Hóa đơn điện tử với Dự án thu phí tự động và kiểm soát tải trọng xe trên toàn quốc

11/02/2018 679 lượt xem    

Mục lục bài viết

Những vấn đề về việc thực hiện hóa đơn điện tử (HĐĐT) trong Dự án thu phí tự động không dừng và kiểm soát tải trọng xe trên toàn quốc – giai đoạn 1 áp dụng cho Quốc lộ 1 và đường Hồ Chí Minh đoạn qua Tây Nguyên theo hình thức hợp đồng BOO (xây dựng – sở hữu – kinh doanh) cần tuân theo những quy định luật pháp và thông tư gì? Bài viết dưới đây sẽ giúp tìm hiểu kỹ hơn và chỉ ra các bước hướng dẫn về vấn đề nêu trên theo căn cứ hướng dẫn tại Công văn số 5174/BTC-TCT, ngày 15 tháng 4 năm 2016. Nội dung cụ thể như sau:

1/ Về sử dụng hóađơn, kê khai, nộp thuế của nhà đầu tư BOT và đơn vị cung cấp dịch vụ thu phí tự động không dừng:

Tại điểm 2.6 Phụ lục 4 Thông tư số 39/2014/TT-BTC ngày 31/3/2014 của Bộ Tài chính hướng dẫn một số trường hợp việc sử dụng và ghi hóa đơn, chứng từ được thực hiện như sau:

“Tổ chức kinh doanh kê khai, nộp thuế GTGT theo phương pháp khấu trừ xuất xuất hàng hóa cho … cơ sở nhận làm đại lý bán đúng giá, hưởng hoa hồng, căn cứ vào phương thức tổ chức kinh doanh và hạch toán kế toán, cơ sở có thể lựa chọn một trong hai cách sử dụng hóa đơn, chứng từ như sau:

+ Sử dụng hóa đơn GTGT để làm căn cứ thanh toán và kê khai nộp thuế GTGT ở từng đơn vị và từng khâu độc lập với nhau;

+ Sử dụng Phiếu xuất kho kiêm vận chuyển nội bộ kèm theo Lệnh điều động nội bộ; Sử dụng Phiếu xuất kho hàng gửi bán đại lý theo quy định đối với hàng hóa xuất cho cơ sở làm đại lý kèm theo Lệnh điều động nội bộ.

Cơ sở hạch toán phụ thuộc, chi nhánh, cửa hàng, cơ sở nhận làm đại lý bán hàng khi bán hàng phải lập hóa đơn theo quy định giao cho người mua, đồng thời lập Bảng kê hàng hóa bán ra gửi về cơ sở có hàng hóa điều chuyển hoặc cơ sở có hàng hóa gửi bán (gọi chung là cơ sở giao hàng) để cơ sở giao hàng lập hóa đơn GTGT cho hàng hóa thực tế tiêu thụ giao cho cơ sở hạch toán phụ thuộc, chi nhánh, cửa hàng, cơ sở nhận làm đại lý bán hàng.

Trường hợp cơ sở có số lượng và doanh số hàng hóa bán ra lớn, Bảng kê có thể lập cho 05 ngày hay 10 ngày một lần….”

Tại điểm a Khoản 3 Điều 1 Thông tư số 119/2014/TT-BTC ngày 25/8/2014 của Bộ Tài chính quy định:

“3. Sửa đổi, bổ sung điểm a, d, đ và e khoản 8 Điều 11 Thông tư số 156/2013/TT-BTC như sau:

a) Sửa đổi điểm a khoản 8 Điều 11 như sau:

“a) Khai thuế giá trị gia tăng đối với hoạt động đại lý

– Người nộp thuế là đại lý bán hàng hóa, dịch vụ hoặc là đại lý thu mua hàng hóa theo hình thức bán, mua đúng giá hưởng hoa hồng không phải khai thuế giá trị gia tăng đối với hàng hóa, dịch vụ bán đại lý; hàng hóa thu mua đại lý nhưng phải khai thuế giá trị gia tăng đối với doanh thu hoa hồng đại lý được hưởng.

– Đối với các hình thức đại lý khác thì người nộp thuế phải khai thuế giá trị gia tăng đối với hàng hóa, dịch vụ bán hàng đại lý; hàng hóa thu mua đại lý và thù lao đại lý được hưởng.”

Tại điểm d và đ Khoản 7 Điều 5 Thông tư số 219/2013/TT-BTC ngày 31/12/2013 của Bộ Tài chính hướng dẫn các trường hợp không phải kê khai, tính, nộp thuế GTGT:

“d) Các khoản thu hộ không liên quan đến việc bán hàng hóa, dịch vụ của cơ sở kinh doanh.

đ) Doanh thu hàng hóa, dịch vụ nhận bán đại lý và doanh thu hoa hồng được hưởng từ hoạt động đại lý bán đúng giá quy định của bên giao đại lý hưởng hoa hồng của dịch vụ: bưu chính, viễn thông, bán vé xổ số, vé máy bay, ô tô, tàu hoả, tàu thủy; đại lý vận tải quốc tế; đại lý của các dịch vụ ngành hàng không, hàng hải mà được áp dụng thuế suất thuế GTGT 0%; đại lý bán bảo hiểm.”

 

Tổng cục Thuế đã tiếp nhận công văn số 140/TASCO-KT ngày 30/3/2016 của Công ty CP TASCO (TASCO) kiến nghị về việc thực hiện hóa đơn điện tử (HĐĐT) trong Dự án thu phí tự động không dừng và kiểm soát tải trọng xe trên toàn quốc – giai đoạn 1 áp dụng cho Quốc lộ 1 và đường Hồ Chí Minh đoạn qua Tây Nguyên theo hình thức hợp đồng BOO (xây dựng – sở hữu – kinh doanh). Sau khi báo cáo Bộ Tài chính, Tổng cục Thuế trả lời để TASCO được biết:

Căn cứ các quy định trên và thực tế hoạt động của các đơn vị dịch vụ thu phí tự động không dừng, trường hợp các đơn vị cung cấp dịch vụ thu phí tự động không dừng (sau đây gọi là đơn vị dịch vụ thu phí BOO) (TASCO-VETC) ký hợp đồng với các Nhà đầu tư BOT để thực hiện thu phí từ khách hàng khi lưu thông qua trạm thu phí tự động không dừng theo đúng giá quy định của Bộ Tài chính và được hưởng phí dịch vụ thu phí thì việc sử dụng hóa đơn, kê khai, nộp thuế đối với các nhà đầu tư BOT và đơn vị dịch vụ thu phí BOO như sau:

1. Về hóa đơn:

– Đơn vị dịch vụ thu phí BOO (TASCO, VETC) trực tiếp lập HĐĐT thu phí và giao cho khách hàng sau khi đã lưu thông qua trạm trên làn thu phí (định kỳ và theo phương thức điện tử).

– Định kỳ, đơn vị dịch vụ thu phí BOO và nhà đầu tư BOT thực hiện đối soát dữ liệu doanh thu thu phí và lập Bảng kê thu phí. Căn cứ vào dữ liệu thu phí và Bảng kê thu phí, nhà đầu tư BOT lập hóa đơn GTGT giao trực tiếp cho đơn vị dịch vụ thu phí BOO đối với khoản doanh thu thu phí của nhà đầu tư BOT đồng thời đơn vị dịch vụ thu phí lập hóa đơn GTGT giao cho nhà đầu tư BOT đối với khoản phí dịch vụ được hưởng.

2. Về kê khai, nộp thuế:

– Đối với nhà đầu tư BOT: căn cứ hóa đơn lập cho đơn vị dịch vụ thu phí, nhà đầu tư BOT kê khai, nộp thuế GTGT đầu ra theo quy định đối với khoản tiền phí thu được của nhà đầu tư BOT.

– Đối với đơn vị dịch vụ thu phí BOO: kê khai thuế GTGT đầu ra đối với khoản phí dịch vụ được hưởng, không phải kê khai, tính thuế GTGT đối với khoản tiền thu phí từ khách hàng thu hộ nhà đầu tư BOT.

 

2/ Về chữ ký điện tử của người mua trên HĐĐT:

Tại Khoản 2 Điều 1 Nghị định số 04/2014/NĐ-CP ngày 17/01/2014 của Chính phủ sửa đổi khoản 5 Điều 5 Nghị định số 51/2010/NĐ-CP ngày 14/5/2010 của Chính phủ quy định:

“5. Tổ chức kinh doanh có thể đồng thời cùng lúc sử dụng nhiều hình thức hóa đơn khác nhau. Nhà nước khuyến khích hình thức hóa đơn điện tử.”

Tại Điều 6 Thông tư số 32/2011/TT-BTC ngày 14/03/2011 của Bộ Tài chính hướng dẫn về nội dung của HĐĐT:

“1. Hóa đơn điện tử phải có các nội dung sau:

… e) Chữ ký điện tử theo quy định của pháp luật của người bán; ngày, tháng năm lập và gửi hóa đơn. Chữ ký điện tử theo quy định của pháp luật của người mua trong trường hợp người mua là đơn vị kế toán.

… 2. Một số trường hợp hóa đơn điện tử không có đầy đủ các nội dung bắt buộc được thực hiện theo hướng dẫn riêng của Bộ Tài chính”.

Tổng cục Thuế trả lời để TASCO được biết:

Căn cứ các quy định nêu trên, đặc thù hoạt động thu phí tự động không dừng, trường hợp Công ty TASCO là đơn vị dịch vụ thu phí BOO sử dụng HĐĐT trong hoạt động thu phí tự động không dừng thì trên HĐĐT không phải có chữ ký điện tử của khách hàng. Công ty không phải nhận lại HĐĐT đã gửi cho khách hàng.

 

3/ Về văn bản thỏa thuận khi điều chỉnh HĐĐT:

Trường hợp HĐĐT đối với hoạt động thu phí tự động không dừng đã lập sau đó phát hiện sai sót theo quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều 9 Thông tư số 32/2011/TT-BTC thì các bên không phải lập văn bản thỏa thuận để xác nhận sai sót có chữ ký của người mua và người bán mà chỉ lập HĐĐT điều chỉnh sai sót theo quy định tại Điều 9 Thông tư số 32/2011/TT-BTC.

Doanh nghiệp chịu hoàn toàn trách nhiệm về tính chính xác của số liệu kê khai, báo cáo.

Để triển khai HĐĐT có hiệu quả, phù hợp với đặc thù của ngành giao thông vận tải và hoạt động thu phí tự động không dừng, đề nghị Công ty TASCO xây dựng kế hoạch, lộ trình triển khai HĐĐT, hoàn thiện công tác chuẩn bị để sẵn sàng vận hành triển khai HĐĐT. Công ty chủ động tuyên truyền cho khách hàng việc thực hiện HĐĐT để khách hàng hiểu và chấp nhận HĐĐT, đồng thời chủ động phối hợp với Tổng cục Thuế để được hỗ trợ kịp thời trong quá trình triển khai thực hiện HĐĐT.

 

Chúc các bạn thành công!

Tìm hiểu thêm về kế toán, kiểm toán, thuế tại calico.vn hoặc kiemtoancalico.com

Calico4

 

 

Bài viết có ích cho bạn?
Banner-post-thu-vien-calico_960x300
Bài viết có ích cho bạn?

NGHIỆP VỤ CALICO