Chuẩn mực kế toán việt nam số 22 – Trình bày bổ sung BCTC của các ngân hàng và tổ chức tài chính tương tự

09/09/2017 940 lượt xem    

TRÌNH BÀY BỔ SUNG BCTC CỦA CÁC NGÂN HÀNG VÀ CÁC TỔ CHỨC TÀI CHÍNH TƯƠNG TỰ

*******

QUY ĐỊNH CHUNG

Mục đích của chuẩn mực này là quy định và hướng dẫn việc trình bày bổ sung các thông tin cần thiết trong báo cáo tài chính của các Ngân hàng và tổ chức tài chính tương tự.

Chuẩn mực này áp dụng cho các Ngân hàng và Tổ chức tài chính tương tự (sau đây gọi chung là Ngân hàng) bao gồm các ngân hàng, tổ chức tín dụng, tổ chức tín dụng phi ngân hàng, các tổ chức tài chính tương tự có hoạt động chính là nhận tiền gửi, đi vay với mục đích để cho vay và đầu tư trong phạm vi hoạt động của ngân hàng theo quy định của Luật các Tổ chức tín dụng và các văn bản pháp luật khác về hoạt động ngân hàng.

Chuẩn mực này hướng dẫn việc trình bày những thông tin cần thiết trong báo cáo tài chính riêng và báo cáo tài chính hợp nhất của các Ngân hàng. Bên cạnh đó cũng khuyến khích việc trình bày trên thuyết minh báo cáo tài chính những thông tin về kiểm soát khả năng thanh toán và kiểm soát rủi ro của các Ngân hàng. Đối với những tập đoàn có hoạt động ngân hàng thì chuẩn mực này được áp dụng cho các hoạt động đó trên cơ sở hợp nhất.

Chuẩn mực này bổ sung cho các chuẩn mực kế toán khác áp dụng cho các Ngân hàng trừ khi chuẩn mực kế toán và các quy định khác có điều khoản ngoại trừ.

NỘI DUNG CHUẨN MỰC

Chính sách kế toán

Để phù hợp với quy định của Chuẩn mực số 21 “Trình bày báo cáo tài chính” và để giúp người sử dụng hiểu được cơ sở lập báo cáo tài chính của Ngân hàng, các chính sách kế toán liên quan đến các khoản mục sau đây phải được trình bày:

a) Ghi nhận các loại thu nhập chủ yếu (xem đoạn 07 và đoạn 08);

b) Định giá chứng khoán đầu tư và chứng khoán kinh doanh;

c) Phân biệt các giao dịch, sự kiện khác dẫn đến việc ghi nhận tài sản và nợ phải trả trên Bảng cân đối kế toán và những giao dịch, sự kiện chỉ làm tăng nghĩa vụ nợ tiềm ẩn và các cam kết (xem đoạn 20, 21, 22);

d) Cơ sở xác định tổn thất các khoản cho vay và ứng trước và cơ sở xoá sổ các khoản cho vay và ứng trước không có khả năng thu hồi (xem các đoạn từ 36 đến 40);

e) Cơ sở xác định chi phí phát sinh từ các rủi ro chung trong hoạt động kinh doanh của Ngân hàng và phương pháp hạch toán đối với các chi phí đó (xem đoạn 41, 42, 43).

Báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh

Báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh của Ngân hàng phải trình bày các khoản thu nhập và chi phí theo bản chất của chúng và phải trình bày giá trị các loại thu nhập và chi phí chủ yếu.

Ngoài các yêu cầu của chuẩn mực kế toán khác, Báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh hay Bản thuyết minh báo cáo tài chính của Ngân hàng phải trình bày tối thiểu các khoản mục thu nhập, chi phí sau đây:

– Thu nhập lãi và các khoản thu nhập tương tự;

– Chi phí lãi và các chi phí tương tự;

– Lãi được chia từ góp vốn và mua cổ phần;

– Thu phí hoạt động dịch vụ;

– Phí và chi phí hoa hồng;

– Lãi hoặc lỗ thuần từ kinh doanh chứng khoán kinh doanh;

– Lãi hoặc lỗ thuần từ kinh doanh chứng khoán đầu tư;

– Lãi hoặc lỗ thuần hoạt động kinh doanh ngoại hối;

– Thu nhập từ hoạt động khác;

– Tổn thất khoản cho vay và ứng trước;

– Chi phí quản lý và chi phí hoạt động khác.

Các loại thu nhập chủ yếu phát sinh từ hoạt động của Ngân hàng bao gồm: Thu nhập lãi, thu phí dịch vụ, hoa hồng và các kết quả kinh doanh khác. Mỗi loại thu nhập được trình bày theo các chỉ tiêu riêng biệt để giúp người sử dụng có thể đánh giá được tình hình hoạt động của Ngân hàng. Việc trình bày như vậy để bổ sung thêm thông tin về các nguồn thu nhập theo yêu cầu của Chuẩn mực số 28 “Báo cáo bộ phận”.

Các loại chi phí chủ yếu phát sinh từ hoạt động của Ngân hàng bao gồm: Chi phí lãi, chi phí hoa hồng, chi phí dự phòng rủi ro tổn thất các khoản cho vay và ứng trước, chi phí dự phòng giảm giá các khoản đầu tư và chi phí quản lý. Mỗi loại chi phí được trình bày theo chỉ tiêu riêng giúp người sử dụng đánh giá được tình hình hoạt động của Ngân hàng.

Các khoản mục thu nhập và chi phí không được bù trừ, ngoại trừ trường hợp những khoản mục liên quan đến tài sản và nợ phải trả, tài sản để đảm bảo rủi ro được bù trừ theo quy định tại đoạn 19.

Sự bù trừ trong trường hợp không liên quan đến các hợp đồng tự bảo hiểm, tài sản và nợ phải trả được bù trừ theo quy định tại đoạn 19 sẽ gây khó khăn cho người sử dụng trong việc đánh giá hoạt động của Ngân hàng, ngược lại nó sẽ giúp phân tích được cách phân loại các tài sản chi tiết.

Lãi và lỗ phát sinh từ mỗi giao dịch dưới đây được báo cáo trên cơ sở thuần:

a) Thanh lý chứng khoán kinh doanh;

b) Thanh lý chứng khoán đầu tư;

c) Hoạt động kinh doanh ngoại hối.

Thu nhập lãi và chi phí lãi được trình bày riêng rẽ nhằm cung cấp thông tin dễ hiểu hơn về các yếu tố cấu thành lãi thuần và lý do của sự thay đổi lãi thuần.

Lãi thuần là chênh lệch của lãi suất và giá trị khoản đi vay và cho vay. Lãi thuần rất hữu ích nếu Ban Lãnh đạo diễn giải lãi suất trung bình, giá trị trung bình của tài sản sinh lời và giá trị trung bình của các khoản nợ phát sinh trong kỳ. Trường hợp được Nhà nước trợ giúp về lãi suất thì báo cáo tài chính phải trình bày quy mô của các khoản tín dụng ưu đãi này và ảnh hưởng của chúng đến lãi thuần.

Bảng cân đối kế toán

Trong Bảng cân đối kế toán, Ngân hàng phải trình bày các nhóm tài sản và nợ phải trả theo bản chất và sắp xếp theo thứ tự phản ánh tính thanh khoản giảm dần của chúng.

Ngoài các yêu cầu của chuẩn mực kế toán khác, Bảng cân đối kế toán hoặc Bản thuyết minh báo cáo tài chính của Ngân hàng phải trình bày tối thiểu các khoản mục tài sản và nợ phải trả sau đây:

Khoản mục tài sản:

– Tiền mặt, vàng bạc, đá quý;

– Tiền gửi tại Ngân hàng Nhà nước;

– Tín phiếu Kho bạc và các chứng chỉ có giá khác dùng tái chiết khấu với Ngân hàng Nhà nước;

– Trái phiếu Chính phủ và các chứng khoán khác được nắm giữ với mục đích thương mại;

– Tiền gửi tại các Ngân hàng khác, cho vay và ứng trước cho các tổ chức tín dụng và các tổ chức tài chính tương tự khác;

– Tiền gửi khác trên thị trường tiền tệ;

– Cho vay và ứng trước cho khách hàng;

– Chứng khoán đầu tư;

– Góp vốn đầu tư.

Khoản mục nợ phải trả:

– Tiền gửi của các ngân hàng và các tổ chức tương tự khác

– Tiền gửi từ thị trường tiền tệ;

– Tiền gửi của khách hàng;

– Chứng chỉ tiền gửi;

– Thương phiếu, hối phiếu và các chứng chỉ nhận nợ;

– Các khoản đi vay khác.

Cách phân loại tài sản và nợ phải trả hữu ích nhất của Ngân hàng là phân loại chúng theo bản chất và sắp xếp theo tính thanh khoản tương ứng với kỳ đáo hạn của chúng. Các khoản mục tài sản, nợ phải trả ngắn hạn và dài hạn không được trình bày riêng biệt vì phần lớn tài sản và nợ phải trả của Ngân hàng có thể được thực hiện hoặc thanh toán trong tương lai gần.

Sự phân biệt giữa số dư tiền gửi của ngân hàng tại các Ngân hàng khác và tại các đơn vị khác trên thị trường tiền tệ với tiền gửi của khách hàng là thông tin thiết thực vì cho biết mối liên hệ, sự độc lập của Ngân hàng với các Ngân hàng khác cũng như với thị trường tiền tệ. Do vậy các Ngân hàng phải trình bày tách biệt các khoản:

a) Số dư tiền gửi tại Ngân hàng Nhà nước;

b) Các khoản tiền gửi tại các Ngân hàng khác;

c) Các khoản tiền gửi tại các nơi khác trên thị trường tiền tệ;

d) Các khoản tiền gửi của các Ngân hàng khác;

e) Các khoản tiền gửi của các đối tượng khác trên thị trường tiền tệ.

Ngân hàng không được bù trừ bất kỳ khoản mục tài sản và nợ phải trả với các khoản mục tài sản và nợ phải trả khác trong Bảng cân đối kế toán, trừ trường hợp pháp luật quy định cho phép bù trừ và việc bù trừ thể hiện dự kiến điều chuyển thanh lý hoặc quyết toán khoản tài sản và nợ phải trả.

Nghĩa vụ nợ tiềm ẩn và cam kết trình bày ngoài Bảng cân đối kế toán

Ngân hàng phải trình bày các nghĩa vụ nợ tiềm ẩn và các cam kết sau:

a) Nội dung và giá trị của các cam kết cho vay không thể huỷ ngang (Trường hợp huỷ ngang các cam kết không thể huỷ ngang thì phải chịu phạt)

b) Nội dung và giá trị của các nghĩa vụ nợ tiềm ẩn và các cam kết được trình bày ngoài Bảng cân đối kế toán bao gồm các khoản liên quan đến:

i) Các khoản tín dụng gián tiếp, như: Các khoản bảo lãnh nợ, bảo lãnh thanh toán và thư tín dụng dự phòng có vai trò như là các khoản bảo lãnh tài chính cho các khoản vay và chứng khoán;

ii) Các nghĩa vụ nợ tiềm ẩn liên quan đến các nghiệp vụ kinh tế, như: Bảo lãnh thực hiện hợp đồng, bảo lãnh dự thầu, các khoản đảm bảo khác và thư tín dụng dự phòng liên quan đến các nghiệp vụ đặc biệt;

iii)  Các nghĩa vụ nợ tiềm ẩn ngắn hạn phát sinh từ việc giao nhận hàng hoá, như: Thư tín dụng, chứng từ có sử dụng hàng hoá giao nhận làm tài sản đảm bảo;

iv) Các cam kết khác và cam kết bảo lãnh phát hành chứng từ có giá khác.

Nhiều Ngân hàng cũng thực hiện các giao dịch không được ghi nhận là tài sản hay nợ phải trả trên Bảng cân đối kế toán nhưng chúng làm phát sinh các nghĩa vụ nợ tiềm ẩn và các cam kết. Những khoản mục này thường có vai trò quan trọng trong hoạt động kinh doanh và có mối liên quan chặt chẽ với mức độ rủi ro của các Ngân hàng. Những khoản mục này có thể làm tăng, giảm các khoản rủi ro khác, (Như: Nghiệp vụ phòng ngừa rủi ro về tài sản và nợ phải trả trên Bảng cân đối kế toán).

Người sử dụng thông tin trên báo cáo tài chính của Ngân hàng cần phải biết về các nghĩa vụ nợ tiềm ẩn và các cam kết không huỷ ngang của Ngân hàng để đánh giá tính thanh khoản, khả năng trả nợ và khả năng cố hữu của các khoản lỗ tiềm tàng.

Kỳ hạn của tài sản và nợ phải trả

Ngân hàng phải phân tích các khoản mục tài sản và nợ phải trả theo các nhóm có kỳ hạn phù hợp dựa trên thời gian còn lại tính từ ngày khoá sổ lập Báo cáo tài chính đến ngày đáo hạn theo điều khoản hợp đồng.

Sự phù hợp và sự không phù hợp có kiểm soát về kỳ hạn và lãi suất giữa tài sản và nợ phải trả có ý nghĩa quan trọng trong quản lý của Ngân hàng. Trong thực tế rất hiếm Ngân hàng tạo được sự phù hợp hoàn hảo, bởi vì các giao dịch thường có kỳ hạn không chắc chắn và thuộc rất nhiều loại hình nghiệp vụ khác nhau trong hoạt động kinh doanh. Tình trạng không phù hợp có thể làm tăng khả năng sinh lời nhưng cũng có thể làm tăng rủi ro tổn thất.

Kỳ hạn của tài sản và nợ phải trả và khả năng thay thế các khoản nợ chịu lãi khi đến hạn thanh toán với một mức phí có thể chấp nhận được là yếu tố quan trọng trong việc đánh giá tính thanh khoản và mức độ rủi ro khi có thay đổi lãi suất và tỷ giá hối đoái của Ngân hàng. Để cung cấp thông tin thích hợp cho việc đánh giá tính thanh khoản thì tối thiểu Ngân hàng phải phân tích được tài sản và nợ phải trả theo các nhóm kỳ hạn thích hợp.

* Việc phân nhóm theo kỳ hạn các tài sản và nợ phải trả cụ thể rất khác nhau giữa các Ngân hàng và tuỳ thuộc vào loại tài sản và nợ phải trả, như một số kỳ hạn thường được sử dụng sau:

Dưới 1 tháng;

Từ 1 tháng đến 3 tháng;

Từ trên 3 tháng đến 1 năm;

Từ trên 1 năm đến 3 năm;

Từ trên 3 năm đến 5 năm; và

Từ trên 5 năm trở lên.

Thông thường những kỳ hạn này được kết hợp với nhau, ví dụ: Trường hợp cho vay và ứng trước có thể được phân ra kỳ hạn dưới 1 năm và trên 1 năm. Nếu việc hoàn trả kéo dài trong nhiều kỳ, thì mỗi lần thanh toán được phân bổ theo kỳ hạn được thoả thuận trong hợp đồng tín dụng hoặc được dự kiến thanh toán hoặc trả nợ.

Kỳ hạn áp dụng cho việc phân loại kỳ hạn tài sản và nợ phải trả đòi hỏi phải nhất quán với nhau. Điều này chỉ ra một cách rõ ràng mức độ phù hợp về kỳ hạn của tài sản và nợ phải trả và sự phụ thuộc của Ngân hàng vào các nguồn vốn có thể huy động nhanh.

Các kỳ hạn có thể được xác định theo những thời hạn sau:

Thời gian còn lại đến ngày phải trả;

Kỳ hạn gốc đến ngày phải trả; hoặc

Thời gian còn lại đến ngày lãi suất thay đổi.

Việc phân tích tài sản và nợ phải trả dựa vào khoảng thời gian còn lại đến ngày đáo hạn sẽ cung cấp cơ sở tốt nhất để đánh giá khả năng thanh khoản của Ngân hàng. Ngân hàng cũng có thể trình bày kỳ hạn phải trả dựa vào kỳ hạn gốc để cung cấp thông tin về nguồn vốn và chiến lược kinh doanh. Ngoài ra Ngân hàng có thể trình bày các nhóm kỳ hạn đến hạn tiếp theo dựa trên thời gian còn lại đến kỳ thay đổi lãi suất tiếp theo để phản ánh mức độ rủi ro lãi suất. Ban Giám đốc có thể cung cấp thông tin trên báo cáo tài chính về khả năng thay đổi lãi suất và cách thức quản lý và kiểm soát rủi ro lãi suất đó.

Trên thực tế, những khoản tiền gửi và ứng trước không kỳ hạn từ Ngân hàng thường có thời gian hoàn trả dài hơn thời gian của hợp đồng tín dụng. Ngày thực tế hoàn trả có hiệu lực thường muộn hơn ngày ghi trong hợp đồng. Ngân hàng cần phải trình bày việc phân tích ngày phải trả theo hợp đồng mặc dù không phải là kỳ hạn thực tế bởi vì kỳ đáo hạn ghi trong hợp đồng phản ánh những rủi ro có tính thanh khoản liên quan tới tài sản và nợ phải trả của Ngân hàng.

Một số tài sản của Ngân hàng không có kỳ hạn thanh toán theo hợp đồng. Kỳ hạn mà những tài sản này được giả định thanh toán thường được coi là ngày tài sản sẽ được thực hiện.

Việc đánh giá khả năng thanh khoản của Ngân hàng dựa vào việc công khai kỳ hạn các tài sản và nợ phải trả cần được xem xét trong bối cảnh cụ thể của Ngân hàng, bao gồm cả sự sẵn có các nguồn vốn huy động đối với Ngân hàng.

Để cung cấp cho người sử dụng sự hiểu biết đầy đủ về các nhóm kỳ hạn của tài sản và nợ phải trả, khi trình bày báo cáo tài chính cần bổ sung thêm thông tin về khả năng có thể hoàn trả trước trong thời gian còn lại. Do vậy, báo cáo tài chính cần phải cung cấp thông tin, kỳ hạn thực tế và cách thức quản lý, kiểm soát rủi ro liên quan đến đặc trưng của các kỳ hạn khác nhau và lãi suất.

Trình bày sự tập trung của tài sản, nợ phải trả và khoản mục ngoài Bảng cân đối kế toán

Các Ngân hàng phải trình bày trên báo cáo tài chính bất kỳ sự tập trung đáng kể nào của các khoản mục tài sản, nợ phải trả và khoản mục ngoài Bảng cân đối kế toán. Việc trình bày phải phân theo từng khu vực địa lý, từng nhóm khách hàng, nhóm ngành kinh tế hoặc những tập trung khác của rủi ro. Ngân hàng cũng cần trình bày trạng thái ngoại tệ thuần lớn.

Ngân hàng phải trình bày sự tập trung đáng kể về tài sản và nợ phải trả của mình. Việc trình bày này rất có ích để chỉ ra những rủi ro tiềm tàng có trong giao dịch thanh toán các tài sản và nợ phải trả của Ngân hàng. Những trình bày trên phải theo từng khu vực địa lý, nhóm khách hàng, nhóm ngành kinh tế hoặc với những rủi ro trọng yếu phản ánh đúng thực trạng của Ngân hàng. Sự phân tích và giải thích tương tự đối với các khoản mục ngoài Bảng cân đối kế toán cũng rất quan trọng. Sự tập trung đáng kể về tài sản và nợ phải trả của Ngân hàng là các thông tin bộ phận phải được trình bày phù hợp với yêu cầu của Chuẩn mực kế toán số 28 “Báo cáo bộ phận”.

Việc trình bày rủi ro của số ngoại tệ thuần lớn cũng rất hữu ích để chỉ ra sự rủi ro của khoản vay phát sinh từ thay đổi tỷ giá hối đoái.

Tổn thất của khoản cho vay và ứng trước

Báo cáo tài chính của Ngân hàng phải trình bày:

Chính sách kế toán làm cơ sở cho việc ghi nhận chi phí hoặc xoá sổ các khoản cho vay và ứng trước không có khả năng thu hồi;

Chi tiết về những thay đổi dự phòng tổn thất các khoản cho vay và ứng trước trong kỳ. Ngân hàng phải trình bày riêng biệt giá trị được ghi nhận là chi phí trong kỳ đối với khoản dự phòng tổn thất các khoản cho vay và ứng trước, giá trị được ghi nhận là chi phí trong kỳ đối với các khoản cho vay và ứng trước được xoá sổ và số tiền thu hồi các khoản cho vay và ứng trước đã xoá sổ trước đây nay thu hồi được;

c) Tổng giá trị dự phòng rủi ro tổn thất khoản cho vay và ứng trước tại ngày khoá sổ kế toán lập báo cáo tài chính.

Giá trị dự phòng rủi ro tổn thất ngoài các khoản tổn thất của các khoản cho vay và ứng trước được ghi nhận theo quy định tại Chuẩn mực kế toán “Công cụ tài chính” thì Ngân hàng phải hạch toán vào lợi nhuận giữ lại. Việc hoàn nhập các khoản dự phòng rủi ro này được hạch toán vào lợi nhuận giữ lại và không được hạch toán vào lãi, lỗ trong kỳ.

Ngân hàng có thể được lập dự phòng tổn thất đối với các khoản cho vay và ứng trước ngoài các khoản dự phòng tổn thất đã hạch toán theo Chuẩn mực kế toán “Công cụ tài chính”. Các khoản dự phòng này được trích lập từ lợi nhuận sau thuế mà không được tính vào chi phí trong kỳ và khi hoàn nhập khoản dự phòng đã lập này cũng được ghi tăng lợi nhuận sau thuế mà không được hạch toán vào Báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh trong kỳ.

Những người sử dụng báo cáo tài chính của Ngân hàng cần biết về các khoản tổn thất khoản cho vay và ứng trước ảnh hưởng đến tình hình tài chính cũng như quá trình hoạt động của Ngân hàng được trình bày trong báo cáo tài chính. Điều này giúp họ đánh giá hiệu quả sử dụng các nguồn lực của Ngân hàng. Ngân hàng phải trình bày tổng số giá trị dự phòng tổn thất khoản cho vay và ứng trước tại ngày khoá sổ lập báo cáo tài chính và các thay đổi dự phòng trong kỳ. Ngân hàng phải trình bày riêng rẽ các thay đổi dự phòng, bao gồm cả các khoản trước đây đã được xóa sổ nay thu hồi được.

Các khoản cho vay và ứng trước khi không thể thu hồi thì sẽ được xóa sổ và được bù đắp bằng khoản dự phòng tổn thất khoản cho vay. Chỉ được thực hiện xoá sổ khi tất cả các thủ tục pháp lý được hoàn tất và giá trị của khoản tổn thất đã được xác định cuối cùng.

Trong một số trường hợp, chúng có thể được xóa sổ sớm hơn, ví dụ: Trường hợp người đi vay không trả được một đồng lãi hoặc tiền gốc nào mặc dù còn hạn hoặc đã quá hạn một thời gian cụ thể. Các khoản cho vay và ứng trước không thể thu hồi, được xoá sổ vào thời điểm khác nhau; Tổng số tiền vay và ứng trước và dự phòng tổn thất có thể rất khác nhau. Do đó, Ngân hàng phải trình bày chính sách xóa sổ các khoản cho vay và ứng trước không có khả năng thu hồi.

Dự phòng rủi ro chung trong hoạt động của Ngân hàng

Bất kỳ khoản dự phòng nào lập cho các rủi ro chung trong hoạt động của Ngân hàng, bao gồm các khoản lỗ dự kiến trong tương lai và các khoản rủi ro không thể dự kiến khác hoặc các nghĩa vụ nợ tiềm ẩn đều phải được trình bày riêng rẽ như là phần trích lập từ lợi nhuận sau thuế. Các khoản hoàn nhập dự phòng đã lập được ghi tăng lợi nhuận giữ lại mà không được tính vào lãi, lỗ trong kỳ.

Ngân hàng được lập dự phòng cho các khoản rủi ro chung trong hoạt động của Ngân hàng, bao gồm các khoản tổn thất dự kiến trong tương lai hoặc các rủi ro khác không dự kiến được, ngoài các khoản dự phòng cho các khoản tổn thất cho vay và ứng trước được xác định theo đoạn 38. Ngân hàng cũng được lập dự phòng cho các tổn thất đột xuất. Dự phòng cho các rủi ro chung trong hoạt động của Ngân hàng và các tổn thất đột xuất không đáp ứng điều kiện ghi nhận theo quy định của Chuẩn mực kế toán “Dự phòng, nợ phải trả và tài sản ngẫu nhiên”.

Do đó, Ngân hàng phải trích lập các khoản dự phòng đó từ lợi nhuận sau thuế. Điều này là cần thiết để tránh làm tăng nợ phải trả, làm giảm tài sản hoặc các khoản dự phòng ngầm dẫn đến làm sai lệch các chỉ tiêu thu nhập thuần và vốn chủ sở hữu.

Báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh sẽ không thể hiện thông tin thích hợp và trung thực về tình hình hoạt động của Ngân hàng nếu lãi (lỗ) trong kỳ chịu ảnh hưởng của các chỉ tiêu, như: Các khoản dự phòng ngầm cho các rủi ro chung trong hoạt động của Ngân hàng; các khoản tổn thất hoặc các khoản hoàn nhập số dự phòng ngầm đã lập. Tương tự như vậy, Bảng cân đối kế toán cũng không thể cung cấp những thông tin thích hợp và trung thực về tình trạng tài chính của Ngân hàng nếu Bảng cân đối kế toán có các chỉ tiêu thể hiện đánh giá tăng nợ phải trả và đánh giá giảm tài sản hoặc các khoản dự phòng ngầm.

Tài sản được sử dụng để đảm bảo:

Ngân hàng phải trình bày trên Bản thuyết minh báo cáo tài chính tổng giá trị khoản nợ phải trả được đảm bảo, tính chất và số tiền sinh lời của các tài sản dùng để thế chấp.

Ngân hàng có thể được yêu cầu phải sử dụng tài sản thế chấp để đảm bảo cho các khoản huy động vốn hay khoản nợ khác. Những khoản này thường có giá trị đáng kể do đó sẽ có ảnh hưởng lớn đến việc đánh giá tình hình tài chính của Ngân hàng.

Hoạt động nhận uỷ thác:

Ngân hàng thường đóng vai trò là người nhận uỷ thác cho vay dẫn đến việc nắm giữ hoặc đại diện cho tài sản của các cá nhân, người uỷ thác và các Ngân hàng khác. Cung cấp các thông tin về uỷ thác cũng như mối quan hệ tương tự là một chứng minh hợp pháp rằng những tài sản này không phải là tài sản của Ngân hàng và do vậy không nằm trong Bảng cân đối kế toán.

Nếu Ngân hàng có các hoạt động nhận uỷ thác quan trọng thì phải trình bày và phải chỉ ra quy mô của hoạt động đó trong Bản thuyết minh báo cáo tài chính. Những khoản nợ tiềm tàng nếu xảy ra tổn thất sẽ liên quan tới trách nhiệm người nhận ủy thác nó. Với mục đích này, hoạt động nhận uỷ thác không bao gồm các chức năng bảo đảm an toàn.

Giao dịch các bên liên quan:

Một số giao dịch nhất định giữa các bên liên quan có thể được thực hiện theo các điều khoản khác so với các bên không liên quan, ví dụ trong cùng một hoàn cảnh như nhau, một ngân hàng có thể cấp một khoản tín dụng có hạn mức lớn hơn hoặc áp dụng một tỷ lệ lãi thấp hơn với một bên liên quan so với hạn mức hoặc tỷ lệ lãi suất áp dụng cho một bên không liên quan.

Tương tự như vậy, các khoản cho vay hay tiền gửi giữa các bên liên quan có thể được thực hiện nhanh hơn, với thủ tục đơn giản hơn so với các bên không liên quan. Khi các giao dịch với các bên liên quan phát sinh trong hoạt động kinh doanh thông thường của ngân hàng thì thông tin về các giao dịch này là phù hợp và cần thiết cho người sử dụng báo cáo tài chính và phải được trình bày theo yêu cầu của Chuẩn mực kế toán số 26 “Thông tin về các bên liên quan”.

Khi một ngân hàng thực hiện giao dịch với các bên liên quan, phải trình bày bản chất các mối quan hệ giữa các bên liên quan cũng như đặc điểm về nghiệp vụ và số dư hiện có để người đọc có thể hiểu được các ảnh hưởng trọng yếu và các mối quan hệ đối với báo cáo tài chính của ngân hàng. Các yếu tố thường được trình bày theo yêu cầu của Chuẩn mực kế toán số 26 bao gồm cả chính sách tín dụng của ngân hàng với các bên liên quan.

Ngân hàng phải trình bày về giao dịch với các bên liên quan theo các thông tin định lượng sau:

(a) Từng khoản cho vay và ứng trước, các khoản tiền gửi, chấp nhận thanh toán và các kỳ phiếu phát hành đồng thời với các thông tin: Tổng số dư tại ngày bắt đầu và ngày kết thúc kỳ hạn và các biến động của các khoản tạm ứng, tiền gửi, trả nợ và các biến động khác trong kỳ;

(b) Từng loại thu nhập, chi phí và hoa hồng phải trả chủ yếu;

(c) Tổng số chi phí do thất thoát khoản cho vay và ứng trước và tổng số dự phòng tại ngày khoá sổ lập báo cáo tài chính; và

(d) Các cam kết và các nghĩa vụ nợ tiềm ẩn không thể huỷ ngang phát sinh từ các khoản mục ngoài Bảng cân đối kế toán.

 

Tìm hiểu thêm về: Kiểm toán – Pháp lý – Thuế tại: kiemtoancalico.comcalico.vn

Bài viết có ích cho bạn?
Banner-post-thu-vien-calico_960x300
Bài viết có ích cho bạn?

NGHIỆP VỤ CALICO