Quản lý thuế đối với cá nhân kinh doanh nộp thuế theo phương pháp khoán

21/03/2018 743 lượt xem    

Mục lục bài viết

Bài viết sau sẽ hướng dẫn về vấn đề quản lý thuế đối với cá nhân kinh doanh nộp thuế theo phương pháp khoán căn cứ vào công văn 3967/TCT-TNCN ngày 25/09/2015

Trong 2 ngày 24 – 25/9/2015, báo Tuổi trẻ và báo Pháp luật thành phố Hồ Chí Minh phản ánh ý kiến của tiểu thương tại các chợ thuộc Quận 5 và Quận 6 thành phố Hồ Chí Minh cho rằng sang năm 2016 hộ kinh doanh sẽ phải nộp thuế cao hơn “gấp đôi so với hiện tại”, “ép hộ lên doanh nghiệp”, thậm chí hiểu sai về chính sách thuế là “thuế chồng thuế”. Thông qua, phản ánh của báo chí cho thấy công tác tuyên truyền, hướng dẫn để triển khai thực hiện của Cục thuế Thành phố Hồ Chí Minh khi triển khai thực hiện Thông tư số 92/2015/TT-BTC của Bộ Tài chính chưa đảm bảo yêu cầu.

Triển khai Luật số 71/2014/QH13 ngày 26/11/2014, Bộ trưởng Bộ Tài chính đã có thư gửi đến các đồng chí Bí thư Tỉnh ủy/Thành ủy các tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương. Để triển khai Thông tư số 92/2015/TT-BTC ngày 15/6/2015 Tổng cục thuế cũng đã có công văn số 3010/TCT-TNCN ngày 24/7/2015 về việc tăng cường quản lý thuế đối với cá nhân kinh doanh nộp thuế theo phương pháp khoán, trong đó đã nhấn mạnh “Cục trưởng Cục thuế các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương thường xuyên tranh thủ sự chỉ đạo của Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân, Mặt trận tổ Quốc, Ủy ban nhân dân tỉnh”. Tuy nhiên, thời gian qua việc triển khai chưa được đầy đủ theo chỉ đạo của Bộ và của Tổng cục. Để khắc phục tình trạng này, Tổng cục thuế đề nghị Cục thuế thực hiện như sau:

Báo cáo Thành ủy, Hội đồng nhân dân, Mặt trận tổ quốc, Ủy ban nhân dân thành phố, Ban tuyên giáo thuộc Thành ủy để chỉ đạo các sở ban ngành liên quan, các cơ quan báo chí trên địa bàn để phối hợp và thống nhất triển khai thực hiện, cụ thể:

Nội dung của Thông tư 92/2015/TT-BTC hướng dẫn thực hiện Luật số 71/2014/QH 13 và Nghị định số 12/2015/NĐ-CP của Chính phủ về chính sách thuế đối với hộ kinh doanh nhằm thực hiện Nghị quyết số 19/CP của Chính phủ về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu tiếp tục cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia hai năm 2015 – 2016. Theo đó nội dung hướng dẫn tại Thông tư số 92/2015/TT-BTC đảm bảo mục tiêu công khai minh bạch, tạo điều kiện thuận lợi cho người nộp thuế thực hiện theo chính sách và pháp luật, hạn chế tình trạng bất cập về quản lý thuế đối với hộ kinh doanh như trước đây là:

(1) Cách tính thuế phức tạp, người nộp thuế không thể tự tính được số thuế phải nộp của mình dẫn đến tình trạng kém minh bạch trong cách ấn định thuế của cơ quan thuế;

(2) Việc công khai thông tin còn hạn chế, vai trò giám sát, kiểm tra của các cấp chính quyền và của người dân chưa đi vào thực tế dẫn đến sự thỏa thuận ngầm giữa cán bộ thuế và hộ kinh doanh nhằm chung chia tiền thuế;

(3) Nhiều hộ kinh doanh nộp thuế khoán do không phải thực hiện sổ sách kế toán, không phải chứng minh hàng hóa đầu vào nên đã lợi dụng sử dụng hóa đơn để xuất khống hàng hóa, dịch vụ cho các đối tượng khác sử dụng nhằm hợp thức hóa chi phí đầu vào cho doanh nghiệp và các đơn vị sử dụng tiền NSNN.

Quán triệt đến từng đồng chí Chi cục trưởng, Đội trưởng để hiểu và thực hiện tuyên truyền, hướng dẫn thực hiện Thông tư số 92/2015/TT-BTC đảm bảo các mục tiêu như nêu trên:

Việc triển khai thực hiện phải gắn với nhiệm vụ thu, chi ngân sách và phù hợp với thực tế kinh doanh của hộ kinh doanh trên từng địa bàn, không gây xáo trộn ảnh hưởng đến sản xuất kinh doanh và việc nộp thuế của hộ kinh doanh, theo đó:

Trên cơ sở dữ liệu quản lý thuế của cơ quan thuế, đối với hộ kinh doanh nộp thuế theo phương pháp khoán không sử dụng hóa đơn thì doanh thu khoán năm 2016 sẽ được xây dựng theo mức doanh thu phù hợp với từng địa bàn, ngành nghề, quy mô …; đối với hộ khoán có sử dụng hóa đơn của cơ quan thuế thì doanh thu khoán năm 2016 sẽ được xây dựng theo mức doanh thu tương đương với mức tối thiểu của hộ khoán không sử dụng hóa đơn có cùng các yếu tố chi phí.

Quy định như trên nhằm đảm bảo mục tiêu công khai minh bạch đối với hộ kinh doanh, đảm bảo quyền lợi của người nộp thuế, giảm dần tình trạng không minh bạch khi xác định doanh thu khoán – là nguy cơ của các hiện tượng tiêu cực, đồng thời, hạn chế tình trạng hộ kinh doanh lợi dụng để xuất hóa đơn vì các mục đích hợp thức hóa chi phí đầu vào cho doanh nghiệp hoặc các đơn vị sử dụng tiền NSNN, nhưng vẫn nộp thuế theo doanh thu khoán.

Trong quá trình triển khai đặc biệt chú ý đến các địa bàn có các chợ đầu mối, trung tâm thương mại tập trung nhiều hộ kinh doanh có doanh số lớn thực hiện nộp thuế theo phương pháp khoán nhưng vẫn sử dụng hóa đơn của cơ quan thuế.

Đối với hộ kinh doanh lớn chủ yếu cung cấp hàng hóa, dịch vụ cho doanh nghiệp, thường xuyên phải sử dụng nhiều hóa đơn thì cơ quan thuế cần căn cứ vào đặc điểm cụ thể để báo cáo cấp ủy và chính quyền địa phương chỉ đạo cơ quan chức năng có giải pháp phù hợp, đồng thời phối hợp với cơ quan truyền thông để tuyên truyền theo hướng làm rõ, nổi bật những ưu điểm, thuận lợi khi các hộ kinh doanh này thành lập doanh nghiệp, thực hiện sổ sách kế toán, xuất hóa đơn và nộp thuế theo doanh thu thực tế phát sinh, chủ động thực hiện nghĩa vụ thuế bằng việc tự tính, tự khai, tự nộp thuế.

 

Tìm hiểu thêm về kế toán, kiểm toán, thuế tại calico.vn hoặc kiemtoancalico.com

Bài viết có ích cho bạn?
Banner-post-thu-vien-calico_960x300
Bài viết có ích cho bạn?

NGHIỆP VỤ CALICO