Khai nộp thuế GTGT trong quá trình hợp tác kinh doanh của các doanh nghiệp

01/02/2018 656 lượt xem    

Bài viết sau sẽ hướng dẫn về vấn đề khai nộp thuế GTGT trong quá trình hợp tác kinh doanh của các doanh nghiệp theo hướng dẫn tại công văn 1686/TCT-CS.

Tại khoản 1 Điều 5 Thông tư số 219/2013/TT-BTC ngày 31/12/2013 của Bộ Tài chính hướng dẫn về các trường hợp không phải kê khai, tính nộp thuế GTGT.

Các trường hợp không phải kê khai, tính nộp thuế GTGT

Tổ chức, cá nhân nhận các khoản thu về bồi thường bằng tiền (bao gồm cả tiền bồi thường về đất và tài sản trên đất khi bị thu hồi đất theo quyết định của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền), tiền thưởng, tiền hỗ trợ, tiền chuyển nhượng quyền phát thải và các khoản thu tài chính khác.

Cơ sở kinh doanh khi nhận khoản tiền thu về bồi thường, tiền thưởng, tiền hỗ trợ nhận được, tiền chuyển nhượng quyền phát thải và các khoản thu tài chính khác thì lập chứng từ thu theo quy định. Đối với cơ sở kinh doanh chi tiền, căn cứ mục đích chi để lập chứng từ chi tiền.

Trường hợp bồi thường bằng hàng hóa, dịch vụ, cơ sở bồi thường phải lập hóa đơn và kê khai, tính, nộp thuế GTGT như đối với bán hàng hóa, dịch vụ; cơ sở nhận bồi thường kê khai, khấu trừ theo quy định.

Trường hợp cơ sở kinh doanh nhận tiền của tổ chức, cá nhân để thực hiện dịch vụ cho tổ chức, cá nhân như sửa chữa, bảo hành, khuyến mại, quảng cáo thì phải kê khai, nộp thuế theo quy định.

Ví dụ 1:

Công ty TNHH P&C nhận được khoản tiền lãi từ việc mua trái phiếu và tiền cổ tức từ việc mua cổ phiếu của các doanh nghiệp khác. Công ty TNHH P&C không phải kê khai, nộp thuế GTGT đối với khoản tiền lãi từ việc mua trái phiếu và tiền cổ tức nhận được.

Ví dụ 2:

Doanh nghiệp A nhận được khoản bồi thường thiệt hại do bị hủy hợp đồng từ doanh nghiệp B là 50 triệu đồng thì doanh nghiệp A lập chứng từ thu và không phải kê khai, nộp thuế GTGT đối với khoản tiền trên.

Ví dụ 3:

Doanh nghiệp X mua hàng của doanh nghiệp Y, doanh nghiệp X có ứng trước cho doanh nghiệp Y một khoản tiền và được doanh nghiệp Y trả lãi cho khoản tiền ứng trước đó thì doanh nghiệp X không phải kê khai, nộp thuế GTGT đối với khoản lãi nhận được.

Ví dụ 4:

Doanh nghiệp X bán hàng cho doanh nghiệp Z, tổng giá thanh toán là 440 triệu đồng. Theo hợp đồng, doanh nghiệp Z thanh toán trả chậm trong vòng 3 tháng, lãi suất trả chậm là 1%/tháng/tổng giá thanh toán của hợp đồng. Sau 3 tháng, doanh nghiệp X nhận được từ doanh nghiệp Z tổng giá trị thanh toán của hợp đồng là 440 triệu đồng và số tiền lãi chậm trả là 13,2 triệu đồng (440 triệu đồng x 1% x 3 tháng) thì doanh nghiệp X không phải kê khai, nộp thuế GTGT đối với khoản tiền 13,2 triệu đồng này.

Ví dụ 5:

Doanh nghiệp bảo hiểm A và Công ty B ký hợp đồng bảo hiểm với hình thức bảo hiểm bằng tiền. Khi có rủi ro bảo hiểm xảy ra, doanh nghiệp bảo hiểm A bồi thường cho Công ty B bằng tiền theo quy định của pháp luật về bảo hiểm. Công ty B không phải kê khai, nộp thuế GTGT đối với số tiền bồi thường bảo hiểm nhận được.

Ví dụ 6:

Công ty cổ phần Sữa ABC có chi tiền cho các nhà phân phối (là tổ chức, cá nhân kinh doanh) để thực hiện chương trình khuyến mại (theo quy định của pháp luật về hoạt động xúc tiến thương mại), tiếp thị, trưng bày sản phẩm cho Công ty (nhà phân phối nhận tiền này để thực hiện dịch vụ cho Công ty) thì khi nhận tiền, trường hợp nhà phân phối là người nộp thuế GTGT theo phương pháp khấu trừ lập hóa đơn GTGT và tính thuế GTGT theo thuế suất 10%, trường hợp nhà phân phối là người nộp thuế GTGT theo phương pháp trực tiếp thì sử dụng hóa đơn bán hàng và xác định số thuế phải nộp theo tỷ lệ (%) trên doanh thu theo quy định.

Tổng cục Thuế nhận được công văn số 1091/CT-TTHT ngày 08/02/2017 của Cục Thuế TP.Hồ Chí Minh và công văn số 46/VTVcab ngày 16/01/2017 của Tổng Công ty Truyền hình Cáp Việt Nam về chính sách thuế. Về vấn đề này, Tổng cục Thuế có ý kiến như sau:

Tại công văn của Tổng Công ty Truyền hình Cáp Việt Nam và Cục Thuế TP Hồ Chí Minh không nêu cụ thể việc phân chia doanh thu và chi phí theo tỷ lệ hợp tác giữa Tổng Công ty Truyền hình Cáp Việt Nam, Tổng Công ty Truyền hình Cáp Việt Nam – Chi nhánh Hồ Chí Minh với các đơn vị khác đã bao gồm thuế GTGT chưa.

Vì vậy, việc kê khai thuế được thực hiện như sau:

Trường hợp trong hợp đồng hợp tác kinh doanh có nêu cụ thể việc phân chia doanh thu và chi phí đã bao gồm thuế GTGT thì Tổng Công ty Truyền hình Cáp Việt Nam, Tổng Công ty Truyền hình Cáp Việt Nam – Chi nhánh Hồ Chí Minh và đơn vị hợp tác khi cung cấp dịch vụ truyền hình cho khách hàng, đơn vị được chọn để điều hành hoạt động hợp tác, thực hiện toàn bộ nghĩa vụ thuế GTGT của hoạt động hợp tác phải lập hóa đơn giao cho khách hàng sử dụng dịch vụ và kê khai thuế GTGT theo quy định.

Khi nhận phần doanh thu được chia từ đối tác của hợp đồng hợp tác kinh doanh nêu trên, bên được chia doanh thu lập hóa đơn GTGT theo quy định. Khi chia chi phí cho bên đối tác, bên chia chi phí lập hóa đơn.

Trường hợp trong hợp đồng hợp tác kinh doanh có nêu cụ thể việc phân chia doanh thu và chi phí không bao gồm thuế GTGT thì Tổng Công ty Truyền hình Cáp Việt Nam, Tổng Công ty Truyền hình Cáp Việt Nam – Chi nhánh Hồ Chí Minh và đơn vị hợp tác khi cung cấp dịch vụ truyền hình cho khách hàng, đơn vị được chọn để điều hành hoạt động hợp tác, thực hiện toàn bộ nghĩa vụ thuế GTGT của hoạt động hợp tác phải lập hóa đơn giao cho khách hàng sử dụng dịch vụ và kê khai thuế GTGT theo quy định. Khi phân chia doanh thu, chi phí theo thỏa thuận hợp đồng giữa hai bên không bao gồm thuế GTGT.

Chúc các bạn thành công!

Tìm hiểu thêm về kế toán, kiểm toán, thuế tại calico.vn hoặc kiemtoancalico.com

 

Bài viết có ích cho bạn?
Banner-post-thu-vien-calico_960x300
Bài viết có ích cho bạn?

NGHIỆP VỤ CALICO