Kiến nghị về khoản chi xăng xe theo mức cố định hàng tháng cho nhân viên

22/01/2018 747 lượt xem    

Các công ty thường có khoản chi xăng xe cho nhân viên đi lại, công tác,.. Vậy khoản chi phí này có được tính vào thuế TNCN không? Bài viết này sẽ giải đáp thắc mắc này.

Tại khoản 2 Điều 2 Thông tư số 111/2013/TT-BTC ngày 15/8/2013 của Bộ Tài chính hướng dẫn về các khoản thu nhập từ tiền lương, tiền công:

Thu nhập từ tiền lương, tiền công là thu nhập người lao động nhận được từ người sử dụng lao động, bao gồm:

Tiền lương, tiền công và các khoản có tính chất tiền lương, tiền công dưới các hình thức bằng tiền hoặc không bằng tiền.

Các khoản lợi ích bằng tiền hoặc không bằng tiền ngoài tiền lương, tiền công do người sử dụng lao động trả mà người nộp thuế được hưởng dưới mọi hình thức:

– Tiền nhà ở, điện, nước và các dịch vụ kèm theo (nếu có).

– Trường hợp cá nhân ở tại trụ sở làm việc thì thu nhập chịu thuế căn cứ vào tiền thuê nhà hoặc chi phí khấu hao, tiền điện, nước và các dịch vụ khác tính theo tỷ lệ giữa diện tích cá nhân sử dụng với diện tích trụ sở làm việc.

Khoản tiền thuê nhà do đơn vị sử dụng lao động trả hộ tính vào thu nhập chịu thuế theo số thực tế trả hộ nhưng không vượt quá 15% tổng thu nhập chịu thuế (chưa bao gồm tiền thuê nhà) tại đơn vị.

Khoản tiền phí mua bảo hiểm nhân thọ, bảo hiểm không bắt buộc khác, tiền đóng góp quỹ hưu trí tự nguyện do người sử dụng lao động mua hoặc đóng góp cho người lao động đối với những sản phẩm bảo hiểm có tích lũy về phí bảo hiểm.

– Phí hội viên và các khoản chi dịch vụ khác phục vụ cho cá nhân theo yêu cầu như: chăm sóc sức khoẻ, vui chơi, thể thao, giải trí, thẩm mỹ, cụ thể như sau:

Khoản phí hội viên (như thẻ hội viên sân gôn, sân quần vợt, thẻ sinh hoạt câu lạc bộ văn hóa nghệ thuật, thể dục thể thao…) nếu thẻ có ghi đích danh cá nhân hoặc nhóm cá nhân sử dụng. Trường hợp thẻ được sử dụng chung, không ghi tên cá nhân hoặc nhóm cá nhân sử dụng thì không tính vào thu nhập chịu thuế.

Khoản chi dịch vụ khác phục vụ cho cá nhân trong hoạt động chăm sóc sức khoẻ, vui chơi, giải trí thẩm mỹ… nếu nội dung chi trả ghi rõ tên cá nhân được hưởng. Trường hợp nội dung chi trả phí dịch vụ không ghi tên cá nhân được hưởng mà chi chung cho tập thể người lao động thì không tính vào thu nhập chịu thuế.

– Phần khoán chi văn phòng phẩm, công tác phí, điện thoại, trang phục,… cao hơn mức quy định hiện hành của Nhà nước. Mức khoán chi không tính vào thu nhập chịu thuế đối với một số trường hợp như sau:

Đối với cán bộ, công chức và người làm việc trong các cơ quan hành chính sự nghiệp, Đảng, đoàn thể, Hội, Hiệp hội: mức khoán chi áp dụng theo văn bản hướng dẫn của Bộ Tài chính.

Đối với người lao động làm việc trong các tổ chức kinh doanh, các văn phòng đại diện: mức khoán chi áp dụng phù hợp với mức xác định thu nhập chịu thuế thu nhập doanh nghiệp theo các văn bản hướng dẫn thi hành Luật thuế thu nhập doanh nghiệp.

Đối với người lao động làm việc trong các tổ chức quốc tế, các văn phòng đại diện của tổ chức nước ngoài: mức khoán chi thực hiện theo quy định của Tổ chức quốc tế, văn phòng đại diện của tổ chức nước ngoài.

Tổng cục Thuế (Bộ Tài chính) nhận được công văn số 4361/VPCP-ĐMDN ngày 28/4/2017 của Văn phòng Chính phủ về việc kiến nghị của Văn phòng đại diện Reifenhauser Private Ltd tại TP Hồ Chí Minh liên quan đến khoản khoán chi xăng xe theo mức cố định hàng tháng cho nhân viên.

 Về vấn đề này, Tổng cục Thuế có ý kiến như sau:

Trường hợp Văn phòng đại diện Reifenhauser Private Ltd tại TP Hồ Chí Minh trả khoản khoán chi xăng xe theo mức cố định hàng tháng cho nhân viên phục vụ cho việc đi lại của cá nhân thì khoản thu nhập này được tính vào thu nhập chịu thuế TNCN của cá nhân.

Căn cứ hướng dẫn nêu trên:

Việc xác định Văn phòng đại diện Reifenhauser Private Ltd tại TP Hồ Chí Minh là văn phòng đại diện của tổ chức nước ngoài hay văn phòng đại diện của tổ chức kinh doanh thì đề nghị Văn phòng đại diện Reifenhauser Private Ltd tại TP Hồ Chí Minh liên hệ với Sở Công thương TP Hồ Chí Minh để được giải đáp. Trường hợp Văn phòng đại diện Reifenhauser Private Ltd tại TP Hồ Chí Minh là văn phòng đại diện của tổ chức nước ngoài có khoản khoán chi văn phòng phẩm, công tác phí, điện thoại, trang phục theo điểm đ.4.3 khoản 2 Điều 2 Thông tư số 111/2013/TT-BTC ngày 15/8/2013 của Bộ Tài chính thì không tính vào thu nhập chịu thuế TNCN.

 

Chúc các bạn thành công!

Tìm hiểu thêm về kế toán, kiểm toán, thuế tại calico.vn hoặc kiemtoancalico.com

 

 

 

Bài viết có ích cho bạn?
Banner-post-thu-vien-calico_960x300
Bài viết có ích cho bạn?

NGHIỆP VỤ CALICO