Thuế suất thuế GTGT đối với hoạt động kinh doanh chứng khoán

29/01/2018 1704 lượt xem    

Số: 1749/TCT-CS
Thuế GTGT hoạt động kinh doanh chứng khoán

Kính gửi: Cục Thuế thành phố Hà Nội.

Tổng cục Thuế nhận được công văn số 72/CT-HTr ngày 04/01/2016 của Cục Thuế thành phố Hà Nội hỏi về chính sách thuế GTGT đối với hoạt động kinh doanh chứng khoán của Công ty cổ phần chứng khoán Sài Gòn (SSI). Về vấn đề này, Tổng cục Thuế có ý kiến như sau:

1. Về thuế GTGT:

Theo quy định tại Tiết c Khoản 8 Điều 4 Thông tư số 219/2013/TT-BTC ngày 31/12/2013 của Bộ Tài chính quy định về đối tượng không chịu thuế GTGT thì:

“c) Kinh doanh chứng khoán bao gồm: Môi giới chứng khoán, tự doanh chứng khoán, bảo lãnh phát hành chứng khoán, tư vấn đầu tư chứng khoán, lưu ký chứng khoán, quản lý quỹ đầu tư chứng khoán, quản lý công ty đầu tư chứng khoán, quản lý danh Mục đầu tư chứng khoán, dịch vụ tổ chức thị trường của sở giao dịch chứng khoán hoặc trung tâm giao dịch chứng khoán, dịch vụ liên quan đến chứng khoán đăng ký, lưu ký tại Trung tâm Lưu ký Chứng khoán Việt Nam, cho khách hàng vay tiền để thực hiện giao dịch ký quỹ, ứng trước tiền bán chứng khoán và hoạt động kinh doanh chứng khoán khác theo quy định của pháp luật về chứng khoán”;

Theo quy định tại Điều 11 Thông tư số 219/2013/TT-BTC nêu trên thì “thuế suất 10% áp dụng đối với hàng hóa, dịch vụ không được quy định tại Điều 4, Điều 9 và Điều 10 Thông tư này”.

Căn cứ vào các hướng dẫn trên và ý kiến của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước tại công văn số 6440/UBCK-PTTT ngày 13/10/2015 thì:

Trường hợp Công ty cổ phần chứng khoán Sài Gòn thực hiện các hoạt động về tư vấn tài chính cho khách hàng, các hoạt động này không thuộc hoạt động kinh doanh chứng khoán quy định tại Tiết c Khoản 8 Điều 4 Thông tư số 219/2013/TT-BTC nêu trên nên thuộc đối tượng chịu thuế GTGT với mức thuế suất thuế GTGT là 10%.

2. Về thuế TNCN:

Theo quy định tại Khoản 2 Điều 5 Chương 2 Nghị định số 94/2014/NĐ-CP ngày 17/10/2014 của Chính phủ quy định về thành lập và quản lý quỹ phòng, chống thiên tai thì:

“2. Công dân Việt Nam từ đủ 18 tuổi đến hết tuổi lao động theo quy định của pháp luật về lao động đóng góp như sau:

a) Cán bộ, công chức, viên chức trong các cơ quan, tổ chức, lực lượng vũ trang hưởng lương, cán bộ quản lý trong các doanh nghiệp nhà nước đóng 1 ngày lương/người/năm theo mức lương cơ bản sau khi trừ các Khoản thuế, bảo hiểm phải nộp;

b) Người lao động trong các doanh nghiệp đóng 1 ngày lương/người/năm theo mức lương tối thiểu vùng;

c) Người lao động khác, trừ các đối tượng đã được quy định tại Điểm a; Điểm b Khoản này, đóng 15.000 đồng/người/năm”;

Theo quy định tại Khoản 3 Điều 9 Thông tư số 111/2013/TT-BTC ngày 15/8/2013 của BTC:

Quy định về các Khoản giảm trừ khi xác định thu nhập chịu thuế thu nhập cá nhân thì:

“3. Giảm trừ đối với các Khoản đóng góp từ thiện, nhân đạo, khuyến học

a) Các Khoản đóng góp từ thiện, nhân đạo, khuyến học được trừ vào thu nhập chịu thuế đối với thu nhập từ kinh doanh, từ tiền lương, tiền công trước khi tính thuế của người nộp thuế là cá nhân cư trú, bao gồm:

a.1) Khoản chi đóng góp vào các tổ chức, cơ sở chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, người khuyết tật, người già không nơi nương tựa.

Các tổ chức cơ sở chăm sóc nuôi dưỡng trẻ em có hoàn cảnh khó khăn, người khuyết tật, phải được thành lập và hoạt động theo quy định tại:

  • Nghị định số 68/2008/NĐ-CP ngày 30/5/2008 của Chính phủ quy định Điều kiện, thủ tục thành lập, tổ chức, hoạt động và giải thể cơ sở bảo trợ xã hội;
  • Nghị định số 81/2012/NĐ-CP ngày 08/10/2012 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung Nghị định 68/2008/NĐ-CP ngày 30/5/2008 của Chính phủ quy định Điều kiện, thủ tục thành lập, tổ chức, hoạt động và giải thể cơ sở bảo trợ xã hội
  • Nghị định số 109/2002/NĐ-CP ngày 27/12/2002 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số Điều của Nghị định số 195/CP ngày 31/12/1994 của Chính phủ quy định chi Tiết và hướng dẫn thi hành một số Điều của Bộ luật lao động về thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi.

Tài liệu để chứng minh đóng góp vào các tổ chức, cơ sở chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, người khuyết tật, người già không nơi nương tựa là chứng từ thu hợp pháp của tổ chức, cơ sở.

a.2) Khoản chi đóng góp vào các quỹ từ thiện, quỹ nhân đạo, quỹ khuyến học được thành lập và hoạt động theo quy định tại Nghị định số 30/2012/NĐ-CP ngày 12/4/2012 của Chính phủ về tổ chức, hoạt động của quỹ xã hội, quỹ từ thiện, hoạt động vì Mục đích từ thiện, nhân đạo, khuyến học, không nhằm Mục đích lợi nhuận và quy định tại các văn bản khác có liên quan đến việc quản lý, sử dụng các nguồn tài trợ.

Tài liệu chứng minh đóng góp từ thiện, nhân đạo, khuyến học là chứng từ thu hợp pháp do các tổ chức, các quỹ của Trung ương hoặc của tỉnh cấp.

b) Các Khoản đóng góp từ thiện, nhân đạo, khuyến học phát sinh vào năm nào được giảm trừ vào thu nhập chịu thuế của năm tính thuế đó, nếu giảm trừ không hết không được trừ vào thu nhập chịu thuế của năm tính thuế tiếp theo. Mức giảm trừ tối đa không vượt quá thu nhập tính thuế từ tiền lương, tiền công và thu nhập từ kinh doanh của năm tính thuế phát sinh đóng góp từ thiện nhân đạo, khuyến học”.

Căn cứ những hướng dẫn trên thì:

Quỹ phòng, chống thiên tai theo quy định tại Nghị định số 94/2014/NĐ-CP ngày 17/10/2014 của Chính phủ không thuộc các Khoản đóng góp từ thiện nhân đạo khuyến học theo quy định tại Khoản 3 Điều 9 Thông tư số 111/2013/TT-BTC ngày 15/8/2013 của Bộ Tài chính nên Khoản đóng góp này không được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế thu nhập cá nhân.

Tổng cục Thuế trả lời để Cục Thuế thành phố Hà Nội được biết./.

 

Chúc các bạn thành công!

Tìm hiểu thêm về kế toán, kiểm toán, thuế tại calico.vn hoặc kiemtoancalico.com

 

 

Bài viết có ích cho bạn?
Banner-post-thu-vien-calico_960x300
Bài viết có ích cho bạn?

NGHIỆP VỤ CALICO