BỘ TÀI CHÍNH |
CỘNG
HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 5820/TCHQ-PC |
Hà Nội, ngày 10 tháng 12 năm 2021 |
Kính gửi: |
– Các Cục Hải quan tỉnh, thành phố; |
Ngày 13 tháng 11 năm 2020, Quốc hội đã thông qua Luật số 67/2020/QH14 sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính, Luật có hiệu lực kể từ ngày 01 tháng 01 năm 2022. Ngày 16 tháng 11 năm 2021, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 102/2021/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của các Nghị định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thuế, hóa đơn; hải quan; kinh doanh bảo hiểm, kinh doanh xổ số; quản lý, sử dụng tài sản công; thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; dự trữ quốc gia; kho bạc nhà nước; kế toán, kiểm toán độc lập, Nghị định 102/2021/NĐ-CP có hiệu lực thi hành cùng ngày với Luật 67/2020/QH14.
Luật số 67/2020/QH14 sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính, Nghị định 102/2021/NĐ-CP có một số thay đổi so với Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012 và Nghị định 128/2020/NĐ-CP ngày 19/10/2020 (Chi tiết nội dung mới của theo tài liệu gửi kèm công văn này).
Để triển khai thực hiện các văn bản này kịp thời, đầy đủ, đúng quy định khi các văn bản này có hiệu lực thi hành, Tổng cục Hải quan yêu cầu:
Đồng thời, công khai, tuyên truyền, phổ biến về nội dung của Luật số 67/2020/QH14, Nghị định 102/2021/NĐ-CP ngày 16/11/2021 cho người khai hải quan, người nộp thuế biết, thực hiện.
Tổng cục Hải quan thông báo để các đơn vị biết, thực hiện./.
|
KT. TỔNG CỤC
TRƯỞNG |
LUẬT
SỬA ĐỔI, BỔ SUNG MỘT SỐ ĐIỀU CỦA LUẬT XỬ LÝ VI PHẠM HÀNH CHÍNH NĂM 2020, NGHỊ ĐỊNH
102/2021/NĐ-CP NGÀY 16/11/2021
(Ban hành kèm theo công văn số 5820/TCHQ–PC ngày 10 tháng 12 năm 2021 của Tổng cục Hải
quan)
Ngày 13 tháng 11 năm 2020, Quốc hội đã thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính (sau đây viết tắt là Luật số 67/2020/QH14), Luật này có hiệu lực kể từ ngày 01 tháng 01 năm 2022.
Ngày 16 tháng 11 năm 2021, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 102/2021/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của các Nghị định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thuế, hóa đơn; hải quan; kinh doanh bảo hiểm, kinh doanh xổ số; quản lý, sử dụng tài sản công; thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; dự trữ quốc gia; kho bạc nhà nước; kế toán, kiểm toán độc lập (sau đây viết tắt là Nghị định 102/2021/NĐ-CP). Theo đó, tại Điều 2 Nghị định này đã sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 128/2020/NĐ-CP ngày 19/10/2020 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực hải quan. Nghị định 102/2021/NĐ-CP có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 01 năm 2022.
Tổng cục Hải quan giới thiệu một số nội dung mới, cơ bản của Luật số 67/2020/QH14 và Nghị định 102/2021/NĐ-CP. Cụ thể như sau:
Luật số 67/2020/QH14, Nghị định 102/2021/NĐ-CP đã sửa đổi, bổ sung một số quy định chung tại Phần thứ nhất của Luật XLVPHC bao gồm:
1.1. Về khái niệm tái phạm
Khoản 1 Điều 1 Luật số 67/2020/QH14 đã sửa đổi, bổ sung khái niệm tái phạm quy định tại khoản 5 Điều 2 Luật XLVPHC theo hướng quy định rõ hơn khái niệm tái phạm so với hiện nay. Theo đó, tái phạm là việc cá nhân, tổ chức đã bị ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính nhưng chưa hết thời hạn được coi là chưa bị xử phạt vi phạm hành chính mà lại thực hiện hành vi vi phạm hành chính đã bị xử phạt.
1.2. Về nguyên tắc xử phạt đối với vi phạm hành chính nhiều lần
Điểm d khoản 1 Điều 3 Luật XLVPHC quy định: Một người “vi phạm hành chính nhiều lần thì bị xử phạt về từng hành vi vi phạm”. Trong khi đó, điểm b khoản 1 Điều 10 Luật XLVPHC lại quy định “vi phạm hành chính nhiều lần” là tình tiết tăng nặng, theo đó, đây là tình tiết được người có thẩm quyền xem xét khi quyết định xử phạt vi phạm hành chính. Do vậy, Luật số 67/2020/QH14 đã sửa đổi, bổ sung nguyên tắc xử lý vi phạm hành chính đối với vi phạm hành chính nhiều lần tại điểm d khoản 1 Điều 3 của Luật XLVPHC như sau: Một người thực hiện vi phạm hành chính nhiều lần thì bị xử phạt về từng hành vi vi phạm, trừ trường hợp hành vi vi phạm hành chính nhiều lần được Chính phủ quy định là tình tiết tăng nặng.
Trên cơ sở quy định của Luật số 67/2020/QH14, khoản 1 Điều 2 Nghị định 102/2021/NĐ-CP đã bổ sung Điều 2a sau Điều 2 Nghị định 128/2020/NĐ-CP để cụ thể quy định nêu trên của Luật số 67/2020/QH14 theo hướng: Một số hành vi vi phạm sẽ bị xử phạt về từng hành vi vi phạm, một số hành vi vi phạm bị xử phạt một lần và áp dụng tình tiết tăng nặng vi phạm nhiều lần đối với vi phạm đó, cụ thể:
“Điều 2a. Nguyên tắc xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực hải quan đối với vi phạm hành chính nhiều lần
Tổ chức, cá nhân thực hiện vi phạm hành chính nhiều lần thì bị xử phạt về từng hành vi vi phạm, trừ các trường hợp sau: thực hiện từng hành vi vi phạm quy định tại các điểm a, b, d khoản 1, điểm a khoản 3 Điều 7; các khoản 1, 2, 3, điểm d khoản 4, các điểm a, b, c, d khoản 6 Điều 8; điểm a khoản 1, điểm b khoản 2 Điều 11 Nghị định này trên nhiều tờ khai/chứng từ thuộc hồ sơ hải quan ở các thời điểm đăng ký tờ khai hải quan khác nhau, được phát hiện ở cùng một thời điểm nhưng chưa bị xử lý và chưa hết thời hiệu xử lý thì xử phạt vi phạm hành chính một lần về hành vi vi phạm, đồng thời áp dụng tình tiết tăng nặng vi phạm hành chính nhiều lần đối với hành vi vi phạm hành chính đó.”
1.3. Về quy định hành vi vi phạm hành chính đã kết thúc, hành vi vi phạm đang thực hiện
Tại khoản 3 Điều 1 Luật số 67/2020/QH14 giao Chính phủ quy định hành vi vi phạm hành chính đã kết thúc, hành vi vi phạm hành chính đang thực hiện để làm cơ sở tính thời hiệu xử phạt theo quy định tại Điều 6 Luật XLVPHC. Theo đó, khoản 2 Điều 2 Nghị định 102/2021/NĐ-CP đã sửa đổi, bổ sung Điều 4 Nghị định 128/2020/NĐ-CP theo hướng bổ sung thêm khoản 5, khoản 6 vào Điều 4 Nghị định 128/2020/NĐ-CP để quy định về cách thức xác định hành vi, nhóm hành vi nào là đã kết thúc và hành vi vi phạm hành chính đang thực hiện, theo nguyên tắc loại trừ, nhóm hành vi được xác định là hành vi đã kết thúc, thời điểm kết thúc hành vi đó tương ứng và những hành vi còn lại là đang được thực hiện. Cụ thể:
“5. Các hành vi vi phạm được xác định là đã kết thúc và thời điểm chấm dứt hành vi vi phạm như sau:
a) Đối với các hành vi vi phạm hành chính quy định tại Điều 7 Nghị định này, thời điểm chấm dứt là thời điểm thực hiện thủ tục hải quan, nộp hồ sơ thuế;
b) Đối với các hành vi vi phạm hành chính quy định tại Điều 8 Nghị định này, thời điểm chấm dứt là thời điểm đăng ký tờ khai hải quan; thời điểm nộp bản khai hàng hóa, danh sách hành khách, bản khai hành lý của hồ sơ phương tiện vận tải xuất cảnh, nhập cảnh, quá cảnh;
c) Đối với các hành vi vi phạm hành chính quy định tại Điều 10 Nghị định này, thời điểm chấm dứt là thời điểm người xuất cảnh, nhập cảnh hoàn thành việc khai hải quan;
d) Đối với các hành vi vi phạm hành chính quy định tại điểm a khoản 1 Điều 11 Nghị định này, thời điểm chấm dứt là thời điểm nộp, xuất trình hoặc gửi chứng từ thuộc hồ sơ hải quan cho cơ quan hải quan theo tờ khai hải quan đã được đăng ký;
đ) Đối với các hành vi vi phạm hành chính quy định tại điểm b khoản 1 Điều 11 Nghị định này, thời điểm chấm dứt là thời điểm người nộp thuế thực hiện sửa đổi, bổ sung báo cáo quyết toán;
e) Đối với các hành vi vi phạm hành chính quy định tại điểm c khoản 2 Điều 11 Nghị định này, thời điểm chấm dứt là thời điểm người nộp thuế nộp báo cáo quyết toán;
g) Đối với các hành vi vi phạm hành chính quy định tại điểm a khoản 7 Điều 11 Nghị định này, thời điểm chấm dứt là thời điểm khai, nộp, xuất trình chứng từ, tài liệu cho cơ quan hải quan;
h) Đối với các hành vi vi phạm hành chính quy định tại điểm b khoản 7 Điều 11 Nghị định này, thời điểm chấm dứt là thời điểm dừng sử dụng bất hợp pháp tài khoản đăng nhập, chữ ký số được cấp cho tổ chức, cá nhân khác để thực hiện thủ tục hải quan;
i) Đối với các hành vi vi phạm hành chính quy định tại điểm c khoản 7 Điều 11 Nghị định này, thời điểm chấm dứt là thời điểm dừng truy cập trái phép, làm sai lệch, phá hủy hệ thống thông tin hải quan;
k) Đối với các hành vi vi phạm hành chính quy định tại Điều 9; khoản 8 Điều 11; các điểm b, c, đ, e, h khoản 1 Điều 14; khoản 1 Điều 15; Điều 16; Điều 17; Điều 18; Điều 19; Điều 20; Điều 21; Điều 22 Nghị định này, thời điểm chấm dứt là thời điểm đăng ký tờ khai hải quan.
6. Các hành vi vi phạm hành chính quy định tại Nghị định này mà không thuộc trường hợp quy định tại khoản 5 Điều này được xác định là hành vi vi phạm đang được thực hiện.”
1.4. Về mức phạt đối với một hành vi vi phạm khi có tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ
Tại các khoản 3, khoản 8 Điều 1 Luật số 67/2020/QH14 (sửa đổi, bổ sung Điều 4 và khoản 4 Điều 23 Luật XLVPHC) giao Chính phủ quy định hình thức xử phạt, mức xử phạt tiền cụ thể đối với một hành vi vi phạm hành chính khi có tình tiết tăng năng, giảm nhẹ. Căn cứ các quy định này, tại khoản 3 Điều 2 Nghị định 102/2021/NĐ-CP đã bổ sung quy định cụ thể tỷ lệ phần trăm (%) tăng hoặc giảm tương ứng với mỗi tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ khi xác định mức phạt trong khung cho từng hành vi, theo đó bổ sung các điểm đ, e vào sau điểm d khoản 3 Điều 5 Nghị định 128/2020/NĐ-CP nội dung:
“đ) Khi phạt tiền, mức phạt tiền cụ thể đối với một hành vi vi phạm hành chính quy định tại các Điều 7, Điều 8, Điều 10, Điều 11, Điều 12, Điều 13, Điều 15, Điều 16, Điều 17, Điều 18, Điều 19, Điều 20, Điều 21, Điều 22, Điều 23, Điều 24 và các khoản 1, 3, 4 Điều 25 Nghị định này là mức trung bình của khung phạt tiền được quy định đối với hành vi đó. Nếu có tình tiết giảm nhẹ, thì mỗi tình tiết được giảm 10% mức tiền phạt trung bình của khung tiền phạt nhưng mức phạt tiền đối với hành vi đó không được giảm quá mức tối thiểu của khung tiền phạt; nếu có tình tiết tăng nặng thì mỗi tình tiết tăng nặng được tính tăng 10% mức tiền phạt trung bình của khung tiền phạt nhưng mức phạt tiền đối với hành vi đó không được vượt quá mức tối đa của khung tiền phạt.
e) Khi xác định mức phạt tiền đối với một hành vi vi phạm hành chính vừa có tình tiết tăng nặng, vừa có tình tiết giảm nhẹ thì được giảm trừ tình tiết tăng nặng theo nguyên tắc một tình tiết giảm nhẹ được giảm trừ một tình tiết tăng nặng.”
1.5. Về hành vi bị nghiêm cấm trong xử phạt vi phạm hành chính
Tại khoản 5 Điều 1 Luật số 67/2020/QH14 đã bổ sung số hành vi bị nghiêm cấm trong xử phạt vi phạm hành chính vào Điều 12 Luật XLVPHC như sau: Xác định hành vi vi phạm hành chính không đúng; áp dụng mức xử phạt không đúng, không đầy đủ đối với hành vi vi phạm hành chính; không theo dõi, đôn đốc, kiểm tra, tổ chức cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt, biện pháp khắc phục hậu quả.
1.6. Về việc hủy bỏ, ban hành mới, đính chính, sửa đổi, bổ sung quyết định xử phạt vi phạm hành chính
Tại khoản 7 Điều 1 Luật số 67/2020/QH14 đã sửa đổi, bổ sung khoản 3 Điều 18 Luật XLVPHC theo hướng giao Chính phủ quy định chi tiết nội dung việc đính chính, sửa đổi, bổ sung hoặc hủy bỏ, ban hành quyết định hành chính mới. Theo đó, tại dự thảo Nghị định thay thế Nghị định số 81/2013/NĐ-CP và Nghị định số 97/2017/NĐ-CP đang xây dựng các nội dung liên quan đến các trường hợp hủy bỏ, ban hành quyết định mới, đính chính, sửa đổi, bổ sung, hủy bỏ một phần quyết định trong xử phạt vi phạm hành chính; thời hạn thực hiện và nội dung đính chính, sửa đổi, bổ sung, hủy bỏ một phần hoặc toàn bộ quyết định; hiệu lực, thời hạn, thời hiệu thi hành quyết định đính chính, sửa đổi, bổ sung, hủy bỏ một phần hoặc toàn bộ, quyết định mới ban hành.
2. Về thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính
2.1. Sửa đổi, bổ sung thẩm quyền xử phạt của hải quan đối với một số chức danh
Căn cứ quy định tại khoản 15 Điều 1 Luật số 67/2020/QH14 về việc sửa đổi, bổ sung Điều 42 Luật XLVPHC, tại khoản 4 Điều 2 Nghị định 102/2021/NĐ-CP đã sửa đổi các quy định tại Điều 29 Nghị định 128/2020/NĐ-CP theo hướng bổ sung một số chức danh có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính của Hải quan như:
Tổ trưởng thuộc Chi cục Hải quan; Tổ trưởng thuộc Đội Kiểm soát thuộc Cục Hải quan tỉnh, liên tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, có thẩm quyền xử phạt tương đương với Đội trưởng thuộc Chi cục Hải quan.
Cấp Chi cục Hải quan, bổ sung thẩm quyền xử phạt của Đội trưởng Đội Điều tra hình sự, Đội trưởng Đội Kiểm soát chống buôn lậu hàng giả và bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ thuộc Cục Điều tra chống buôn lậu, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm tra sau thông quan thuộc Cục Kiểm tra sau thông quan.
2.2. Sửa đổi về thẩm quyền áp dụng hình thức tịch thu tang vật vi phạm hành chính
Căn cứ quy định tại khoản 15 Điều 1 Luật số 67/2020/QH14 về việc sửa đổi, bổ sung Điều 42 Luật XLVPHC thì thẩm quyền của hải quan có một số thay đổi liên quan đến tăng thẩm quyền tịch thu tang vật vi phạm hành chính cho một số chức danh. Căn cứ quy định trên, khoản 4 Điều 2 Nghị định 102/2021/NĐ-CP đã sửa đổi các quy định tại Điều 29 Nghị định 128/2020/NĐ-CP về thẩm quyền tịch thu tang vật vi phạm hành chính của một số chức danh của cơ quan hải quan như sau:
Cấp Chi cục trưởng Chi cục Hải quan và tương đương có thẩm quyền tịch thu tang vật vi phạm hành chính có giá trị không vượt quá 02 lần mức tiền phạt thuộc thẩm quyền của mình (Tịch thu tang vật có trị giá không vượt quá 50.000.000 đồng đối với cá nhân, 100.000.000 đồng đối với tổ chức).
Cấp Cục trưởng Cục Hải quan tỉnh, liên tỉnh, thành phố có thẩm quyền tịch thu tang vật vi phạm hành chính không bị giới hạn giá trị tang vật theo tiền phạt như Luật XLVPHC hiện hành.
2.3. Về thẩm quyền xử phạt của các chức danh khi có sự thay đổi tên gọi
Luật số 67/2020/QH14 đã sửa đổi, bổ sung quy định cụ thể về trường hợp chức danh có sự thay đổi về tên gọi nhưng không có sự thay đổi về nhiệm vụ, quyền hạn thì thẩm quyền xử phạt của chức danh đó được giữ nguyên; và trường hợp có sự thay đổi về nhiệm vụ, quyền hạn (tên gọi được giữ nguyên hoặc có sự thay đổi) thì thẩm quyền xử phạt của chức danh đó do Chính phủ quy định sau khi được sự đồng ý của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. (Khoản 27 Điều 1 Luật số 67/2020/QH14 sửa đổi Điều 53 Luật XLVPHC).
2.4. Về giao quyền xử phạt
Tại khoản 28 Điều 1 Luật số 67/2020/QH14 đã sửa đổi, bổ sung Điều 54 Luật XLVPHC về giao quyền xử phạt với các nội dung:
Cấp trưởng có thể giao cho cấp phó thực hiện thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính. Việc giao quyền xử phạt vi phạm hành chính được thực hiện thường xuyên hoặc theo vụ việc, đồng thời cấp phó được giao quyền áp dụng biện pháp ngăn chặn và bảo đảm xử lý vi phạm hành chính.
Luật số 67/2020/QH14 giao Chính phủ quy định chi tiết Điều này. Theo đó, dự thảo Nghị định thay thế Nghị định số 81/2013/NĐ-CP và Nghị định số 97/2017/NĐ-CP đang xây dựng một Điều quy định cụ thể về các trường hợp giao quyền, trường hợp chấm dứt việc giao quyền, mẫu quyết định giao quyền…
3. Về thủ tục xử phạt vi phạm hành chính
So với Luật XLVPHC hiện hành, Luật số 67/2020/QH14 đã sửa đổi, bổ sung quy định về lập biên bản vi phạm hành chính và một số quy định liên quan đến thủ tục xử phạt, cụ thể:
3.1. Về việc lập biên bản vi phạm hành chính
Khoản 29 Điều 1 Luật số 67/2020/QH14 đã sửa đổi, bổ sung Điều 58 Luật XLVPHC về lập biên bản vi phạm hành chính, theo đó:
3.1.1. Về địa điểm lập biên bản vi phạm hành chính
Biên bản vi phạm hành chính phải được lập tại nơi xảy ra hành vi vi phạm hành chính. Trường hợp biên bản vi phạm hành chính được lập tại trụ sở cơ quan của người có thẩm quyền lập biên bản hoặc địa điểm khác thì phải ghi rõ lý do vào biên bản.
3.1.2. Trường hợp người vi phạm, đại diện tổ chức vi phạm không ký vào biên bản
Theo Luật XLVPHC hiện hành trường hợp người vi phạm, đại diện tổ chức vi phạm không có mặt tại nơi vi phạm hoặc cố tình trốn tránh hoặc vì lý do khách quan mà không ký vào biên bản thì biên bản phải có chữ ký của đại diện chính quyền cơ sở nơi xảy ra vi phạm hoặc của 02 người chứng kiến.
Luật số 67/2020/QH14 đã sửa đổi, bổ sung nội dung này như sau: Trường hợp người vi phạm, đại diện tổ chức vi phạm không ký vào biên bản thì biên bản phải có chữ ký của đại diện chính quyền cấp xã nơi xảy ra vi phạm hoặc của ít nhất 01 người chứng kiến xác nhận việc cá nhân, tổ chức vi phạm không ký vào biên bản.
3.1.3. Trường hợp biên bản vi phạm hành chính không thuộc thẩm quyền xử phạt của người lập biên bản
Luật XLVPHC hiện hành quy định trường hợp vi phạm hành chính không thuộc thẩm quyền xử phạt của người lập biên bản thì biên bản phải được chuyển ngay đến người có thẩm quyền xử phạt. Luật số 67/2020/QH14 đã sửa đổi, bổ sung quy định này với nội dung: Trường hợp vi phạm hành chính không thuộc thẩm quyền xử phạt của người lập biên bản thì biên bản và các tài liệu khác phải được chuyển cho người có thẩm quyền xử phạt trong thời hạn 24 giờ kể từ khi lập biên bản, trừ trường hợp biên bản vi phạm hành chính được lập trên tàu bay, tàu biển, tàu hỏa.
3.1.4. Về biên bản vi phạm hành chính có sai sót
Luật số 67/2020/QH14 đã bổ sung quy định về việc xử lý đối với trường hợp biên bản vi phạm hành chính có sai sót, cụ thể: Trường hợp biên bản vi phạm hành chính có sai sót hoặc không thể hiện đầy đủ, chính xác các nội dung quy định tại khoản 3 và khoản 4 Điều này thì phải tiến hành xác minh tình tiết của vụ việc vi phạm hành chính theo quy định tại Điều 59 của Luật này để làm căn cứ ra quyết định xử phạt. Việc xác minh tình tiết của vụ việc vi phạm hành chính được lập thành biên bản xác minh. Biên bản xác minh là tài liệu gắn liền với biên bản vi phạm hành chính và được lưu trong hồ sơ xử phạt.
3.1.5. Nội dung khác về biên bản vi phạm hành chính
Luật số 67/2020/QH14 bổ sung một số quy định liên quan đến cách thức lập biên bản, yêu cầu về trình tự, thủ tục lập biên bản như:
– Biên bản vi phạm hành chính có thể được lập, gửi bằng phương thức điện tử đối với trường hợp cơ quan của người có thẩm quyền xử phạt, cá nhân, tổ chức vi phạm đáp ứng điều kiện về cơ sở hạ tầng, kỹ thuật, thông tin;
– Biên bản vi phạm hành chính phải được lập đúng nội dung, hình thức, thủ tục theo quy định của Luật này và là căn cứ ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính.
3.2. Quy định việc thi hành các biện pháp khắc phục hậu quả trong lĩnh vực hải quan
Theo quy định tại khoản 3 Điều 1 Luật số 67/2020/QH14, Chính phủ được giao quy định cụ thể về các vấn đề liên quan đến việc thi hành các biện pháp khắc phục hậu quả, quy định cụ thể về thủ tục, cách thức thực hiện các biện pháp này.
Căn cứ quy định này, tại khoản 8 Điều 2 Nghị định 102/2021/NĐ-CP đã bổ sung Điều 33a sau Điều 33 Nghị định 128/2020/NĐ-CP để quy định cụ thể việc thi hành các biện pháp khắc phục hậu quả trong lĩnh vực quản lý nhà nước về hải quan với nội dung:
“1. Khi cá nhân, tổ chức thi hành biện pháp buộc đưa ra khỏi lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam hoặc buộc tái xuất đối với tang vật, phương tiện vi phạm hành chính, cơ quan hải quan thực hiện việc giám sát chặt chẽ từ nơi lưu giữ hàng hóa vi phạm đến cửa khẩu tái xuất.
Kết quả giám sát phải được Hải quan cửa khẩu xác nhận bằng văn bản hoặc các phương thức điện tử khác và gửi lại cho cơ quan hải quan đã ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính trong thời hạn 05 (năm) ngày kể từ ngày tang vật, phương tiện vi phạm đã đưa ra khỏi lãnh thổ Việt Nam hoặc tái xuất để lưu hồ sơ vụ việc.
2. Biện pháp buộc đưa ra khỏi lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam hoặc buộc tái xuất tại cửa khẩu nhập đối với tang vật, phương tiện vi phạm hành chính được thực hiện như sau:
a) Trường hợp tang vật, phương tiện vi phạm hành chính đang được lưu giữ tại khu vực cửa khẩu thì cơ quan hải quan phải thực hiện việc giám sát chặt chẽ để đảm bảo tang vật, phương tiện vi phạm đã đưa ra tại cửa khẩu nhập. Kết quả giám sát được ghi nhận lại tại biên bản để lưu hồ sơ hải quan;
b) Trường hợp tang vật, phương tiện vi phạm không còn được lưu giữ tại khu vực cửa khẩu nhập thì cơ quan hải quan giám sát chặt chẽ từ nơi lưu giữ tang vật, phương tiện vi phạm đến cửa khẩu đã nhập để tái xuất. Kết quả giám sát phải được Hải quan cửa khẩu xác nhận bằng văn bản hoặc các phương thức điện tử khác và gửi lại cho cơ quan hải quan đã ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính trong thời hạn 05 (năm) ngày kể từ ngày tang vật, phương tiện vi phạm đã đưa ra khỏi lãnh thổ Việt Nam hoặc tái xuất để lưu hồ sơ vụ việc.
3. Khi cá nhân, tổ chức thi hành biện pháp buộc thực hiện việc vận chuyển hàng hóa quá cảnh, chuyển cảng, chuyển khẩu, chuyển cửa khẩu, hàng kinh doanh tạm nhập, tái xuất đúng cửa khẩu, tuyến đường quy định thì Chi cục Hải quan nơi vận chuyển đi có trách nhiệm giám sát hàng hóa vận chuyển đi và phối hợp với Chi cục Hải quan cửa khẩu nơi hàng hóa vận chuyển đến hoặc các cơ quan liên quan để hàng hóa được vận chuyển đảm bảo đúng tuyến đường, cửa khẩu theo quy định.
4. Khi thi hành biện pháp buộc loại bỏ bao bì, nhãn hàng hóa đã thay đổi do hành vi vi phạm, cá nhân, tổ chức vi phạm hành chính có thể thực hiện bằng các hình thức: gỡ bỏ, hủy bỏ và phải làm lại bao bì, nhãn hàng hóa đúng nguyên trạng ban đầu.
Khi thi hành biện pháp buộc loại bỏ yếu tố vi phạm trên nhãn hàng hóa trước khi đưa hàng hóa ra khỏi lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, cá nhân, tổ chức vi phạm hành chính có thể thực hiện bằng các hình thức: xóa bỏ, gỡ bỏ, hủy bỏ các yếu tố vi phạm trên nhãn hàng hóa.
5. Khi thi hành biện pháp buộc tiêu hủy hàng hóa, vật phẩm gây hại cho sức khỏe con người, vật nuôi, cây trồng và môi trường, văn hóa phẩm có nội dung độc hại, cá nhân, tổ chức vi phạm hành chính căn cứ vào tính chất, đặc điểm của hàng hóa, vật phẩm và yêu cầu đảm bảo vệ sinh môi trường để thực hiện tiêu hủy theo các hình thức sau đây: sử dụng hóa chất, sử dụng biện pháp cơ học, hủy đốt, hủy chôn, hình thức khác theo quy định của pháp luật. Cơ quan hải quan giám sát việc tiêu hủy trực tiếp hoặc giám sát bằng các phương tiện kỹ thuật khác (nếu có).
Cá nhân, tổ chức vi phạm hành chính thực hiện việc tiêu hủy hàng hóa, vật phẩm phải lập biên bản tiêu hủy theo mẫu được ban hành kèm theo Nghị định quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Xử lý vi phạm hành chính.
Biên bản tiêu hủy phải có chữ ký của các thành phần tham gia tiêu hủy và đại diện cơ quan hải quan giám sát việc tiêu hủy. Sau khi tiêu hủy, cá nhân, tổ chức vi phạm phải nộp 01 biên bản tiêu hủy và các chứng từ liên quan đến việc tiêu hủy cho cơ quan hải quan đã ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính, trong thời hạn 05 (năm) ngày kể từ ngày tiêu hủy.
6. Khi thi hành biện pháp buộc nộp lại số tiền bằng trị giá tang vật đã bị tiêu thụ, tẩu tán, tiêu hủy trái quy định của pháp luật, cá nhân, tổ chức vi phạm hành chính thực hiện nộp lại số tiền tương ứng ghi trên quyết định xử phạt.
7. Cá nhân, tổ chức thi hành biện pháp buộc nộp đủ số tiền thuế trốn, số tiền thuế thiếu; buộc nộp đủ số tiền thuế đã được miễn, giảm, hoàn, không thu không đúng được ghi trên quyết định ấn định thuế vào tài khoản của Kho bạc Nhà nước và nộp 01 bản chụp giấy nộp tiền (nếu nộp tiền mặt) cho cơ quan hải quan đã ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính theo dõi, lưu hồ sơ vụ việc.
8. Cá nhân, tổ chức thi hành biện pháp buộc dán tem “Vietnam duty not paid” trước khi bày bán hàng hóa tại cửa hàng miễn thuế hoặc trước khi giao cho đối tượng mua hàng trong trường hợp hàng hóa được xuất thẳng từ kho chứa hàng miễn thuế đến đối tượng mua hàng. Vị trí dán tem “Vietnam duty not paid” thực hiện theo các quy định của Chính phủ về kinh doanh hàng miễn thuế.”.
3.3. Về thời hạn định giá tang vật
Luật số 67/2020/QH14 quy định tăng thời hạn định giá tang vật, phương tiện vi phạm hành chính tại khoản 3 Điều 60 Luật XLVPHC từ 24 giờ lên 48 giờ để bảo đảm tính khả thi, phù hợp với thực tiễn.
3.4. Về các trường hợp và thủ tục giải trình
3.4.1. Trường hợp giải trình bằng văn bản, cá nhân, tổ chức vi phạm hành chính phải gửi văn bản giải trình cho người có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính từ “trong thời hạn 05 ngày làm việc”, kể từ ngày lập biên bản vi phạm hành chính (Luật XLVPHC quy định thời hạn này là “trong thời hạn không quá 05 ngày”). Trường hợp vụ việc có nhiều tình tiết phức tạp thì người có thẩm quyền xử phạt có thể gia hạn nhưng không quá 05 ngày làm việc theo đề nghị của cá nhân, tổ chức vi phạm (Luật XLVPHC quy định thời hạn này là không quá 05 ngày).
Đồng thời, Luật số 67/2020/QH14 quy định rõ việc gia hạn của người có thẩm quyền xử phạt phải bằng văn bản.
3.4.2. Đối với trường hợp giải trình trực tiếp, Luật số 67/2020/QH14 sửa quy định về việc người có thẩm quyền xử phạt phải thông báo bằng văn bản cho người vi phạm về thời gian và địa điểm tổ chức phiên giải trình trực tiếp “trong thời hạn 05 ngày làm việc”, kể từ ngày nhận được yêu cầu của người vi phạm (Luật XLVPHC quy định là “trong thời hạn 05 ngày”).
Bên cạnh đó, Luật số 67/2020/QH14 đã bổ sung 01 khoản (khoản 4 Điều 61) quy định về trường hợp cá nhân, tổ chức vi phạm hành chính không yêu cầu giải trình nhưng trước khi hết thời hạn lại có yêu cầu giải trình thì người có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính có trách nhiệm xem xét ý kiến giải trình của cá nhân, tổ chức vi phạm.
3.5. Về tịch thu tang vật vi phạm hành chính và áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả trong trường hợp không ra quyết định xử phạt, hết thời hiệu thi hành, thời hiệu cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt
3.5.1. Luật số 67/2020/QH14 quy định: Người có thẩm quyền không ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với những trường hợp quy định tại các điểm a, b, c và d khoản 1 Điều 65 Luật XLVPHC, nhưng vẫn phải ra quyết định tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính nếu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính thuộc loại cấm tàng trữ, cấm lưu hành hoặc tang vật, phương tiện mà pháp luật có quy định hình thức xử phạt tịch thu và áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả được quy định đối với hành vi vi phạm hành chính đó.
Việc tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính, áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả trong trường hợp này không bị coi là đã bị xử phạt vi phạm hành chính.
3.5.2. Đối với trường hợp quá thời hiệu thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính (quy định tại khoản 1 Điều 74 Luật XLVPHC) thì không thi hành quyết định đó nữa, nhưng vẫn phải tịch thu tang vật, phương tiện, áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả nếu quyết định xử phạt có áp dụng hình thức xử phạt tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính, biện pháp khắc phục hậu quả.
3.5.3. Cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính
Về thẩm quyền cưỡng chế: khoản 44 Điều 1 Luật số 67/2020/QH14 đã sửa đổi, bổ sung Điều 87 Luật XLVPHC về thẩm quyền cưỡng chế theo hướng bổ sung chức danh có thẩm quyền ra quyết định cưỡng chế gồm: Đội trưởng Đội kiểm soát chống buôn lậu hàng giả và bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ thuộc Cục Điều tra chống buôn lậu; Chi cục trưởng Chi cục Kiểm tra sau thông quan thuộc Cục Kiểm tra sau thông quan.
Người có thẩm quyền ra quyết định cưỡng chế có thể giao quyền cho cấp phó (Luật XLVPHC quy định cấp trưởng chỉ giao quyền cho cấp phó khi vắng mặt).
Ngoài ra, tại khoản 45 Điều 1 Luật số 67/2020/QH14 đã bổ sung khoản 2a Điều 88 Luật XLVPHC để quy định nội dung: đối với trường hợp quá thời hiệu thi hành quyết định cưỡng chế thì không thi hành quyết định cưỡng chế đó, nhưng vẫn phải cưỡng chế tịch thu tang vật, phương tiện, áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả trong trường hợp quyết định xử phạt có áp dụng hình thức xử phạt tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính, áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả.
3.6. Về thời hạn ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính
Tại khoản 34 Điều 1 Luật số 67/2020/QH14 đã sửa đổi, bổ sung Điều 66 Luật XLVPHC về thời hạn ra quyết định xử phạt như sau:
3.6.1. Đối với vụ việc vi phạm hành chính thông thường thì thời hạn ra quyết định xử phạt là 07 ngày làm việc, kể từ ngày lập biên bản vi phạm hành chính; vụ việc thuộc trường hợp phải chuyển hồ sơ đến người có thẩm quyền xử phạt thì thời hạn ra quyết định xử phạt là 10 ngày làm việc, kể từ ngày lập biên bản vi phạm hành chính (Luật XLVPHC quy định thời hạn này là 07 ngày).
3.6.2. Riêng đối với vụ việc mà cá nhân, tổ chức có yêu cầu giải trình hoặc phải xác minh các tình tiết có liên quan quy định tại Điều 59 của Luật XLVPHC thì thời hạn ra quyết định xử phạt là 01 tháng, kể từ ngày lập biên bản vi phạm hành chính. Đối với vụ việc thuộc trường hợp cá nhân, tổ chức có yêu cầu giải trình hoặc phải xác minh các tình tiết có liên quan mà đặc biệt nghiêm trọng, có nhiều tình tiết phức tạp, cần có thêm thời gian để xác minh, thu thập chứng cứ thì thời hạn ra quyết định xử phạt là 02 tháng, kể từ ngày lập biên bản vi phạm hành chính. (Luật XLVPHC quy định thời hạn này là 30 ngày, 60 ngày).
Ngoài ra, Luật số 67/2020/QH14 đã không còn quy định về thủ tục gia hạn thời hạn ra quyết định xử phạt.
4. Về biện pháp tạm giữ tang vật, phương tiện
4.1. Luật số 67/2020/QH14 đã bổ sung quy định cụ thể về thẩm quyền tạm giữ không phụ thuộc vào giá trị của tang vật, phương tiện vi phạm hành chính vào khoản 3 Điều 125 Luật XLVPHC
4.2. Về thời hạn tạm giữ
Khoản 64 Điều 1 Luật số 67/2020/QH14 đã sửa đổi, bổ sung quy định Điều 125 Luật XLVPHC về thời hạn tạm giữ như sau:
Thời hạn tạm giữ tang vật, phương tiện vi phạm hành chính, giấy phép, chứng chỉ hành nghề không quá 07 ngày làm việc, kể từ ngày tạm giữ; trường hợp vụ việc phải chuyển hồ sơ đến người có thẩm quyền xử phạt thì thời hạn tạm giữ không quá 10 ngày làm việc, kể từ ngày tạm giữ. (Luật XLVPHC quy định thời hạn này là 07 ngày).
Riêng đối với vụ việc mà cá nhân, tổ chức có yêu cầu giải trình hoặc phải xác minh các tình tiết có liên quan quy định tại Điều 59 của Luật XLVPHC thì thời hạn tạm giữ có thể được kéo dài nhưng không quá 01 tháng, kể từ ngày tạm giữ. Đối với vụ việc thuộc trường hợp cá nhân, tổ chức có yêu cầu giải trình hoặc phải xác minh các tình tiết có liên quan mà đặc biệt nghiêm trọng, có nhiều tình tiết phức tạp, cần có thêm thời gian để xác minh, thu thập chứng cứ thì thời hạn tạm giữ có thể được tiếp tục kéo dài nhưng không quá 02 tháng, kể từ ngày tạm giữ. (Luật XLVPHC quy định thời hạn này là 30 ngày, 60 ngày).
Ngoài ra, Luật số 67/2020/QH14 đã không còn quy định về thủ tục gia hạn thời hạn tạm giữ tang vật, phương tiện vi phạm hành chính.
Thời hạn tạm giữ tang vật, phương tiện vi phạm hành chính, giấy phép, chứng chỉ hành nghề được tính từ thời điểm tang vật, phương tiện vi phạm hành chính, giấy phép, chứng chỉ hành nghề bị tạm giữ thực tế.
Trường hợp tạm giữ để bảo đảm thi hành quyết định xử phạt quy định tại điểm c khoản 1 Điều 125 thì thời hạn tạm giữ kết thúc khi quyết định xử phạt được thi hành xong.
4.3. Về trình tự, thủ tục tạm giữ tang vật, phương tiện
Luật số 67/2020/QH14 sửa đổi, bổ sung quy định tại các khoản 4 và 9 Điều 125 Luật XLVPHC theo hướng:
(i) Người có thẩm quyền lập biên bản vi phạm hành chính đang giải quyết vụ việc lập biên bản tạm giữ tang vật, phương tiện; sau đó, trong thời hạn 24 giờ, kể từ khi lập biên bản, người lập biên bản phải báo cáo thủ trưởng của mình là người có thẩm quyền tạm giữ tang vật, phương tiện vi phạm hành chính để xem xét ra quyết định tạm giữ;
(ii) Bỏ quy định về việc người có thẩm quyền ra quyết định tạm giữ phải ký vào biên bản tạm giữ;
(iii) Khi tiến hành tạm giữ phải niêm phong tang vật, phương tiện trừ: Động vật, thực vật sống; hàng hóa dễ hư hỏng, khó bảo quản; Việc niêm phong phải tiến hành trước mặt người vi phạm, nếu vắng mặt thì tiến hành trước đại diện gia đình, đại diện tổ chức hoặc chính quyền cấp xã hoặc 01 người chứng kiến.
5. Về xử lý tang vật, phương tiện vi phạm hành chính bị tạm giữ, tịch thu
5.1. Đối với tang vật, phương tiện vi phạm hành chính bị tạm giữ, khoản 4 Điều 126 đã sửa đổi, bổ sung quy định cụ thể, rõ ràng hơn việc thông báo, niêm yết công khai về tang vật, phương tiện bị tạm giữ (số lần thông báo, thời hạn thông báo, xử lý tài sản sau khi hết thời hạn thông báo, niêm yết công khai…). Cụ thể:
Về xử lý tang vật khi hết thời hạn tạm giữ mà người vi phạm, chủ sở hữu, người quản lý hoặc người sử dụng hợp pháp không đến nhận mà không có lý do chính đáng thì xử lý như sau:
– Trường hợp xác định được người vi phạm, chủ sở hữu, người quản lý hoặc người sử dụng hợp pháp của tang vật, phương tiện thì người ra quyết định tạm giữ phải thông báo cho họ 02 lần. Lần thông báo thứ nhất phải được thực hiện trong thời hạn 03 ngày làm việc, kể từ ngày hết thời hạn tạm giữ tang vật, phương tiện. Lần thông báo thứ hai được thực hiện trong thời hạn 07 ngày làm việc, kể từ ngày thông báo thứ nhất. Hết thời hạn 01 tháng, kể từ ngày thông báo lần thứ hai nếu người vi phạm, chủ sở hữu, người quản lý hoặc người sử dụng hợp pháp không đến nhận thì trong thời hạn 05 ngày làm việc, người có thẩm quyền phải ra quyết định tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính.
– Trường hợp không xác định được người vi phạm, chủ sở hữu, người quản lý hoặc người sử dụng hợp pháp của tang vật, phương tiện thì người ra quyết định tạm giữ phải thông báo 02 lần trên phương tiện thông tin đại chúng của trung ương hoặc địa phương nơi tạm giữ tang vật, phương tiện. Lần thông báo thứ nhất phải được thực hiện trong thời hạn 03 ngày làm việc, kể từ ngày hết thời hạn tạm giữ tang vật, phương tiện. Lần thông báo thứ hai được thực hiện trong thời hạn 07 ngày làm việc, kể từ ngày thông báo thứ nhất. Hết thời hạn 01 năm, kể từ ngày thông báo lần thứ hai nếu người vi phạm, chủ sở hữu, người quản lý hoặc người sử dụng hợp pháp không đến nhận thì trong thời hạn 05 ngày làm việc, người có thẩm quyền phải ra quyết định tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính.
– Đối với tang vật, phương tiện vi phạm hành chính bị tạm giữ để đảm bảo thi hành quyết định xử phạt khi hết thời hạn thi hành quyết định xử phạt mà cá nhân, tổ chức bị xử phạt vi phạm hành chính không thi hành quyết định xử phạt thì trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày hết thời hạn thi hành quyết định xử phạt, người có thẩm quyền tạm giữ phải chuyển tang vật, phương tiện vi phạm hành chính cho người có thẩm quyền cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt để quyết định việc kê biên, bán đấu giá theo quy định của pháp luật để bảo đảm thi hành quyết định xử phạt.
– Về việc xử lý đối với tang vật, phương tiện vi phạm hành chính thuộc trường hợp bị tịch thu nhưng đã đăng ký biện pháp bảo đảm thế chấp tài sản theo quy định của pháp luật dân sự. Luật số 67/2020/QH14 quy định đối với trường hợp này thì bên nhận thế chấp được nhận lại tang vật, phương tiện hoặc trị giá tương ứng với nghĩa vụ được bảo đảm; cá nhân, tổ chức vi phạm phải nộp một khoản tiền tương đương trị giá tang vật, phương tiện vi phạm hành chính vào ngân sách nhà nước.
5.2. Đối với tang vật, phương tiện vi phạm hành chính bị tịch thu, để bảo đảm thống nhất với quy định của Luật Quản lý, sử dụng tài sản công năm 2017 và các văn bản hướng dẫn thi hành, Luật số 67/2020/QH14 quy định theo hướng viện dẫn: “Tang vật, phương tiện vi phạm hành chính đã có quyết định tịch thu được xử lý theo quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công” (bổ sung khoản 3 vào sau khoản 2 Điều 81 Luật XLVPHC), đồng thời, bãi bỏ Điều 82 Luật XLVPHC.
6. Về thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính
So với Luật XLVPHC hiện hành, Luật số 67/2020/QH14 đã sửa đổi, bổ sung quy định về hoãn, miễn, giảm tiền phạt tại Điều 76 và Điều 77 Luật XLVPHC. Theo đó, bổ sung quy định tổ chức cũng được hoãn, giảm, miễn tiền phạt, đồng thời sửa đổi, bổ sung một số quy định về điều kiện thực hiện, cụ thể như sau:
6.1. Việc hoãn thi hành quyết định phạt tiền được áp dụng khi có đủ các điều kiện sau đây:
(i) Cá nhân bị phạt tiền từ 2.000.000 đồng trở lên, tổ chức bị phạt tiền từ 100.000.000 đồng trở lên.
(ii) Cá nhân đang gặp khó khăn về kinh tế do thiên tai, thảm họa, hỏa hoạn, dịch bệnh, mắc bệnh hiểm nghèo, tai nạn; tổ chức đang gặp khó khăn đặc biệt hoặc đột xuất về kinh tế do thiên tai, thảm họa, hỏa hoạn, dịch bệnh. Tùy từng trường hợp cụ thể, cá nhân, tổ chức phải có xác nhận của các cơ quan, tổ chức sau: Ủy ban nhân dân cấp xã nơi người đó cư trú hoặc cơ quan, tổ chức nơi người đó học tập, làm việc; cơ sở khám bệnh, chữa bệnh tuyến huyện trở lên; Ủy ban nhân dân cấp xã, Ban quản lý khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao, khu kinh tế, cơ quan Thuế quản lý trực tiếp hoặc cơ quan cấp trên trực tiếp.
6.2. Việc giảm một phần tiền phạt ghi trong quyết định xử phạt đối với cá nhân, tổ chức đã được hoãn thi hành quyết định phạt tiền được áp dụng khi:
(i) Cá nhân tiếp tục gặp khó khăn về kinh tế do thiên tai, thảm họa, hỏa hoạn, dịch bệnh, mắc bệnh hiểm nghèo, tai nạn và có xác nhận của Ủy ban nhân dân cấp xã nơi người đó cư trú hoặc cơ quan, tổ chức nơi người đó học tập, làm việc.
(ii) Tổ chức tiếp tục gặp khó khăn đặc biệt hoặc đột xuất về kinh tế do thiên tai, thảm họa, hỏa hoạn, dịch bệnh và có xác nhận của Ủy ban nhân dân cấp xã, Ban quản lý khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao, khu kinh tế, cơ quan Thuế quản lý trực tiếp hoặc cơ quan cấp trên trực tiếp.
6.4. Luật số 67/2020/QH14 bổ sung quy định tổ chức cũng được miễn phần tiền phạt còn lại và miễn toàn bộ tiền phạt ghi trong quyết định xử phạt bên cạnh quy định miễn tiền phạt cho cá nhân như Luật XLVPHC hiện hành. Tuy nhiên, để được miễn phần tiền phạt còn lại ghi trong quyết định xử phạt, tổ chức phải đáp ứng đủ các điều kiện, bao gồm:
(i) Đã được giảm một phần tiền phạt theo quy định tại khoản 1 Điều này hoặc đã nộp tiền phạt lần thứ nhất hoặc lần thứ hai trong trường hợp được nộp tiền phạt nhiều lần theo quy định tại Điều 79 của Luật này.
(ii) Đã thi hành xong hình thức xử phạt bổ sung, biện pháp khắc phục hậu quả được ghi trong quyết định xử phạt.
(iii) Tiếp tục gặp khó khăn đặc biệt hoặc đột xuất về kinh tế do thiên tai, thảm họa, hỏa hoạn, dịch bệnh và có xác nhận của Ủy ban nhân dân cấp xã, Ban quản lý khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao, khu kinh tế, cơ quan Thuế quản lý trực tiếp hoặc cơ quan cấp trên trực tiếp.
Tổ chức được miễn toàn bộ tiền phạt ghi trong quyết định xử phạt khi đáp ứng đủ các điều kiện:
(i) Đã được hoãn thi hành quyết định phạt tiền theo quy định tại Điều 76 của Luật này.
(ii) Đã thi hành xong hình thức xử phạt bổ sung, biện pháp khắc phục hậu quả được ghi trong quyết định xử phạt.
(iii) Tiếp tục gặp khó khăn đặc biệt hoặc đột xuất về kinh tế do thiên tai, thảm họa, hỏa hoạn, dịch bệnh và có xác nhận của Ủy ban nhân dân cấp xã, Ban quản lý khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao, khu kinh tế, cơ quan Thuế quản lý trực tiếp hoặc cơ quan cấp trên trực tiếp.
7. Về biểu mẫu sử dụng trong xử lý vi phạm hành chính: Luật số 67/2020/QH14 quy định biểu mẫu sử dụng trong xử lý vi phạm hành chính được thực hiện theo quy định của Chính phủ.
8. Bên cạnh những vấn đề nêu trên, Luật số 67/2020/QH14 cũng sửa đổi, bổ sung quy định như: Bổ sung trường hợp áp dụng biện pháp tạm giữ người theo thủ tục hành chính tại Điều 122 Luật XLVPHC; bãi bỏ quy định về việc báo cáo công tác thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính định kỳ 06 tháng tại Điều 17 Luật XLVPHC và yêu cầu các bộ, ngành, địa phương và các cơ quan, đơn vị trực tiếp thực hiện việc thống kê, tổng hợp báo cáo.
Ngoài ra, một số quy định của Luật XLVPHC được dẫn chiếu trong Nghị định 128/2020/NĐ-CP đã được sửa đổi, bổ sung, tuy không ảnh hưởng đến nội dung quy định tại Nghị định, nhưng cần phải sửa đổi, bổ sung các dẫn chiếu này. (cụ thể tại khoản 3 Điều 4, khoản 1 Điều 26, điểm c khoản 1 Điều 28, khoản 1 Điều 33, Điều 34, khoản 2 Điều 36 Nghị định 128/2020/NĐ-CP)./.