LẬP HÓA ĐƠN THAY THẾ HÓA ĐƠN BỊ CƯỠNG CHẾ NỢ THUẾ

29/06/2021 1301 lượt xem    

Công văn số 12201/CT-TTHT, ngày 18/3/2020
V/v hướng dẫn về hóa đơn

Cục Thuế TP. Hà Nội nhận được Phiếu chuyển số 163/PC-TCT ngày 02/3/2020 của Tổng cục Thuế chuyển thư hỏi của độc giả Trần Mạnh Cường ở Hà Nội (Mã câu hỏi: 250220-7) do Cổng thông tin điện tử – Bộ Tài chính chuyển đến (sau đây gọi là “Độc giả”) hỏi về lập hóa đơn thay thế hóa đơn bị cưỡng chế nợ thuế. Cục Thuế TP. Hà Nội có ý kiến như sau:

Tại khoản 26 Điều 1 Luật số 21/2012/QH13

Sửa đổi, bổ sung điểm d khoản 1 Điều 93 Luật Quản lý thuế số 78/2006/QH11 quy định các biện pháp cưỡng chế thi hành quyết định hành chính thuế bao gồm:

“d) Thông báo hóa đơn không còn giá trị sử dụng,”

Căn cứ Nghị định số 51/2010/NĐ-CP ngày 14/5/2010 của Chính phủ quy định về hóa đơn bán hàng hóa; cung ứng dịch vụ giải thích từ ngữ như sau:

Tại Khoản 7, Khoản 8 Điều 3 giải thích từ ngữ như sau:

“7. Hóa đơn hết giá trị sử dụng là:

  • Hóa đơn đã làm đủ thủ tục phát hành nhưng tổ chức; cá nhân phát hành thông báo không tiếp tục sử dụng nữa.
  • Các loại hóa đơn bị mất sau khi đã thông báo phát hành; được tổ chức, cá nhân phát hành báo mất với cơ quan thuế quản lý trực tiếp.
  • Hóa đơn của các tổ chức, cá nhân đã ngưng sử dụng mã số thuế.
  1. Sử dụng hóa đơn bất hợp pháp là việc sử dụng hóa đơn giả, hóa đơn chưa có giá trị sử dụng, hết giá trị sử dụng; hoặc sử dụng hóa đơn của tổ chức, cá nhân khác (trừ hóa đơn do cơ quan thuế phát hành) để lập khi bán hàng hóa, dịch vụ để hạch toán kế toán, khai thuế, thanh toán vốn ngân sách.”

Tại Điều 17 về việc xử lý thu hồi hóa đơn đã lập:

“1. Trường hợp lập hóa đơn chưa giao cho người mua, nếu phát hiện hóa đơn lập sai; người bán gạch chéo các liên và lưu giữ số hóa đơn lập sai.

  1. Trường hợp hóa đơn đã lập được giao cho người mua nếu phát hiện lập sai, hoặc theo yêu cầu của một bên, hàng hóa, dịch vụ đã mua bị trả lại hoặc bị đòi lại, hai bên lập biên bản thu hồi các liên của số hóa đơn lập sai, hoặc hóa đơn của hàng hóa, dịch vụ bị trả lại, bị đòi lại và lưu giữ hóa đơn tại người bán. Biên bản thu hồi hóa đơn phải thể hiện được nội dung lập sai hoặc lý do đòi lại, trả lại hàng hóa, dịch vụ và các thỏa thuận bồi thường giữa hai bên (nếu có).”

Căn cứ Thông tư 215/2013/TT-BTC ngày 31/12/2013 của Bộ Tài chính hướng dẫn về cưỡng chế thi hành quyết định hành chính thuế:

Tại Khoản 1 và Khoản 3 Điều 9 (được sửa đổi tại Khoản 3 Điều 1 Thông tư 87/2018/TT-BTC ngày 27/9/2018 của Bộ Tài chính) về thời hiệu thi hành quyết định cưỡng chế:

“1. Quyết định cưỡng chế có hiệu lực thi hành trong thời hạn 01 (một) năm; kể từ ngày ghi trong quyết định cưỡng chế. Thời hiệu áp dụng cưỡng chế được ghi trong quyết định cưỡng chế;

“3. Quyết định cưỡng chế chấm dứt hiệu lực kể từ khi đối tượng bị cưỡng chế chấp hành xong quyết định xử lý vi phạm hành chính về thuế hoặc đối tượng bị cưỡng chế đã nộp đủ tiền thuế nợ, tiền phạt, tiền chậm nộp tiền thuế, tiền chậm nộp tiền phạt bị cưỡng chế vào ngân sách nhà nước hoặc số tiền thuế nợ, tiền phạt, tiền chậm nộp tiền thuế, tiền chậm nộp tiền phạt bị cưỡng chế thuộc trường hợp được gia hạn nộp thuế hoặc nộp dần tiền thuế nợ hoặc không tính tiền chậm nộp.

Căn cứ để chấm dứt hiệu lực của quyết định cưỡng chế thuế là chứng từ nộp đủ tiền thuế, tiền phạt, tiền chậm nộp tiền thuế, tiền chậm nộp tiền phạt vào ngân sách nhà nước của đối tượng bị cưỡng chế hoặc quyết định gia hạn nộp thuế hoặc quyết định nộp dần tiền thuế nợ hoặc thông báo không tính tiền chậm nộp”.

Tại Khoản 1 Điều 13 quy định cưỡng chế bằng biện pháp thông báo hóa đơn không còn giá trị sử dụng như sau:

“Hóa đơn thông báo không còn giá trị sử dụng bao gồm các loại hóa đơn:

  • Hóa đơn tự in do các tổ chức, cá nhân kinh doanh tự in;
  • Hóa đơn đặt in do các tổ chức, cá nhân kinh doanh hoặc cơ quan thuế đặt in;
  • Hóa đơn điện tử do các tổ chức, cá nhân kinh doanh khởi tạo, lập theo quy định pháp luật”.

Căn cứ Thông tư số 39/2014/TT-BTC ngày 31/3/2014 của Bộ Tài chính

Hướng dẫn thi hành Nghị định số 51/2010/NĐ-CP ngày 14/5/2010 và Nghị định số 04/2014/NĐ-CP ngày 17/01/2014 của Chính phủ quy định về hóa đơn bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ như sau:

Tại điểm b Khoản 1 Điều 16 (được sửa đổi, bổ sung tại Khoản 7 Điều 3 Thông tư số 26/2015/TT-BTC ngày 27/2/2015 của Bộ Tài chính):

“b) Người bán phải lập hóa đơn khi bán hàng hóa, dịch vụ, bao gồm cả các trường hợp:

  • Hàng hóa, dịch vụ dùng để khuyến mại, quảng cáo, hàng mẫu
  • Hàng hóa, dịch vụ dùng để cho, biếu, tặng, trao đổi, trả thay lương cho người lao động; trừ hàng hóa luân chuyển nội bộ, tiêu dùng nội bộ để tiếp tục quá trình sản xuất.

…”

Tại Điều 20 về xử lý đối với hóa đơn đã lập:

“1. Trường hợp lập hóa đơn chưa giao cho người mua, nếu phát hiện hóa đơn lập sai; người bán gạch chéo các liên và lưu giữ số hóa đơn lập sai.

  1. Trường hợp hóa đơn đã lập và giao cho người mua nhưng chưa giao hàng hóa, cung ứng dịch vụ hoặc hóa đơn đã lập và giao cho người mua, người bán và người mua chưa kê khai thuế nếu phát hiện sai phải hủy bỏ, người bán và người mua lập biên bản thu hồi các liên của số hóa đơn đã lập sai. Biên bản thu hồi hóa đơn phải thể hiện được lý do thu hồi hóa đơn. Người bán gạch chéo các liên, lưu giữ số hóa đơn lập sai và lập lại hóa đơn mới theo quy định.
  2. Trường hợp hóa đơn đã lập và giao cho người mua, đã giao hàng hóa, cung ứng dịch vụ, người bán và người mua đã kê khai thuế, sau đó phát hiện sai sót thì người bán và người mua phải lập biên bản hoặc có thỏa thuận bằng văn bản ghi rõ sai sót, đồng thời người bán lập hóa đơn điều chỉnh sai sót. Hóa đơn ghi rõ điều chỉnh (tăng, giảm) số lượng hàng hóa, giá bán, thuế suất thuế giá trị gia tăng…, tiền thuế giá trị gia tăng cho hóa đơn số…, ký hiệu… Căn cứ vào hóa đơn điều chỉnh, người bán và người mua kê khai điều chỉnh doanh số mua, bán, thuế đầu ra, đầu vào. Hóa đơn điều chỉnh không được ghi số âm (-).
  3. Hướng dẫn xử lý đối với hóa đơn đã lập trong một số trường hợp cụ thể thực hiện theo Phụ lục 4 ban hành kèm theo Thông tư này.”

Thực hiện hướng dẫn công văn số 17615/BTC-TCT ngày 12/12/2016 của Bộ Tài chính hướng dẫn về việc xử lý hóa đơn bị thu hồi do cưỡng chế nợ thuế.

Căn cứ các quy định trên, Cục Thuế TP. Hà Nội trả lời nguyên tắc như sau:

Trường hợp người nộp thuế đã sử dụng hóa đơn trong thời gian cơ quan thuế có Quyết định về việc áp dụng cưỡng chế bằng biện pháp thông báo hóa đơn không còn giá trị sử dụng là hành vi sử dụng hóa đơn bất hợp pháp. Người mua hàng không được sử dụng các số hóa đơn không còn giá trị sử dụng nêu trên để kê khai khấu trừ thuế GTGT và tính chi phí hợp lý khi xác định thu nhập chịu thuế TNDN.

Người bán và người mua phải lập biên bản thu hồi các hóa đơn đã lập sai quy định. Sau khi Quyết định cưỡng chế hết hiệu lực hoặc chấm dứt hiệu lực, qua xác minh cơ quan thuế xác định thực tế có hoạt động mua bán hàng hóa, dịch vụ thì cơ quan thuế hướng dẫn đơn vị bán hàng xuất hóa đơn, căn cứ các hóa đơn này đơn vị bán hàng, mua hàng thực hiện kê khai thuế theo quy định.

Đề nghị Độc giả nghiên cứu các quy định trên, đối chiếu với từng trường hợp cụ thể để xác định việc sử dụng hóa đơn của Người nộp thuế.

Trường hợp còn vướng mắc, đề nghị Độc giả liên hệ với cơ quan thuế quản lý trực tiếp để được giải đáp cụ thể.

Cục thuế TP. Hà Nội trả lời để Cổng thông tin điện tử – Bộ Tài chính được biết và hướng dẫn Độc giả thực hiện./.

Các bài viết có liên quan:

Mọi chi tiết xin liên hệ:

  • Hãng kiểm toán Calico
  • Địa chỉ: Tầng 29, Tòa Đông, Lotte Center Hà Nội,
  • Số 54 Liễu Giai, Phường Cống Vị, Quận Ba Đình, TP. Hà Nội
  • VPGD: Phòng 2302, Tháp B, Toà nhà The Light, đường Tố Hữu, Phường Trung Văn, Quận Nam Từ Liêm, TP. Hà Nội.
  • Hotline: 0966.246.800
  • Email: calico.vn@gmail.com
  • Website: kiemtoancalico.com | www.calico.vn

 

Bài viết có ích cho bạn?
Banner-post-thu-vien-calico_960x300
Bài viết có ích cho bạn?

NGHIỆP VỤ CALICO