Công văn số: 4098/UBND-VX Về việc triển khai Chiến dịch bảo vệ người thuộc nhóm nguy cơ

08/12/2021 456 lượt xem    

ỦY BAN NHÂN DÂN
THÀNH PHỐ H
Ồ CHÍ MINH
——–

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
—————

Số: 4098/UBND-VX
Về việc triển khai Chiến dịch bảo vệ người thuộc nhóm nguy cơ

Thành phố Hồ Chí Minh, ngày 07 tháng 12 năm 2021

 

Kính gửi:

– Sở Y tế;
– Sở Thông tin và Truyền thông;
– Ủy ban nhân dân các quận, huyện, thành phố Thủ Đức.

Thực hiện hướng dẫn của Bộ Y tế tại Quyết định số 5525/QĐ-BYT ngày 01 tháng 12 năm 2021 phân loại nguy cơ người nhiễm SARS-CoV-2 và định hướng xử trí, cách ly điều trị; việc phân loại F0 thành 04 nhóm nguy cơ: thấp, trung bình, cao, rất cao; qua phân tích các trường hợp tử vong do COVID-19 trên địa bàn Thành phố trong thời gian qua cho thấy phần lớn các trường hợp tử vong tập trung ở nhóm người trên 50 tuổi, có bệnh nền, chưa được tiêm chủng, chưa được sử dụng thuốc kháng vi rút trước đó. Do đó, việc ngăn ngừa những người thuộc nhóm nguy cơ bị nhiễm COVID-19, phát hiện sớm người thuộc nhóm nguy cơ nhiễm COVID-19 để kịp thời điều trị đặc hiệu với thuốc kháng vi rút và theo dõi sức khỏe nhằm hạn chế thấp nhất các trường hợp tử vong là vấn đề cấp thiết trong giai đoạn hiện nay.

Ủy ban nhân dân Thành phố phát động “Chiến dịch bảo vệ người thuộc nhóm nguy cơ” nhằm tập trung nguồn lực bảo vệ sức khỏe cho người trên 65 tuổi và người có bệnh nền, hạn chế thấp nhất tỉ lệ mắc và tử vong do COVID-19. Giai đoạn đầu của chiến dịch bắt đầu từ ngày 07 tháng 12 năm 2021 đến ngày 31 tháng 12 năm 2021, sau đó tổ chức sơ kết, rút kinh nghiệm để tiếp tục triển khai trong năm 2022. Ủy ban nhân dân Thành phố yêu cầu Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 quận, huyện, thành phố Thủ Đức và ngành Y tế khẩn trương huy động nguồn lực để triển khai hiệu quả các hoạt động như sau:

1. Hoạt động 1. Cập nhật danh sách và quản lý sức khỏe người dân thuộc nhóm nguy cơ

Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch phường, xã, thị trấn chịu trách nhiệm tổ chức khảo sát và lập danh sách các hộ gia đình có người thuộc nhóm nguy cơ, bao gồm: người trên 65 tuổi, người có bệnh nền, báo cáo về Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch quận, huyện, thành phố Thủ Đức.

Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch quận, huyện, thành phố Thủ Đức phân công Trung tâm Y tế quận, huyện, thành phố Thủ Đức căn cứ vào danh sách người thuộc nhóm nguy cơ trên địa bàn để dự trù số lượng xét nghiệm nhanh kháng nguyên, gửi về Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Thành phố để được cung ứng. Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch quận, huyện, thành phố Thủ Đức phân phối xét nghiệm nhanh kháng nguyên đến Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch phường, xã, thị trấn sẵn sàng cho chiến dịch.

Giao Sở Y tế xây dựng phiếu thu thập thông tin và công cụ nhập dữ liệu hộ gia đình có người thuộc nhóm nguy cơ. Tổ chức tích hợp và quản lý cơ sở dữ liệu về những người thuộc nhóm nguy cơ, thực hiện các phân tích đánh giá để kịp thời có các biện pháp phù hợp trong việc bảo vệ sức khỏe cho người dân.

Để kịp thời triển khai các hoạt động bảo vệ người thuộc nhóm nguy cơ, đề nghị Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch quận, huyện, thành phố Thủ Đức hoàn thành việc thu thập thông tin của người thuộc nhóm nguy cơ trước ngày 12 tháng 12 năm 2021.

2. Hoạt động 2. Triển khai xét nghiệm tầm soát phát hiện F0 đối với người thuộc nhóm nguy

Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch phường, xã, thị trấn triển khai thực hiện xét nghiệm nhanh kháng nguyên đối với những người thuộc nhóm nguy cơ theo danh sách trên địa bàn. Khuyến khích thành viên các hộ gia đình làm xét nghiệm nhanh cho người thuộc nhóm nguy cơ. Trường hợp không tự làm xét nghiệm được, giao Trạm y tế, Trạm y tế lưu động, Tổ chăm sóc người nhiễm COVID-19 tại cộng đồng thực hiện xét nghiệm cho người thuộc nhóm nguy cơ.

Số lần làm xét nghiệm: Người thuộc nhóm nguy cơ thực hiện xét nghiệm nhanh kháng nguyên 02 lần, cách nhau 03 ngày (nếu lần 1 âm tính). Nếu kết quả xét nghiệm sau 2 lần đều âm tính thì sẽ được tư vấn và theo dõi sức khỏe từ xa qua mạng lưới “Thầy thuốc đồng hành”. Nếu kết quả xét nghiệm dương tính thì được chăm sóc điều trị ngay (Hoạt động 5).

Thời gian hoàn thành xét nghiệm trước ngày 18 tháng 12 năm 2021.

3. Hoạt động 3. Tăng cường truyền thông đối với các hộ gia đình có người thuộc nhóm nguy cơ

Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Thành phố chịu trách nhiệm xây dựng nội dung truyền thông cho đối tượng đích là những người thuộc nhóm nguy cơ, người thân hoặc người chăm sóc cho người thuộc nhóm nguy cơ. Nội dung truyền thông tập trung vào hướng dẫn những biện pháp bảo vệ người thuộc nhóm nguy cơ không bị lây nhiễm COVID-19; truyền thông về lợi ích của việc tiêm vắc xin; hướng dẫn phát hiện sớm các triệu chứng nghi ngờ mắc COVID- 19 để được chẩn đoán và điều trị sớm,…

Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch quận, huyện, thành phố Thủ Đức, phường, xã, thị trấn tăng cường triển khai truyền thông đến các đối tượng đích là những người thuộc nhóm nguy cơ, người thân hoặc người chăm sóc cho người thuộc nhóm nguy cơ.

4. Hoạt động 4. Đẩy mạnh tiêm vắc xin phòng COVID-19 đảm bảo không bỏ sót đối với những người thuộc nhóm nguy

Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Thành phố chịu trách nhiệm xây dựng kế hoạch và triển khai tiêm vắc xin phòng COVID-19 đến từng người dân thuộc nhóm nguy cơ.

Đối với người thuộc nhóm nguy cơ chưa tiêm hoặc tiêm chưa đủ liều: thuyết phục và nhanh chóng hướng dẫn đến cơ sở y tế gần nhất để được tiêm vắc xin an toàn. Trường hợp người thuộc nhóm nguy cơ không thể di chuyển tới điểm tiêm thì tổ chức các đội tiêm lưu động để tiêm vắc xin tại nhà.

Đối với người thuộc nhóm nguy cơ đã tiêm đủ liều, triển khai tiêm liều nhắc nếu đã tiêm mũi cuối trên 06 tháng.

Đối với các trường hợp suy giảm miễn dịch, tiêm liều bổ sung nếu đã tiêm đủ liều cơ bản ít nhất 28 ngày.

Thời gian hoàn thành tiêm vắc xin cho người thuộc nhóm nguy cơ trước ngày 29 tháng 12 năm 2021.

5. Hoạt động 5. Chăm sóc và điều trị người F0 thuộc nhóm nguy cơ

Ngay sau khi có kết quả xét nghiệm nhanh kháng nguyên dương tính, Trạm y tế, Trạm y tế lưu động, Tổ chăm sóc người nhiễm COVID-19 tại cộng đồng cấp phát ngay thuốc kháng vi rút (gói thuốc C) và gói thuốc A, B cho người F0. Thuốc C sử dụng ngay khi được cấp phát, thuốc B (thuốc kháng viêm, kháng đông dạng uống) chỉ được sử dụng khi có chỉ định của bác sĩ, kể cả chỉ định của bác sĩ tư vấn qua mạng lưới “Thầy thuốc đồng hành”. Sở Y tế chịu trách nhiệm ưu tiên phân bổ nguồn thuốc kháng vi rút cho F0 thuộc nhóm nguy cơ.

Việc xem xét cho người F0 thuộc nhóm nguy cơ được cách ly điều trị tại nhà hay tại bệnh viện phải đảm bảo hài hòa giữa các yếu tố: tình trạng bệnh, điều kiện chăm sóc và cách ly tại nhà, nguyện vọng của người bệnh và gia đình.

6. Hoạt động 6. Chăm sóc và theo dõi sức khỏe cho người thuộc nhóm nguy cơ

Trung tâm Y tế quận, huyện, thành phố Thủ Đức chuyển danh sách người thuộc nhóm nguy cơ (kèm số điện thoại liên lạc) đến mạng lưới “Thầy thuốc đồng hành” để thực hiện tư vấn, thăm hỏi sức khỏe định kỳ, bao gồm chăm sóc cả các bệnh nền.

Trong quá trình tư vấn và thăm hỏi sức khỏe từ xa, nếu phát hiện các dấu hiệu nghi ngờ chuyển nặng, thông báo ngay đến Trạm y tế, Trạm y tế lưu động, Tổ phản ứng nhanh phường, xã, thị trấn để kịp thời sơ cấp cứu tại nhà và chuyển viện.

Sở Y tế phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông triển khai tổng đài “1022” để tư vấn và hướng dẫn cho người F0 thuộc nhóm nguy cơ khi cần hỗ trợ.

Trên đây là nội dung triển khai Chiến dịch bảo vệ người thuộc nhóm nguy cơ, Ủy ban nhân dân Thành phố yêu cầu các đơn vị khẩn trương triển khai thực hiện. Quá trình thực hiện, nếu có khó khăn, vướng mắc đề nghị các đơn vị phản ánh về Sở Y tế để tổng hợp, báo cáo đề xuất trình Ủy ban nhân dân Thành phố xem xét, chỉ đạo./.

 

 

Nơi nhận:
Thường trực Thành ủy;
TTUB: CT, các PCT;
BCĐ phòng chống, dịch Thành phố;
BCĐ phòng chống, dịch quận, huyện, thành phố Thủ Đức;
– VPUB: CVP, PCVP/VX;
Phòng VX;
Lưu: VT, (VX-TH)

KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Dương Anh Đức

 

 

Văn bản này chưa cập nhật nội dung Tiếng Anh
5/5 - (1 bình chọn)
Banner-post-thu-vien-calico_960x300
5/5 - (1 bình chọn)

NGHIỆP VỤ CALICO