Site icon Kiểm Toán Calico | Công ty kiểm toán uy tín | Dịch vụ kiểm toán BCTC

Điều kiện để khoản dự phòng được ghi nhận là chi phí hợp lý hợp lệ

Công văn Số: 352/TCT-CS
V/v trả lời chính sách thuế

 

Kính gửi: Công ty TNHH MTV cà phê 704
(Đ/c: Tổ 12, thị trấn ĐăkHà, huyện Đăk Hà, tỉnh Kon tum)

Trả lời công văn số 22/CV-CT704 ngày 18/11/2014 (của Công ty TNHH MTV cà phê 704):

Đề nghị hướng dẫn việc trích lập dự phòng đầu tư tài chính, TCT có ý kiến như sau:

Tại điểm 2.17 Khoản 2 Điều 6 Thông tư số 123/2012/TT-BTC ngày 27/07/2012 của BTC hướng dẫn về:

Các khoản chi không được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế TNDN bao gồm:

“…

2.17. Trích, lập và sử dụng các khoản:

+ Dự phòng giảm giá hàng tồn kho

+ Dự phòng tổn thất các khoản đầu tư tài chính

+ Dự phòng nợ phải thu khó đòi 

+ Dự phòng bảo hành sản phẩm, hàng hóa, công trình xây lắp

không theo đúng hướng dẫn của BTC về trích lập dự phòng.”

Tại Khoản 2 Điều 3 Thông tư số 228/2009/TT-BTC ngày 07/12/2009 của BTC hướng dẫn chế độ trích lập và sử dụng các khoản:

+ Dự phòng giảm giá hàng tồn kho

+ Tổn thất các khoản đầu tư tài chính

+ Nợ phải thu khó đòi

+ Bảo hành sản phẩm, hàng hóa, công trình xây lắp tại doanh nghiệp

cụ thể: “…

2. Thời điểm lập và hoàn nhập các khoản dự phòng là thời điểm cuối kỳ kế toán năm.

Trường hợp doanh nghiệp được BTC chấp thuận áp dụng năm tài chính khác với năm dương lịch (bắt đầu từ ngày 1/1 và kết thúc 31/12 hàng năm) thì thời điểm lập và hoàn nhập các khoản dự phòng là ngày cuối cùng của năm tài chính.”

Tại Điều 1 Thông tư số 89/2013/TT-BTC ngày 28/06/2013 của BTC sửa đổi, bổ sung Thông tư số 228/2009/TT-BTC ngày 07/12/2009 của BTC có hướng dẫn như sau:

“Điều 1. Sửa đổi, bổ sung khoản 2 Điều 5 Thông tư số 228/2009/TT-BTC như sau:

a) Đối tượng: là các khoản vốn doanh nghiệp đang đầu tư vào tổ chức kinh tế được thành lập theo quy định của pháp luật

(bao gồm:

+ Công ty trách nhiệm hữu hạn

+ Công ty cổ phần

không đủ điều kiện để trích lập dự phòng theo quy định tại khoản 1 Điều 5 TT số 228/2009/TT-BTC ngày 7/12/2009 của BTC, công ty liên doanh, công ty hợp danh)

và các khoản đầu tư dài hạn khác phải trích lập dự phòng nếu tổ chức kinh tế mà doanh nghiệp đang đầu tư bị lỗ

(trừ trường hợp lỗ theo kế hoạch đã được xác định trong phương án kinh doanh trước khi đầu tư).

Việc trích lập dự phòng đầu tư dài hạn được thực hiện đối với các khoản đầu tư được trình bày theo phương pháp giá gốc, không áp dụng cho các khoản đầu tư trình bày theo phương pháp vốn chủ sở hữu theo quy định của pháp luật.

b) Điều kiện: Doanh nghiệp chỉ thực hiện trích lập dự phòng khi tổng số vốn đầu tư thực tế của chủ sở hữu cao hơn tổng giá trị vốn chủ sở hữu thực có của tổ chức kinh tế được đầu tư.

c) Phương pháp trích lập dự phòng:

Mức trích cho mỗi khoản đầu tư tài chính bằng số vốn đã đầu tư và tính theo công thức sau:

Mức trích dự phòng cho mỗi khoản đầu tư tài chính

=

Tổng vốn đầu tư thực tế của các bên tại tổ chức kinh tế

Vốn chủ sở hữu thực có của tổ chức kinh tế

x

Số vốn đầu tư của mỗi bên

Tổng vốn đầu tư thực tế của các bên tổ chức kinh tế

Trong đó:

– Tổng vốn đầu tư thực tế của các bên tại tổ chức kinh tế được xác định trên Bảng cân đối kế toán năm của tổ chức kinh tế nhận vốn góp tại thời điểm trích lập dự phòng

(mã số 411; 412 Bảng cân đối kế toán – ban hành kèm theo QĐ số 15/2006/QĐ-BTC ngày 20/3/2006 của Bộ trưởng BTC);

– Vốn chủ sở hữu thực có của tổ chức kinh tế được xác định trên Bảng cân đối kế toán năm của tổ chức kinh tế tại thời điểm trích lập dự phòng

(mã số 410 Bảng cân đối kế toán – ban hành kèm theo QĐ số 15/2006/QĐ-BTC ngày 20/3/2006 của Bộ trưởng BTC.”

Căn cứ quy định trên, nội dung vướng mắc của Công ty TNHH MTV cà phê 704 (nêu tại công văn số 22/CV-CT704 nêu trên):

Đã được Cục Thuế tỉnh Kon Tum hướng dẫn tại công văn số 5112/CT-TTHT ngày 20/08/2014 là phù hợp với quy định của pháp luật.

 

Chúc các bạn thành công!

Tìm hiểu thêm về kế toán, kiểm toán, thuế tại calico.vn hoặc kiemtoancalico.com

Bài viết có ích cho bạn?