Site icon Kiểm Toán Calico | Công ty kiểm toán uy tín | Dịch vụ kiểm toán BCTC

Giải đáp về cách xác định thu nhập tăng thêm từ đầu tư mở rộng

Thông tư 22 năm 2008

Thông tư 22 năm 2008

Công văn số 3311/TCT-CS

V/v Chính sách thuế 

Kính gửi: Công ty TNHH sản xuất phụ tùng Yamaha Motor Việt Nam
(Địa chỉ: Lô G1&2 Khu Công nghiệp Thăng Long, Đông Anh, Hà Nội)

 

Trả lời công văn số 220714/YPMV ngày 22/7/2014 và công văn số YPMV0514 ngày 30/5/2014 của Công ty TNHH Sản xuất phụ tùng Yamaha Motor Việt Nam kiến nghị về cách xác định thu nhập tăng thêm từ đầu tư mở rộng trong giai đoạn từ năm 2009 đến năm 2013 không được hưởng ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp; sau khi xin ý kiến lãnh đạo Bộ Tài chính, Tổng cục Thuế có ý kiến như sau:

Giai đoạn năm 2009-2013, Luật thuế TNDN năm 2008 và các văn bản hướng dẫn thi hành không quy định ưu đãi thuế TNDN đối với thu nhập tăng thêm từ dự án đầu tư mở rộng phát sinh trong giai đoạn này và chưa có hướng dẫn cụ thể cách thức xác định thu nhập tăng thêm từ dự án đầu tư mở rộng. Tại Thông tư số 130/2008/TT-BTC ngày 26/12/2008 và Thông tư số 123/2012/TT-BTC ngày 27/7/2012 của Bộ Tài chính hướng dẫn trường hợp không hạch toán riêng thu nhập từ hoạt động sản xuất kinh doanh được hưởng ưu đãi thuế và thu nhập từ hoạt động sản xuất kinh doanh không được hưởng ưu đãi thuế thì phần thu nhập của hoạt động sản xuất kinh doanh ưu đãi thuế xác định bằng (=) tổng thu nhập chịu thuế của hoạt động sản xuất kinh doanh (không bao gồm thu nhập khác) nhân (x) với tỷ lệ phần trăm (%) của doanh thu hoặc chi phí được trừ của hoạt động sản xuất kinh doanh ưu đãi thuế so với tổng doanh thu hoặc tổng chi phí được trừ của doanh nghiệp trong kỳ tính thuế.

Từ năm 2014, thực hiện theo Luật thuế TNDN số 32/2013/QH13 và Nghị định số 218/2013/NĐ-CP ngày 26/12/2013, Bộ Tài chính bổ sung hướng dẫn tại Thông tư số 78/2014/TT-BTC ngày 18/6/2014 về cách thức xác định thu nhập tăng thêm do đầu tư mở rộng theo tỷ lệ giá trị tài sản cố định đầu tư mở rộng đưa vào sử dụng cho sản xuất, kinh doanh so với tổng nguyên giá tài sản cố định thực tế dùng cho sản xuất, kinh doanh hoặc tỷ lệ giữa giá trị vốn đầu tư mở rộng đưa vào sử dụng cho sản xuất, kinh doanh so với tổng vốn đầu tư thực tế dùng cho sản xuất, kinh doanh.

Trường hợp doanh nghiệp có dự án đầu tư mở rộng trong giai đoạn năm 2009 – năm 2013 nhưng không tính được doanh thu hoặc chi phí của hoạt động đầu tư mở rộng để phân bổ theo quy định tại Thông tư số 130/2008/TT-BTC , Thông tư số 123/2012/TT-BTC của Bộ Tài chính thì phần thu nhập tăng thêm do đầu tư mở rộng không áp dụng ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp được lựa chọn xác định theo 1 trong 2 cách sau:

Cách 1:

Phần thu nhập tăng thêm do đầu tư mở rộng không áp dụng ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp

=

Tổng thu nhập tính thuế trong năm (không bao gồm thu nhập khác không được hưởng ưu đãi)

x

Giá trị tài sản cố định đầu tư mở rộng đưa vào sử dụng cho sản xuất, kinh doanh

Tổng nguyên giá tài sản cố định thực tế dùng cho sản xuất, kinh doanh

Tổng nguyên giá tài sản cố định thực tế dùng cho sản xuất, kinh doanh gồm: giá trị tài sản cố định đầu tư mở rộng đã hoàn thành bàn giao đưa vào sử dụng và nguyên giá tài sản cố định hiện có đang dùng cho sản xuất kinh doanh theo số liệu cuối kỳ trên Bảng cân đối kế toán năm.

Cách 2:

Phần thu nhập tăng thêm do đầu tư mở rộng không áp dụng ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp

=

Tổng thu nhập tính thuế trong năm (không bao gồm thu nhập khác không được hưởng ưu đãi)

x

Giá trị vốn đầu tư mở rộng đưa vào sử dụng cho sản xuất, kinh doanh

Tổng vốn đầu tư thực tế dùng cho sản xuất, kinh doanh

Tổng vốn đầu tư thực tế dùng cho sản xuất kinh doanh là tổng nguồn vốn tự có, vốn vay của doanh nghiệp dùng cho sản xuất kinh doanh theo số liệu cuối kỳ trên Bảng cân đối kế toán năm.

Doanh nghiệp chỉ được áp dụng một cách phân bổ đối với thu nhập phát sinh của một hoạt động đầu tư mở rộng.

Tổng cục Thuế trả lời để Công ty TNHH sản xuất phụ tùng Yamaha Motor Việt Nam được biết.

Chúc các bạn thành công!

 

Bài viết có ích cho bạn?