Site icon Kiểm Toán Calico | Công ty kiểm toán uy tín | Dịch vụ kiểm toán BCTC

Hướng dẫn về chính sách thuế đối với cá nhân, hộ kinh doanh cá thể trong lĩnh vực xã hội hóa

chính sách thuế TNDN

chính sách thuế TNDN

Công văn số 1934/TCT-CS

V/v chính sách thuế

Kính gửi: Cục Thuế tỉnh Quảng Nam

Tổng cục Thuế nhận được công văn:

– Số 7173/CT-THDT ngày 18/12/2013 của Cục Thuế tỉnh Quảng Nam về chính sách thuế đối với cá nhân, hộ kinh doanh cá thể trong lĩnh vực xã hội hóa;

– Công văn đề ngày 22/04/2014 của hộ gia đình Ông Nguyễn Minh Khôi và Bà Đinh Thị Ngọc Hiền.

Về vấn đề này, Tổng cục Thuế có ý kiến như sau:

– Tại Điều 100 Bộ Luật Dân sự số 33/2005/QH11 ngày 14/06/2005:

Quy định các loại pháp nhân:

“1. Cơ quan nhà nước, đơn vị vũ trang nhân dân.

2. Tổ chức chính trị, tổ chức chính trị – xã hội.

3. Tổ chức kinh tế.

4. Tổ chức chính trị xã hội – nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội – nghề nghiệp.

5. Quỹ xã hội, quỹ từ thiện.

6. Tổ chức khác có đủ các điều kiện quy định tại Điều 84 của Bộ luật này.”

– Tại khoản 1 Điều 2 Luật thuế TNDN số 14/2008/QH12 ngày 3/6/2008 quy định:

“Điều 2. Người nộp thuế

1. Người nộp thuế TNDN là tổ chức hoạt động sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ có thu nhập chịu thuế theo quy định của Luật này (sau đây gọi là doanh nghiệp), bao gồm:

a) Doanh nghiệp được thành lập theo quy định của pháp luật Việt Nam;

b) Doanh nghiệp được thành lập theo quy định của pháp luật nước ngoài (sau đây gọi là doanh nghiệp nước ngoài) có cơ sở thường trú hoặc không có cơ sở thường trú tại Việt Nam;

c) Tổ chức được thành lập theo Luật hợp tác xã;

d) Đơn vị sự nghiệp được thành lập theo quy định của pháp luật Việt Nam;

đ) Tổ chức khác có hoạt động sản xuất, kinh doanh có thu nhập.”.

– Tại điểm c khoản 1 Điều 2 Nghị định số 124/2008/NĐ-CP ngày 11/12/2008 của Chính phủ:

Quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật thuế thu nhập doanh nghiệp quy định:

“1. Người nộp thuế theo quy định tại khoản 1 Điều 2 Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp bao gồm:

c) Các đơn vị sự nghiệp công lập, ngoài công lập sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ có thu nhập chịu thuế theo quy định tại Điều 3 Nghị định này;”.

– Tại khoản 2 Điều 1 Nghị định số 69/2008/NĐ-CP ngày 30/05/2008:

Về chính sách khuyến khích xã hội hóa đối với các hoạt động trong lĩnh vực giáo dục, dạy nghề, y tế, văn hóa, thể thao, môi trường quy định:

“2. Đối tượng điều chỉnh của Nghị định

a) Các cơ sở ngoài công lập được thành lập và có đủ điều kiện hoạt động theo quy định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền trong các lĩnh vực xã hội hóa;”

– Tại Điều 2 Nghị định số 69/2008/NĐ-CP:

Quy định Điều kiện được hưởng chính sách khuyến khích phát triển xã hội hóa:

“Điều kiện để cơ sở thực hiện xã hội hóa được hưởng các chính sách khuyến khích phát triển xã hội hóa quy định tại Nghị định này là cơ sở phải thuộc danh mục các loại hình, tiêu chí quy mô, tiêu chuẩn do Thủ tướng Chính phủ quyết định.”.

– Tại khoản 1 và khoản 2 Điều 3 Nghị định số 69/2008/NĐ-CP quy định:

“Điều 3. Cơ sở ngoài công lập

1. Cơ sở ngoài công lập là cơ sở do các tổ chức xã hội, tổ chức xã hội – nghề nghiệp, tổ chức kinh tế, cá nhân, nhóm cá nhân hoặc cộng đồng dân cư thành lập, đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, tự bảo đảm kinh phí hoạt động bằng vốn ngoài ngân sách nhà nước và hoạt động theo quy định của pháp luật.

2. Cơ sở ngoài công lập được thành lập theo quy định của pháp luật, có tư cách pháp nhân, hạch toán độc lập, có con dấu và tài khoản riêng.”.

– Tại Điều 8 Nghị định số 69/2008/NĐ-CP quy định:

“Cơ sở thực hiện xã hội hóa có thu nhập từ hoạt động xã hội hóa được áp dụng thuế suất thuế TNDN là 10% trong suốt thời gian hoạt động.

Cơ sở thực hiện xã hội hóa mới thành lập kể từ ngày Nghị định này có hiệu lực thi hành được miễn thuế TNDN trong 4 năm, kể từ khi có thu nhập chịu thuế và giảm 50% thuế TNDN trong 5 năm tiếp theo.”.

– Tại khoản 1 Điều 16 Nghị định số 69/2008/NĐ-CP quy định:

“Điều 16. Trách nhiệm của cơ sở thực hiện xã hội hóa

1. Cơ sở thực hiện xã hội hóa phải đăng ký với cơ quan thuế khi hoạt động làm căn cứ xác định ưu đãi và nghĩa vụ về thuế TNDN.”.

– Tại khoản 1 Điều 2 Luật thuế thu nhập cá nhân số 04/2007/QH12 ngày 21/11/2007 quy định:

“1. Đối tượng nộp thuế thu nhập cá nhân là cá nhân cư trú có thu nhập chịu thuế quy định tại Điều 3 của Luật này phát sinh trong và ngoài lãnh thổ Việt Nam và cá nhân không cư trú có thu nhập chịu thuế quy định tại Điều 3 của Luật này phát sinh trong lãnh thổ Việt Nam.”.

– Tại khoản 1 Điều 49 Nghị định số 43/2010/.NĐ-CP ngày 15/04/2010 của Chính phủ:

Về đăng ký doanh nghiệp quy định:

“1. Hộ kinh doanh do một cá nhân là công dân Việt Nam hoặc một nhóm người hoặc một hộ gia đình làm chủ; chỉ được đăng ký kinh doanh tại một địa điểm, sử dụng không quá mười lao động; không có con dấu và chịu trách nhiệm bằng toàn bộ tài sản của mình đối với hoạt động kinh doanh.”.

Căn cứ các quy định nêu trên:

Các cơ sở thực hiện xã hội hóa nếu thuộc đối tượng điều chỉnh của Nghị định số 69/2008/NĐ-CP ngày 30/05/2008 của Chính phủ đáp ứng danh mục loại hình, tiêu chí quy mô, tiêu chuẩn của các cơ sở thực hiện xã hội hóa ban hành kèm theo Quyết định số 1466/QĐ-TTg ngày 10/10/2008 của Thủ tướng Chính phủ và đăng ký với cơ quan thuế khi hoạt động thì được hưởng các chính sách khuyến khích phát triển xã hội hóa theo quy định tại Nghị định số 69/2008/NĐ-CP ngày 30/05/2008 của Chính phủ.

Tuy nhiên, tại công văn của Cục Thuế chưa nêu rõ thực tế trường hợp của hộ gia đình Ông Nguyễn Minh Khôi và Bà Đinh Thị Ngọc Hiền thành lập Trung tâm thể dục thể thao có đáp ứng được các điều kiện theo quy định như: có tư cách pháp nhân, có dự án đáp ứng điều kiện Danh mục loại hình, tiêu chí quy mô, tiêu chuẩn của các cơ sở thực hiện xã hội hóa trong lĩnh vực thể thao quy định tại Quyết định 1466/QĐ-TTg ngày 10/10/2008 của Thủ tướng Chính phủ hay không nên Tổng cục Thuế không có đủ cơ sở để trả lời.

Đề nghị Cục Thuế kiểm tra các điều kiện thực tế và hướng dẫn đơn vị xác định nghĩa vụ thuế theo đúng các quy định nêu trên.

 

Chúc các bạn thành công.

Bài viết có ích cho bạn?