Mục lục bài viết
Công văn số: 5854/BTC-TCT
chính sách thuế liên quan đến tiền chi trả dịch vụ môi trường rừng
Kính gửi:
– Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn;
– UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương
Bộ Tài chính nhận được công văn số 2456/CT-THNVDT ngày 7/11/2013 của Cục Thuế tỉnh Đăk Nông, công văn số 7568/CT-KTT ngày 26/11/2013 của Cục Thuế tỉnh Kon Tum, công văn số 4027/UBND-KTTC ngày 13/9/2013 của UBND tỉnh Đắk Nông đề nghị hướng dẫn chính sách thuế ( thuế GTGT, thuế TNCN, thuế TNDN) đối với tiền chi trả dịch vụ môi trường rừng. Về vấn đề này, sau khi lấy ý kiến một số UBND tỉnh, thành phố, căn cứ ý kiến của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tại công văn số 238/BNN-TCLN ngày 23/1/2014, Bộ Tài chính có ý kiến như sau:
1. Về thuế giá trị gia tăng (GTGT)
Căn cứ điểm c khoản 3 Điều 5 Thông tư liên tịch số 62/2012/TTLT-BNNPTNT-BTC ngày 16/11/2012 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn và BTC hướng dẫn cơ chế quản lý sử dụng tiền chi trả dịch vụ môi trường; Điều 4, Thông tư số 06/2012/TT-BTC ngày 11/01/2012 của Bộ Tài chính hướng dẫn về thuế GTGT quy định về đối tượng không chịu thuế GTGT.
Căn cứ quy định nêu trên, tiền dịch vụ môi trường rừng là do bên sử dụng dịch vụ môi trường rừng trả cho bên cung ứng, khoản tiền này được chi trả thông qua Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng của tỉnh, Quỹ này được trích lại tiền để làm kinh phí hoạt động, phần còn lại chi trả cho các đơn vị. Do vậy, tiền dịch vụ môi trường rừng không chịu thuế GTGT.
2. Về thuế thu nhập cá nhân (TNCN)
Tại điểm 6 mục III phần A Thông tư số 84/2008/TT-BTC ngày 30/9/2008 hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Thuế TNCN và hướng dẫn thi hành NĐ số 100/2008/NĐ-CPngày 08/9/2008 của CP quy định chi tiết một số điều của Luật Thuế TNCN; tại điểm e khoản 1 điều 3 TT số 111/2013/TT-BTC ngày 18/8/2013 của BTC hướng dẫn thực hiện Luật Thuế TNCN, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thuế TNCN và NĐ số 65/2013/NĐ-CP của CP quy định chi tiết một số điều của Luật Thuế TNCN và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thuế TNCN quy định thu nhập được miễn thuế:
“Thu nhập của hộ gia đình, cá nhân trực tiếp tham gia vào hoạt động sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp, làm muối, nuôi trồng, đánh bắt thủy sản chưa qua chế biến thành các sản phẩm khác hoặc chỉ qua sơ chế thông thường”.
Căn cứ quy định nêu trên, tiền dịch vụ môi trường rừng trả cho các hộ, cá nhân nhận khoán trực tiếp sản xuất lâm nghiệp, trồng rừng có tính chất tương tự thu nhập của hộ gia đình, cá nhân theo các quy định nêu trên nên thuộc đối tượng được miễn thuế TNCN.
3. Về thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN)
Căn cứ Điều 7 Thông tư số 123/2012/TT-BTC ngày 27/7/2012 hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Thuế TNDN số 14/2008/QH12 và hướng dẫn thi hành Nghị định số124/2008/NĐ-CP ngày 11/12/2008, Nghị định số 122/2011/NĐ-CP ngày 27/12/2011 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Thuế TNDN; Khoản khoản 3c, điều 5 Thông tư liên tịch số 62/2012/TTLT-BNNPTNT-BTC ngày 16/11/2012 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn và Bộ Tài chính hướng dẫn cơ chế quản lý sử dụng tiền chi trả dịch vụ môi trường; Điều 4 và Khoản 3 Điều 6 Nghị định số 05/2008/NĐ-CP ngày 14/1/2008 của Chính phủ về Quỹ bảo vệ và phát triển rừng;
Căn cứ quy định nêu trên, Bộ Tài chính có ý kiến như sau:
– Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng là tổ chức tài chính nhà nước hoạt động không vì mục đích lợi nhuận theo quy định tại Nghị định số 05/2008/NĐ-CP ngày 14/1/2008; căn cứ khoản 1 Điều 13 Nghị định số 99/2010/NĐ-CP ngày 24/9/2010 của Chính phủ: “Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng… là tổ chức tiếp nhận tiền chi trả dịch vụ môi trường rừng”, sau khi tiếp nhận tiền ủy thác chi trả từ bên sử dụng dịch vụ môi trường rừng, Quỹ tỉnh được trích lại:
- Chi phí quản lý tối đa 10% cho công tác quản lý, kiểm tra, giám sát (chi thường xuyên, chi không thường xuyên, chi hoạt động nghiệp vụ)
- Trích chi phí dự phòng không quá 5% (để hỗ trợ cho hộ gia đình cá nhân, cộng đồng dân cư thôn được giao, khoán bảo vệ rừng ổn định lâu dài trong trường hợp có thiên tai, khô hạn),
- Số tiền còn lại được chuyển trả cho các chủ rừng;
các tổ chức không phải chủ rừng được nhà nước giao trách nhiệm quản lý bảo vệ rừng do vậy, số tiền trích để chi phí quản lý và dự phòng của Quỹ tỉnh không phải đối tượng kê khai và nộp thuế TNDN.
– Đối với chủ rừng là tổ chức (Công ty Lâm nghiệp, Ban Quản lý rừng):
+ Đối với chủ rừng là tổ chức thực hiện giao khoán rừng cho hộ gia đình cá nhân, cộng đồng với toàn bộ diện tích có cung ứng dịch vụ môi trường rừng toàn bộ số tiền dịch vụ môi trường rừng sau khi trừ chi phí quản lý 10% và chi trả cho hộ gia đình, cá nhân cộng đồng nhận khoán thì chủ rừng không phải kê khai, nộp thuế TNDN.
+ Đối với chủ rừng là tổ chức thực hiện khoán bảo vệ rừng cho hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng một phần diện tích cung ứng dịch vụ môi trường rừng, số tiền còn lại tương ứng với diện tích rừng do chủ rừng trực tiếp quản lý bảo vệ là nguồn thu của chủ rừng. Chủ rừng phải thực hiện kê khai, nộp thuế TNDN theo quy định, thu nhập tính thuế là số chênh lệch giữa nguồn thu này (phần do chủ rừng là tổ chức trực tiếp quản lý bảo vệ) trừ các khoản chi phí hợp pháp, hợp lệ theo quy định.
+ Đối với tổ chức không phải là chủ rừng được nhà nước giao trách nhiệm quản lý rừng (UBND cấp xã) thì tiền dịch vụ môi trường rừng của cấp xã được xác định như một quỹ chuyên dụng theo quy định tại QĐ số 94/2005/QĐ-BTC và không phải kê khai nộp thuế TNDN.
4. Về phương pháp hạch toán nguồn thu, các khoản chi và việc quản lý, sử dụng tiền chi trả dịch vụ môi trường rừng
a) Đối với chủ rừng (Công ty lâm nghiệp)
Căn cứ quy định tại điểm c, khoản 3 Điều 5 Thông tư liên tịch số 62/2012/TTLT-BNNPTNT-BTCngày 16/11/2012 về hướng dẫn cơ chế quản lý sử dụng tiền chi trả dịch vụ môi trường rừng.
Như vậy, phần diện tích rừng còn lại của chủ rừng (công ty lâm nghiệp) trực tiếp tổ chức bảo vệ rừng, thì số tiền chi trả dịch vụ môi trường rừng của diện tích rừng là nguồn thu của chủ rừng. Chủ rừng quản lý, sử dụng theo quy định của Nhà nước về tài chính hiện hành áp dụng đối với từng loại hình tổ chức đó.
b) Đối với Quỹ bảo vệ và phát triển rừng
Tại Điều 8 Thông tư số 85/2012/TT-BTC ngày 25/5/2012 của Bộ Tài chính về hướng dẫn chế độ quản lý tài chính đối với Quỹ Bảo vệ và phát triển rừng:
“Điều 8. Chế độ kế toán; quản lý tài sản
1. Quỹ Trung ương, Quỹ cấp tỉnh, Quỹ cấp xã áp dụng Chế độ kế toán hành chính sự nghiệp (Ban hành theo Quyết định số 19/2006/QĐ-BTC ngày 30/3/2006 của Bộ trưởng Bộ Tài chính) để thực hiện công tác kế toán Quỹ.
2. Quỹ Trung ương, Quỹ cấp tỉnh, Quỹ cấp xã thực hiện quản lý, sử dụng tài sản theo quy định của Luật quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước và các văn bản hướng dẫn”
Căn cứ quy định nêu trên, Quỹ bảo vệ và phát triển rừng cấp tỉnh áp dụng Chế độ kế toán hành chính sự nghiệp (ban hành theo Quyết định số 19/2006/QĐ-BTC ngày 30/3/2006 của Bộ trưởng Bộ Tài chính) để thực hiện công tác hạch toán, kế toán.
Trên đây là ý kiến của Bộ Tài chính về chính sách thuế liên quan đến tiền chi trả dịch vụ môi trường rừng; Trong quá trình thực hiện, nếu có phát sinh vướng mắc đề nghị phản ánh về Bộ Tài chính để phối hợp giải quyết kịp thời./.
Chúc các bạn thành công!
Tìm hiểu thêm về kế toán, kiểm toán, thuế tại calico.vn hoặc kiemtoancalico.com