Công văn Số: 9220/BTC-TCT
vấn đề lập hóa đơn khi chuyển giao tài sản theo phương thức tăng giảm vốn chủ sở hữu
Điều 2 Nghị định số 209/2013/NĐ-CP hướng dẫn các trường hợp không phải kê khai, tính nộp thuế GTGT thuộc thẩm quyền của Bộ Tài chính.
Tổ chức, cá nhân nhận các khoản thu về bồi thường, tiền thưởng, tiền hỗ trợ, tiền chuyển nhượng quyền phát thải và các khoản thu tài chính khác.
– Tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh tại Việt Nam mua dịch vụ của tổ chức nước ngoài không có cơ sở thường trú tại Việt Nam, cá nhân ở nước ngoài là đối tượng không cư trú tại Việt Nam, bao gồm các trường hợp: Sửa chữa phương tiện vận tải, máy móc, thiết bị (bao gồm cả vật tư, phụ tùng thay thế); quảng cáo, tiếp thị; xúc tiến đầu tư và thương mại; môi giới bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ; đào tạo; chia cước dịch vụ bưu chính, viễn thông quốc tế giữa Việt Nam với nước ngoài mà các dịch vụ này được thực hiện ở ngoài Việt Nam.
– Tổ chức, cá nhân không kinh doanh, không phải là người nộp thuế giá trị gia tăng bán tài sản.
– Tổ chức, cá nhân chuyển nhượng dự án đầu tư để sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ chịu thuế giá trị gia tăng cho doanh nghiệp, hợp tác xã.
– Sản phẩm trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản chưa chế biến thành các sản phẩm khác hoặc chỉ qua sơ chế thông thường được bán cho doanh nghiệp, hợp tác xã
Tại khoản 7 Điều 3 Thông tư số 26/2015/TT-BTC hướng dẫn về hóa đơn bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ như sau:
Người bán phải lập hóa đơn khi bán hàng hóa, dịch vụ, bao gồm cả các trường hợp hàng hoá, dịch vụ dùng để khuyến mại, quảng cáo, hàng mẫu; hàng hoá, dịch vụ dùng để cho, biếu, tặng, trao đổi, trả thay lương cho người lao động (trừ hàng hoá luân chuyển nội bộ, tiêu dùng nội bộ để tiếp tục quá trình sản xuất).
Tại khoản 6, khoản 7 Điều 5 Thông tư số 219/2013/TT-BTC hướng dẫn như sau:
Tài sản cố định đang sử dụng, đã thực hiện trích khấu hao khi điều chuyển theo giá trị ghi trên sổ sách kế toán giữa cơ sở kinh doanh và các đơn vị thành viên do một cơ sở kinh doanh sở hữu 100% vốn hoặc giữa các đơn vị thành viên do một cơ sở kinh doanh sở hữu 100% vốn để phục vụ cho hoạt động sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ chịu thuế GTGT thì không phải lập hóa đơn và kê khai, nộp thuế GTGT. Cơ sở kinh doanh có tài sản cố định điều chuyển phải có Quyết định hoặc Lệnh điều chuyển tài sản kèm theo bộ hồ sơ nguồn gốc tài sản.
Các trường hợp khác: Điều chuyển tài sản giữa các đơn vị hạch toán phụ thuộc trong doanh nghiệp; điều chuyển tài sản khi chia, tách, hợp nhất, sáp nhập, chuyển đổi loại hình doanh nghiệp. Tài sản điều chuyển giữa các đơn vị thành viên hạch toán phụ thuộc trong cơ sở kinh doanh; tài sản điều chuyển khi chia, tách, hợp nhất, sáp nhập, chuyển đổi loại hình doanh nghiệp thì cơ sở kinh doanh có tài sản điều chuyển phải có lệnh điều chuyển tài sản, kèm theo bộ hồ sơ nguồn gốc tài sản và không phải xuất hóa đơn.
Trả lời công văn số 1424/CT-KTT2 ngày 29/3/2016 của Cục Thuế tỉnh Bình Thuận về việc lập hóa đơn khi chuyển giao tài sản theo phương thức tăng giảm vốn chủ sở hữu (vốn nhà nước), Bộ Tài chính có ý kiến như sau:
Căn cứ công văn số 145/TTg-KTN ngày 27/01/2014 của Thủ tướng Chính phủ về việc chuyển giao nhà máy phong điện đảo Phú Quý, tỉnh Bình Thuận, Bộ Tài chính có công văn số 8917/BTC-TCDN ngày 07/7/2015 về phương án chuyển giao Nhà máy Phong điện đảo Phú Quý từ Tập đoàn Dầu khí Việt Nam sang Tập đoàn Điện lực Việt Nam theo phương thức tăng, giảm vốn chủ sở hữu (vốn nhà nước).
Căn cứ hướng dẫn nêu trên, Bộ Tài chính thống nhất với đề xuất của Cục Thuế tỉnh Bình Thuận tại công văn số 1424/CT-KTT2 ngày 29/3/2016: Trường hợp Công ty TNHH MTV Năng lượng tái tạo Điện lực dầu khí Việt Nam thuộc Tập đoàn dầu khí Việt Nam có chuyển giao nhà máy phong điện đảo Phú Quý sang Tập đoàn Điện lực Việt Nam quản lý, vận hành theo phương thức tăng, giảm vốn chủ sở hữu (vốn Nhà nước) thì Công ty TNHH MTV Năng lượng tái tạo Điện lực dầu khí Việt Nam không phải lập hóa đơn GTGT.
Tìm hiểu thêm về kế toán, kiểm toán, thuế tại calico.vn hoặc kiemtoancalico.com