Thông tư 151/2015/TT-BTC

06/03/2018 570 lượt xem    

THÔNG TƯ

HƯỚNG DẪN VIỆC QUẢN LÝ, SỬ DỤNG VÀ QUYẾT TOÁN KINH PHÍ BẢO ĐẢM THỰC HIỆN QUYẾT ĐỊNH SỐ 81/2014/QĐ-TTG NGÀY 31/12/2014 CỦA THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ VỀ VIỆC PHỐI HỢP GIỮA CÁC BỘ, NGÀNH, ỦY BAN NHÂN DÂN CÁC CẤP VỚI CÁC CẤP HỘI NÔNG DÂN VIỆT NAM TRONG VIỆC TIẾP CÔNG DÂN, GIẢI QUYẾT KHIẾU NẠI, TỐ CÁO CỦA NÔNG DÂN

Căn cứ Nghị định số 60/2003/NĐ-CP ngày 6/6/2003 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật Ngân sách nhà nước;

Căn cứ Nghị định số 215/2013/NĐ-CP ngày 23/12/2013 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Tài chính;

Thực hiện Quyết định số 81/2014/QĐ-TTg ngày 31/12/2014 của Thủ tướng Chính phủ về việc phối hợp giữa các Bộ, ngành, Ủy ban nhân dân các cấp với các cấp Hội Nông dân Việt Nam trong việc tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo của nông dân;

Theo đề nghị của Vụ trưởng Vụ Tài chính Hành chính sự nghiệp;

Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành Thông tư hướng dẫn việc quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí bảo đảm thực hiện Quyết định số 81/2014/QĐ-TTg ngày 31/12/2014 của Thủ tướng Chính phủ về việc phối hợp giữa các Bộ, ngành, Ủy ban nhân dân các cấp với các cấp Hội Nông dân Việt Nam trong việc tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo của nông dân.

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng

1. Phạm vi điều chỉnh:

Thông tư này hướng dẫn việc quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí bảo đảm thực hiện nhiệm vụ được quy định tại Quyết định số 81/2014/QĐ-TTg ngày 31/12/2014 của Thủ tướng Chính phủ về việc phối hợp giữa các Bộ, ngành, Ủy ban nhân dân các cấp với các cấp Hội Nông dân Việt Nam trong việc tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo của nông dân (sau đây gọi tắt là Quyết định số 81/2014/QĐ-TTg) của các Bộ, ngành, địa phương, Hội Nông dân các cấp.

2. Đối tượng được áp dụng của Thông tư này bao gồm:

a) Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ; cơ quan thuộc Ủy ban nhân dân các cấp được giao nhiệm vụ phối hợp với Hội Nông dân các cấp trong việc tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo của nông dân theo quy định tại Quyết định số 81/2014/QĐ-TTg;

b) Hội Nông dân các cấp;

c) Các tổ chức, cá nhân khác có liên quan.

Điều 2. Nguồn kinh phí

Kinh phí bảo đảm hoạt động thực hiện Quyết định số 81/2014/QĐ-TTg do ngân sách nhà nước bảo đảm; huy động từ các nguồn viện trợ, tài trợ và các nguồn kinh phí khác theo quy định của pháp luật.

Điều 3. Nguyên tắc quản lý, sử dụng, quyết toán kinh phí bảo đảm hoạt động thực hiện Quyết định số 81/2014/QĐ-TTg

  1. Kinh phí ngân sách nhà nước bảo đảm thực hiện Quyết định số 81/2014/QĐ-TTg thuộc cấp nào do ngân sách cấp đó bảo đảm và được bố trí trong dự toán của các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ; các cơ quan tại địa phương theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước và các văn bản pháp luật khác có liên quan.
  2. Kinh phí ngân sách Nhà nước bảo đảm hoạt động thực hiện Quyết định số 81/2014/QĐ-TTg phải được sử dụng tiết kiệm, có hiệu quả, quản lý chi tiêu theo đúng chế độ hiện hành và theo các quy định tại Thông tư này.

Điều 4. Nội dung chi

1. Chi biên soạn, biên dịch, in ấn, phát hành tài liệu, thù lao báo cáo viên, tuyên truyền viên pháp luật cho nông dân, gồm:

a) Chi biên soạn nội dung tài liệu hướng dẫn nghiệp vụ, kỹ năng tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho nông dân dưới dạng tình huống giải đáp pháp luật; chi xây dựng chương trình, chuyên mục, biên soạn tin, bài phục vụ tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho nông dân trên các phương tiện thông tin đại chúng, thông tin lưu động;

b) Chi in ấn và phát hành các tài liệu hướng dẫn đã biên soạn; chi phí đăng tải thông tin, nội dung tuyên truyền trên báo, tạp chí, tập san, chuyên san, website, trang tin điện tử, phát thanh, truyền hình, truyền thanh cơ sở; chi mua hoặc thuê trang thiết bị phục vụ việc phát thanh; chi tuyên truyền qua băng rôn, khẩu hiệu và các hình thức phổ biến, giáo dục pháp luật khác; chi biên dịch tài liệu pháp luật ra tiếng dân tộc thiểu số;

c) Chi thù lao cho báo cáo viên pháp luật, tuyên truyền viên pháp luật, người được mời tham gia phổ biến, giáo dục pháp luật.

2. Chi tổ chức các cuộc thi tìm hiểu pháp luật cho nông dân; thi hòa giải viên giỏi, hình thức gồm: Thi viết, thi sân khấu hóa, thi qua mạng internet, thi trên sóng phát thanh, truyền hình; chi giao lưu, sinh hoạt văn hóa có lồng ghép nội dung tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật.

3. Chi tổ chức đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ, kiến thức công tác tuyên truyền pháp luật, trợ giúp pháp lý và kỹ năng công tác hòa giải cho cán bộ chuyên trách công tác Hội, báo cáo viên, tuyên truyền viên pháp luật.

4. Chi tổ chức hội thảo, tọa đàm trao đổi kinh nghiệm phổ biến, giáo dục pháp luật; trao đổi kinh nghiệm giải quyết khiếu nại, tố cáo của nông dân; chi tổ chức các cuộc họp, hội nghị chuyên đề, hội nghị tập huấn cho cán bộ Hội không chuyên trách ở cơ sở, cộng tác viên, tuyên truyền viên Câu lạc bộ Nông dân với pháp luật, hội nghị tổng kết, sơ kết, triển khai công tác phổ biến, giáo dục pháp luật.

5. Chi cho công tác hòa giải tại cơ sở:

a) Chi thù lao cho hòa giải viên;

b) Chi mua tài liệu, văn phòng phẩm phục vụ công tác hòa giải.

6. Chi cho các cơ quan, đơn vị thực hiện trợ giúp pháp lý, tư vấn pháp luật cho hội viên, nông dân được hưởng chính sách trợ giúp pháp lý, tư vấn pháp luật theo quy định tại Luật Trợ giúp pháp lý, Nghị định số 77/2008/NĐ-CPngày 16/7/2008 của Chính phủ về tư vấn pháp luật và các văn bản hướng dẫn.

7. Chi cho công tác tiếp cán bộ, hội viên nông dân đến khiếu nại, tố cáo, phản ánh, kiến nghị; chi tổ chức hoạt động đối thoại với nông dân để tư vấn, giải thích pháp luật, tháo gỡ vướng mắc của nông dân:

a) Chi bồi dưỡng người làm công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo, kiến nghị của nông dân; chi thù lao cán bộ thực hiện đối thoại;

b) Chi tiền nước uống tổ chức đối thoại;

c) Chi công tác phí (nếu có) cho cán bộ, công chức tham gia tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo, phản ánh, kiến nghị; đối thoại với nông dân.

8. Chi thực hiện các cuộc điều tra, khảo sát trong nước để thực hiện kế hoạch phổ biến, giáo dục pháp luật và giải quyết khiếu nại, tố cáo, trợ giúp pháp lý của nông dân.

9. Chi hoạt động Ban chỉ đạo các cấp, bao gồm:

a) Chi tổ chức các cuộc hội thảo, tọa đàm nghiệp vụ, các phiên họp định kỳ, đột xuất của Ban chỉ đạo;

b) Chi làm thêm giờ; văn phòng phẩm, trang thiết bị và các chi phí khác phục vụ trực tiếp các hoạt động của Ban chỉ đạo;

c) Chi các hoạt động chỉ đạo, kiểm tra;

d) Chi sơ kết, tổng kết, thi đua, khen thưởng.

Điều 5. Mức chi

1. Chi biên soạn, biên dịch, in ấn, phát hành tài liệu, thù lao báo cáo viên, tuyên truyền viên pháp luật cho nông dân, gồm:

a) Chi xây dựng chương trình, chuyên trang, chuyên mục; in ấn các ấn phẩm, tài liệu; sản xuất, phát hành băng, đĩa để phục vụ công tác phổ biến, giáo dục pháp luật; chi thực hiện thông tin, truyền thông trên báo, tạp chí, đài truyền hình, tập san, bản tin, cổng thông tin điện tử thực hiện theo định mức, đơn giá của các ngành có công việc tương tự và theo chứng từ chi thực tế hợp pháp được cấp có thẩm quyền phê duyệt trong dự toán ngân sách hàng năm;

b) Chi biên dịch các tài liệu phổ biến, giáo dục pháp luật (bao gồm cả tiếng dân tộc thiểu số được hiểu là ngôn ngữ không phổ thông) thực hiện theo quy định tại Thông tư số 01/2010/TT-BTCngày 06/01/2010 của Bộ Tài chính quy định chế độ chi tiêu đón tiếp khách nước ngoài vào làm việc tại Việt Nam, chi tiêu tổ chức các hội nghị, hội thảo quốc tế tại Việt Nam và chi tiêu tiếp khách trong nước;

c) Chi biên soạn tài liệu hướng dẫn nghiệp vụ, kỹ năng tuyên truyền, phổ biến pháp luật dưới dạng tình huống giải đáp pháp luật thực hiện theo mức chi biên soạn một số tài liệu phổ biến pháp luật đặc thù tại phụ lục kèm theo Thông tư liên tịch số 14/2014/TTLT-BTC-BTP ngày 27/01/2014 của Bộ Tài chính và Bộ Tư pháp quy định việc lập dự toán, quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí ngân sách nhà nước bảo đảm cho công tác phổ biến, giáo dục pháp luật và chuẩn tiếp cận pháp luật của người dân tại cơ sở;

d) Chi biên soạn tin, bài phục vụ việc phát thanh; chi thù lao cho phát thanh viên tuyên truyền pháp luật cho nông dân trên hệ thống loa truyền thanh, phát thanh ở cơ sở thực hiện theo mức chi hỗ trợ hoạt động truyền thông, phổ biến, giáo dục pháp luật, chuẩn tiếp cận pháp luật trên đài phát thanh xã, phường, thị trấn, loa truyền thanh cơ sở tại phụ lục kèm theo Thông tư liên tịch số 14/2014/TTLT-BTC-BTP ngày 27/01/2014 của Bộ Tài chính và Bộ Tư pháp;

đ) Chi thù lao cho giảng viên, báo cáo viên pháp luật, tuyên truyền viên pháp luật, người được mời tham gia phổ biến, giáo dục pháp luật thực hiện theo mức chi thù lao báo cáo viên, tuyên truyền viên, người được mời tham gia công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, thù lao cộng tác viên, chuyên gia tham gia các hoạt động đánh giá chuẩn tiếp cận pháp luật tại phụ lục kèm theo Thông tư liên tịch số 14/2014/TTLT-BTC-BTP ngày 27/01/2014 của Bộ Tài chính và Bộ Tư pháp.

2. Chi bồi dưỡng người làm công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo, kiến nghị của nông dân thực hiện theo quy định tại Nghị định số 64/2014/NĐ-CPngày 29/6/2014 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Tiếp công dân

3. Chi tổ chức hoạt động đối thoại với nông dân:

a) Tiền nước uống: tối đa 10.000 đồng/người/ngày;

b) Thù lao cán bộ thực hiện đối thoại: 40.000 đồng/người/ngày.

4. Chi tổ chức đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ, kiến thức công tác tuyên truyền pháp luật, trợ giúp pháp lý và kỹ năng công tác hòa giải cho cán bộ chuyên trách công tác Hội, báo cáo viên, tuyên truyền viên pháp luật thực hiện theo quy định tại Thông tư số 139/2010/TT-BTCngày 21/9/2010 của Bộ Tài chính quy định việc lập dự toán, quản lý và sử dụng kinh phí từ NSNN dành cho công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức.

5. Chi tổ chức hội thảo, tọa đàm trao đổi kinh nghiệm phổ biến, giáo dục pháp luật; trao đổi kinh nghiệm giải quyết khiếu nại, tố cáo của nông dân; chi tổ chức các cuộc họp, hội nghị chuyên đề, hội nghị tập huấn cho cán bộ Hội không chuyên trách ở cơ sở, cộng tác viên, tuyên truyền viên Câu lạc bộ Nông dân với pháp luật, hội nghị tổng kết, sơ kết, triển khai công tác phổ biến, giáo dục pháp luật thực hiện theo quy định tại Thông tư số 97/2010/TT-BTCngày 06/7/2010 của Bộ Tài chính quy định chế độ công tác phí, chế độ chi tổ chức các cuộc hội nghị đối với các cơ quan nhà nước và đơn vị sự nghiệp công lập.

6. Chi cho công tác hòa giải tại cơ sở, gồm: Thù lao cho hòa giải viên; chi mua tài liệu, văn phòng phẩm phục vụ công tác hòa giải thực hiện theo quy định tại Thông tư liên tịch số 100/2014/TTLT-BTC-BTP ngày 30/7/2014 của Bộ Tài chính, Bộ Tư pháp quy định việc lập dự toán, quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí NSNN thực hiện công tác hòa giải ở cơ sở.

7. Chi cho các cơ quan, đơn vị thực hiện trợ giúp pháp lý, tư vấn pháp luật cho hội viên, nông dân được hưởng chính sách trợ giúp pháp lý, tư vấn pháp luật theo quy định tại Luật Trợ giúp pháp lý, Nghị định số 77/2008/NĐ-CP ngày 16/7/2008 của Chính phủ về tư vấn pháp luật và các văn bản hướng dẫn theo mức chi quy định tại Thông tư liên tịch số 209/2012/TTLT-BTC-BTP ngày 30/11/2012 của Bộ Tài chính, Bộ Tư pháp hướng dẫn việc lập, quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí bảo đảm hoạt động của cơ quan, tổ chức trợ giúp pháp lý nhà nước.

8. Chi thực hiện các cuộc điều tra, khảo sát thực hiện theo quy định tại Thông tư số 58/2011/TT-BTCngày 11/5/2011 của Bộ Tài chính quy định quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí thực hiện các cuộc điều tra thống kê.

9. Chi khen thưởng cá nhân, tập thể có thành tích xuất sắc về phổ biến, giáo dục pháp luật và giải quyết khiếu nại, tố cáo của nông dân thực hiện theo quy định tại Nghị định số 42/2010/NĐ-CPngày 15/4/2010 và Nghị định số 39/2012/NĐ-CPngày 27/4/2012 của Chính phủ về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 42/2010/NĐ-CP ngày 15/4/2010 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Thi đua, khen thưởng và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thi đua, khen thưởng.

10. Chi tổ chức các cuộc thi tìm hiểu pháp luật cho nông dân; thi hòa giải viên giỏi thực hiện theo quy định tại Thông tư liên tịch số 14/2014/TTLT-BTC-BTP ngày 27/01/2014 của Bộ Tài chính – Bộ Tư pháp.

11. Chi hoạt động của Ban Chỉ đạo thực hiện Quyết định các cấp.

a) Chi hội nghị triển khai, sơ kết, tổng kết, hội thảo, tọa đàm của Ban chỉ đạo thực hiện theo quy định tại Thông tư số 97/2010/TT-BTCngày 06/7/2010 của Bộ Tài chính;

b) Chỉ văn phòng phẩm, trang thiết bị và các chi phí khác phục vụ trực tiếp Ban chỉ đạo (nếu có), theo chứng từ chi thực tế hợp pháp được cấp có thẩm quyền phê duyệt trong dự toán ngân sách hàng năm.

12. Chi tiền lương làm thêm giờ thực hiện theo quy định tại Thông tư liên tịch số 08/2005/TTLT-BNV-BTCngày 05/01/2005 của Bộ Nội vụ, Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện chế độ trả lương làm việc vào ban đêm, làm thêm giờ đối với cán bộ, công chức, viên chức.

13. Chi công tác phí đi kiểm tra, giám sát, chỉ đạo việc thực hiện Quyết định; tham gia giải quyết khiếu nại, tố cáo, tiếp công dân; nắm tình hình khiếu nại, tố cáo của nông dân, tổ chức đối thoại với nông dân thực hiện theo quy định tại Thông tư số 97/2010/TT-BTCngày 06/7/2010 của Bộ Tài chính.

14. Chi mua, thuê trang thiết bị và một số khoản chi mua, thuê khác phục vụ cho hoạt động tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật và tổ chức các hội nghị, hội thảo, các cuộc thi tìm hiểu pháp luật cho nông dân, căn cứ vào hóa đơn, chứng từ chi tiêu hợp pháp, hợp lệ theo quy định của các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành.

Điều 6. Lập dự toán, chấp hành và quyết toán kinh phí

Việc lập dự toán, chấp hành dự toán và quyết toán kinh phí hoạt động của các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ; các cơ quan tại địa phương để triển khai thực hiện Quyết định số 81/2014/QĐ-TTg thực hiện theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước, Luật Kế toán và các văn bản hướng dẫn hiện hành.

Điều 7. Tổ chức thực hiện

  1. Thông tư này có hiệu lực thi hành từ ngày 20/11/2015 và thay thế Thông tư số 44/2008/TT-BTCngày 30/5/2008 của Bộ Tài chính hướng dẫn quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí bảo đảm thực hiện Chỉ thị số 26/2001/CT-TTg ngày 09/10/2001 của Thủ tướng Chính phủ “Về việc tạo điều kiện để Hội Nông dân các cấp tham gia giải quyết khiếu nại, tố cáo của nông dân”.
  2. Mức chi quy định tại Thông tư này là mức chi tối đa theo các quy định hiện hành, căn cứ khả năng ngân sách và tình hình thực tế từng địa phương, Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trình Hội đồng nhân dân cùng cấp quy định cụ thể mức chi của các cơ quan, đơn vị trực thuộc, nhưng không được vượt quá mức chi tối đa quy định tại Thông tư này để thực hiện.
  3. Trong quá trình thực hiện nếu các văn bản quy phạm pháp luật được dẫn chiếu để áp dụng tại Thông tư này được sửa đổi, bổ sung, thay thế bằng văn bản quy phạm pháp luật mới thì áp dụng theo các văn bản mới đó.
  4. Khi triển khai áp dụng Thông tư nếu có khó khăn, vướng mắc đề nghị các cơ quan, đơn vị phản ánh về Bộ Tài chính để nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung cho phù hợp.

 

Chúc các bạn thành công.

 Mọi chi tiết xin liên hệ:
® Hãng kiểm toán Calico
 Địa chỉ: Tầng 29, Tòa Đông, Lotte Center Hà Nội, Số 54 Liễu Giai, Phường Cống Vị, Quận Ba Đình, TP. Hầ Nội

 VPGD: Phòng 2302, Tháp B, Toà nhà The Light, đường Tố Hữu, Phường Trung Văn, Quận Nam Từ Liêm, TP. Hà Nội.
 Hotline: 0966.246.800
 Email: calico.vn@gmail.com
 Website: KiemToanCalico.com  www.calico.vn

5/5 - (1 bình chọn)
Banner-post-thu-vien-calico_960x300
5/5 - (1 bình chọn)

NGHIỆP VỤ CALICO