Đối với đề nghị giải quyết vướng mắc về chính sách thuế giai đoạn thành lập doanh nghiệp trên cơ sở tổ chức lại một số đơn vị thuộc Tập đoàn VNPT, Tổng cục thuế đã có ý kiến giải quyết thế nào? Bài viết dưới đây sẽ giúp tìm hiểu kỹ hơn và chỉ ra các bước hướng dẫn về vấn đề nêu trên theo căn cứ hướng dẫn tại Công văn số 3490/TCT-DNL, ngày 27 tháng 8 năm 2015. Nội dung cụ thể như sau:
Tại Chương IX Luật doanh nghiệp số 68/2014/QH13 ngày 26/11/2014 quy định về tổ chức lại, giải thể và phá sản doanh nghiệp.
Tại Điều 55, Luật Quản lý thuế quy định về hoàn thành nghĩa vụ nộp thuế trong trường hợp tổ chức lại doanh nghiệp.
Tại khoản 1, Điều 16 Thông tư số 39/2014/TT-BTC ngày 31/3/2014 của Bộ Tài chính hướng dẫn về việc lập hóa đơn như sau:
“…
Trường hợp tổ chức kinh doanh có nhiều đơn vị trực thuộc trực tiếp bán hàng hoặc nhiều cơ sở nhận ủy nhiệm cùng sử dụng hình thức hóa đơn đặt in có cùng ký hiệu theo phương thức phân chia cho từng cơ sở trong toàn hệ thống thì tổ chức kinh doanh phải có sổ theo dõi phân bổ số lượng hóa đơn cho từng đơn vị trực thuộc, từng cơ sở nhận ủy nhiệm. Các đơn vị trực thuộc, cơ sở nhận ủy nhiệm phải sử dụng hóa đơn theo thứ tự từ số nhỏ đến số lớn trong phạm vi số hóa đơn được phân chia.”
Tại khoản 1 , Điều 20, thông tư số 219/2013/TT-BTC ngày 31 tháng 12 năm 2013 của Bộ Tài chính quy định về nơi nộp thuế như sau:
“1. Người nộp thuế kê khai, nộp thuế GTGT tại địa phương nơi sản xuất, kinh doanh.”
Tổng cục Thuế đã tiếp nhận công văn số 223/VNPT-VNP-TCKT ngày 27/7/2015 của Tổng công ty Dịch vụ viễn thông (VNPT-Vinaphone) đề nghị giải quyết vướng mắc về chính sách thuế giai đoạn thành lập doanh nghiệp trên cơ sở tổ chức lại một số đơn vị thuộc Tập đoàn VNPT. Sau khi báo cáo Bộ Tài chính, Tổng cục Thuế trả lời để Tổng công ty Dịch vụ viễn thông (VNPT-Vinaphone) được biết:
Theo báo cáo của Tổng công ty VNPT-Vinaphone, thực hiện Quyết định số 888/QĐ-TTG ngày 10/6/2014 của Thủ tướng Chính phủ Phê duyệt Đề án tái cơ cấu tập đoàn Bưu chính viễn thông Việt Nam (VNPT) giai đoạn 2014-2015, tập đoàn VNPT đã ban hành Quyết định thành lập Tổng công ty VNPT-Vinaphone là đơn vị hạch toán độc lập trên cơ sở sáp nhập phần lớn các hoạt động của 02 đơn vị là Công ty Dịch vụ viễn thông (VNP), Công ty Điện toán và truyền số liệu (VDC); phần kinh doanh của Công ty Viễn thông quốc tế (VNPT I), Công ty viễn thông liên tỉnh (VTN) và trung tâm kinh doanh của Viễn thông 63 tỉnh, thành phố.
Căn cứ các quy định trên và tình hình thực hiện tổ chức hoạt động của Tổng công ty VNPT-Vinaphone trên cơ sở tổ chức lại một số đơn vị thuộc Tập đoàn VNPT, Tổng cục Thuế hướng dẫn một số chính sách thuế trong giai đoạn chuyển đổi từ ngày 1/7/2015 đến trước ngày 31/12/2015 như sau:
– Đối với hóa đơn GTGT hàng hóa, dịch vụ bán ra:
Trường hợp các đơn vị hạch toán phụ thuộc Tổng công ty VNPT-Vinaphone khi bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ sử dụng hóa đơn GTGT mang tên, mã số thuế của Tổng công ty VNPT-Vinaphone thì Tổng công ty VNPT-Vinaphone phải theo dõi phân bổ số lượng hóa đơn cho từng đơn vị trực thuộc sử dụng hóa đơn theo thứ tự từ số nhỏ đến số lớn trong phạm vi số hóa đơn được phân bổ.
Các đơn vị hạch toán phụ thuộc Tổng công ty VNPT-Vinaphone thực hiện khai thuế GTGT tại cơ quan thuế quản lý trực tiếp đối với các hóa đơn GTGT hàng hóa, dịch vụ do đơn vị bán ra tại địa phương nhưng mang tên, mã số thuế của Tổng công ty VNPT-Vinaphone. Tổng công ty VNPT-Vinaphone lập bảng phân bổ các hóa đơn GTGT cho các đơn vị trực thuộc Tổng công ty gửi Cục thuế TP. Hà Nội và các Cục thuế liên quan để theo dõi quản lý.
…
Các đơn vị trực thuộc thành lập mới của Tổng công ty VNPT-Vinaphone tiếp nhận hoạt động kinh doanh của các đơn vị trực thuộc VNPT gồm viễn thông tỉnh, thành phố và các công ty trực thuộc (gọi tắt là đơn vị cũ) thực hiện kê khai thuế GTGT, hạch toán doanh thu đối với các hóa đơn GTGT hàng hóa, dịch vụ bán ra thuộc mảng kinh doanh được chuyển giao cho đơn vị trực thuộc Tổng công ty VNPT-Vinaphone nhưng mang tên, mã số thuế của đơn vị cũ phát sinh từ ngày chuyển giao.
Các đơn vị cũ thuộc VNPT lập bảng kê chi tiết các hóa đơn này (đối với dịch vụ viễn thông thì bảng kê tổng hợp doanh số, không phải kê chi tiết từng hóa đơn) gửi các đơn vị trực thuộc Tổng công ty VNPT-Vinaphone để làm căn cứ kê khai thuế GTGT và hạch toán doanh thu.
– Đối với hóa đơn GTGT hàng hóa, dịch vụ mua vào:
Đơn vị trực thuộc Tổng công ty VNPT-Vinaphone kê khai, khấu trừ thuế GTGT đầu vào đối với các hóa đơn GTGT hàng hóa, dịch vụ mua vào mang tên người mua, mã số thuế của Tổng công ty VNPT-Vinaphone có nội dung phản ánh chi phí phục vụ cho hoạt động kinh doanh tại đơn vị trực thuộc VNPT-Vinaphone trong thời gian bàn giao chưa được cấp mã số thuế.
Tập đoàn VNPT, Tổng công ty VNPT-Vinaphone và các đơn vị trực thuộc Tập đoàn, trực thuộc Tổng công ty chịu trách nhiệm về việc kê khai thuế GTGT đầu ra, đầu vào; hạch toán doanh thu, chi phí phát sinh tại đơn vị trực thuộc đối với các hóa đơn nêu trên đảm bảo không bị kê khai, hạch toán trùng hoặc sót.
Sau ngày 31/12/2015, Tổng công ty VNPT-Vinaphone và các đơn vị trực thuộc thực hiện lập hóa đơn GTGT, kê khai, nộp thuế theo quy định.
Chúc các bạn thành công!
Tìm hiểu thêm về kế toán, kiểm toán, thuế tại calico.vn hoặc kiemtoancalico.com
Calico4