Số: 1608/TCT-CS
V/v chính sách thuế TNDN
Kính gửi: Công ty TNHH Việt Nam Meiwa
(Địa chỉ: Đường 15A, KCN Biên Hòa 2, tp Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai)
Tổng cục Thuế nhận được công văn số VM- 1412-01 ngày 26/12/2014 của Công ty TNHH Việt Nam Meiwa về cách xác định nguyên giá công trình xây dựng. Về vấn đề này, Tổng cục Thuế có ý kiến như sau:
– Khoản 5 Điều 2 Thông tư số 45/2013/TT-BTC ngày 25/4/2013 của Bộ Tài chính quy định:
“Nguyên giá tài sản cố định hữu hình là toàn bộ các chi phí mà doanh nghiệp phải bỏ ra để có tài sản cố định hữu hình tính đến thời điểm đưa tài sản đó vào trạng thái sẵn sàng sử dụng.”
Tiết a Khoản 1 Điều 4 Thông tư số 45/2013/TT-BTC ngày 25/4/2013 của Bộ Tài chính quy định:
“a) TSCĐ hữu hình mua sắm.
Nguyên giá TSCĐ hữu hình mua sắm (kể cả mua mới và cũ): là giá mua thực tế phải trả cộng (+) các khoản thuế (không bao gồm các khoản thuế được hoàn lại), các chi phí liên quan trực tiếp phải chi ra tính đến thời điểm đưa tài sản cố định vào trạng thái sẵn sàng sử dụng như:
- Lãi tiền vay phát sinh trong quá trình đầu tư mua sắm tài sản cố định,
- Chi phí vận chuyển, bốc dỡ;
- Chi phí nâng cấp, chi phí lắp đặt chạy thử;
- Lệ phí trước bạ và các chi phí liên quan trực tiếp khác.
Trường hợp TSCĐ hữu hình mua trả chậm, trả góp, nguyên giá TSCĐ là giá mua trả tiền ngay tại thời điểm mua cộng (+) các khoản thuế (không bao gồm các khoản thuế được hoàn lại), các chi phí liên quan trực tiếp phải chi ra tính đến thời điểm đưa TSCĐ vào trạng thái sẵn sàng sử dụng như:
- Chi phí vận chuyển, bốc dỡ;
- Chi phí nâng cấp, chi phí lắp đặt chạy thử, lệ phí trước bạ (nếu có).
Trường hợp mua TSCĐ hữu hình là nhà cửa, vật kiến trúc gắn liền với quyền sử dụng đất thì giá trị quyền sử dụng đất phải xác định riêng và ghi nhận là TSCĐ vô hình nếu đáp ứng đủ tiêu chuẩn theo quy định tại điểm đ khoản 2 Điều này, còn TSCĐ hữu hình là nhà cửa, vật kiến trúc thì nguyên giá là giá mua thực tế phải trả cộng (+) các khoản chi phí liên quan trực tiếp đến việc đưa TSCĐ hữu hình vào sử dụng.
Trường hợp sau khi mua TSCĐ hữu hình là nhà cửa, vật kiến trúc gắn liền với quyền sử dụng đất; doanh nghiệp trừ bỏ hoặc hủy bỏ để xây dựng mới thì:
- Giá trị quyền sử dụng đất phải xác định riêng
- Ghi nhận là TSCĐ vô hình nếu đáp ứng đủ tiêu chuẩn
Theo quy định tại điểm đ khoản 2 Điều này; nguyên giá của TSCĐ xây dựng mới được xác định là giá quyết toán công trình đầu tư xây dựng; theo quy định tại quy chế quản lý đầu tư và xây dựng hiện hành. Những tài sau dỡ bỏ hoặc hủy bỏ được xử lý hạch toán theo quy định hiện hành đối với thanh lý tài sản cố định.
– Khoản 1 Điều 6 Thông tư số 78/2014/TT-BTC ngày 18/6/2014 của Bộ Tài chính quy định:
Trừ các khoản chi không được trừ nêu tại Khoản 2 Điều này doanh nghiệp được trừ mọi khoản chi nếu đáp ứng đủ các điều kiện sau:
a) Khoản chi thực tế phát sinh liên quan đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp
b) Khoản chi có đủ hóa đơn, chứng từ hợp pháp theo quy định của pháp luật.
c) Khoản chi nếu có hóa đơn mua hàng hóa, dịch vụ từng lần có giá trị từ 20 triệu đồng trở lên (giá đã bao gồm thuế GTGT) khi thanh toán phải có chứng từ thanh toán không dùng tiền mặt.
Chứng từ thanh toán không dùng tiền mặt thực hiện theo quy định của các văn bản pháp luật về thuế giá trị gia tăng.”
Căn cứ quy định nêu trên, trường hợp Công ty phá dỡ tài sản gắn liền với đất thuê trả tiền thuê đất hàng năm để xây dựng và mở rộng nhà máy mới thì nguyên giá của TSCĐ xây dựng mới được xác định là giá quyết toán công trình đầu tư xây dựng theo quy định tại Quy chế quản lý đầu tư và xây dựng hiện hành.
Những tài sản dỡ bỏ hoặc hủy bỏ được xử lý hạch toán theo quy định hiện hành đối với thanh lý tài sản cố định.
Tổng cục Thuế trả lời để Công ty TNHH Việt Nam Meiwa được biết./.
Chúc các bạn thành công!
Tìm hiểu thêm về kế toán, kiểm toán, thuế tại calico.vn hoặc kiemtoancalico.com