Hướng dẫn trình tự, thủ tục khoanh nợ và xóa nợ tiền thuế

25/01/2021 736 lượt xem    

Bộ Tài chính vừa ban hành Thông tư 69/2020/TT-BTC quy định hồ sơ và trình tự, thủ tục xử lý nợ thuế theo Nghị quyết số 94/2019/QH14 của Quốc hội. Theo thông tư này, việc khoanh nợ, xóa nợ tiền thuế phải được thực hiện theo một trình tự, thủ tục chặt chẽ.

Trình tự, thủ tục khoanh nợ tiền thuế

Muốn khoanh nợ tiền thuế, trước tiên cơ quan thuế phải lập, thẩm định hồ sơ, ban hành quyết định khoanh nợ. Đối với người nộp thuế được khoanh nợ, bộ phận quản lý nợ, hoặc bộ phận được phân công xử lý nợ thuộc cơ quan quản lý thuế nơi người nộp thuế nợ tiền thuế lập đầy đủ hồ sơ khoanh nợ. Cơ quan thuế thực hiện dự thảo quyết định khoanh nợ theo mẫu và chuyển bộ phận nghiệp vụ, hoặc pháp chế thẩm định.

Trường hợp chưa đầy đủ hồ sơ thì cơ quan quản lý thuế phối hợp với cơ quan, tổ chức, cá nhân khác có liên quan để bổ sung hồ sơ.

  1. Bộ phận nghiệp vụ, hoặc pháp chế xem xét, thẩm định hồ sơ khoanh nợ do bộ phận quản lý nợ, hoặc bộ phận được phân công xử lý nợ chuyển đến. Thời gian thẩm định hồ sơ trong vòng 7 ngày làm việc kể từ ngày nhận được đầy đủ hồ sơ khoanh nợ.
  2. Sau khi nhận được ý kiến thẩm định, trong thời gian 10 ngày làm việc, bộ phận quản lý nợ hoặc bộ phận được phân công xử lý nợ tổng hợp và trình thủ trưởng cơ quan quản lý thuế – nơi người nộp thuế nợ tiền thuế, xem xét quyết định khoanh nợ.
  3. Thủ trưởng cơ quan quản lý thuế nơi người nộp thuế nợ tiền thuế ký ban hành quyết định khoanh nợ.

Thông tư 69 cũng hướng dẫn cụ thể việc công khai và gửi quyết định khoanh nợ. Theo đó, bộ phận quản lý nợ hoặc bộ phận được phân công xử lý nợ nhập quyết định khoanh nợ vào ứng dụng quản lý thuế trong thời gian 5 ngày làm việc kể từ ngày quyết định khoanh nợ được ban hành.

Chậm nhất là 5 ngày làm việc kể từ ngày ban hành, cục thuế hoặc cục hải quan, Cục Kiểm tra sau thông quan đăng tải quyết định khoanh nợ trên trang thông tin điện tử của cục thuế, hoặc cục hải quan, Tổng cục Hải quan.

Cơ quan quản lý thuế nơi người nộp thuế nợ tiền thuế gửi quyết định khoanh nợ ngay sau khi ký ban hành cho cơ quan đăng ký kinh doanh, hoặc cơ quan có thẩm quyền cấp giấy phép thành lập và hoạt động hoặc cơ quan có thẩm quyền cấp giấy phép hành nghề trên địa bàn.

Bộ phận kế toán thuế, hoặc bộ phận được phân công xử lý nợ điều chỉnh lại tiền phạt chậm nộp, tiền chậm nộp trên ứng dụng quản lý thuế (nếu có).

Trình tự, thủ tục xóa nợ tiền phạt chậm nộp, tiền chậm nộp

Người nộp thuế thuộc đối tượng được xóa nợ lập đầy đủ hồ sơ xóa nợ theo quy định, gửi đến cơ quan quản lý thuế nơi người nộp thuế nợ tiền thuế, cụ thể như sau:

Trường hợp người nộp thuế bị thiệt hại vật chất do thiên tai, thảm họa, dịch bệnh, hỏa hoạn, tai nạn bất ngờ thuộc đối tượng được xóa nợ thì lập đầy đủ hồ sơ theo quy định.

Trường hợp người nộp thuế cung ứng hàng hóa, dịch vụ được thanh toán trực tiếp bằng nguồn vốn ngân sách nhà nước, nhưng chưa được thanh toán thì lập đầy đủ hồ sơ theo quy định.

  • Về trình tự lập, xử lý hồ sơ xóa nợ tại chi cục thuế hoặc chi cục hải quan như sau: Đối với hồ sơ của người nộp thuế thuộc đối tượng được xóa nợ gửi đến chi cục thuế hoặc chi cục hải quan nơi người nộp thuế nợ tiền thuế.

    Chi cục thuế hoặc chi cục hải quan tiếp nhận, phân công bộ phận quản lý nợ hoặc bộ phận được giao xử lý nợ rà soát hồ sơ của người nộp thuế.

  • Trường hợp người nộp thuế không thuộc đối tượng được xóa nợ, thì trong thời gian 15 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ, chi cục thuế, hoặc chi cục hải quan thông báo cho người nộp thuế theo mẫu.
  • Trường hợp người nộp thuế thuộc đối tượng được xóa nợ, nhưng hồ sơ lập chưa đúng, hoặc chưa đầy đủ theo quy định thì trong thời gian 10 ngày làm việc kể từ ngày tiếp nhận hồ sơ, chi cục thuế hoặc chi cục hải quan thông báo cho người nộp thuế bổ sung hồ sơ theo mẫu.
  • Trường hợp người nộp thuế thuộc đối tượng được xóa nợ và hồ sơ đầy đủ theo quy định, thì trong thời gian 15 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ, chi cục thuế, hoặc chi cục hải quan lập văn bản đề nghị xóa nợ theo mẫu, kèm theo hồ sơ, gửi cục thuế hoặc cục hải quan.

   Đối với hồ sơ do chi cục thuế hoặc chi cục hải quan lập, căn cứ từng đối tượng được xóa nợ, chi cục thuế hoặc chi cục hải quan lập đầy đủ hồ sơ theo quy định.

  • Trường hợp chưa đầy đủ hồ sơ thì bộ phận quản lý nợ, hoặc bộ phận được phân công xử lý nợ thuộc chi cục thuế, hoặc chi cục hải quan báo cáo lãnh đạo chi cục thuế hoặc chi cục hải quan phối hợp với cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan để bổ sung hồ sơ.
  • Trường hợp đầy đủ hồ sơ, chi cục thuế hoặc chi cục hải quan lập văn bản công khai danh sách người nộp thuế được đề nghị xóa nợ, niêm yết công khai liên tục trong thời gian 30 ngày tại trụ sở UBND xã, phường, thị trấn nơi người nộp thuế đăng ký địa chỉ hoạt động kinh doanh và tại trụ sở chi cục thuế, hoặc chi cục hải quan để các cơ quan, tổ chức, cá nhân có ý kiến phản hồi.

Thông tư 69 cũng hướng dẫn trình tự lập, xử lý hồ sơ xóa nợ tại Cục Thuế hoặc Cục Hải quan, Cục Kiểm tra sau thông quan; trình tự lập, xử lý hồ sơ xóa nợ tại Tổng cục Thuế hoặc Tổng cục Hải quan.

Nguồn: Tổng cục thuế

Bài viết có ích cho bạn?
Banner-post-thu-vien-calico_960x300
Bài viết có ích cho bạn?

NGHIỆP VỤ CALICO