Chấm dứt hoạt động chi nhánh, đơn vị trực thuộc

20/03/2018 664 lượt xem    

Bài viết sau sẽ hướng dẫn về việc chấm dứt hoạt động chi nhánh, đơn vị trực thuộc căn cứ vào công văn 3916/TCT-KK ngày 23/09/2015

Khoản 5 Điều 37 và khoản 1 Điều 157 Luật Doanh nghiệp số 60/2005/QH11

Quy định về đơn vị trực thuộc của doanh nghiệp và các trường hợp giải thể doanh nghiệp;

Văn phòng đại diện, chi nhánh và địa điểm kinh doanh của doanh nghiệp

. Doanh nghiệp có quyền lập chi nhánh, văn phòng đại diện ở trong nước và nước ngoài. Doanh nghiệp có thể đặt một hoặc nhiều văn phòng đại diện, chi nhánh tại một địa phương theo địa giới hành chính. Trình tự và thủ tục lập chi nhánh, văn phòng đại diện do Chính phủ quy định.

Các trường hợp và điều kiện giải thể doanh nghiệp

Doanh nghiệp bị giải thể trong các trường hợp sau đây:

– Kết thúc thời hạn hoạt động đã ghi trong Điều lệ công ty mà không có quyết định gia hạn;

– Theo quyết định của chủ doanh nghiệp đối với doanh nghiệp tư nhân; của tất cả thành viên hợp danh đối với công ty hợp danh; của Hội đồng thành viên, chủ sở hữu công ty đối với công ty trách nhiệm hữu hạn; của Đại hội đồng cổ đông đối với công ty cổ phần;

– Công ty không còn đủ số lượng thành viên tối thiểu theo quy định của Luật này trong thời hạn sáu tháng liên tục;

– Bị thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh.

Khoản 1 Điều 41 Nghị định số 102/2010/NĐ-CP ngày 01/10/2010 của Chính phủ hướng dẫn chi tiết thi hành một số điều của Luật Doanh nghiệp

Quy định về chấm dứt hoạt động chi nhánh;

Chi nhánh của doanh nghiệp được chấm dứt hoạt động theo quyết định của chính doanh nghiệp đó hoặc theo quyết định thu hồi Giấy chứng nhận hoạt động chi nhánh của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

Điểm b, điểm c khoản 1 Điều 11 Thông tư số 156/2013/TT-BTC ngày 06/11/2013 của Bộ Tài chính hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Quản lý thuế; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quản lý thuế và Nghị định số 83/2013/NĐ-CP ngày 22/7/2013 của Chính phủ

Quy định về khai thuế giá trị gia tăng.

Trường hợp người nộp thuế có đơn vị trực thuộc kinh doanh ở địa phương cấp tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương cùng nơi người nộp thuế có trụ sở chính thì người nộp thuế thực hiện khai thuế giá trị gia tăng chung cho cả đơn vị trực thuộc.

Nếu đơn vị trực thuộc có con dấu, tài khoản tiền gửi ngân hàng, trực tiếp bán hàng hóa, dịch vụ, kê khai đầy đủ thuế giá trị gia tăng đầu vào, đầu ra có nhu cầu kê khai nộp thuế riêng phải đăng ký nộp thuế riêng và sử dụng hóa đơn riêng.

Căn cứ tình hình thực tế trên địa bàn quản lý, giao Cục trưởng Cục Thuế địa phương quyết định về nơi kê khai thuế đối với trường hợp người nộp thuế có hoạt động kinh doanh dịch vụ ăn uống, nhà hàng, khách sạn, massage, karaoke.

Trường hợp người nộp thuế có đơn vị trực thuộc kinh doanh ở địa phương cấp tỉnh khác nơi người nộp thuế có trụ sở chính thì đơn vị trực thuộc nộp hồ sơ khai thuế giá trị gia tăng cho cơ quan thuế quản lý trực tiếp của đơn vị trực thuộc; nếu đơn vị trực thuộc không trực tiếp bán hàng, không phát sinh doanh thu thì thực hiện khai thuế tập trung tại trụ sở chính của người nộp thuế.

Đối với trường hợp người nộp thuế có dự án kinh doanh bất động sản ở địa phương cấp tỉnh khác nơi người nộp thuế có trụ sở chính, có thành lập đơn vị trực thuộc (chi nhánh, Ban quản lý dự án…) thì người nộp thuế phải thực hiện đăng ký thuế và nộp thuế theo phương pháp khấu trừ đối với hoạt động kinh doanh bất động sản với cơ quan thuế địa phương nơi phát sinh hoạt động kinh doanh bất động sản.

Ví dụ:

Công ty kinh doanh bất động sản A có trụ sở tại Hà Nội, Công ty là chủ đầu tư dự án phát triển nhà tại thành phố Đà Nẵng, Công ty thành lập chi nhánh tại Đà Nẵng để quản lý dự án thì chi nhánh Công ty A phải thực hiện đăng ký thuế, khai nộp thuế GTGT theo phương pháp khấu trừ đối với hoạt động kinh doanh bất động sản này tại Đà Nẵng.

Trường hợp các đơn vị trực thuộc của cơ sở kinh doanh nông, lâm, thủy sản đã đăng ký, thực hiện kê khai nộp thuế GTGT theo phương pháp khấu trừ, có thu mua hàng hóa là nông, lâm, thủy sản để điều chuyển, xuất bán về trụ sở chính của cơ sở kinh doanh thì khi điều chuyển, xuất bán, đơn vị trực thuộc sử dụng Phiếu xuất kho kiêm vận chuyển nội bộ, không sử dụng hóa đơn GTGT.

Tổng cục Thuế nhận được công văn số 168/ĐKKD-NV đề ngày 10/8/2015 của Cục Quản lý đăng ký kinh doanh và một số Cục Thuế địa phương phản ánh về việc người nộp thuế thực hiện kê khai chung cho các chi nhánh, đơn vị trực thuộc có cùng địa bàn cấp tỉnh thì các chi nhánh, đơn vị trực thuộc này phải thực hiện chấm dứt hiệu lực mã số thuế. Về vấn đề này, Tổng cục Thuế có ý kiến như sau:

Căn cứ các quy định của pháp luật về đăng ký doanh nghiệp và quản lý thuế nêu trên:

Thì các chi nhánh, đơn vị trực thuộc của doanh nghiệp được chấm dứt hoạt động theo quyết định của chính doanh nghiệp đó hoặc theo quyết định thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

Vì vậy, trường hợp doanh nghiệp thực hiện kê khai nộp thuế chung cho các chi nhánh, đơn vị trực thuộc trên cùng địa bàn cấp tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương hoặc khai thuế GTGT tập trung cho các đơn vị trực thuộc đặt tại cấp tỉnh khác nhưng không trực tiếp bán hàng, không phát sinh doanh thu thì không phải thực hiện thủ tục chấm dứt hoạt động đối với các chi nhánh, đơn vị trực thuộc đó (không phải đóng mã số thuế của các chi nhánh, đơn vị trực thuộc).

Từ ngày 01/7/2015, việc chấm dứt hoạt động của chi nhánh, đơn vị trực thuộc của doanh nghiệp được thực hiện theo các quy định của Luật Doanh nghiệp số 68/2014/QH13 và các văn bản hướng dẫn thi hành. Việc theo dõi người nộp thuế thuộc diện phải kê khai, nộp thuế sẽ do cơ quan thuế thực hiện với sự hỗ trợ của ứng dụng công nghệ thông tin.

 

Chúc các bạn thành công !

Tìm hiểu thêm về kế toán, kiểm toán, thuế tại calico.vn hoặc kiemtoancalico.com

Bài viết có ích cho bạn?
Banner-post-thu-vien-calico_960x300
Bài viết có ích cho bạn?

NGHIỆP VỤ CALICO