Site icon Kiểm Toán Calico | Công ty kiểm toán uy tín | Dịch vụ kiểm toán BCTC

Thông tư hướng dẫn việc lập dự toán, quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí bầu cử đại biểu quốc hội khó XIV và đại biểu hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2016-2021

Quy đổi thu nhập

Quy đổi thu nhập

Bài viết sau sẽ hướng dẫn các bạn về Thông tư hướng dẫn việc lập dự toán, quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí bầu cử đại biểu quốc hội khó XIV và đại biểu hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2016-2021 theo hướng dẫn tại Công văn số 06/2016/TT-BTC ngày 14 tháng 01 năm 2016, cụ thể như sau:

– Căn cứ Luật bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân;

– Căn cứ Nghị định số 60/2003/NĐ-CP ngày 06 tháng 6 năm 2003 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật Ngân sách Nhà nước;

– Căn cứ Nghị định số 215/2013/NĐ-CP ngày 23 tháng 12 năm 2013 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Tài chính;

– Căn cứ Nghị quyết số 105/2015/QH13 của Quốc hội về ngày bầu cử đại biểu Quốc hội khoá XIV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2016-2021; thành lập Hội đồng bầu cử quốc gia;

Theo đề nghị của Vụ trưởng Vụ Tài chính Hành chính sự nghiệp,

Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành Thông tư hướng dẫn việc lập dự toán, quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí bầu cử đại biểu Quốc hội khoá XIV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2016-2021.

Điều 1. Quy định chung

  1. Kinh phí phục vụ cho công tác bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2016-2021 do ngân sách Trung ương đảm bảo.

  2. Cùng với số kinh phí phục vụ bầu cử do ngân sách Trung ương đảm bảo, căn cứ tình hình thực tế tại địa phương, yêu cầu công việc và khả năng ngân sách địa phương, Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương báo cáo Thường trực Hội đồng nhân dân cùng cấp xem xét, quyết định bổ sung kinh phí từ ngân sách địa phương để phục vụ cho công tác bầu cử tại địa phương.

  3. Kinh phí phục vụ cho công tác bầu cử phải được các cơ quan, đơn vị quản lý chặt chẽ, chi tiêu theo đúng chế độ, đúng mục đích, có hiệu quả; sử dụng các phương tiện phục vụ các cuộc bầu cử trước đây hiện còn sử dụng được, huy động các phương tiện đang được trang bị ở các cơ quan, đơn vị để phục vụ cho nhiệm vụ bầu cử đảm bảo tiết kiệm chi cho ngân sách nhà nước.

Điều 2. Nội dung chi

Kinh phí phục vụ cho bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2016-2021 được sử dụng chi cho các nội dung sau:

  1. Chi xây dựng các văn bản hướng dẫn phục vụ công tác bầu cử; các báo cáo, văn bản liên quan đến công tác bầu cử.

  2. Chi in ấn tài liệu, ấn phẩm phục vụ bầu cử:

    a) Chi in ấn các tài liệu phục vụ cho cuộc bầu cử như: Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân, các văn bản hướng dẫn thi hành Luật; các ấn phẩm, các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn phục vụ cho cuộc bầu cử;

 

b) Chi in ấn: Thẻ cử tri, thẻ đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp, phiếu bầu cử, nội quy phòng/khu vực bỏ phiếu, các biểu mẫu phục vụ công tác bầu cử, phù hiệu cho nhân viên tổ chức bầu cử; các hồ sơ ứng cử, tiểu sử, các loại danh sách phục vụ công tác bầu cử (danh sách các đơn vị bầu cử, danh sách cử tri, danh sách người ứng cử, người tự ứng cử, người trúng cử); các biên bản liên quan đến bầu cử, giấy chứng nhận đại biểu trúng cử và các loại tài liệu, giấy tờ khác có liên quan phục vụ cho công tác bầu cử.

3. Chi xây dựng, cập nhật, vận hành trang thông tin điện tử về công tác bầu cử của Hội đồng bầu cử quốc gia.

 

4. Chi cho công tác bảo đảm an ninh, trật tự, thông tin, tuyên truyền, hướng dẫn và vận động bầu cử.

 

5. Chi tổ chức các hội nghị: Hội nghị triển khai công tác bầu cử, hội nghị trực tuyến, hội nghị hiệp thương, hội nghị cử tri, hội nghị tiếp xúc cử tri, vận động bầu cử; hội nghị tập huấn, hội nghị giao ban, hội nghị tổng kết, khen thưởng.

 

6.Chi cho công tác chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra, giám sát công tác bầu cử:

a) Chi phương tiện đi lại, công tác phí;

 

b) Chi kiểm phiếu và vận chuyển phiếu bầu;

 

c) Chi khác liên quan đến công tác chỉ đạo, kiểm tra, giám sát bầu cử.

7. Chi công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo; giám sát hoạt động khiếu nại, tố cáo về công tác bầu cử.

8. Chi phí hành chính cho công tác bầu cử:

 

a) Chi văn phòng phẩm, chi phí hành chính trong đợt bầu cử;

 

b) Chi thông tin liên lạc phục vụ bầu cử;

 

c) Chi thuê hội trường và địa điểm bỏ phiếu;

 

d) Chi trang trí, loa đài, an ninh, bảo vệ tại các tổ bầu cử;

đ) Chi làm hòm phiếu bổ sung, khắc dấu của tổ chức bầu cử;

 

e) Chi bồi dưỡng cho những người trực tiếp phục vụ trong đợt bầu cử;

 

g) Chi khác phục vụ trực tiếp cho công tác bầu cử.

Trong phạm vi kinh phí phục vụ bầu cử được cơ quan có thẩm quyền phân bổ và tình hình thực tế, các cơ quan, đơn vị được giao sử dụng kinh phí thực hiện bố trí kinh phí chi tiêu theo các nội dung trên đây cho phù hợp và đảm bảo theo đúng các quy định hiện hành.

Điều 3. Mức chi tại Trung ương

  1. Chi tổ chức hội nghị: Thực hiện theo quy định tại Thông tư số 97/2010/TT-BTCngày 06/7/2010 của Bộ Tài chính quy định chế độ công tác phí, chế độ chi tổ chức các cuộc hội nghị đối với các cơ quan nhà nước và đơn vị sự nghiệp công lập; các quy định của Bộ trưởng, Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị ở Trung ương cụ thể hóa Thông tư số 97/2010/TT-BTCngày 06/7/2010 của Bộ Tài chính (nếu có).

Chi tổ chức tập huấn cho cán bộ tham gia phục vụ công tác tổ chức bầu cử thực hiện theo quy định tại Thông tư số 139/2010/TT-BTC ngày 21/9/2010 của Bộ Tài chính quy định việc lập dự toán, quản lý và sử dụng kinh phí từ ngân sách nhà nước dành cho công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức.

Riêng chi tổ chức các hội nghị do Hội đồng bầu cử quốc gia triệu tập áp dụng theo chế độ chi phục vụ kỳ họp Quốc hội gần nhất đối với các nội dung: ăn, nghỉ, giải khát, bồi dưỡng đại biểu tham dự.

  1. Chi bồi dưỡng các cuộc họp:

    a) Các cuộc họp của Hội đồng bầu cử quốc gia, các Tiểu ban của Hội đồng bầu cử quốc gia, Đoàn Chủ tịch Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam:

– Chủ trì cuộc họp: 200.000 đồng/người/buổi.

– Thành viên tham dự: 100.000 đồng/người/buổi.

– Các đối tượng phục vụ: 50.000 đồng/người/buổi.

b) Các cuộc họp khác liên quan đến công tác bầu cử:

– Chủ trì cuộc họp: 150.000 đồng/người/buổi.

– Thành viên tham dự: 80.000 đồng/người/buổi.

– Các đối tượng phục vụ: 50.000 đồng/người/buổi.

  1. Chi công tác chỉ đạo, kiểm tra, giám sát bầu cử của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Hội đồng bầu cử quốc gia, các Tiểu ban của Hội đồng bầu cử quốc gia, Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam:

Ngoài chế độ thanh toán công tác phí theo quy định hiện hành, các đoàn công tác được chi như sau:

a) Trưởng đoàn giám sát: 200.000 đồng/người/buổi.

 

b) Thành viên chính thức của đoàn giám sát: 100.000 đồng/người/buổi.

 

c) Cán bộ, công chức, viên chức phục vụ đoàn giám sát:

– Phục vụ trực tiếp đoàn giám sát: 80.000 đồng/người /buổi.

– Phục vụ gián tiếp đoàn giám sát (Lái xe, bảo vệ lãnh đạo): 50.000 đồng/người/buổi.

d) Chi xây dựng báo cáo kết quả kiểm tra, giám sát:

– Báo cáo tổng hợp kết quả của từng đoàn công tác; báo cáo tổng hợp kết quả của đợt kiểm tra, giám sát; báo cáo tổng hợp kết quả các đợt kiểm tra, giám sát trình Ủy ban thường vụ Quốc hội, Hội đồng bầu cử quốc gia: 2.500.000 đồng/báo cáo.

– Chi tham gia ý kiến bằng văn bản: Thực hiện theo Khoản 2 Điều 14 Nghị Quyết 524/2012/UBTVQH13 ngày 20/9/2012 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về một số chế độ chi tiêu bảo đảm hoạt động của Quốc hội, mức chi từ 100.000 đồng – 300.000 đồng/người/lần, tổng mức chi xin ý kiến tối đa là: 1.000.000 đồng/người/văn bản.

– Chỉnh lý, hoàn chỉnh báo cáo: 600.000 đồng/báo cáo.

  1. Chi xây dựng văn bản:

    a) Chi xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật về bầu cử: Thực hiện theo quy định tại Thông tư liên tịch số 92/2014/TTLT-BTC-BTP-VPCPngày 14/7/2014 của Bộ Tài chính, Bộ Tư pháp, Văn phòng Chính phủ hướng dẫn lập dự toán, quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí ngân sách nhà nước bảo đảm cho công tác xây dựng văn bản quy phạm pháp luật và hoàn thiện hệ thống pháp luật.

 

b) Chi xây dựng các văn bản ngoài phạm vi điều chỉnh của Thông tư liên tịch số 92/2014/TTLT-BTC-BTP-VPCPngày 14/7/2014 của Bộ Tài chính, Bộ Tư pháp, Văn phòng Chính phủ liên quan đến công tác bầu cử, có phạm vi toàn quốc do Ủy ban thường vụ Quốc hội, Hội đồng bầu cử quốc gia, các Tiểu ban của Hội đồng bầu cử quốc gia, Bộ Nội vụ, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Văn phòng Hội đồng bầu cử quốc gia ban hành (kế hoạch, văn bản chỉ đạo, hướng dẫn, báo cáo sơ kết, tổng kết, biên bản tổng kết cuộc bầu cử trong cả nước):

– Xây dựng văn bản: 2.000.000 đồng/văn bản (tính cho sản phẩm cuối cùng, bao gồm cả tiếp thu, chỉnh lý).

– Chi tham gia ý kiến bằng văn bản: Mức chi từ 100.000 đồng – 300.000 đồng/người/lần, tổng mức chi xin ý kiến tối đa là: 1.000.000 đồng/người/văn bản.

  1. Chi bồi dưỡng cho những người trực tiếp phục vụ trong đợt bầu cử:

    a) Bồi dưỡng theo mức khoán/tháng đối với các đối tượng sau:

– Chủ tịch, các Phó Chủ tịch Hội đồng bầu cử quốc gia; Trưởng các Tiểu ban Hội đồng bầu cử quốc gia: Mức 2.000.000 đồng/người/tháng.

– Thành viên Hội đồng bầu cử quốc gia; Phó Trưởng các Tiểu ban, thành viên các Tiểu ban; Chánh Văn phòng, Phó Chánh Văn phòng Hội đồng bầu cử quốc gia: 1.800.000 đồng/người/tháng.

– Thành viên thuộc Văn phòng Hội đồng bầu cử quốc gia: 1.500.000 đồng/người/tháng.

Thời gian hưởng chế độ bồi dưỡng phục vụ công tác bầu cử thực hiện theo thực tế; tối đa không quá 5 tháng. Trường hợp một người làm nhiều nhiệm vụ khác nhau chỉ được hưởng mức bồi dưỡng cao nhất. Danh sách chi bồi dưỡng thực hiện theo Nghị quyết, Quyết định thành lập đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

b) Các đối tượng được huy động, trưng tập trực tiếp phục vụ công tác bầu cử (ngoài các đối tượng đã được huy động, trưng tập tham gia tại các Tiểu ban, các tổ giúp việc Văn phòng Hội đồng bầu cử quốc gia) mức bồi dưỡng 100.000 đồng/người/ngày; thời gian hưởng chế độ chi bồi dưỡng không quá 15 ngày (không bao gồm những ngày tham gia đoàn kiểm tra, giám sát; phục vụ trực tiếp dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo về bầu cử, ngày trước ngày bầu cử và ngày bầu cử);

Trường hợp thời gian huy động, trưng tập trực tiếp phục vụ công tác bầu cử lớn hơn 15 ngày, thực hiện chi bồi dưỡng theo mức chi tối đa: 1.500.000 đồng/người/tháng trên cơ sở quyết định, văn bản huy động, trưng tập được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

c) Riêng 02 ngày (ngày trước ngày bầu cử và ngày bầu cử): chi bồi dưỡng 120.000 đồng/người/ngày, áp dụng đối với tất cả các lực lượng trực tiếp tham gia phục vụ bầu cử; danh sách đối tượng được hưởng chế độ chi bồi dưỡng theo các quyết định, văn bản của cấp có thẩm quyền phê duyệt.

 

6. Chi khoán hỗ trợ cước điện thoại di động cho những người trực tiếp phục vụ trong đợt bầu cử:

 

a) Chủ tịch, các Phó Chủ tịch Hội đồng bầu cử quốc gia; Trưởng các Tiểu ban Hội đồng bầu cử quốc gia: 400.000 đồng/người/tháng;

 

b) Thành viên Hội đồng bầu cử quốc gia; Phó Trưởng các Tiểu ban, thành viên các Tiểu ban; Chánh Văn phòng, Phó Chánh Văn phòng Hội đồng bầu cử quốc gia; thường trực tổ giúp việc cho Ban chỉ đạo công tác bầu cử của Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; thường trực giúp việc cho Bộ trưởng Bộ Nội vụ: 300.000 đồng/người/tháng;

c) Thành viên thuộc Văn phòng Hội đồng bầu cử quốc gia: 200.000 đồng/người/tháng;

 

d) Trường hợp cần thiết, Chánh Văn phòng Hội đồng bầu cử quốc gia, Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Bộ trưởng Bộ Nội vụ quyết định danh sách cán bộ tham gia phục vụ công tác bầu cử được hỗ trợ cước điện thoại di động, mức khoán tối đa không quá 200.000 đồng/người/tháng;

đ) Thời gian hưởng hỗ trợ cước điện thoại di động theo thực tế nhưng tối đa không quá 5 tháng.

  1. Chi tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo về bầu cử:

    a) Người được giao trực tiếp công dân: 80.000 đồng/người/buổi;

 

b) Người phục vụ trực tiếp việc tiếp công dân: 60.000 đồng/người/buổi;

 

c) Người phục vụ gián tiếp việc tiếp công dân: 50.000 đồng/người/buổi.

 

8.Chi đóng hòm phiếu:

Trường hợp hòm phiếu cũ không thể sử dụng, hoặc cần phải bổ sung, mức chi không quá: 350.000 đồng/hòm phiếu.

  1. Chi khắc dấu:

Trường hợp dấu cũ không thể sử dụng, hoặc cần phải bổ sung, mức chi tối đa 250.000 đồng/dấu, mức chi không bao gồm lệ phí cấp giấy chứng nhận đăng ký mẫu dấu (lệ phí khắc dấu), được miễn theo quy định tại Thông tư số 41/2011/TT-BTC ngày 24/03/2011 của Bộ Tài chính sửa đổi, bổ sung Thông tư số 193/2010/TT-BTC ngày 02/12/2010 của Bộ Tài chính quy định chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí thẩm định điều kiện về an ninh trật tự; sát hạch cấp chứng chỉ nghiệp vụ bảo vệ; lệ phí cấp giấy chứng nhận đã đăng ký mẫu dấu; cấp giấy phép mang pháo hoa vào, ra Việt Nam; cấp giấy phép quản lý vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ do Bộ Tài chính ban hành.

  1. Chi xây dựng, cập nhật, vận hành trang thông tin điện tử về công tác bầu cử của Hội đồng bầu cử quốc gia: Thực hiện theo Thông tư số 194/2012/TT-BTCngày 15/11/2012 của Bộ Tài chính hướng dẫn mức chi tạo lập thông tin điện tử nhằm duy trì hoạt động thường xuyên của các cơ quan, đơn vị sử dụng ngân sách nhà nước.

  2. Chi công tác tuyên truyền, in ấn: Thực hiện theo quy định của pháp luật hiện hành về đấu thầu.

  3. Các khoản chi phát sinh theo thực tế chưa được quy định mức chi tại văn bản này và các văn bản quy phạm pháp luật khác, Văn phòng Hội đồng bầu cử quốc gia phối hợp với Văn phòng Quốc hội thống nhất quy định bổ sung; Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội ban hành bằng văn bản để triển khai thực hiện.

Các trường hợp đặc biệt phát sinh vượt quá thẩm quyền của Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, Chánh Văn phòng Hội đồng bầu cử quốc gia báo cáo Chủ tịch Hội đồng bầu cử quốc gia quyết định.

Điều 4. Mức chi tại địa phương

  1. Chi tổ chức hội nghị: Thực hiện theo quy định tại Thông tư số 97/2010/TT-BTCngày 06/7/2010 của Bộ Tài chính quy định chế độ công tác phí, chế độ chi tổ chức các cuộc hội nghị đối với các cơ quan nhà nước và đơn vị sự nghiệp công lập; các quy định của Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương cụ thể hóa Thông tư số 97/2010/TT-BTCngày 06/7/2010 của Bộ Tài chính (nếu có).

  2. Chi bồi dưỡng, hỗ trợ (phương tiện, liên lạc) cho những người trực tiếp phục vụ trong đợt bầu cử; chi công tác chỉ đạo, kiểm tra, giám sát bầu cử; chi xây dựng văn bản; chi tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo về bầu cử:

Căn cứ mức kinh phí phục vụ cho công tác bầu cử do ngân sách Trung ương đảm bảo theo thông báo, căn cứ tình hình thực tế tại địa phương và khả năng cân đối ngân sách địa phương, Chủ tịch Uỷ ban bầu cử đại biểu cấp tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thống nhất với Chủ tịch Uỷ ban nhân dân, Thường trực Hội đồng nhân dân cấp tỉnh, thành phố về mức chi cụ thể tại địa phương. Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quyết định ban hành các mức chi cụ thể bằng văn bản và báo cáo Hội đồng nhân dân cùng cấp tại kỳ họp gần nhất.

  1. Các nội dung chi khác: Thực hiện theo các quy định của pháp luật hiện hành, thanh toán theo thực tế, chứng từ chi hợp pháp, hợp lệ trên cơ sở dự toán đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

    5. Lập, chấp hành dự toán và quyết toán kinh phí

Việc lập dự toán, quản lý, cấp phát, thanh toán và quyết toán kinh phí bầu cử thực hiện theo các quy định hiện hành của Luật Ngân sách Nhà nước, Luật Kế toán và các văn bản hướng dẫn thi hành, Thông tư này hướng dẫn một số điểm cụ thể như sau:

  1. Về lập dự toán:

    a) Đối với các Bộ, cơ quan Trung ương: Căn cứ nhiệm vụ, hoạt động phục vụ công tác bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2016-2021 được Hội đồng bầu cử quốc gia giao, căn cứ các chế độ chi tiêu quy định tại Thông tư này và các chế độ chi tiêu hiện hành, các Bộ, cơ quan Trung ương được giao chủ trì tổ chức các hoạt động bầu cử, xây dựng dự toán kinh phí phục vụ công tác bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2016-2021 gửi Văn phòng Hội đồng bầu cử quốc gia, đồng gửi Bộ Tài chính.

 

b) Đối với các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương:

Căn cứ số lượng cử tri tại địa phương, căn cứ các chế độ chi tiêu được cấp có thẩm quyền phê duyệt, các Tổ bầu cử, Ban bầu cử (Ban bầu cử đại biểu Quốc hội, Ban bầu cử đại biểu hội đồng nhân dân cấp tỉnh, huyện, xã) xây dựng dự toán kinh phí tổ chức bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân cấp mình gửi Ủy ban bầu cử cùng cấp tổng hợp gửi Ủy ban bầu cử cấp trên.

Ủy ban bầu cử cấp tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương: Căn cứ số lượng Ủy Ban bầu cử các cấp; Ban bầu cử (Ban bầu cử đại biểu Quốc hội, đại biểu hội đồng nhân dân cấp tỉnh, huyện, xã); số tổ bầu cử; số thành viên thuộc các Ủy ban bầu cử, Ban bầu cử, Tổ bầu cử; số lượng cử tri tại địa phương; căn cứ các chế độ chi tiêu quy định tại Thông tư này và các chế độ chi tiêu hiện hành, tổng hợp, thẩm định kinh phí tổ chức bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp của địa phương gửi Văn phòng Hội đồng bầu cử quốc gia, đồng gửi Bộ Tài chính.

c) Trên cơ sở dự toán kinh phí do các Bộ, cơ quan Trung ương và Ủy ban bầu cử các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương xây dựng, Văn phòng Hội đồng bầu cử quốc gia thẩm định, tổng hợp dự toán kinh phí tổ chức bầu cử đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp, báo cáo Hội đồng bầu cử quốc gia, gửi Bộ Tài chính thẩm định, trình cấp có thẩm quyền quyết định kinh phí tổ chức bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp.

2. Về phân bổ và giao dự toán:

a) Sau khi Thủ tướng Chính phủ quyết định kinh phí tổ chức bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu đồng nhân dân các cấp, Bộ Tài chính thông báo mức kinh phí bầu cử cho Ủy ban bầu cử các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và các Bộ, cơ quan Trung ương được giao chủ trì tổ chức chuẩn bị bầu cử;

 

b) Căn cứ mức kinh phí bầu cử được Bộ Tài chính thông báo, căn cứ vào số cử tri có trên địa bàn, đặc điểm của từng vùng, khu vực, Uỷ ban bầu cử các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương phê duyệt phương án phân bổ kinh phí bầu cử và giao cho Sở Tài chính thông báo kinh phí bầu cử cho các cơ quan, tổ chức liên quan ở cấp tỉnh và các Ủy ban bầu cử cấp huyện. Ủy ban bầu cử cấp huyện quyết định phân bổ kinh phí và giao cho Phòng Tài chính thông báo kinh phí bầu cử cho các Ủy ban bầu cử cấp xã, Tổ bầu cử, Ban bầu cử và các cơ quan, tổ chức có liên quan trên địa bàn.

Trường hợp Ủy ban bầu cử cấp huyện được thành lập trên cơ sở đơn vị bầu cử có từ 2 đơn vị hành chính cấp huyện trở lên thì trụ sở Ủy ban bầu cử cấp huyện làm việc thuộc quận, huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh nào thì Ủy ban bầu cử cấp huyện phân bổ dự toán kinh phí bầu cử về cơ quan tài chính quận, huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh đó.

  1. Về hạch toán, quyết toán kinh phí:

    a) Kinh phí bầu cử được hạch toán vào chi quản lý hành chính nhà nước theo mục lục ngân sách Nhà nước hiện hành.

 

b) Các Bộ, cơ quan, đơn vị ở Trung ương được phân bổ kinh phí bầu cử có trách nhiệm quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí theo đúng các quy định chi tiêu tài chính hiện hành, cuối năm tổng hợp chung vào báo cáo quyết toán năm của cơ quan, đơn vị mình;

 

c) Các cơ quan, đơn vị ở địa phương được phân bổ kinh phí bầu cử có trách nhiệm quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí bầu cử đã sử dụng với cơ quan tài chính cùng cấp theo quy định hiện hành.

Trường hợp Tổ bầu cử, Ban bầu cử hết nhiệm vụ sau khi Hội đồng bầu cử quốc gia, Ủy ban bầu cử công bố kết quả bầu cử mà công tác quyết toán kinh phí vẫn chưa hoàn tất thì Tổ trưởng Tổ bầu cử, Trưởng Ban bầu cử giao trách nhiệm và uỷ quyền cho Uỷ viên Tổ bầu cử, Uỷ viên Ban bầu cử là đại diện Uỷ ban nhân dân chịu trách nhiệm quyết toán kinh phí với cơ quan tài chính cùng cấp.

Cơ quan tài chính các cấp có trách nhiệm kiểm tra xét duyệt quyết toán kinh phí của các cơ quan, đơn vị sử dụng kinh phí phục vụ bầu cử; Sở Tài chính có trách nhiệm tổng hợp kinh phí bầu cử đã sử dụng vào báo cáo quyết toán ngân sách địa phương và quyết toán với Bộ Tài chính theo quy định của Luật ngân sách Nhà nước và văn bản hướng dẫn Luật.

d) Kết thúc hoạt động bầu cử, trong vòng 90 ngày, các Bộ, cơ quan Trung ương và các Sở Tài chính tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương gửi báo cáo tình hình phân bổ và sử dụng kinh phí bầu cử về Văn phòng Hội đồng bầu cử quốc gia, Bộ Tài chính để tổng hợp báo cáo cấp có thẩm quyền.

6. Điều khoản thi hành

  1. Thông tư này có hiệu lực thi hành từ ngày 29 tháng 02 năm 2016

  2. Đối với khối lượng công việc của các Bộ, ngành, địa phương đã triển khai thực hiện trước khi văn bản này có hiệu lực; các Bộ, ngành, địa phương căn cứ quy định tại văn bản này và chứng từ chi tiêu thực tế, hợp pháp, hợp lệ để quyết toán kinh phí theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước.

  3. Trong quá trình triển khai thực hiện, nếu có khó khăn vướng mắc, đề nghị các các Bộ, cơ quan trung ương và các địa phương phản ánh về Văn phòng Hội đồng bầu cử quốc gia, Bộ Tài chính để xử lý kịp thời./.

Chúc các bạn thành công!

Tìm hiểu thêm về kế toán, kiểm toán, thuế tại calico.vn hoặc kiemtoancalico.com

Calico2

 

Bài viết có ích cho bạn?