Mức chi thực hiện đề án xác định hài cốt liệt sĩ còn thiếu thông tin

06/03/2018 679 lượt xem    

THÔNG TƯ 148/2015/TT-BTC

QUY ĐỊNH VỀ NỘI DUNG VÀ MỨC CHI THỰC HIỆN ĐỀ ÁN XÁC ĐỊNH HÀI CỐT LIỆT SĨ CÒN THIẾU THÔNG TIN

Căn cứ Nghị định số 60/2003/NĐ-CP ngày 06 tháng 6 năm 2003 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật ngân sách nhà nước;

Căn cứ Nghị định số 31/2013/NĐ-CP ngày 09 tháng 4 năm 2013 của Chính phủ quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành một số điều của Pháp lệnh ưu đãi người có công với cách mạng;

Căn cứ Nghị định số 215/2013/NĐ-CP ngày 23 tháng 12 năm 2013 của Chính phủ quy định về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Tài chính;

Thực hiện Quyết định số 150/QĐ-TTg ngày 14 tháng 01 năm 2013 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Đề án xác định hài cốt liệt sĩ còn thiếu thông tin;

Theo đề nghị của Vụ trưởng Vụ Tài chính hành chính sự nghiệp;

Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành Thông tư quy định về nội dung và mức chi thực hiện Đề án xác định hài cốt liệt sĩ còn thiếu thông tin.

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

  1. Thông tư này quy định nội dung và mức chi từ nguồn vốn sự nghiệp do ngân sách nhà nước bảo đảm để thực hiện Đề án xác định hài cốt liệt sĩ còn thiếu thông tin được phê duyệt tại Quyết định số150/QĐ-TTg ngày 14 tháng 01 năm 2013 của Thủ tướng Chính phủ (sau đây gọi tắt là Đề án 150).
  2. Thông tư này không điều chỉnh đối với các nguồn kinh phí sau:

a) Nguồn hỗ trợ của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước cho công tác xác định hài cốt liệt sĩ còn thiếu thông tin, trừ trường hợp nhà tài trợ hoặc đại diện có thẩm quyền của nhà tài trợ và Bộ Tài chính chưa có thỏa thuận về mức chi thì áp dụng theo mức chi quy định tại Thông tư này.

b) Nguồn kinh phí bảo đảm hoạt động của Ban Chỉ đạo cấp Nhà nước về xác định hài cốt liệt sĩ còn thiếu thông tin được bố trí trong dự toán ngân sách chi thường xuyên hàng năm của Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội và được quản lý, sử dụng theo quy định hiện hành đối với cơ quan hành chính nhà nước.

c) Vốn đầu tư phát triển: thực hiện theo quy định hiện hành của nhà nước về quản lý và sử dụng vốn đầu tư phát triển.

Điều 2. Đối tượng áp dụng

Đối tượng áp dụng Thông tư này là các cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân có liên quan đến việc quản lý và sử dụng kinh phí thực hiện Đề án 150.

Điều 3. Nguồn kinh phí thực hiện

  1. Ngân sách trung ương bố trí trong dự toán chi ngân sách nhà nước thực hiện chính sách ưu đãi người có công với cách mạng hàng năm của Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội.
  2. Ngân sách địa phương bố trí kinh phí cho các cơ quan, đơn vị ở địa phương thực hiện các hoạt động của Đề án 150 trong phạm vi trách nhiệm được giao theo quy định của pháp luật hiện hành về phân cấp ngân sách nhà nước.
  3. Hỗ trợ của các tổ chức, cá nhân trong nước và ngoài nước theo quy định của pháp luật.

Điều 4. Nội dung và mức chi

Nội dung và mức chi thực hiện các hoạt động của Đề án được thực hiện theo chế độ, tiêu chuẩn, định mức chi tiêu tài chính hiện hành của Nhà nước đối với cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập (phụ lục đính kèm). Ngoài ra, Thông tư này quy định một số nội dung và mức chi đặc thù cho việc xác định hài cốt liệt sĩ còn thiếu thông tin như sau:

  1. Chi hỗ trợ cho hoạt động đi lấy mẫu hài cốt liệt sĩ còn thiếu thông tin, bao gồm:

a) Thuê nhân công, phông, bạt và thuê khác (nếu có): Mức chi theo giá thuê thực tế tại địa phương;

b) Mua vật dụng, găng tay, cồn, rượu và chi khác (nếu có): Mức chi theo giá mua thực tế tại địa phương;

c) Thuê người trực tiếp lấy mẫu hài cốt liệt sĩ trong trường hợp cơ sở giám định gen không cử người tham gia: Mức chi theo thỏa thuận giữa cơ quan Lao động-Thương binh và Xã hội với người được thuê lấy mẫu trên cơ sở dự toán được cấp có thẩm quyền giao;

d) Chi chế độ công tác phí cho thành viên trong đoàn đi lấy mẫu hài cốt liệt sĩ:

– Ngoài chế độ công tác phí, trong những ngày đi lấy mẫu hài cốt liệt sĩ được bồi dưỡng 100.000 đồng/người/ngày nhưng không quá 15 ngày/đợt đi

– Số lượng, thành phần thành viên đoàn đi lấy mẫu hài cốt liệt sĩ do Thủ trưởng cơ quan Lao động-Thương binh và Xã hội quyết định.

đ) Hỗ trợ đối với thân nhân liệt sĩ còn thiếu thông tin được mời đi cùng đoàn lấy mẫu hài cốt liệt sĩ còn thiếu thông tin (nếu có), tối đa 02 thân nhân/liệt sĩ còn thiếu thông tin:

– Hỗ trợ một lần 500.000 đồng/người;

– Trường hợp thân nhân liệt sĩ còn thiếu thông tin tự túc phương tiện giao thông được hỗ trợ một lần tiền tàu xe theo mức như sau: khoảng cách từ nơi thân nhân liệt sĩ còn thiếu thông tin cư trú đến nơi lấy mẫu hài cốt liệt sĩ dưới 500 km là 500.000 đồng/người; từ 500 km trở lên là 1.000.000 đồng/người;

Ví dụ 1:

Ông Nguyễn Văn A là thân nhân của 01 liệt sĩ còn thiếu thông tin cư trú tại thành phố Hà Nội được mời đi cùng đoàn lấy mẫu hài cốt liệt sĩ tại thành phố Hà Tĩnh thuộc tỉnh Hà Tĩnh. Ông Nguyễn Văn A tự thuê phương tiện đi cùng đoàn đến thành phố Hà Tĩnh. Khoảng cách từ thành phố Hà Nội đến thành phố Hà Tĩnh là 340 km. Ông Nguyễn Văn A được hỗ trợ số tiền là 1.000.000 đồng (hỗ trợ một lần 500.000 đồng và tiền tàu xe 500.000 đồng).

Ví dụ 2:

Bà Nguyễn Thị B là thân nhân của 01 liệt sĩ còn thiếu thông tin cư trú tại thành phố Hải Dương tỉnh Hải Dương được mời đi cùng đoàn lấy mẫu hài cốt liệt sĩ tại thị xã Quảng Trị thuộc tỉnh Quảng Trị. Bà Nguyễn Thị B và gia đình tự thuê phương tiện đi cùng đoàn đến thị xã Quảng Trị. Khoảng cách từ thành phố Hải Dương đến thị xã Quảng Trị là 658 km. Gia đình Bà Nguyễn Thị B được hỗ trợ tối đa 02 người, tổng số tiền hỗ trợ là 3.000.000 đồng (hỗ trợ một lần 500.000 đồng x 2 người = 1.000.000 đồng và tiền tàu xe 1.000.000 đồng x 2 người = 2.000.000 đồng).

2. Chi hỗ trợ cơ quan, tổ chức đi lấy mẫu sinh phẩm thân nhân liệt sĩ còn thiếu thông tin:

Nội dung và mức chi thực hiện theo quy định tại điểm b, c và điểm d khoản 1 Điều này.

3. Chi chuyển mẫu hài cốt liệt sĩ còn thiếu thông tin, mẫu sinh phẩm thân nhân liệt sĩ còn thiếu thông tin để thực hiện phân tích gen:

Mức chi theo chi phí thực tế phát sinh. Trường hợp thân nhân liệt sĩ có nguyện vọng trực tiếp mang mẫu hài cốt liệt sĩ còn thiếu thông tin, mẫu sinh phẩm thân nhân liệt sĩ còn thiếu thông tin được hỗ trợ một lần và tiền tàu xe (hỗ trợ 01 người) theo mức khoán quy định tại điểm đ khoản 1 Điều này.

4. Chi thuê bảo quản mẫu hài cốt liệt sĩ, mẫu sinh phẩm thân nhân liệt sĩ còn thiếu thông tin ở dạng thô trong thời gian chờ giám định gen tại các đơn vị giám định gen:

Mức chi tối đa 300 đồng/mẫu/ngày.

5. Chi giám định gen hài cốt liệt sĩ còn thiếu thông tin, thân nhân liệt sĩ còn thiếu thông tin, bao gồm:

a) Trường hợp thực hiện giám định gen trong lĩnh vực xác định danh tính hài cốt liệt sĩ còn thiếu thông tin có cùng nội dung công việc, quy trình thực hiện như trong lĩnh vực giám định tư pháp thì áp dụng mức thu theo quy định tại điểm 6.2 Biểu phí giám định tư pháp trong lĩnh vực pháp y ban hành kèm theo Thông tư số 34/2014/TT-BTCngày 21 tháng 3 năm 2014 của Bộ Tài chính quy định mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí giám định tư pháp trong lĩnh vực pháp y và văn bản sửa đổi, bổ sung (nếu có);

b) Trường hợp thực hiện giám định gen trong lĩnh vực xác định danh tính hài cốt liệt sĩ còn thiếu thông tin có nội dung công việc, quy trình thực hiện đặc thù khác với giám định trong lĩnh vực tư pháp: Căn cứ định mức kinh tế – kỹ thuật của Bộ, ngành ban hành, các đơn vị trực tiếp giám định xây dựng phương án giá gửi Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội thẩm định để gửi Bộ Tài chính xem xét, quyết định giá đặt hàng làm cơ sở ký hợp đồng đặt hàng.

6. Chi cho người xác minh thông tin, bao gồm:

a) Chi tiền công tác phí: Mức chi thực hiện theo quy định tại Thông tư số 97/2010/TT-BTC;

b) Bồi dưỡng người đi xác minh thông tin ngoài chế độ công tác phí theo quy định: 100.000 đồng/người/ngày.

7. Chi bồi dưỡng cho người cung cấp thông tin:

2.000.000 đồng/đối với một thông tin được xác minh chính xác về hài cốt liệt sĩ còn thiếu thông tin, không phụ thuộc số lượng hài cốt liệt sĩ còn thiếu thông tin.

8. Chi cho tổ chức, cá nhân trong việc xác định hài cốt liệt sĩ còn thiếu thông tin bằng phương pháp thực chứng:

Căn cứ vào nội dung và mức chi quy định tại Thông tư này, Cục Người có công – Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội xây dựng dự toán chi tiết và ký hợp đồng với các tổ chức, cá nhân đi xác nhận danh tính hài cốt liệt sĩ còn thiếu thông tin. Việc thanh lý và quyết toán hợp đồng trên cơ sở cơ quan có thẩm quyền công nhận kết quả xác định danh tính hài cốt liệt sĩ còn thiếu thông tin.

Trường hợp thân nhân của liệt sĩ có nhu cầu giám định gen thì nội dung và mức chi liên quan thực hiện theo quy định tại khoản 5 Điều này.

9. Chi hoàn thiện mộ (cả bia) sau khi kết thúc việc xác định thông tin về hài cốt liệt sĩ trong trường hợp lấy mẫu hài cốt liệt sĩ còn thiếu thông tin trong các nghĩa trang liệt sĩ:

Mức hỗ trợ tối đa 1.750.000 đồng/mộ (đã bao gồm xây tạm vỏ mộ sau khi lấy mẫu hài cốt liệt sĩ để thực hiện giám định gen).

10. Chi tổ chức lễ công bố trả kết quả danh tính hài cốt liệt sĩ do Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội tổ chức:

a) Chi tổ chức lễ công bố: Nội dung và mức chi thực hiện theo Thông tư số 97/2010/TT-BTC;

b) Chi hỗ trợ tiền tàu xe đối với thân nhân liệt sĩ đi nhận kết quả giám định gen (tối đa 02 người):

– Trường hợp đi bằng phương tiện giao thông công cộng: Mức chi theo giá vé phương tiện vận chuyển hành khách công cộng;

– Trường hợp tự túc hoặc thuê phương tiện đi nhận kết quả giám định gen thì hỗ trợ tiền tàu xe từ nơi thân nhân liệt sĩ cư trú đến nơi tổ chức lễ công bố trả kết quả danh tính hài cốt liệt sĩ theo mức khoán quy định tại gạch đầu dòng thứ hai (-) điểm đ khoản 1 Điều này;

c) Chi hỗ trợ tiền ăn (kể cả ngày đi và ngày về) đối với thân nhân liệt sĩ đến nhận kết quả giám định gen (tối đa 02 người): Mức chi tối đa 150.000 đồng/người/ngày;

d) Trường hợp thân nhân liệt sĩ đi nhận từ hai kết quả giám định gen trở lên tại cùng một nơi tổ chức lễ công bố thì mức hỗ trợ được tính như đi nhận một kết quả giám định gen quy định tại điểm b và c khoản này.

Điều 5. Lập, phân bổ dự toán, quản lý, sử dụng và quyết toán

  1. Việc lập, phân bổ, chấp hành và quyết toán kinh phí thực hiện Đề án theo quy định của Luật ngân sách nhà nước, Luật kế toán và các văn bản hướng dẫn Luật.
  2. Căn cứ kế hoạch của Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội và nội dung, mức chi quy định tại Thông tư này, cơ quan Lao động-Thương binh và Xã hội các cấp lập dự toán theo quy trình, trình tự, thời gian lập dự toán, phân bổ dự toán, quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí thực hiện Đề án từ nguồn kinh phí thực hiện chính sách ưu đãi người có công với cách mạng theo quy định tại Thông tư liên tịch số 47/2009/TTLT-BTC-BLĐTBXH ngày 11 tháng 3 năm 2009 của Bộ Tài chính, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội hướng dẫn cấp phát, quản lý và sử dụng kinh phí thực hiện chính sách ưu đãi người có công với cách mạng và người trực tiếp tham gia kháng chiến do ngành Lao động-Thương binh và Xã hội quản lý.
  3. Các khoản chi thực hiện Đề án theo quy định tại Thông tư này được hạch toán và quyết toán vào loại 520, khoản 527, mục 7150, tiểu mục 7199 của Mục lục ngân sách nhà nước hiện hành.

Điều 6. Hiệu lực thi hành

  1. Thông tư này có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 11 năm 2015. Các chế độ quy định tại Thông tư này được thực hiện kể từ niên độ ngân sách năm 2015.
  2. Trường hợp các văn bản quy phạm pháp luật trích dẫn tại Thông tư này được sửa đổi, bổ sung hoặc thay thế bằng văn bản quy phạm pháp luật khác thì áp dụng quy định tại văn bản sửa đổi, bổ sung hoặc thay thế.

 

Chúc các bạn thành công!

Tìm hiểu thêm về kế toán, kiểm toán, thuế tại calico.vn hoặc kiemtoancalico.com

 

Bài viết có ích cho bạn?
Banner-post-thu-vien-calico_960x300
Bài viết có ích cho bạn?

NGHIỆP VỤ CALICO