Mục lục bài viết
- 1 Công văn số 1179/CTHN-TTHT ngày 11/01/2021V/v hình thức kê khai và lập bảng phân bổ số thuế phải nộp
- 2 – Căn cứ Luật Quản lý thuế số 38/2019/QH14 ngày 13/6/2019 của Quốc hội.
- 2.1 + Tại Khoản 3 Điều 42 quy định nguyên tắc khai thuế, tính thuế:
- 2.2 + Tại Khoản 1 Điều 151 quy định hiệu lực thi hành:
- 2.3 – Căn cứ Nghị định 126/2020/NĐ-CP ngày 19/10/2020 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Quản lý thuế số 38/2019/QH14.
- 2.4 + Tại điểm a Khoản 3 Điều 7 quy định các trường hợp không phải nộp hồ sơ khai thuế:
- 2.5 + Tại Khoản 2 Điều 11 quy định địa điểm nộp hồ sơ khai thuế:
- 2.6 + Tại Khoản 1 Điều 42 quy định hiệu lực thi hành:
- 2.7 Căn cứ các quy định nêu trên,
- 2.8 Các bài viết liên quan:
- 2.9 Mọi chi tiết xin liên hệ:
Công văn số 1179/CTHN-TTHT ngày 11/01/2021
V/v hình thức kê khai và lập bảng phân bổ số thuế phải nộp
Kính gửi: Công ty TNHH Niinuma Tomofarm
(Địa chỉ: Tầng 29 Tòa nhà trung tâm thương mại và dịch vụ Ngọc Khánh, Số 1 Phạm Huy Thông, P.Ngọc Khánh, Q.Ba Đình, TP Hà Nội – MST: 0109273157)
Trả lời công văn số 01.2020/CV-CS ngày 23/12/2020 của Công ty TNHH Niinuma Tomofarm (sau đây gọi tắt là Công ty); hỏi về hình thức kê khai và lập bảng phân bổ số thuế phải nộp theo Nghị định 126/2020/NĐ-CP , Cục Thuế TP Hà Nội có ý kiến như sau:
– Căn cứ Luật Quản lý thuế số 38/2019/QH14 ngày 13/6/2019 của Quốc hội.
+ Tại Khoản 3 Điều 42 quy định nguyên tắc khai thuế, tính thuế:
“3. Người nộp thuế thực hiện khai thuế, tính thuế tại cơ quan thuế địa phương có thẩm quyền nơi có trụ sở. Trường hợp người nộp thuế hạch toán tập trung tại trụ sở chính; có đơn vị phụ thuộc tại đơn vị hành chính cấp tỉnh khác nơi có trụ sở chính thì người nộp thuế khai thuế tại trụ sở chính và tính thuế phân bổ nghĩa vụ thuế phải nộp theo từng địa phương nơi được hưởng nguồn thu ngân sách nhà nước. Bộ trưởng Bộ Tài chính quy định chi tiết khoản này.”
+ Tại Khoản 1 Điều 151 quy định hiệu lực thi hành:
“1. Luật này có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 7 năm 2020, trừ trường hợp quy định tại khoản 2 Điều này.
…
3. Luật Quản lý thuế số 78/2006/QH11 đã được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Luật số 21/2012/QH13, Luật số 71/2014/QH13 và Luật số 106/2016/QH13 hết hiệu lực kể từ ngày Luật này có hiệu lực thi hành, trừ trường hợp quy định tại khoản 1 Điều 152 của Luật này.”
– Căn cứ Nghị định 126/2020/NĐ-CP ngày 19/10/2020 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Quản lý thuế số 38/2019/QH14.
+ Tại điểm a Khoản 3 Điều 7 quy định các trường hợp không phải nộp hồ sơ khai thuế:
“3. Người nộp thuế không phải nộp hồ sơ khai thuế trong các trường hợp sau đây:
a) Người nộp thuế chỉ có hoạt động, kinh doanh thuộc đối tượng không chịu thuế theo quy định của pháp luật về thuế đối với từng loại thuế.”
+ Tại Khoản 2 Điều 11 quy định địa điểm nộp hồ sơ khai thuế:
“2. Địa điểm nộp hồ sơ khai thuế đối với người nộp thuế có hoạt động, kinh doanh trên nhiều địa bàn cấp tỉnh khác nơi người nộp thuế có trụ sở chính theo quy định tại điểm b khoản 4 Điều 45 Luật Quản lý thuế thực hiện hạch toán tập trung tại trụ sở chính (trừ các trường hợp quy định tại khoản 1, khoản 3, khoản 4, khoản 5 và khoản 6 Điều này) tại cơ quan thuế quản lý trụ sở chính.
Đồng thời, người nộp thuế phải nộp Bảng phân bổ số thuế phải nộp (nếu có) theo từng địa bàn cấp tỉnh nơi được hưởng nguồn thu ngân sách nhà nước (bao gồm cả đơn vị phụ thuộc, địa điểm kinh doanh) cho cơ quan thuế quản lý trụ sở chính trừ một số trường hợp sau đây không phải nộp Bảng phân bổ số thuế phải nộp:
a) Thuế giá trị gia tăng của hoạt động kinh doanh vận tải của người nộp thuế mà các tuyến đường vận tải đi qua địa bàn các tỉnh khác nơi người nộp thuế đóng trụ sở chính.
b) Thuế giá trị gia tăng của hoạt động kinh doanh bảo hiểm và tái bảo hiểm.
c) Thuế giá trị gia tăng của hoạt động kinh doanh xây dựng (bao gồm cả xây dựng đường giao thông, đường dây tải điện, đường ống dẫn nước, đường ống dẫn dầu, đường ống dẫn khí) tại địa bàn cấp tỉnh khác nơi có trụ sở chính nhưng không thành lập đơn vị phụ thuộc; địa điểm kinh doanh tại địa bàn cấp tỉnh đó mà giá trị công trình xây dựng bao gồm cả thuế giá trị gia tăng dưới 1 tỷ đồng.
d) Thuế thu nhập doanh nghiệp của đơn vị phụ thuộc; địa điểm kinh doanh có thu nhập được hưởng ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp. Người nộp thuế phải xác định riêng số thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp cho hoạt động được hưởng ưu đãi với cơ quan thuế quản lý nơi có đơn vị phụ thuộc; địa điểm kinh doanh và không được tính phân bổ cho đơn vị phụ thuộc; địa điểm kinh doanh khác của người nộp thuế.
đ) Thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp của đơn vị phụ thuộc; địa điểm kinh doanh của người nộp thuế là doanh nghiệp siêu nhỏ theo quy định của pháp luật về hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa.
e) Lợi nhuận sau thuế còn lại sau khi trích lập các quỹ (trừ lợi nhuận sau thuế của hoạt động xổ số điện toán).
…”
+ Tại Khoản 1 Điều 42 quy định hiệu lực thi hành:
“1. Nghị định này có hiệu lực thi hành từ ngày 05 tháng 12 năm 2020.”
– Căn cứ Khoản 1 Điều 4 Thông tư 219/2013/TT-BTC ngày 31/12/2013 của Bộ Tài chính; Nghị định số 209/2013/NĐ-CP ngày 18/12/2013 của Chính phủ:
“1. Sản phẩm trồng trọt (bao gồm cả sản phẩm rừng trồng); chăn nuôi; thủy sản; hải sản nuôi trồng, đánh bắt chưa chế biến thành các sản phẩm khác hoặc chỉ qua sơ chế thông thường của tổ chức; cá nhân tự sản xuất; đánh bắt bán ra và ở khâu nhập khẩu….”
Căn cứ các quy định nêu trên,
Công ty không phải nộp hồ sơ khai thuế GTGT trong trường hợp Công ty chỉ có hoạt động bán sản phẩm trồng trọt chưa chế biến thành các sản phẩm khác hoặc chỉ qua sơ chế thông thường của Công ty tự sản xuất bán ra thuộc đối tượng không chịu thuế GTGT theo hướng dẫn tại Khoản 3 Điều 7 Nghị định 126/2020/NĐ-CP của Chính phủ.
Địa điểm nộp hồ sơ khai thuế đối với trường hợp Công ty có hoạt động; kinh doanh trên nhiều địa bàn cấp tỉnh khác nơi có trụ sở chính, thực hiện hạch toán tập trung tại trụ sở chính (trừ các trường hợp quy định tại khoản 1; khoản 3; khoản 4; khoản 5; khoản 6 Điều 11 Nghị định 126/2020/NĐ-CP) thì thực hiện nộp tại cơ quan thuế quản lý trụ sở chính.
Đồng thời, Công ty phải nộp Bảng phân bổ số thuế phải nộp (nếu có) theo từng địa bàn cấp tỉnh nơi được hưởng nguồn thu ngân sách nhà nước (bao gồm cả đơn vị phụ thuộc, địa điểm kinh doanh) cho cơ quan thuế quản lý trụ sở chính trừ một số trường hợp quy định tại điểm a, b, c, d, đ, e Khoản 2 Điều 11 Nghị định 126/2020/NĐ-CP không phải nộp Bảng phân bổ số thuế phải nộp. Trường hợp Công ty không phát sinh số thuế phải nộp tại các địa bàn cấp tỉnh khác nơi đóng trụ sở chính thì không phải nộp Bảng phân bổ số thuế phải nộp.
Tại Khoản 3 Điều 42 Luật Quản lý thuế số 38/2019/QH14 giao Bộ Tài chính quy định chi tiết nguyên tắc khai thuế; tính thuế đối với trường hợp người nộp thuế hạch toán tập trung tại trụ sở chính; có đơn vị phụ thuộc tại đơn vị hành chính cấp tỉnh khác nơi có trụ sở chính.
Hiện nay, Bộ Tài chính đang xây dựng Thông tư hướng dẫn Nghị định số 126/2020/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Quản lý thuế trong đó sẽ hướng dẫn cụ thể về việc khai thuế và việc phân bổ số thuế phải nộp. Cục Thuế TP Hà Nội sẽ đăng tải nội dung trên trang web https://hanoi.gdt.gov.vn để hướng dẫn người nộp thuế khi các văn bản được ban hành.
Đề nghị Công ty căn cứ tình hình thực tế tại đơn vị và đối chiếu với các văn bản quy phạm pháp luật nêu trên để kê khai và nộp thuế theo đúng quy định. Trong quá trình thực hiện chính sách thuế, trường hợp còn vướng mắc; đề nghị liên hệ với Phòng Thanh tra – Kiểm Tra số 2 để được hỗ trợ giải quyết.
Cục Thuế TP/Hà Nội trả lời để Công ty TNHH Niinuma Tomofarm được biết và thực hiện./.
Các bài viết liên quan:
Mọi chi tiết xin liên hệ:
- Hãng kiểm toán Calico
- Địa chỉ: Tầng 29, Tòa Đông, Lotte Center Hà Nội.
- Số 54 Liễu Giai, Phường Cống Vị, Quận Ba Đình, TP. Hà Nội.
- VPGD: Phòng 2302, Tháp B, Toà nhà The Light, đường Tố Hữu, Phường Trung Văn, Quận Nam Từ Liêm, TP. Hà Nội.
- Hotline: 0966.246.800
- Email: calico.vn@gmail.com
- Website: KiemToanCalico.com | www.calico.vn