây:

Hóa đơn giá trị gia tăng (mẫu số 3.1 Phụ lục 3 và mẫu số 5.1 Phụ lục 5 ban hành kèm theo Thông tư này) là loại hóa đơn dành cho các tổ chức khai, tính thuế giá trị gia tăng theo phương pháp khấu trừ trong các hoạt động sau:

– Bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ trong nội địa;

– Hoạt động vận tải quốc tế;

– Xuất vào khu phi thuế quan và các trường hợp được coi như xuất khẩu;

– Doanh nghiệp B là doanh nghiệp khai thuế giá trị gia tăng theo phương pháp khấu trừ vừa có hoạt động bán hàng trong nước vừa có hoạt động bán hàng cho tổ chức, cá nhân trong khu phi thuế quan. Doanh nghiệp B sử dụng hóa đơn GTGT cho hoạt động bán hàng trong nước và cho hoạt động bán hàng vào khu phi thuế quan.”

   – Tại Khoản 10, Điều 1, Thông tư số 26/2015/TT-BTC ngày 27/02/2015 của Bộ Tài chính sửa đổi, bổ sung Điều 15, Thông tư số 219/2013/TT-BTC ngày 31/12/2013 của Bộ Tài chính có quy định điều kiện khấu trừ thuế giá trị gia tăng đầu vào như sau:

– Có hóa đơn giá trị gia tăng hợp pháp của hàng hóa, dịch vụ mua vào hoặc chứng từ nộp thuế giá trị gia tăng khâu nhập khẩu hoặc chứng từ nộp thuế GTGT thay cho phía nước ngoài theo hướng dẫn của Bộ Tài chính áp dụng đối với các tổ chức nước ngoài không có tư cách pháp nhân Việt Nam và cá nhân nước ngoài kinh doanh hoặc có thu nhập phát sinh tại Việt Nam.

– Có chứng từ thanh toán không dùng tiền mặt đối với hàng hóa, dịch vụ mua vào (bao gồm cả hàng hóa nhập khẩu) từ hai mươi triệu đồng trở lên, trừ các trường hợp giá trị hàng hóa, dịch vụ nhập khẩu từng lần có giá trị dưới hai mươi triệu đồng, hàng hóa, dịch vụ mua vào từng lần theo hóa đơn dưới hai mươi triệu đồng theo giá đã có thuế GTGT và trường hợp cơ sở kinh doanh nhập khẩu hàng hóa là quà biếu, quà tặng của tổ chức, cá nhân ở nước ngoài.

– Chứng từ thanh toán không dùng tiền mặt gồm chứng từ thanh toán qua ngân hàng và chứng từ thanh toán không dùng tiền mặt khác hướng dẫn tại khoản 3 và khoản 4 Điều này …”.

   – Tại Điều 9, TT số 219/2013/TT-BTC ngày 31/12/2013 của BTC có quy định thuế suất 0% như sau:

Thuế suất 0%: áp dụng đối với hàng hoá, dịch vụ xuất khẩu; hoạt động xây dựng, lắp đặt công trình ở nước ngoài và ở trong khu phi thuế quan; vận tải quốc tế; hàng hoá; dịch vụ thuộc diện không chịu thuế GTGT khi xuất khẩu; trừ các trường hợp không áp dụng mức thuế suất 0% hướng dẫn tại khoản 3 Điều này.

Hàng hóa, dịch vụ xuất khẩu là hàng hóa, dịch vụ được bán, cung ứng cho tổ chức; cá nhân ở nước ngoài và tiêu dùng ở ngoài Việt Nam; bán, cung ứng cho tổ chức, cá nhân trong khu phi thuế quan; hàng hóa, dịch vụ cung cấp cho khách hàng nước ngoài theo quy định của pháp luật.

Điều kiện áp dụng thuế suất 0%:

– Có hợp đồng bán, gia công hàng hóa xuất khẩu; hợp đồng ủy thác xuất khẩu;

– Có chứng từ thanh toán tiền hàng hóa XK qua ngân hàng và các chứng từ khác theo QĐPL:

– Có tờ khai hải quan theo quy định tại khoản 2 Điều 16 Thông tư này”.

– Tại điểm 4.b, khoản 3, Điều 1, TT số 130/2016/TT-BTC ngày 12/8/2016 của BTC sửa đổi; bổ sung một số điều của Thông tư số 219/2013/TT-BTC ngày 31/12/2013 của Bộ Tài chính quy định đối tượng hoàn thuế GTGT như sau:

CSKD không được hoàn thuế đối với trường hợp hàng hóa nhập khẩu sau đó xuất khẩu; hàng hóa xuất khẩu không thực hiện việc xuất khẩu tại địa bàn hoạt động hải quan theo quy định của Luật Hải quan, Nghị định số 01/2015/NĐ-CP ngày 02/01/2015 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành phạm vi địa bàn hoạt động hải quan, trách nhiệm phối hợp trong phòng, chống buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới và các văn bản hướng dẫn.

   Ví dụ: Công ty thương mại A nhập khẩu 500 chiếc điều hòa từ Nhật Bản và đã nộp thuế GTGT ở khâu nhập khẩu. Sau đó Công ty thương mại A xuất khẩu 500 chiếc điều hòa này sang Campuchia thì Công ty thương mại A không phải tính thuế GTGT đầu ra, số thuế GTGT của 500 chiếc điều hòa này đã nộp ở khâu nhập khẩu và thuế GTGT đầu vào của dịch vụ vận chuyển, lưu kho không được hoàn thuế mà thực hiện khấu trừ.”

Tổng cục Thuế nhận được công văn số 6255/CT-TTHT ngày 30/12/2016 bổ sung cho công văn số 5443/CT-TTHT ngày 14/11/2016 của Cục Thuế tỉnh Nam Định về chính sách thuế GTGT đối với doanh nghiệp chế xuất. Về vấn đề này, Tổng cục Thuế có ý kiến như sau:

– Ngày 12/10/2016, Tổng cục Thuế đã có công văn số 4698/TCT-CS đề nghị Cục Thuế tỉnh Nam Định “phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Nam Định, Ban Quản lý các Khu Công nghiệp tỉnh Nam Định để xác định các dự án đầu tư của Công ty TNHH Smart Shirt Garments Manufacturing Bảo Minh có thuộc phạm vi của doanh nghiệp chế xuất theo quy định của pháp luật về khu công nghiệp, khu chế xuất hay không để hướng dẫn Công ty thực hiện theo quy định.

– Về việc kê khai, khấu trừ thuế GTGT đối với các khoản chi phí trước khi thành lập doanh nghiệp, Tổng cục Thuế đã có công văn số 1495/TCT-CS ngày 17/4/2015 và công văn số 137/TCT-CS ngày 12/01/2016 trả lời Cục Thuế tỉnh Tây Ninh, trong đó hướng dẫn các khoản chi phí trước khi thành lập doanh nghiệp do tổ chức, cá nhân khác chi hộ, khi tổ chức, cá nhân đã thực hiện chi hộ xuất hóa đơn GTGT cho doanh nghiệp mới thành lập, đồng thời đã kê khai và nộp thuế GTGT đầu ra thì doanh nghiệp mới thành lập được kê khai, khấu trừ thuế GTGT đầu vào của hóa đơn GTGT ứng với các khoản chi phí mà tổ chức, cá nhân đã chi hộ trước khi thành lập mới doanh nghiệp (bản photocopy công văn kèm theo).

– Đề nghị Cục Thuế tỉnh Nam Định nghiên cứu chính sách và căn cứ tình hình thực tế để xử lý phù hợp, tránh gây vướng mắc kéo dài.

 

Chúc các bạn thành công!

Tìm hiểu thêm về kế toán, kiểm toán, thuế tại calico.vn hoặc kiemtoancalico.com

Bài viết có ích cho bạn?
Banner-post-thu-vien-calico_960x300
Bài viết có ích cho bạn?

NGHIỆP VỤ CALICO