Chính sách thuế TNDN và chi phí lãi tiền vay đối với các doanh nghiệp đầu tư theo hình thức BOT, BT

10/01/2019 1215 lượt xem    

Công văn số 5896/TCT-CS
V/v chính sách thuế TNDN

Kính gửi: Công ty CP Đầu tư hạ tầng kỹ thuật thành phố Hồ Chí Minh
(Địa chỉ: 50 Tôn Thất Đạm, Quận 1, tp.Hồ Chí Minh)

Tổng cục Thuế nhận được công văn số 448/2014/CV-CII ngày 21/07/2014 và công văn số 646/2014/CV-CII ngày 25/09/2014 của Công ty CP Đầu tư hạ tầng kỹ thuật Thành phố Hồ Chí Minh (sau đây gọi tắt là Công ty CII) về chính sách thuế TNDN đối với các doanh nghiệp dự án của Công ty.

Để có cơ sở xử lý, Bộ Tài chính đã công văn số 16005/BTC-TCT ngày 03/11/2014 gửi lấy ý kiến các bộ ngành liên quan. Ngày 26/11/2014, Bộ Kế hoạch và Đầu tư có công văn số 8926/BKHĐT-GSTĐĐT về thuế TNDN của các doanh nghiệp đầu tư theo hình thức BOT, BT. Căn cứ các quy định của pháp luật về thuế và ý kiến của Bộ Kế hoạch và Đầu tư tại công văn số 8926/BKHĐT-GSTĐĐT nêu trên, sau khi báo cáo lãnh đạo Bộ Tài chính, Tổng cục Thuế có ý kiến như sau:

1. Về ưu đãi thuế TNDN đối với các doanh nghiệp dự án

Khoản 5 Điều 19 Nghị định số 124/2008/NĐ-CP ngày 11/12/2008 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp quy định:

“5. Doanh nghiệp thành lập mới từ dự án đầu tư được hưởng ưu đãi thuế quy định tại Điều 15 và Điều 16 Nghị định này là doanh nghiệp đăng ký kinh doanh lần đầu, trừ các trường hợp sau:

a) Doanh nghiệp thành lập trong các trường hợp chia, tách, sáp nhập, hợp nhất theo quy định của pháp luật;

b) Doanh nghiệp thành lập do chuyển đổi hình thức doanh nghiệp, chuyển đổi sở hữu, trừ trường hợp giao, khoán, cho thuê doanh nghiệp Nhà nước;

c) Doanh nghiệp tư nhân, công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên mới thành lập mà chủ doanh nghiệp là chủ hộ kinh doanh cá thể và không có thay đổi về ngành nghề kinh doanh trước đây;

d) Doanh nghiệp tư nhân, công ty hợp danh, công ty trách nhiệm hữu hạn hoặc hợp tác xã mới thành lập mà người đại diện theo pháp luật (trừ trường hợp người đại diện theo pháp luật không phải là thành viên góp vốn), thành viên hợp danh hoặc người có số vốn góp cao nhất đã tham gia hoạt động kinh doanh với vai trò là người đại diện theo pháp luật, thành viên hợp danh hoặc người có số vốn góp cao nhất trong các doanh nghiệp đang hoạt động hoặc đã giải thể nhưng chưa được 12 tháng tính từ thời điểm giải thể doanh nghiệp cũ đến thời điểm thành lập doanh nghiệp mới.”

Khoản 2 Điều 23 Thông tư số 78/2014/TT-BTC ngày 18/06/2014 của Bộ Tài chính hướng dẫn thi hành Nghị định số 218/2013/NĐ-CP ngày 26/12/2013 của Chính phủ quy định và hướng dẫn thi hành Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp quy định:

“2. Doanh nghiệp có dự án đầu tư mà tính đến hết kỳ tính thuế năm 2013 còn đang trong thời gian thuộc diện được hưởng ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp (bao gồm cả trường hợp đang được hưởng ưu đãi hoặc chưa được hưởng ưu đãi) theo quy định của các văn bản quy phạm pháp luật về thuế thu nhập doanh nghiệp thì tiếp tục được hưởng cho thời gian còn lại theo quy định của các văn bản đó…”

Khoản 8, Điều 2 Nghị định số 108/2009/NĐ-CP ngày 27/11/2009 về đầu tư theo hình thức Hợp đồng Xây dựng – Kinh doanh – Chuyển giao, Hợp đồng Xây dựng – Chuyển giao – Kinh doanh, Hợp đồng Xây dựng – Chuyển giao quy định:

“8. Doanh nghiệp BOT, Doanh nghiệp BTO, Doanh nghiệp BT (sau đây gọi chung là Doanh nghiệp dự án) là doanh nghiệp do Nhà đầu tư thành lập để thiết kế, xây dựng, vận hành, quản lý Công trình dự án và để thực hiện Dự án khác.”

Điều 38 Nghị định số 108/2009/NĐ-CP ngày 27/11/2009 về đầu tư theo hình thức Hợp đồng Xây dựng – Kinh doanh – Chuyển giao, Hợp đồng Xây dựng – Chuyển giao – Kinh doanh, Hợp đồng Xây dựng – Chuyển giao quy định:

“Điều 38. Ưu đãi; hỗ trợ đầu tư

1. Doanh nghiệp BOT và Doanh nghiệp BTO được hưởng các ưu đãi về thuế thu nhập doanh nghiệp theo quy định của pháp luật về thuế thu nhập doanh nghiệp.

2. Hàng hóa nhập khẩu để thực hiện Dự án của Doanh nghiệp BOT, Doanh nghiệp BTO và của các nhà thầu quy định tại Điều 29 Nghị định này được hưởng ưu đãi theo quy định của pháp luật về thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu.

3. Doanh nghiệp BOT và Doanh nghiệp BTO được miễn tiền sử dụng đất đối với diện tích đất được Nhà nước giao hoặc được miễn tiền thuê đất trong toàn bộ thời gian thực hiện Dự án.

4. Ưu đãi đối với Doanh nghiệp BT được quy định như sau:

a) Doanh nghiệp BT và các nhà thầu theo quy định tại Điều 29 Nghị định này được hưởng ưu đãi về thuế nhập khẩu đối với hàng hóa nhập khẩu để xây dựng Công trình BT theo quy định của pháp luật về thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu.

Thuế nhập khẩu đối với hàng hóa nhập khẩu để thực hiện Dự án khác được áp dụng theo quy định của pháp luật về thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu;

b) Doanh nghiệp BT được miễn tiền thuê đất, tiền sử dụng đất đối với diện tích được sử dụng để xây dựng Công trình BT trong thời gian xây dựng công trình;

c) Thuế TNDN đối với Dự án khác được áp dụng tùy thuộc vào lĩnh vực và địa bàn đầu tư phù hợp với quy định của pháp luật về đầu tư và pháp luật về thuế thu nhập doanh nghiệp.”

Tại công văn số 8926/BKHĐT-GSTĐĐT nêu trên, Bộ Kế hoạch và Đầu tư có ý kiến như sau:

“Theo quy định tại khoản 8, Điều 2 Nghị định số 108/2009/NĐ-CP, doanh nghiệp BOT, doanh nghiệp BTO, doanh nghiệp BT (sau đây gọi chung là doanh nghiệp dự án) là doanh nghiệp do Nhà đầu tư thành lập để thiết kế, xây dựng, vận hành, quản lý Công trình dự án và để thực hiện Dự án khác. Như vậy, doanh nghiệp dự án là doanh nghiệp mới thành lập từ dự án đầu tư và để phục vụ dự án đầu tư.

Tại Điều 38 Nghị định số 108/2009/NĐ-CP quy định, doanh nghiệp BOT và doanh nghiệp BTO được hưởng các ưu đãi về thuế thu nhập doanh nghiệp theo quy định của pháp luật về thuế thu nhập doanh nghiệp; với doanh nghiệp dự án BT, thuế thu nhập doanh nghiệp đối với dự án khác được áp dụng tùy thuộc vào lĩnh vực và địa bàn đầu tư phù hợp với quy định của pháp luật về đầu tư và pháp luật về thuế thu nhập doanh nghiệp.”

Căn cứ các nội dung nêu trên, trường hợp Công ty CII được thành lập từ ngày 24/12/2001 và người đại diện theo pháp luật là Ông Lê Vũ Hoàng, Công ty Cổ phần xây dựng cầu Sài Gòn là doanh nghiệp dự án được thành lập mới theo Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh công ty cổ phần số 0311450724, đăng ký lần đầu ngày 28/12/2011, người đại diện theo pháp luật của Công ty là Ông Dương Quang Châu.

Nếu ông Dương Quang Châu không thuộc diện điều chỉnh theo quy định tại Điểm d Khoản 5 Điều 19 Nghị định số 124/2008/NĐ-CP ngày 11/12/2008 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp và Công ty Cổ phần xây dựng cầu Sài Gòn không thuộc diện điều chỉnh quy định tại Khoản 5 Điều 19 Nghị định số 124/2008/NĐ-CP ngày 11/12/2008 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp thì Công ty Cổ phần xây dựng cầu Sài Gòn được hưởng ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp theo diện doanh nghiệp mới thành lập từ dự án đầu tư nếu thực tế đáp ứng các điều kiện ưu đãi đầu tư.

Trường hợp nếu đến hết kỳ tính thuế năm 2013, Công ty Cổ phần xây dựng cầu Sài Gòn còn đang trong thời gian thuộc diện được hưởng ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp và chưa được hưởng ưu đãi theo quy định tại Thông tư số 123/2012/TT-BTC ngày 27/07/2012 của Bộ Tài chính thì Công ty tiếp tục được hưởng ưu đãi cho thời gian còn lại theo quy định tại Thông tư số 123/2012/TT-BTCngày 27/07/2012 của Bộ Tài chính.

2. Về chi phí lãi tiền vay của các khoản vay Công ty CII vay để góp vốn điều lệ vào các doanh nghiệp dự án

Điểm e Khoản 2 Điều 9 Nghị định số 218/2013/NĐ-CP ngày 26/12/2013 của Chính phủ quy định về khoản chi không được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế TNDN như sau:

“e) Chi trả lãi tiền vay vốn tương ứng với phần vốn điều lệ còn thiếu, theo tiến độ góp vốn ghi trong điều lệ của doanh nghiệp; lãi tiền vay đã được ghi nhận vào giá trị tài sản; lãi vay vốn để triển khai thực hiện các hợp đồng tìm kiếm thăm dò và khai thác dầu khí.”

Đoạn 06 Chuẩn mực số 16 – Chi phí đi vay quy định:

“Chi phí đi vay phải ghi nhận vào chi phí sản xuất, kinh doanh trong kỳ phát sinh, trừ khi được vốn hóa theo quy định tại đoạn 07”.

Đoạn 07 Chuẩn mực số 16 – Chi phí đi vay quy định:

“Chi phí đi vay liên quan trực tiếp đến việc đầu tư xây dựng hoặc sản xuất tài sản dở dang được tính vào giá trị của tài sản đó (được vốn hóa) khi có đủ các điều kiện quy định…”

Theo ý kiến của Bộ Kế hoạch và Đầu tư tại công văn số 8926/BKHĐT-GSTĐĐT ngày 26/11/2014 nêu trên thì:

“Với các dự án có thời gian kinh doanh thu hồi vốn (BOT, BTO), Nhà đầu tư chỉ được tính lãi vốn vay (ngoài vốn tự có, Nhà đầu tư phải đảm nhận theo quy định) vào chi phí tính thuế TNDN.”

Căn cứ các nội dung nêu trên, trường hợp Công ty Cổ phần Đầu tư hạ tầng kỹ thuật thành phố Hồ Chí Minh đã góp đủ vốn điều lệ theo tiến độ đăng ký, Công ty có thành lập các doanh nghiệp dự án để thực hiện các hợp đồng có thời gian kinh doanh thu hồi vốn (BOT, BTO) và có phát sinh chi phí lãi vay để góp vốn thành lập các doanh nghiệp dự án (ngoài vốn tự có Công ty phải đảm nhận theo quy định) thì khoản chi phí lãi vay được tính vào chi phí được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế TNDN.

Tổng cục Thuế trả lời để Công ty biết. Đề nghị Công ty liên hệ với cơ quan thuế quản lý trực tiếp để được hướng dẫn./.

 

Chúc các bạn thành công!

Tìm hiểu thêm về kế toán, kiểm toán, thuế tại calico.vn hoặc kiemtoancalico.com

 

 

Bài viết có ích cho bạn?
Banner-post-thu-vien-calico_960x300
Bài viết có ích cho bạn?

NGHIỆP VỤ CALICO