HƯỚNG DẪN CHÍNH SÁCH THUẾ GTGT

21/01/2021 615 lượt xem    

Công văn số 69994/CT-TTHT, ngày 28/7/2020
V/v chính sách thuế GTGT

Trả lời công văn đề ngày 07/07/2020 của Công ty TNHH Hana E&C (sau đây gọi tắt là “Công ty”) hỏi về chính sách thuế GTGT, Cục Thuế TP. Hà Nội có ý kiên như sau:

Căn cứ Nghị định số 82/2018/NĐ-CP ngày 22/05/2018 của Chính phủ

Quy định về quản lý khu công nghiệp và khu kinh tế quy định:

Tại Khoản 10 Điều 2 quy định:

“Điều 2. Giải thích từ ngữ

Trong Nghị định này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:

  1. Doanh nghiệp chế xuất là doanh nghiệp được thành lập và hoạt động trong khu chế xuất hoặc doanh nghiệp chuyên sản xuất sản phẩm để xuất khẩu hoạt trong khu công nghiệp, khu kinh tế.

Doanh nghiệp chế xuất không nằm trong khu chế xuất được ngăn cách với khu vực bên ngoài theo các quy định áp dụng đối với khu phi thuế quan tại pháp luật về thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu.”

Tại Khoản 1, Khoản 2 Điều 30 quy định:

“Điều 30. Quy định riêng áp dụng đối với khu chế xuất, doanh nghiệp chế xuất

  1. Khu chế xuất, doanh nghiệp chế xuất được áp dụng quy định đối với khu vực hải quan riêng, khu phi thuế quan trừ các quy định riêng áp dụng đối với khu phi thuế quan thuộc khu kinh tế cửa khẩu. Doanh nghiệp chế xuất được quy định trong Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư hoặc trong văn bản của cơ quan đăng ký đầu tư có thẩm quyền trong trường hợp không phải thực hiện thủ tục cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư. Cơ quan đăng ký đầu tư có trách nhiệm lấy ý kiến cơ quan hải quan có thẩm quyền về khả năng đáp ứng điều kiện kiểm tra, giám sát hải quan trước khi cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư hoặc xác nhận bằng văn bản cho nhà đầu tư.
  2. Trong khu công nghiệp có thể có các phân khu công nghiệp dành cho các doanh nghiệp chế xuất Khu chế xuất, doanh nghiệp chế xuất hoặc phân khu công nghiệp dành cho doanh nghiệp chế xuất được ngăn cách với lãnh thổ bên ngoài bằng hệ thống tường rào, có cổng và cửa ra, vào, bảo đảm điều kiện cho sự kiểm tra, giám sát, kiểm soát của cơ quan hải quan và các cơ quan chức năng có liên quan theo quy định áp dụng đối với khu phi thuế quan, quy định tại pháp luật về thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu.”

Căn cứ Thông tư số 219/2013/TT-BTC ngày 31/12/2013

Hướng dẫn thi hành Luật Thuế giá trị gia tăng và Nghị định số 209/2013/NĐ-CP ngày 18/12/2013 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều Luật Thuế giá trị gia tăng:

Tại Khoản 20 Điều 4 quy định:

“… Khu phi thuế quan bao gồm: khu chế xuất, doanh nghiệp chế xuất, kho bảo thuế, khu bảo thuế, kho ngoại quan, khu kinh tế thương mại đặc biệt, khu thương mại – công nghiệp và các khu vực kinh tế khác được thành lập và được hưởng các ưu đãi về thuế như khu phi thuế quan theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ. Quan hệ mua bán trao đổi giữa các khu này với bên ngoài là quan hệ xuất khẩu, nhập khẩu….”

Tại Điều 8 quy định:

“Điều 8. Thời điểm xác định thuế GTGT

  1. Đối với cung ứng dịch vụ là thời điểm hoàn thành việc cung ứng dịch vụ; hoặc thời điểm lập hóa đơn cung ứng dịch vụ; không phân biệt đã thu được tiền hay chưa thu được tiền.

  1. Đối với xây dựng, lắp đặt, bao gồm cả đóng tàu, là thời điểm nghiệm thu, bàn giao công trình, hạng mục công trình, khối lượng xây dựng, lắp đặt hoàn thành, không phân biệt đã thu được tiền hay chưa thu được tiền.

…”

Tại Điều 9 quy định:

“Điều 9. Thuế suất 0%

1. Thuế suất 0%:

Áp dụng đối với hàng hóa, dịch vụ xuất khẩu; hoạt động xây dựng, lắp đặt công trình ở nước ngoài và ở trong khu phi thuế quan; vận tải quốc tế; hàng hóa, dịch vụ thuộc diện không chịu thuế GTGT khi xuất khẩu; trừ các trường hợp không áp dụng mức thuế suất 0% hướng dẫn tại khoản 3 Điều này.

Hàng hóa, dịch vụ xuất khẩu là hàng hóa, dịch vụ được bán, cung ứng cho tổ chức; cá nhân ở nước ngoài và tiêu dùng ở ngoài Việt Nam; bán, cung ứng cho tổ chức, cá nhân trong khu phi thuế quan; hàng hóa, dịch vụ cung cấp cho khách hàng nước ngoài theo quy định của pháp luật.

…b) Dịch vụ xuất khẩu bao gồm:
  • Dịch vụ cung ứng trực tiếp cho tổ chức; cá nhân ở nước ngoài và tiêu dùng ở ngoài Việt Nam;
  • Cung ứng trực tiếp cho tổ chức, cá nhân ở trong khu phi thuế quan; và tiêu dùng trong khu phi thuế quan.

Cá nhân ở nước ngoài là:

  • Người nước ngoài không cư trú tại Việt Nam,
  • Người Việt Nam định cư ở nước ngoài; và ở ngoài Việt Nam trong thời gian diễn ra việc cung ứng dịch vụ.

Tổ chức, cá nhân trong khu phi thuế quan là tổ chức, cá nhân có đăng ký kinh doanh và các trường hợp khác theo quy định của Thủ tướng Chính phủ.

Trường hợp cung cấp dịch vụ mà hoạt động cung cấp vừa diễn ra tại Việt Nam, vừa diễn ra ở ngoài Việt Nam:
  • Nhưng hợp đồng dịch vụ được ký kết giữa hai người nộp thuế tại Việt Nam hoặc có cơ sở thường trú tại Việt Nam thì thuế suất 0% chỉ áp dụng đối với phần giá trị dịch vụ thực hiện ở ngoài Việt Nam, trừ trường hợp cung cấp dịch vụ bảo hiểm cho hàng hóa nhập khẩu được áp dụng thuế suất 0% trên toàn bộ giá trị hợp đồng. Trường hợp, hợp đồng không xác định riêng phần giá trị dịch vụ thực hiện tại Việt Nam thì giá tính thuế được xác định theo tỷ lệ (%) chi phí phát sinh tại Việt Nam trên tổng chi phí.

Cơ sở kinh doanh cung cấp dịch vụ là người nộp thuế tại Việt Nam phải có tài liệu chứng minh dịch vụ thực hiện ở ngoài Việt Nam.

đ) Các hàng hóa, dịch vụ khác:
  • Hoạt động xây dựng, lắp đặt công trình ở nước ngoài hoặc ở trong khu phi thuế quan;

2. Điều kiện áp dụng thuế suất 0%:

…b) Đối với dịch vụ xuất khẩu:

  • Có hợp đồng cung ứng dịch vụ với tổ chức; cá nhân ở nước ngoài hoặc ở trong khu phi thuế quan;
  • Có chứng từ thanh toán tiền dịch vụ xuất khẩu qua ngân hàng; và các chứng từ khác theo quy định của pháp luật;

…”

Tại Điều 11 quy định:

“Điều 11. Thuế suất 10%:

Thuế suất 10% áp dụng đối với hàng hóa; dịch vụ không được quy định tài Điều 4, Điều 9 và Điều 10 Thông tư này.

…”

Tại Điều 16 quy định về điều kiện khấu trừ, hoàn thuế đầu vào của hàng hóa, dịch vụ xuất khẩu

“Hàng hóa, dịch vụ xuất khẩu (trừ các trường hợp hướng dẫn Điều 17 Thông tư này) để được khấu trừ thuế, hoàn thuế GTGT đầu vào phải có đủ điều kiện và các thủ tục nêu tại khoản 2 Điều 9 và khoản 1 Điều 15 Thông tư này, cụ thể như sau:

  1. Hợp đồng bán hàng hóa, gia công hàng hóa (đối với trường hợp gia công hàng hóa), cung ứng dịch vụ cho tổ chức, cá nhân nước ngoài. Đối với trường hợp ủy thác xuất khẩu là hợp đồng ủy thác xuất khẩu và biên bản thanh lý hợp đồng ủy thác xuất khẩu (trường hợp đã kết thúc hợp đồng) hoặc biên bản đối chiếu công nợ định kỳ giữa bên ủy thác xuất khẩu và bên nhận ủy thác xuất khẩu có ghi rõ: số lượng, chủng loại sản phẩm, giá trị hàng ủy thác đã xuất khẩu; số, ngày hợp đồng xuất khẩu của bên nhận ủy thác xuất khẩu ký với nước ngoài; số, ngày, số tiền ghi trên chứng từ thanh toán qua ngân hàng với nước ngoài của bên nhận ủy thác xuất khẩu; số, ngày, số tiền ghi trên chứng từ thanh toán của bên nhận ủy thác xuất khẩu thanh toán cho bên ủy thác xuất khẩu; số, ngày tờ khai hải quan hàng hóa xuất khẩu của bên nhận ủy thác xuất khẩu.
  2. Tờ khai hải quan đối với hàng hóa xuất khẩu đã làm xong thủ tục hải quan theo hướng dẫn của Bộ Tài chính về thủ tục hải quan; kiểm tra, giám sát hải quan; thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu và quản lý thuế đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu.
Đối với cơ sở kinh doanh xuất khẩu sản phẩm phần mềm dưới các hình thức tài liệu, hồ sơ, cơ sở dữ liệu đóng gói cứng:

Để được khấu trừ, hoàn thuế GTGT đầu vào, cơ sở kinh doanh phải đảm bảo thủ tục về tờ khai hải quan như đối với hàng hóa thông thường.

Riêng các trường hợp sau không cần tờ khai hải quan:

  • Hoạt động xây dựng, lắp đặt công trình ở nước ngoài hoặc ở trong khu phi thuế quan.

3. Hàng hóa, dịch vụ xuất khẩu phải thanh toán qua ngân hàng

a) Thanh toán qua ngân hàng là việc chuyển tiền từ tài khoản của bên nhập khẩu sang tài khoản mang tên bên xuất khẩu mở tại ngân hàng theo các hình thức thanh toán phù hợp với thỏa thuận trong hợp đồng và quy định của ngân hàng. Chứng từ thanh toán tiền là giấy báo có của ngân hàng bên xuất khẩu về số tiền đã nhận được từ tài khoản của ngân hàng bên nhập khẩu.

Trường hợp thanh toán chậm trả, phải có thỏa thuận ghi trong hợp đồng xuất khẩu; đến thời hạn thanh toán cơ sở kinh doanh phải có chứng từ thanh toán qua ngân hàng.

Trường hợp ủy thác xuất khẩu thì phải có chứng từ thanh toán qua ngân hàng của phía nước ngoài cho bên nhận ủy thác và bên nhận ủy thác phải thanh toán tiền hàng xuất khẩu qua ngân hàng cho bên ủy thác.

Trường hợp bên nước ngoài thanh toán trực tiếp cho bên ủy thác xuất khẩu thì bên ủy thác phải có chứng từ thanh toán qua ngân hàng và việc thanh toán như trên phải được quy định trong hợp đồng.

b) Các trường hợp thanh toán dưới đây cũng được coi là thanh toán qua ngân hàng:

…”

Tại Điều 17 quy định:

“Điều 17. Điều kiện khấu trừ, hoàn thuế GTGT đầu vào đối với một số trường hợp hàng hóa được coi như xuất khẩu

Các trường hợp cơ sở kinh doanh có hàng hóa xuất khẩu hoặc hàng hóa được coi như xuất khẩu hướng dẫn tại Điều 16, Điều 17 Thông tư này nếu đã có xác nhận của cơ quan Hải quan (đối với hàng hóa xuất khẩu) nhưng không có đủ các thủ tục, hồ sơ khác đối với từng trường hợp cụ thể thì không phải tính thuế GTGT đầu ra nhưng không được khấu trừ thuế GTGT đầu vào.

Riêng đối với trường hợp hàng hóa giữ công chuyển tiếp và hàng hóa xuất khẩu tại chỗ, nếu không có đủ một trong các thủ tục, hồ sơ theo quy định thì phải tính và nộp thuế GTGT như hàng hóa tiêu thụ nội địa. Đối với cơ sở kinh doanh có dịch vụ xuất khẩu nếu không đáp ứng điều kiện về thanh toán qua ngân hàng hoặc được coi như thanh toán qua ngân hàng thì không được áp dụng thuế suất thuế GTGT 0%, không phải tính thuế GTGT đầu ra nhưng không được khấu trừ thuế đầu vào.”

Tại Điều 19 quy định:

“Điều 19. Điều kiện và thủ tục hoàn thuế GTGT

“1. Các cơ sở kinh doanh, tổ chức thuộc đối tượng được hoàn thuế GTGT theo hướng dẫn tại điểm 1, 2, 3, 4, 5 Điều 18 Thông tư này phải là cơ sở kinh doanh nộp thuế theo phương pháp khấu trừ, đã được cấp giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp hoặc giấy phép đầu tư (giấy phép hành nghề) hoặc quyết định thành lập của cơ quan có thẩm quyền, có con dấu theo đúng quy định của pháp luật, lập và lưu giữ sổ kế toán, chứng từ kế toán theo quy định của pháp luật về kế toán; có tài khoản tiền gửi tại ngân hàng theo mã số thuế của cơ sở kinh doanh.

  1. Các trường hợp cơ sở kinh doanh đã kê khai đề nghị hoàn thuế trên Tờ khai thuế GTGT thì không được kết chuyển số thuế đầu vào đã đề nghị hoàn thuế vào số thuế được khấu trừ của tháng tiếp sau.
  2. Thủ tục hoàn thuế GTGT thực hiện theo quy định tại Luật Quản lý thuế và các văn bản hướng dẫn thi hành…”

Căn cứ Thông tư số 25/2018/TT-BTC ngày 16/03/2018 của Bộ Tài chính

Hướng dẫn Nghị định số 146/2017/NĐ-CP ngày 15/12/2017 của Chính phủ và sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 78/2014/TT-BTC ngày 18/06/2014 của Bộ Tài chính, Thông tư số 111/2013/TT-BTC ngày 15/08/2013 của Bộ Tài chính:

Tại Điều 2 sửa đổi, bổ sung Khoản 4 Điều 18 Thông tư số 219/2013/TT-BTC ngày 31/12/2013 của Bộ Tài chính

(đã được sửa đổi, bổ sung theo Thông tư số 130/2016/TT-BTC ngày 12/8/2016 của Bộ Tài chính)

“4. Hoàn thuế đối với hàng hóa, dịch vụ xuất khẩu

a) Cơ sở kinh doanh trong tháng (đối với trường hợp kê khai theo tháng), quý (đối với trường hợp kê khai theo quý) có hàng hóa, dịch vụ xuất khẩu:
  • Bao gồm cả trường hợp: Hàng hóa nhập khẩu sau đó xuất khẩu vào khu phi thuế quan; hàng hóa nhập khẩu sau đó xuất khẩu ra nước ngoài, có số thuế giá trị gia tăng đầu vào chưa được khấu trừ từ 300 triệu đồng trở lên thì được hoàn thuế giá trị gia tăng theo tháng, quý; trường hợp trong tháng, quý số thuế giá trị gia tăng đầu vào chưa được khấu trừ chưa đủ 300 triệu đồng thì được khấu trừ vào tháng, quý tiếp theo.
Cơ sở kinh doanh trong tháng/quý vừa có hàng hóa, dịch vụ xuất khẩu, vừa có hàng hóa, dịch vụ tiêu thụ nội địa:
  • Thì cơ sở kinh doanh phải hạch toán riêng số thuế GTGT đầu vào sử dụng cho sản xuất kinh doanh hàng hóa, dịch vụ xuất khẩu. Trường hợp không hạch toán riêng được thì số thuế giá trị gia tăng đầu vào của hàng hóa, dịch vụ xuất khẩu được xác định theo tỷ lệ giữa doanh thu của hàng hóa, dịch vụ xuất khẩu trên tổng doanh thu hàng hóa, dịch vụ của các kỳ khai thuế giá trị gia tăng tính từ kỳ khai thuế tiếp theo kỳ hoàn thuế liền trước đến kỳ đề nghị hoàn thuế hiện tại.

Số thuế GTGT đầu vào của hàng hóa, dịch vụ xuất khẩu (bao gồm số thuế GTGT đầu vào hạch toán riêng được và số thuế GTGT đầu vào được phân bổ theo tỷ lệ nêu trên) nếu sau khi bù trừ với số thuế GTGT phải nộp của hàng hóa, dịch vụ tiêu thụ nội địa còn lại từ 300 triệu đồng trở lên thì cơ sở kinh doanh được hoàn thuế cho hàng hóa, dịch vụ xuất khẩu. Số thuế GTGT được hoàn của hàng hóa, dịch vụ xuất khẩu không vượt quá doanh thu của hàng hóa; dịch vụ xuất khẩu nhân (x) với 10%.

b) Cơ sở kinh doanh không được hoàn thuế giá trị gia tăng đối với trường hợp:

Hàng hóa nhập khẩu sau đổ xuất khẩu mà hàng hóa xuất khẩu đó không thực hiện việc xuất khẩu tại địa bàn hoạt động hải quan theo quy định của pháp luật về hải quan; hàng hóa xuất khẩu không thực hiện việc xuất khẩu tại địa bàn hoạt động hải quan theo quy định của pháp luật về hải quan.

c) Cơ quan thuế thực hiện hoàn thuế trước,

Kiểm tra sau đối với người nộp thuế sản xuất hàng hóa xuất khẩu không bị xử lý đối với hành vi buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới, trốn thuế, gian lận thuế, gian lận thương mại trong thời gian hai năm liên tục; người nộp thuế không thuộc đối tượng rủi ro cao theo quy định của Luật quản lý thuế và các văn bản hướng dẫn thi hành.”

Căn cứ Thông tư số 26/2015/TT-BTC ngày 27/2/2015 của Bộ Tài chính sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 219/2013/TT-BTC ngày 31/12/2013 của Bộ Tài chính

Hướng dẫn thi hành Luật Thuế giá trị gia tăng và Nghị định số 209/2013/NĐ-CP ngày 18/12/2013 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều Luật Thuế giá trị gia tăng (đã được sửa đổi, bổ sung theo Thông tư số 119/2014/TT-BTC ngày 25/8/2014 và Thông tư số 151/2014/TT-BTC ngày 10/10/2014 của Bộ Tài chính) như sau:

Tại khoản 10 Điều 1 quy định:

“Điều 1. Sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 219/2013/TT-BTC ngày 31/12/2013 của Bộ Tài chính hướng dẫn thi hành Luật Thuê giá trị gia tăng và Nghị định số 209/2013/NĐ-CP ngày 18/12/2013 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều Luật Thuế giá trị gia tăng (đã được sửa đổi, bổ sung theo Thông tư số 119/2014/TT-BTC ngày 25/8/2014 và Thông tư số 151/2014/TT-BTC ngày 10/10/2014 của Bộ Tài chính) như sau:

  1. Sửa đổi, bổ sung Điều 15 (đã được sửa đổi, bổ sung tại Thông tư số 119/2014/TT-BTC ngày 25/8/2014; và Thông tư số 151/2014/TT-BTC ngày 10/10/2014 của Bộ Tài chính) như sau:
“Điều 15. Điều kiện khấu trừ thuế giá trị gia tăng đầu vào

  1. Chứng từ thanh toán qua ngân hàng được hiểu là có chứng từ chứng minh việc chuyển tiền từ tài khoản của bên mua sang tài khoản của bên bán (tài khoản của bên mua và tài khoản của bên bán phải là tài khoản đã đăng ký hoặc thông báo với cơ quan thuế, Bên mua không cần phải đăng ký hoặc thông báo với cơ quan thuế tài khoản tiền vay tại các tổ chức tín dụng dùng để thanh toán cho nhà cung cấp) mở tại các tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán theo các hình thức thanh toán phù hợp với quy định của pháp luật hiện hành như séc, ủy nhiệm chi hoặc lệnh chi, ủy nhiệm thu, nhờ thu, thẻ ngân hàng; thẻ tín dụng, sim điện thoại (ví điện tử) và các hình thức thanh toán khác theo quy định (bao gồm cả trường hợp bên mua thanh toán từ tài khoản của bên mua sang tài khoản bên bán mang tên chủ doanh nghiệp tư nhân hoặc bên mua thanh toán từ tài khoản của bên mua mang tên chủ doanh nghiệp tư nhân sang tài khoản bên bản nếu tài khoản này đã được đăng ký giao dịch với cơ quan thuế).

b) Hàng hóa, dịch vụ mua vào từng lần theo hóa đơn từ hai mươi triệu đồng trở lên theo giá đã có thuế GTGT; nếu không có chứng từ thanh toán qua ngân hàng thì không được khấu trừ:

  1. Các trường hợp thanh toán không dùng tiền mặt khác để khấu trừ thuế GTGT đầu vào gồm:

…”

Căn cứ Khoản 2 Điều 1 Thông tư số 130/2016/TT-BTC ngày 12/08/2016 của Bộ Tài chính sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 219/2013/TT-BTC ngày 31/12/2013 của Bộ Tài chính

Hướng dẫn thi hành Luật Thuế GTGT và Nghị định số 209/2013/NĐ-CP ngày 18/12/2013 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều Luật Thuế GTGT (đã được sửa đổi, bổ sung theo Thông tư số 119/2014/TT-BTC ngày 25/8/2014, Thông tư số 151/2014/TT-BTC ngày 10/10/2014 và Thông tư số 26/2015/TT-BTC ngày 27/2/2015 của Bộ Tài chính) như sau:

“2. Sửa đổi, bổ sung khoản 3 Điều 9 như sau:

“3. Các trường hợp không áp dụng mức thuế suất 0% gồm:

  • Các dịch vụ do cơ sở kinh doanh cung cấp cho tổ chức, cá nhân ở trong khu phi thuế quan bao gồm: cho thuê nhà, hội trường, văn phòng, khách sạn, kho bãi; dịch vụ vận chuyển đưa đón người lao động; dịch vụ ăn uống (trừ dịch vụ cung cấp suất ăn công nghiệp, dịch vụ ăn uống trong khu phi thuế quan);

…”

Căn cứ Thông tư số 39/2014/TT-BTC ngày 31/03/2014 của Bộ Tài chính

Hướng dẫn thi hành Nghị định số 51/2010/NĐ-CP ngày 14/05/2010 và Nghị định số 04/2014/NĐ-CP ngày 17/01/2014 của Chính Phủ quy định về hóa đơn bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ:

Tại tiết a Khoản 2 Điều 16 quy định:

“Điều 16. Lập hóa đơn:

  1. Cách lập một số tiêu thức cụ thể trên hóa đơn

a) Tiêu thức “Ngày tháng năm” lập hóa đơn

Ngày lập hóa đơn đối với xây dựng; lắp đặt là thời điểm nghiệm thu, hàn giao công trình; hạng mục công trình, khối lượng xây dựng, lắp đặt hoàn thành; không phân biệt đã thu được tiền hay chưa thu được tiền.

…”

Tại Phụ lục 4 hướng dẫn lập hóa đơn bán hàng hóa, dịch vụ đối với một số trường hợp

“…

2.10. Cơ sở xây dựng có công trình xây dựng, lắp đặt mà thời gian thực hiện dài, việc thanh toán tiền thực hiện theo tiến độ hoặc theo khối lượng công việc hoàn thành bàn giao, phải lập hóa đơn thanh toán khối lượng xây lắp bàn giao. Hóa đơn GTGT phải ghi rõ doanh thu chưa có thuế và thuế GTGT. Trường hợp công trình xây dựng hoàn thành đã lập hóa đơn thanh toán giá trị công trình nhưng khi duyệt quyết toán giá trị công trình XDCB có điều chỉnh giá trị khối lượng xây dựng phải thanh toán thì lập hóa đơn, chứng từ điều chỉnh giá trị công trình phải thanh toán.

…”

Căn cứ các quy định nêu trên, Cục Thuế TP. Hà Nội hướng dẫn nguyên tắc như sau:

Về thời điểm lập hóa đơn:

Đối với hoạt động xây dựng, lắp đặt, đề nghị Công ty nghiên cứu và thực hiện theo hướng dẫn tại tiết a Khoản 2 Điều 16 Thông tư 39/2014/TT-BTC. Trường hợp việc xây dựng, lắp đặt có thời gian thực hiện dài, việc thanh toán tiền thực hiện theo tiến độ hoặc theo khối lượng công việc hoàn thành bàn giao, thì Công ty phải lập hóa đơn thanh toán khối lượng xây lắp bàn giao.

Về thuế GTGT:

Thời điểm xác định thuế GTGT đối với xây dựng, lắp đặt, là thời điểm nghiệm thu, bàn giao công trình, hạng mục công trình, khối lượng xây dựng, lắp đặt hoàn thành, không phân biệt đã thu được tiền hay chưa thu được tiền. Đề nghị Công ty căn cứ tình hình thực tế, tiến độ của hoạt động xây dựng, lắp đặt để thực hiện theo đúng quy định.

Trường hợp Công ty thực hiện hoạt động xây dựng, lắp đặt công trình trong khu phi thuế quan cho doanh nghiệp chế xuất theo quy định của pháp luật thì hoạt động này được áp dụng thuế suất thuế GTGT 0% nếu đáp ứng các điều kiện quy định Khoản 2 Điều 9 Thông tư 219/2013/TT-BTC. Trường hợp Công ty thực hiện hoạt động xây dựng, lắp đặt công trình cho doanh nghiệp nội địa; thì áp dụng thuế suất thuế GTGT 10% theo quy định tại Điều 11 Thông tư 219/2013/TT-BTC.

Về hoàn thuế GTGT

Trường hợp Công ty có hàng hóa, dịch vụ xuất khẩu và phát sinh số thuế GTGT đầu vào chưa được khấu trừ từ 300 triệu đồng trở lên thì xem xét, giải quyết hoàn thuế GTGT theo quy định tại Điều 2 Thông tư 25/2018/TT-BTC. Để được hoàn thuế GTGT đối với dịch vụ xuất khẩu, Công ty phải đáp ứng đủ các điều kiện theo quy định tại Điều 16, Điều 19 Thông tư số 219/2013/TT-BTC ngày 31/12/2013 của Bộ Tài chính.

Trường hợp Công ty vừa có hàng hóa, dịch vụ xuất khẩu vừa có hàng hóa, dịch vụ tiêu thụ nội địa thì Công ty phải hạch toán riêng số thuế GTGT đầu vào sử dụng cho sản xuất kinh doanh hàng hóa, dịch vụ xuất khẩu. Trường hợp không hạch toán riêng được thì số thuế giá trị gia tăng đầu vào của hàng hóa, dịch vụ xuất khẩu được xác định theo tỷ lệ giữa doanh thu của hàng hóa, dịch vụ xuất khẩu trên tổng doanh thu hàng hóa, dịch vụ của các kỳ khai thuế giá trị gia tăng tính từ kỳ khai thuế tiếp theo kỳ hoàn thuế liền trước đến kỳ đề nghị hoàn thuế hiện tại.

Đề nghị Công ty nghiên cứu các quy định pháp luật

  • Về thời điểm lập hóa đơn, thời điểm tính thuế GTGT, các quy định pháp luật khác liên quan và đối chiếu tình hình thực tế xác định điều kiện đáp ứng loại hình doanh nghiệp chế xuất để áp dụng chính sách thuế phù hợp, đúng quy định theo từng giai đoạn.

Trong quá trình thực hiện, nếu còn vướng mắc về chính sách thuế, đề nghị Công ty cung cấp hồ sơ cụ thể, liên hệ Phòng Thanh tra – Kiểm tra số 1 để được hướng dẫn.

Cục Thuế TP. Hà Nội trả lời để Công ty TNHH Hana E&C được biết và thực hiện./.

Các bài viết có liên quan:

Mọi chi tiết xin liên hệ:

  • Hãng kiểm toán Calico
  • Địa chỉ: Tầng 29, Tòa Đông, Lotte Center Hà Nội,
  • Số 54 Liễu Giai, Phường Cống Vị, Quận Ba Đình, TP. Hà Nội
  • VPGD: Phòng 2302, Tháp B, Toà nhà The Light, đường Tố Hữu, Phường Trung Văn, Quận Nam Từ Liêm, TP. Hà Nội.
  • Hotline: 0966.246.800
  • Email: calico.vn@gmail.com
  • Website: kiemtoancalico.com | www.calico.vn
Bài viết có ích cho bạn?
Banner-post-thu-vien-calico_960x300
Bài viết có ích cho bạn?

NGHIỆP VỤ CALICO