Công văn số 3529/TCT-KK về chính sách thuế đối với dự án đầu tư chấm dứt hoạt động

28/11/2020 686 lượt xem    

Số: 3529/TCT-KK

V/v chính sách về thuế đối với dự án đầu tư chấm dứt hoạt động

Kính gửi: Cục Thuế tỉnh Quảng Nam.

Trả lời công văn số 7453/CT-TKT2 ngày 23/9/2019, công văn số 710/CT-TKT2 ngày 12/02/2020 của Cục Thuế tỉnh Quảng Nam có vướng mắc về số thuế đã hoàn đối với cơ sở kinh doanh bị phá sản. Về việc này, Tổng cục Thuế có ý kiến như sau:

Căn cứ Khoản 1 Điều 30 Luật Quản lý thuế quy định nguyên tắc khai thuế và tính thuế:

“1. Người nộp thuế phải khai chính xác, trung thực, đầy đủ các nội dung trong tờ khai thuế theo mẫu do Bộ Tài chính quy định và nộp đủ các loại chứng từ, tài liệu quy định trong hồ sơ khai thuế với cơ quan quản lý thuế.”

Khoản 3 Điều 1 Thông tư số 130/2016/TT-BTC ngày 12/8/2016 của Bộ Tài chính hướng dẫn về các trường hợp hoàn thuế:

“5. Cơ sở kinh doanh nộp thuế giá trị gia tăng theo phương pháp khấu trừ thuế được hoàn thuế giá trị gia tăng khi chuyển đổi sở hữu, chuyển đổi doanh nghiệp, sáp nhập, hợp nhất, chia, tách, giải thể, phá sản, chấm dứt hoạt động có số thuế giá trị gia tăng nộp thừa hoặc số thuế giá trị gia tăng đầu vào chưa được khấu trừ hết.

Cơ sở kinh doanh trong giai đoạn đầu tư chưa đi vào hoạt động sản xuất kinh doanh nhưng phải giải thể, phá sản hoặc chấm dứt hoạt động chưa phát sinh thuế giá trị gia tăng đầu ra của hoạt động kinh doanh chính theo dự án đầu tư thì chưa phải điều chỉnh lại số thuế giá trị gia tăng đã kê khai, khấu trừ hoặc đã được hoàn. Cơ sở kinh doanh phải thông báo với cơ quan thuế quản lý trực tiếp về việc giải thể, phá sản, chấm dứt hoạt động theo quy định.

Trường hợp cơ sở kinh doanh sau khi làm đầy đủ thủ tục theo quy định của pháp luật về giải thể, phá sản thì đối với số thuế giá trị gia tăng đã được hoàn thực hiện theo quy định của pháp luật về giải thể, phá sản và quản lý thuế; đối với số thuế giá trị gia tăng chưa được hoàn thì không được giải quyết hoàn thuế.

Trường hợp cơ sở kinh doanh chấm dứt hoạt động và không phát sinh thuế giá trị gia tăng đầu ra của hoạt động kinh doanh chính thì phải nộp lại số thuế đã được hoàn vào ngân sách nhà nước. Trường hợp có phát sinh bán tài sản chịu thuế GTGT thì không phải điều chỉnh lại số thuế giá trị gia tăng đầu vào tương ứng của tài sản bán ra.

Ví dụ: Năm 2015, doanh nghiệp A trong giai đoạn đầu tư chưa đi vào hoạt động sản xuất kinh doanh, doanh nghiệp A có phát sinh số thuế giá trị gia tăng đầu vào của giai đoạn đầu tư đã được cơ quan thuế hoàn trong tháng 8/2015 là 700 triệu đồng. Do khó khăn, tháng 2/2016 doanh nghiệp A quyết định giải thể và có văn bản gửi cơ quan thuế về việc sẽ giải thể thì trong giai đoạn doanh nghiệp A chưa hoàn thành thủ tục pháp lý để giải thể, cơ quan thuế chưa thu hồi lại thuế giá trị gia tăng đã hoàn. Hai mươi ngày trước khi doanh nghiệp A có đủ thủ tục pháp lý để giải thể chính thức vào tháng 10/2016, doanh nghiệp thực hiện bán một (01) tài sản đã đầu tư thì doanh nghiệp A không phải điều chỉnh lại số thuế giá trị gia tăng đầu vào tương ứng của tài sản bán ra (số thuế đã được cơ quan thuế hoàn). Đối với những tài sản không bán ra, doanh nghiệp A phải kê khai điều chỉnh để nộp lại số thuế giá trị gia tăng đã được hoàn”.

Khoản 5 Điều 10 Thông tư số 156/2013/TT-BTC ngày 06/11/2013 của Bộ Tài chính hướng dẫn: “c) Các trường hợp khai bổ sung hồ sơ khai thuế

– Trường hợp người nộp thuế đã được cơ quan thuế giải quyết hoàn thuế thì người nộp thuế phải nộp số tiền thuế đã được hoàn sai và tính tiền chậm nộp kể từ ngày cơ quan Kho Bạc Nhà nước ký xác nhận trên Lệnh hoàn trả khoản thu NSNN hoặc Lệnh hoàn trả kiêm bù trừ thu NSNN đến ngày người nộp thuế kê khai bổ sung. Trường hợp người nộp thuế chưa nộp đủ số tiền thuế đã hoàn sai hoặc tính tiền chậm nộp không đúng quy định, cơ quan thuế sẽ tính tiền chậm nộp và thông báo cho người nộp thuế.”

Khoản 1 Điều 34 Thông tư số 156/2013/TT-BTC ngày 06/11/2013 của Bộ Tài chính hướng dẫn về tính tiền chậm nộp đối với việc chậm nộp tiền thuế;

“1. Các trường hợp phải nộp tiền chậm nộp tiền thuế

  1. a) Người nộp thuế chậm nộp tiền thuế so với thời hạn quy định, thời hạn gia hạn nộp thuế, thời hạn ghi trong thông báo của cơ quan thuế, thời hạn ghi trong quyết định xử lý vi phạm pháp luật về thuế của cơ quan thuế và quyết định xử lý của các cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
  2. b) Người nộp thuế nộp thiếu tiền thuế do khai sai số thuế phải nộp, số thuế được miễn, số thuế được giảm, số thuế được hoàn của các kỳ kê khai trước”.

Căn cứ các quy định, hướng dẫn nêu trên, trường hợp Công ty TNHH Kính Phước Toàn được Cục Thuế tỉnh Quảng Nam hoàn thuế giá trị gia tăng đầu vào của dự án đầu tư giai đoạn 2007 – 2010. Dự án đầu tư chưa đi vào hoạt động, chưa phát sinh doanh thu đầu ra, chấm dứt hoạt động theo quyết định số 58/QĐ-KTM ngày 13/4/2016 của Ban quản lý Khu kinh tế mở Chu Lai; Tòa án nhân dân tỉnh Quảng Nam đã có Quyết định số 01/2019/QĐ-MTTPS ngày 13/05/2019 về việc mở thủ tục phá sản đối với Công ty TNHH Kính Phước Toàn thì Cục Thuế tỉnh Quảng Nam và Công ty thực hiện xử lý đối với số thuế giá trị gia tăng đã được hoàn theo hướng dẫn tại Khoản 3 Điều 1 Thông tư số 130/2016/TT-BTC ngày 12/8/2016 của Bộ Tài chính.

Căn cứ Khoản 1 Điều 30 Luật Quản lý thuế quy định nguyên tắc khai thuế và tính thuế; Khoản 3 Điều 1 Thông tư số 130/2016/TT-BTC ngày 12/8/2016 của Bộ Tài chính thì đối với những tài sản không bán ra, Công ty phải kê khai điều chỉnh để nộp lại số thuế giá trị gia tăng đã được hoàn.

Trường hợp, Công ty TNHH Kính Phước Toàn không chủ động kê khai điều chỉnh, nộp lại số tiền thuế phải thu hồi hoàn thì Cục Thuế thực hiện thu hồi hoàn và xử phạt vi phạm hành chính theo thẩm quyền, nếu quá thời hiệu xử phạt thì Công ty không bị xử phạt nhưng phải nộp tiền chậm nộp.

Tổng cục Thuế thông báo để Cục Thuế tỉnh Quảng Nam được biết./.

Bài viết có ích cho bạn?
Banner-post-thu-vien-calico_960x300
Bài viết có ích cho bạn?

NGHIỆP VỤ CALICO