Thông tư số 58/2016/TT-BTC ngày 29 tháng 03 năm 2016
QUY ĐỊNH CHI TIẾT VIỆC SỬ DỤNG VỐN NHÀ NƯỚC ĐỂ MUA SẮM NHẰM DUY TRÌ HOẠT ĐỘNG THƯỜNG XUYÊN CỦA CƠ QUAN NHÀ NƯỚC, ĐƠN VỊ THUỘC LỰC LƯỢNG VŨ TRANG NHÂN DÂN, ĐƠN VỊ SỰ NGHIỆP CÔNG LẬP, TỔ CHỨC CHÍNH TRỊ, TỔ CHỨC CHÍNH TRỊ – XÃ HỘI, TỔ CHỨC CHÍNH TRỊ XÃ HỘI – NGHỀ NGHIỆP, TỔ CHỨC XÃ HỘI, TỔ CHỨC XÃ HỘI – NGHỀ NGHIỆP.
Căn cứ Luật Ngân sách nhà nước số 01/2002/QH11 ngày 16 tháng 12 năm 2002;
Căn cứ Luật Đấu thầu số 43/2013/QH13 ngày 26 tháng 11 năm 2013;
Căn cứ Nghị định số 63/2014/NĐ-CP ngày 26 tháng 6 năm 2014 của Chính phủ quy định chi Tiết thi hành một số Điều của Luật Đấu thầu và lựa chọn nhà thầu;
Căn cứ Nghị định số 215/2013/NĐ-CP ngày 23 tháng 12 năm 2013 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Tài chính;
Theo đề nghị của Vụ trưởng Vụ Tài chính Hành chính Sự nghiệp;
Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành Thông tư quy định chi Tiết việc sử dụng vốn nhà nước để mua sắm nhằm duy trì hoạt động thường xuyên của cơ quan nhà nước, đơn vị thuộc lực lượng vũ trang nhân dân, đơn vị sự nghiệp công lập, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị – xã hội, tổ chức chính trị xã hội – nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội – nghề nghiệp.
Chương I
NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Đối tượng áp dụng
Các cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị – xã hội, tổ chức chính trị xã hội – nghề nghiệp, tổ chức xã hội – nghề nghiệp, tổ chức xã hội, đơn vị thuộc lực lượng vũ trang nhân dân, đơn vị sự nghiệp công lập, các tổ chức khoa học và công nghệ công lập (sau đây gọi tắt là cơ quan, đơn vị) khi sử dụng vốn nhà nước theo quy định tại Khoản 2 Điều 2 Thông tư này để mua sắm tài sản, hàng hóa, dịch vụ nhằm duy trì hoạt động thường xuyên.
Điều 2. Phạm vi Điều chỉnh
1. Nội dung mua sắm gồm:
a) Mua sắm trang thiết bị, phương tiện làm việc theo quy định của Thủ tướng Chính phủ về tiêu chuẩn, định mức trang thiết bị và phương tiện làm việc của các cơ quan và cán bộ, công chức, viên chức nhà nước;
b) Mua sắm máy móc, trang thiết bị phục vụ cho công tác chuyên môn, phục vụ an toàn lao động, phòng cháy, chữa cháy;
c) Mua sắm phương tiện vận chuyển: Ô tô, xe máy, tàu, thuyền, xuồng và các phương tiện vận chuyển khác (nếu có);
d) Mua sắm nguyên nhiên liệu, xăng dầu, hóa chất, dược liệu, sinh phẩm chẩn đoán invitro, vật tư, vật liệu tiêu hao, công cụ, dụng cụ bảo đảm hoạt động thường xuyên;
đ) May sắm trang phục ngành, trang phục phục vụ hoạt động đặc thù của ngành, lĩnh vực theo quy định (như: quần áo bác sỹ, y tá, quần áo bệnh nhân, phạm nhân và các loại trang phục đặc thù của ngành nghề khác), bảo hộ lao động (gồm cả mua sắm vật liệu, mẫu thiết kế và công may);
e) Mua sắm các sản phẩm công nghệ thông tin gồm: Máy móc, thiết bị, phụ kiện, phần mềm và các sản phẩm, dịch vụ công nghệ thông tin khác, bao gồm cả lắp đặt, chạy thử, bảo hành (nếu có) thuộc dự án công nghệ thông tin sử dụng vốn sự nghiệp theo quy định của Chính phủ về quản lý đầu tư ứng dụng công nghệ thông tin sử dụng nguồn vốn ngân sách nhà nước;
g) Sản phẩm in, tài liệu, biểu mẫu, ấn phẩm, ấn chỉ, tem; văn hóa phẩm, sách, tài liệu, phim ảnh và các sản phẩm, dịch vụ để tuyên truyền, quảng bá và phục vụ cho công tác chuyên môn nghiệp vụ;
h) Dịch vụ phi tư vấn bao gồm: Thuê các dịch vụ bảo trì, bảo dưỡng, sửa chữa máy móc, trang thiết bị, phương tiện làm việc, phương tiện vận chuyển; sửa chữa thường xuyên nhỏ, lẻ nhà cửa, công trình xây dựng không thuộc dự án đầu tư xây dựng cơ bản; dịch vụ thuê trụ sở làm việc, nhà trạm, ô tô phục vụ công tác, vệ sinh công nghiệp; dịch vụ xử lý chất thải; dịch vụ chăm sóc vườn hoa, cây cảnh; dịch vụ thuê đường truyền dẫn; dịch vụ bảo hiểm; dịch vụ thẩm định giá (nếu có); dịch vụ cung cấp điện, nước, điện thoại cố định; dịch vụ đào tạo, tập huấn, tổ chức hội nghị, hội thảo và các dịch vụ phi tư vấn khác;
i) Dịch vụ tư vấn bao gồm: Tư vấn lựa chọn công nghệ, tư vấn để lập, phân tích, đánh giá hồ sơ dự thầu và các dịch vụ tư vấn khác trong mua sắm nhằm duy trì hoạt động thường xuyên của cơ quan, đơn vị;
k) Bản quyền sở hữu công nghiệp, sở hữu trí tuệ (nếu có);
l) Các loại tài sản, hàng hóa, dịch vụ tư vấn, dịch vụ phi tư vấn khác được mua sắm nhằm duy trì hoạt động thường xuyên của cơ quan, đơn vị.
Các loại tài sản, hàng hóa, dịch vụ tư vấn, dịch vụ phi tư vấn nêu trên, sau đây gọi chung là tài sản, hàng hóa, dịch vụ.
2. Nguồn kinh phí mua sắm tài sản, hàng hóa, dịch vụ, gồm:
a) Nguồn chi thường xuyên ngân sách nhà nước theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước được cơ quan có thẩm quyền giao trong dự toán chi ngân sách hàng năm của cơ quan, đơn vị (bao gồm cả nguồn bổ sung trong năm);
b) Nguồn vốn sự nghiệp thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia trong trường hợp thực hiện theo hình thức không hình thành dự án đầu tư;
c) Vốn tín dụng do nhà nước bảo lãnh, vốn khác do nhà nước quản lý (nếu có);
d) Nguồn vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA): Vay nợ, viện trợ không hoàn lại được cân đối trong chi thường xuyên ngân sách nhà nước; nguồn viện trợ, tài trợ của các tổ chức phi chính phủ nước ngoài, của các cá nhân, tổ chức trong và ngoài nước thuộc ngân sách nhà nước (trừ trường hợp Điều ước quốc tế về ODA và vốn vay ưu đãi mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên có quy định khác);
đ) Nguồn thu từ phí, lệ phí được sử dụng theo quy định của pháp luật về phí, lệ phí;
e) Nguồn kinh phí từ thu hoạt động sự nghiệp, quỹ phát triển hoạt động sự nghiệp, quỹ khen thưởng, quỹ phúc lợi, quỹ hợp pháp khác theo quy định của pháp luật tại đơn vị sự nghiệp công lập;
g) Nguồn Quỹ Bảo hiểm y tế;
h) Nguồn thu hợp pháp khác theo quy định (nếu có).
3. Thông tư này không áp dụng đối với các trường hợp:
a) Mua sắm vật tư, trang thiết bị thuộc dự án đầu tư;
b) Mua sắm trang thiết bị, phương tiện đặc thù, chuyên dùng cho quốc phòng, an ninh;
c) Mua sắm tài sản, hàng hóa, dịch vụ tại nước ngoài để phục vụ hoạt động thường xuyên của các cơ quan Việt Nam ở nước ngoài;
d) Đối với việc mua sắm tài sản, hàng hóa, dịch vụ quy định tại Khoản 1 Điều này nhưng thuộc Danh Mục mua sắm tập trung cấp quốc gia và Danh Mục mua sắm tập trung của Bộ, ngành, địa phương thực hiện theo quy định của Luật Đấu thầu, Nghị định số 63/2014/NĐ-CP ngày 26/6/2014 của Chính phủ và các văn bản hướng dẫn.
Điều 3. Các hình thức lựa chọn nhà thầu
1. Các hình thức lựa chọn nhà thầu bao gồm: đấu thầu rộng rãi, đấu thầu hạn chế, chỉ định thầu, mua sắm trực tiếp, chào hàng cạnh tranh, tự thực hiện và lựa chọn nhà thầu trong trường hợp đặc biệt.
2. Căn cứ dự toán chi ngân sách hàng năm, dự toán bổ sung trong năm được cơ quan có thẩm quyền giao và Quyết định mua sắm tài sản của cấp có thẩm quyền quy định tại Khoản 1 Điều 5 Thông tư này, Thủ trưởng cơ quan, đơn vị áp dụng hình thức lựa chọn nhà thầu để tổ chức thực hiện mua sắm hàng hóa, dịch vụ theo đúng quy định.
3. Đối với các gói thầu mua sắm tài sản, hàng hóa, dịch vụ đủ Điều kiện để áp dụng các hình thức mua sắm không phải đấu thầu; nếu cơ quan, đơn vị thấy cần thiết phải tổ chức đấu thầu để bảo đảm Mục tiêu quản lý và sử dụng có hiệu quả ngân sách nhà nước thì tổ chức thực hiện đấu thầu rộng rãi theo quy định và báo cáo cấp có thẩm quyền về kết quả mua sắm tài sản, hàng hóa, dịch vụ.
Điều 4. Thu, chi trong hoạt động lựa chọn nhà thầu
1. Nội dung chi phí trong hoạt động lựa chọn nhà thầu, gồm:
a) Chi thuê tư vấn lập hồ sơ mời thầu, hồ sơ yêu cầu, tổ chức đấu thầu;
b) Chi đăng tin mời thầu (nếu có);
c) Chi thuê thẩm định (nếu có);
d) Chi cho hoạt động của tổ chuyên gia;
đ) Chi cho Hội đồng tư vấn giải quyết kiến nghị của nhà thầu (nếu có);
e) Các nội dung chi khác phục vụ cho lựa chọn nhà thầu.
2. Mức chi:
a) Chi thuê thẩm định: Theo hợp đồng thực tế được ký kết dựa trên các nội dung và phạm vi công việc, thời gian thực hiện, năng lực kinh nghiệm của chuyên gia và các yếu tố khác; chi đăng tải thông tin về đấu thầu, chi phí tham gia hệ thống mạng đấu thầu quốc gia: Thực hiện theo hướng dẫn của Bộ Kế hoạch và Đầu tư;
b) Chi họp tổ chuyên gia, họp thẩm định kế hoạch lựa chọn nhà thầu, họp thẩm định hồ sơ mời thầu, hồ sơ yêu cầu, thẩm định kết quả lựa chọn nhà thầu, họp hội đồng tư vấn: Áp dụng mức chi tổ chức các cuộc họp tương đương quy định tại Thông tư liên tịch số 55/2015/TTLT-BTC-BKHCNngày 22/4/2015 của Liên Bộ Tài chính – Bộ Khoa học và Công nghệ hướng dẫn định mức xây dựng, phân bổ dự toán và quyết toán kinh phí đối với nhiệm vụ khoa học và công nghệ có sử dụng ngân sách nhà nước;
c) Đối với các nội dung chi không có mức chi cụ thể được cơ quan có thẩm quyền ban hành thì bên mời thầu được phép chi tiêu theo thực tế phát sinh, bảo đảm hợp lý, hợp lệ trên cơ sở tuân thủ chế độ hóa đơn, chứng từ và chịu trách nhiệm về việc chi tiêu của mình;
d) Cán bộ, công chức, viên chức khi làm thêm giờ để thực hiện nhiệm vụ liên quan đến quá trình lựa chọn nhà thầu được thanh toán tiền lương làm thêm giờ theo quy định tại Thông tư liên tịch số08/2005/TTLT-BNV-BTC ngày 05/01/2005 của Liên Bộ Tài chính, Bộ Nội vụ hướng dẫn thực hiện chế độ trả lương làm việc vào ban đêm, làm thêm giờ đối với cán bộ, công chức, viên chức.
3. Nội dung thu:
a) Thu từ việc bán hồ sơ mời thầu, hồ sơ yêu cầu: Căn cứ quy mô, tính chất của gói thầu, cơ quan, đơn vị mời thầu quyết định mức giá bán một bộ hồ sơ mời thầu, hồ sơ yêu cầu (bao gồm cả thuế) đối với đấu thầu trong nước nhưng tối đa là 2.000.000 đồng (hai triệu đồng) đối với hồ sơ mời thầu và 1.000.000 đồng (một triệu đồng) đối với hồ sơ yêu cầu; đối với đấu thầu quốc tế, mức giá bán theo thông lệ đấu thầu quốc tế.
b) Trường hợp nhà thầu có kiến nghị về kết quả lựa chọn nhà thầu thì cơ quan, đơn vị mời thầu được phép thu của nhà thầu để bảo đảm chi phí cho việc xem xét giải quyết xử lý kiến nghị đó. Mức thu bằng 0,02% giá dự thầu của nhà thầu có kiến nghị nhưng tối thiểu là 1.000.000 đồng (một triệu đồng) và tối đa là 50.000.000 đồng (năm mươi triệu đồng).
c) Các Khoản thu về bảo đảm dự thầu theo quy định tại Điều 11 Luật Đấu thầu, thu về bảo đảm thực hiện hợp đồng quy định tại Điều 66 Luật Đấu thầu.
4. Biên lai: Sử dụng biên lai thu tiền (Mẫu C38-BB) theo Quyết định số 19/2006/QĐ-BTC ngày 30/3/2006 của Bộ trưởng Bộ Tài chính về chế độ kế toán đơn vị hành chính sự nghiệp.
5. Hạch toán: Do Khoản thu từ hoạt động đấu thầu không thuộc ngân sách nhà nước nên không hạch toán vào ngân sách nhà nước; các cơ quan, đơn vị phản ánh Khoản thu, chi từ hoạt động đấu thầu vào nguồn thu khác và tổng hợp chung trong báo cáo quyết toán hàng năm của cơ quan, đơn vị.
6. Nguồn kinh phí bảo đảm cho quá trình đấu thầu:
Cơ quan, đơn vị khi tổ chức mua sắm tài sản, hàng hóa, dịch vụ được sử dụng nguồn kinh phí quy định tại Điểm a, Điểm b Khoản 3 Điều này để chi phí cho quá trình đấu thầu, giải quyết các kiến nghị của nhà thầu. Trường hợp nguồn kinh phí nêu trên không đảm bảo để chi cho quá trình đấu thầu thì cơ quan, đơn vị được phép sử dụng nguồn kinh phí hoạt động thường xuyên của cơ quan, đơn vị mình để bù đắp; trường hợp còn dư, được bổ sung vào kinh phí hoạt động của cơ quan, đơn vị.
Chương II
TRÁCH NHIỆM THẨM ĐỊNH, PHÊ DUYỆT TRONG LỰA CHỌN NHÀ THẦU
Điều 5. Thẩm quyền quyết định mua sắm tài sản, hàng hóa, dịch vụ
1. Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, người đứng đầu cơ quan khác ở trung ương quyết định hoặc phân cấp thẩm quyền quyết định mua sắm tài sản nhà nước tại cơ quan nhà nước thuộc phạm vi quản lý.
2. Hội đồng nhân dân cấp tỉnh phân cấp thẩm quyền quyết định mua sắm tài sản nhà nước tại cơ quan nhà nước thuộc phạm vi quản lý của địa phương.
3. Thủ trưởng đơn vị dự toán các cấp quyết định việc mua sắm tài sản, hàng hóa, dịch vụ đối với nội dung, danh Mục dự toán mua sắm có giá trị thuộc phạm vi được cơ quan có thẩm quyền phân cấp; đồng thời được quyết định mua sắm các nội dung, danh Mục dự toán mua sắm có giá trị không quá 100 triệu đồng trong phạm vi dự toán đã được cơ quan có thẩm quyền giao.
4. Thủ trưởng đơn vị sự nghiệp công lập quyết định việc mua sắm tài sản theo quy định tại Khoản 2 Điều 41 Nghị định số 52/2009/NĐ-CP ngày 03/6/2009 của Chính phủ quy định quy định chi Tiết và hướng dẫn thi hành một số Điều của Luật Quản lý, sử dụng tài sản nhà nước.
Điều 6. Thẩm quyền phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu
Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ở trung ương; Chủ tịch Ủy ban nhân dân các cấp; Thủ trưởng cơ quan, đơn vị có thẩm quyền quyết định mua sắm tài sản hàng hóa, dịch vụ quy định tại Điều 5 Thông tư này phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu thuộc thẩm quyền quyết định mua sắm tài sản, hàng hóa, dịch vụ của cấp mình theo quy định.
Điều 7. Thẩm quyền phê duyệt hồ sơ mời thầu, hồ sơ yêu cầu, kết quả lựa chọn nhà thầu
Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị trực tiếp sử dụng nguồn vốn mua sắm tài sản, hàng hóa, dịch vụ hoặc cơ quan, tổ chức được người có thẩm quyền quyết định lựa chọn làm bên mời thầu thực hiện phê duyệt hồ sơ mời thầu, hồ sơ yêu cầu, kết quả lựa chọn nhà thầu.
Điều 8. Trách nhiệm thẩm định trong lựa chọn nhà thầu
1. Thẩm định kế hoạch lựa chọn nhà thầu:
a) Đối với gói thầu mua sắm tài sản, hàng hóa, dịch vụ thuộc thẩm quyền phê duyệt của Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh thì Sở Tài chính chịu trách nhiệm chủ trì thẩm định kế hoạch lựa chọn nhà thầu;
b) Đối với gói thầu mua sắm tài sản, hàng hóa, dịch vụ thuộc thẩm quyền phê duyệt của Thủ trưởng cơ quan ở Trung ương thì Thủ trưởng cơ quan ở Trung ương quyết định cơ quan, tổ chức, bộ phận làm nhiệm vụ thẩm định kế hoạch lựa chọn nhà thầu;
c) Đối với các gói thầu mua sắm tài sản, hàng hóa, dịch vụ mà Thủ trưởng cơ quan, đơn vị trực tiếp sử dụng dự toán mua sắm quyết định việc mua sắm theo quy định tại Điều 5 Thông tư này thì Thủ trưởng cơ quan, đơn vị quyết định cơ quan, tổ chức, bộ phận làm nhiệm vụ thẩm định kế hoạch lựa chọn nhà thầu.
2. Thẩm định hồ sơ mời thầu, hồ sơ yêu cầu và kết quả lựa chọn nhà thầu:
Bên mời thầu quyết định cơ quan, tổ chức, bộ phận làm nhiệm vụ thẩm định hồ sơ mời thầu, hồ sơ yêu cầu và kết quả lựa chọn nhà thầu.
Chương III
KẾ HOẠCH LỰA CHỌN NHÀ THẦU
Điều 9. Nguyên tắc lập kế hoạch lựa chọn nhà thầu
1. Kế hoạch lựa chọn nhà thầu được lập cho toàn bộ dự toán mua sắm tài sản, hàng hóa, dịch vụ được cơ quan có thẩm quyền giao đầu năm và lập kế hoạch bổ sung đối với các Khoản dự toán mua sắm được giao bổ sung trong năm.
Trường hợp chưa đủ Điều kiện lập kế hoạch lựa chọn nhà thầu cho toàn bộ dự toán mua sắm thì lập kế hoạch lựa chọn nhà thầu cho một hoặc một số gói thầu để thực hiện trước.
2. Trong kế hoạch lựa chọn nhà thầu phải ghi rõ số lượng gói thầu và nội dung của từng gói thầu.
3. Việc phân chia dự toán mua sắm tài sản, hàng hóa, dịch vụ thành các gói thầu phải căn cứ theo tính chất kỹ thuật, trình tự thực hiện, bảo đảm tính đồng bộ trong việc mua sắm và có quy mô gói thầu hợp lý. Nghiêm cấm việc chia lẻ gói thầu để thực hiện việc mua sắm theo các hình thức không phải đấu thầu hoặc áp dụng hình thức lựa chọn nhà thầu không đúng quy định.
4. Kế hoạch lựa chọn nhà thầu được lập sau khi có quyết định phê duyệt dự toán mua sắm hoặc đồng thời với quá trình lập dự toán mua sắm.
Điều 10. Căn cứ lập kế hoạch lựa chọn nhà thầu mua sắm tài sản, hàng hóa, dịch vụ
1. Tiêu chuẩn, định mức trang thiết bị và phương tiện làm việc của cơ quan và cán bộ, công chức, viên chức; trang thiết bị, phương tiện làm việc hiện có cần thay thế, mua bổ sung, mua sắm mới phục vụ cho yêu cầu công việc.
2. Quyết định mua sắm tài sản, hàng hóa, dịch vụ của cấp có thẩm quyền (quy định tại Điều 5 Thông tư này) hoặc kế hoạch, danh Mục dự toán mua sắm được cấp có thẩm quyền phê duyệt.
3. Đề án mua sắm trang bị cho toàn ngành được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt (nếu có).
4. Có nguồn kinh phí mua sắm tài sản, hàng hóa, dịch vụ theo quy định tại Khoản 2 Điều 2 Thông tư này.
5. Dự toán mua sắm thường xuyên được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt;
6. Kết quả thẩm định giá của cơ quan có chức năng, nhiệm vụ thẩm định giá hoặc của tổ chức có chức năng cung cấp dịch vụ thẩm định giá hoặc các báo giá của các nhà cung cấp (nếu có).
Điều 11. Nội dung kế hoạch lựa chọn nhà thầu của từng gói thầu
Nội dung của từng gói thầu bao gồm:
1. Tên gói thầu.
2. Giá gói thầu.
Khi lập và xác định giá gói thầu trong kế hoạch lựa chọn nhà thầu cần căn cứ vào ít nhất một trong các tài liệu sau:
a) Giá hàng hóa cần mua của ít nhất 3 đơn vị cung cấp hàng hóa khác nhau trên địa bàn để làm căn cứ xác định giá gói thầu; trong trường hợp không đủ 03 đơn vị trên địa bàn có thể tham khảo trên địa bàn khác đảm bảo đủ 03 báo giá;
b) Dự toán mua sắm đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt (gồm: chủng loại tài sản, hàng hóa, dịch vụ, số lượng, đơn giá hoặc toàn bộ dự toán được bố trí để mua sắm một loại tài sản, hàng hóa, dịch vụ trong năm);
c) Kết quả thẩm định giá của cơ quan nhà nước có thẩm quyền thực hiện thẩm định giá tài sản, doanh nghiệp thẩm định giá đối với các loại tài sản, hàng hóa, dịch vụ phải thẩm định giá theo quy định của Luật giá;
d) Giá thị trường tại thời Điểm mua sắm được tham khảo từ thông tin chính thống do các nhà cung cấp theo quy định của pháp luật Việt Nam công bố được khai thác qua mạng Internet;
đ) Giá của gói thầu mua sắm loại hàng hóa tương tự trong thời gian trước đó gần nhất, tối đa không quá 30 ngày.
Trường hợp gói thầu gồm nhiều phần riêng biệt thì ghi rõ giá ước tính cho từng phần trong giá gói thầu.
3. Nguồn vốn.
4. Hình thức và phương thức lựa chọn nhà thầu.
5. Thời gian bắt đầu tổ chức lựa chọn nhà thầu.
6. Loại hợp đồng.
7. Thời gian thực hiện hợp đồng.
Điều 12. Trình duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu
1. Trách nhiệm trình duyệt:
Bên mời thầu có trách nhiệm trình kế hoạch lựa chọn nhà thầu lên người có thẩm quyền phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu quy định tại Điều 6 Thông tư này xem xét phê duyệt; đồng thời gửi cho cơ quan, tổ chức, bộ phận thẩm định được quy định tại Điều 8 Thông tư này.
2. Văn bản trình duyệt gồm:
a) Phần công việc đã thực hiện bao gồm nội dung công việc liên quan đến các gói thầu thực hiện trước với giá trị tương ứng và các căn cứ pháp lý để thực hiện;
b) Phần công việc không áp dụng được một trong các hình thức lựa chọn nhà thầu quy định tại Thông tư này;
c) Phần công việc thuộc kế hoạch lựa chọn nhà thầu bao gồm nội dung công việc và giá trị tương ứng hình thành các gói thầu được thực hiện theo một trong các hình thức lựa chọn nhà thầu quy định tại Thông tư này. Trong phần này phải nêu rõ cơ sở của việc chia dự toán mua sắm thành các gói thầu. Đối với từng gói thầu, phải bảo đảm có đủ các nội dung quy định tại Điều 11 của Thông tư này. Đối với gói thầu không áp dụng hình thức đấu thầu rộng rãi, trong văn bản trình duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu phải nêu rõ lý do áp dụng hình thức lựa chọn khác;
d) Phần công việc chưa đủ Điều kiện lập kế hoạch lựa chọn nhà thầu (nếu có), trong đó nêu rõ nội dung và giá trị của phần công việc này;
đ) Phần tổng hợp giá trị của các phần công việc quy định tại các Điểm a, b, c và d Khoản này. Tổng giá trị của phần này không được vượt tổng dự toán mua sắm được phê duyệt.
3. Tài liệu kèm theo văn bản trình duyệt:
Khi trình duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu mua sắm tài sản, hàng hóa, dịch vụ phải gửi kèm bản chụp các tài liệu làm căn cứ lập kế hoạch lựa chọn nhà thầu quy định tại Điều 10 Thông tư này.
Điều 13. Thẩm định kế hoạch lựa chọn nhà thầu
1. Thẩm định kế hoạch lựa chọn nhà thầu là việc tiến hành kiểm tra, đánh giá các nội dung theo quy định tại các Điều 9, 10, 11 Thông tư này.
2. Cơ quan, tổ chức được giao thẩm định kế hoạch lựa chọn nhà thầu lập báo cáo thẩm định trình người có thẩm quyền quyết định phê duyệt.
Điều 14. Phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu
Sau khi nhận được đầy đủ hồ sơ về kế hoạch lựa chọn nhà thầu và báo cáo thẩm định, Thủ trưởng cơ quan, đơn vị quy định tại Điều 5 Thông tư này có trách nhiệm phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu bằng văn bản (sau khi có quyết định phê duyệt dự toán mua sắm) để làm cơ sở tổ chức lựa chọn nhà thầu hoặc đồng thời với quá trình phê duyệt dự toán mua sắm trong trường hợp đủ Điều kiện.
Thời gian phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu không quá 05 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được đầy đủ báo cáo trình duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu và báo cáo thẩm định kế hoạch lựa chọn nhà thầu của cơ quan, tổ chức thẩm định.
Chương IV
CHỈ ĐỊNH THẦU, CHÀO HÀNG CẠNH TRANH, MUA SẮM TRỰC TIẾP, TỰ THỰC HIỆN VÀ LỰA CHỌN NHÀ THẦU TRONG TRƯỜNG HỢP ĐẶC BIỆT
Mục 1. CHỈ ĐỊNH THẦU
Điều 15. Các trường hợp được áp dụng chỉ định thầu
1. Các gói thầu quy định tại Khoản 1 Điều 22 Luật Đấu thầu, gồm:
a) Gói thầu cần thực hiện để khắc phục ngay hoặc để xử lý kịp thời hậu quả gây ra do sự cố bất khả kháng; gói thầu cần thực hiện để bảo đảm bí mật nhà nước; gói thầu cần triển khai ngay để tránh gây nguy hại trực tiếp đến tính mạng, sức khỏe và tài sản của cộng đồng dân cư trên địa bàn hoặc để không ảnh hưởng nghiêm trọng đến công trình liền kề; gói thầu mua hóa chất, vật tư, thiết bị y tế để triển khai công tác phòng, chống dịch bệnh trong trường hợp cấp bách;
b) Gói thầu cấp bách cần triển khai nhằm Mục tiêu bảo vệ chủ quyền quốc gia, biên giới quốc gia, hải đảo;
c) Gói thầu cung cấp dịch vụ tư vấn, dịch vụ phi tư vấn, mua sắm hàng hóa phải mua từ nhà thầu đã thực hiện trước đó do phải bảo đảm tính tương thích về công nghệ, bản quyền mà không thể mua được từ nhà thầu khác; gói thầu có tính chất nghiên cứu, thử nghiệm; mua bản quyền sở hữu trí tuệ;
d) Gói thầu cung cấp dịch vụ tư vấn lập báo cáo nghiên cứu khả thi, thiết kế xây dựng được chỉ định cho tác giả của thiết kế kiến trúc công trình trúng tuyển hoặc được tuyển chọn khi tác giả có đủ Điều kiện năng lực theo quy định; gói thầu thi công xây dựng tượng đài, phù điêu, tranh hoành tráng, tác phẩm nghệ thuật gắn với quyền tác giả từ khâu sáng tác đến thi công công trình.
2. Gói thầu mua sắm tài sản, hàng hóa, dịch vụ thuộc đề án hoặc dự toán mua sắm thường xuyên có giá gói thầu không quá 100.000.000 đồng (một trăm triệu đồng).
3. Việc thực hiện chỉ định thầu đối với gói thầu quy định tại Điểm b, c, d Khoản 1 và Khoản 2 Điều này phải đáp ứng đủ các Điều kiện sau đây:
a) Có kế hoạch lựa chọn nhà thầu được phê duyệt;
b) Có thời gian thực hiện chỉ định thầu kể từ ngày phê duyệt hồ sơ yêu cầu đến ngày ký kết hợp đồng không quá 45 ngày; trường hợp gói thầu có quy mô lớn, phức tạp không quá 90 ngày;
c) Nhà thầu được đề nghị chỉ định thầu phải có tên trong cơ sở dữ liệu về nhà thầu theo quy định của Bộ Kế hoạch và Đầu tư (trừ gói thầu quy định tại Khoản 2 Điều này).
Điều 16. Quy trình chỉ định thầu thông thường
1. Các gói thầu quy định tại Điều 15 Thông tư này (trừ gói thầu quy định tại Điểm a Khoản 1 và Khoản 2) áp dụng hình thức chỉ định thầu thông thường.
2. Quy trình chỉ định thầu thông thường thực hiện theo quy định tại Điều 55 Nghị định số 63/2014/NĐ-CP ngày 26/6/2014 của Chính phủ.
Điều 17. Quy trình chỉ định thầu rút gọn
1. Đối với gói thầu quy định tại Điểm a Khoản 1 Điều 15, trừ gói thầu cần thực hiện để bảo đảm bí mật nhà nước:
Cơ quan trực tiếp có trách nhiệm quản lý gói thầu xác định và giao cho nhà thầu có năng lực, kinh nghiệm thực hiện ngay gói thầu. Trong vòng 15 ngày kể từ ngày giao thầu, các bên phải hoàn thiện thủ tục chỉ định thầu bao gồm: Chuẩn bị và gửi dự thảo hợp đồng cho nhà thầu, trong đó xác định yêu cầu về phạm vi, nội dung công việc cần thực hiện, thời gian thực hiện, chất lượng công việc cần đạt được và giá trị tương ứng để thương thảo, hoàn thiện hợp đồng. Trên cơ sở kết quả thương thảo hợp đồng, cơ quan trực tiếp có trách nhiệm quản lý gói thầu phê duyệt kết quả chỉ định thầu và ký kết hợp đồng với nhà thầu được chỉ định thầu. Kết quả chỉ định thầu phải được công khai theo quy định.
2. Đối với gói thầu quy định tại Khoản 2 Điều 15:
a) Bên mời thầu căn cứ vào Mục tiêu, phạm vi công việc, dự toán được duyệt để chuẩn bị và gửi dự thảo hợp đồng cho nhà thầu được người có thẩm quyền xác định có đủ năng lực và kinh nghiệm đáp ứng yêu cầu của gói thầu. Nội dung dự thảo hợp đồng bao gồm các yêu cầu về phạm vi, nội dung công việc cần thực hiện, thời gian thực hiện, chất lượng công việc cần đạt được, giá trị tương ứng và các nội dung cần thiết khác;
b) Trên cơ sở dự thảo hợp đồng, bên mời thầu và nhà thầu được đề nghị chỉ định thầu tiến hành thương thảo, hoàn thiện hợp đồng làm cơ sở để phê duyệt kết quả lựa chọn nhà thầu và ký kết hợp đồng;
c) Ký kết hợp đồng: Hợp đồng ký kết giữa các bên phải phù hợp với quyết định phê duyệt kết quả lựa chọn nhà thầu, biên bản thương thảo hợp đồng và các tài liệu liên quan khác.
3. Đối với các gói thầu được áp dụng quy trình chỉ định thầu rút gọn quy định tại Khoản 1, Khoản 2 Điều này; nếu cơ quan, đơn vị thấy cần thiết phải tổ chức chỉ định thầu thông thường để bảo đảm Mục tiêu quản lý và sử dụng có hiệu quả ngân sách nhà nước thì tổ chức thực hiện chỉ định thầu thông thường.
Mục 2. CHÀO HÀNG CẠNH TRANH
Điều 18. Phạm vi áp dụng chào hàng cạnh tranh
1. Chào hàng cạnh tranh được áp dụng đối với gói thầu có giá trị không quá 2 tỷ đồng và thuộc một trong các trường hợp sau:
a) Gói thầu dịch vụ phi tư vấn thông dụng, đơn giản;
b) Gói thầu mua sắm tài sản, hàng hóa thông dụng (có nhiều người sử dụng và có nguồn cung cấp đảm bảo, ổn định), sẵn có trên thị trường (hàng hóa được giao ngay khi có nhu cầu mà không phải thông qua đặt hàng để thiết kế, gia công, chế tạo, sản xuất), có đặc tính kỹ thuật được tiêu chuẩn hóa (theo tiêu chuẩn Việt Nam, tiêu chuẩn cơ sở, tiêu chuẩn quốc tế hoặc tiêu chuẩn nước ngoài) và tương đương nhau về chất lượng (có khả năng thay thế lẫn nhau do có cùng đặc tính kỹ thuật, tính năng sử dụng và các đặc tính khác).
2. Chào hàng cạnh tranh được thực hiện khi đáp ứng đủ các Điều kiện sau:
a) Có kế hoạch lựa chọn nhà thầu được phê duyệt;
b) Có văn bản phê duyệt dự toán mua sắm của cấp có thẩm quyền.
Điều 19. Quy trình chào hàng cạnh tranh
1. Gói thầu mua sắm tài sản, hàng hóa, dịch vụ đáp ứng yêu cầu tại Khoản 1 Điều 18 có giá gói thầu từ trên 200 triệu đồng đến 2 tỷ đồng được thực hiện quy trình chào hàng cạnh tranh thông thường theo quy định tại Điều 58 Nghị định số 63/2014/NĐ-CP ngày 26/6/2014 của Chính phủ.
2. Gói thầu mua sắm tài sản, hàng hóa, dịch vụ đáp ứng yêu cầu tại Khoản 1 Điều 18 có giá gói thầu không quá 200 triệu đồng được thực hiện quy trình chào hàng cạnh tranh rút gọn theo quy định tại Điều 59 Nghị định số 63/2014/NĐ-CP ngày 26/6/2014 của Chính phủ.
Mục 3. MUA SẮM TRỰC TIẾP
Điều 20. Phạm vi và Điều kiện áp dụng
1. Mua sắm trực tiếp được áp dụng đối với gói thầu mua sắm tài sản, hàng hóa tương tự thuộc cùng một dự toán mua sắm hoặc thuộc dự toán mua sắm khác.
2. Mua sắm trực tiếp được thực hiện khi đáp ứng đủ các Điều kiện sau đây:
a) Có kế hoạch lựa chọn nhà thầu được phê duyệt;
b) Có văn bản phê duyệt dự toán mua sắm của cấp có thẩm quyền;
c) Nhà thầu đã trúng thầu thông qua đấu thầu rộng rãi hoặc đấu thầu hạn chế và đã ký hợp đồng thực hiện gói thầu trước đó;
d) Gói thầu có nội dung, tính chất tương tự và quy mô nhỏ hơn 130% so với gói thầu đã ký hợp đồng trước đó;
đ) Đơn giá của các phần việc thuộc gói thầu áp dụng mua sắm trực tiếp không được vượt đơn giá của các phần việc tương ứng thuộc gói thầu tương tự đã ký hợp đồng trước đó;
e) Thời hạn từ khi ký hợp đồng của gói thầu trước đó đến ngày phê duyệt kết quả mua sắm trực tiếp không quá 12 tháng.
3. Trường hợp nhà thầu thực hiện hợp đồng trước đó không có khả năng tiếp tục thực hiện gói thầu mua sắm trực tiếp thì được áp dụng mua sắm trực tiếp đối với nhà thầu khác nếu đáp ứng các yêu cầu về năng lực, kinh nghiệm, kỹ thuật và giá theo hồ sơ mời thầu và kết quả lựa chọn nhà thầu trước đó.
Điều 21. Quy trình mua sắm trực tiếp
Thực hiện theo quy định tại Điều 60 Nghị định số 63/2014/NĐ-CP ngày 26/6/2014 của Chính phủ.
Mục 4. TỰ THỰC HIỆN
Điều 22. Điều kiện áp dụng
1. Tự thực hiện được áp dụng đối với gói thầu thuộc dự toán mua sắm tài sản, hàng hóa, dịch vụ trong trường hợp tổ chức trực tiếp quản lý, sử dụng gói thầu có năng lực kỹ thuật, tài chính và kinh nghiệm đáp ứng yêu cầu của gói thầu.
2. Việc áp dụng hình thức tự thực hiện phải được phê duyệt trong kế hoạch lựa chọn nhà thầu trên cơ sở tuân thủ quy định tại Khoản 1 Điều này và đơn vị được giao thực hiện gói thầu đáp ứng đủ các Điều kiện theo quy định tại Điều 61 Nghị định số 63/2014/NĐ-CP ngày 26/6/2014 của Chính phủ, cụ thể như sau:
a) Có chức năng, nhiệm vụ, lĩnh vực hoạt động và ngành nghề kinh doanh phù hợp với yêu cầu của gói thầu;
b) Phải chứng minh và thể hiện trong phương án tự thực hiện về khả năng huy động nhân sự, máy móc, thiết bị đáp ứng yêu cầu về tiến độ thực hiện gói thầu;
c) Đơn vị được giao thực hiện gói thầu không được chuyển nhượng khối lượng công việc với tổng số tiền từ 10% giá gói thầu trở lên hoặc dưới 10% giá gói thầu nhưng trên 50 tỷ đồng.
Điều 23. Quy trình tự thực hiện
Thực hiện theo quy định tại Điều 62 Nghị định số 63/2014/NĐ-CP ngày 26/6/2014 của Chính phủ.
Mục 5. LỰA CHỌN NHÀ THẦU TRONG TRƯỜNG HỢP ĐẶC BIỆT
Điều 24. Điều kiện áp dụng
Trường hợp gói thầu, dự án xuất hiện các Điều kiện đặc thù, riêng biệt mà không thể áp dụng các hình thức lựa chọn nhà thầu quy định tại các Điều 20, 21, 22, 23, 24 và 25 của Luật Đấu thầu thì người có thẩm quyền trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định phương án lựa chọn nhà thầu.
Điều 25. Quy trình lựa chọn nhà thầu trong trường hợp đặc biệt
1. Người có thẩm quyền lập kế hoạch lựa chọn nhà thầu theo quy định tại Điều 9, Điều 10 và Điều 11 Thông tư này; đồng thời làm rõ các Điều kiện đặc thù, riêng biệt của gói thầu để làm cơ sở đề xuất phương án lựa chọn nhà thầu trong trường hợp đặc biệt, gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư thẩm định theo quy định tại Điểm b, Khoản 1 Điều 104 Nghị định số 63/2014/NĐ-CP ngày 26/6/2014 của Chính phủ.
2. Căn cứ ý kiến thẩm định của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, người có thẩm quyền trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định phương án lựa chọn nhà thầu.
Chương V
ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH
Điều 26. Hướng dẫn thi hành
1. Bộ trưởng các Bộ, cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng các cơ quan khác ở Trung ương, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các cấp chịu trách nhiệm chỉ đạo, tổ chức thực hiện và kiểm tra việc thực hiện lựa chọn nhà thầu trong mua sắm tài sản, hàng hóa, dịch vụ nhằm duy trì hoạt động thường xuyên của cơ quan, đơn vị thuộc phạm vi quản lý; ban hành hướng dẫn tổ chức thực hiện Thông tư này (nếu thấy cần thiết) trên nguyên tắc đảm bảo tuân thủ quy định tại Thông tư này và các quy định của pháp luật về đấu thầu có liên quan.
2. Mẫu tài liệu đấu thầu và các nội dung khác không quy định tại Thông tư này thì thực hiện theo Luật Đấu thầu số 43/2013/QH13 ngày 26/11/2013; Nghị định số 63/2014/NĐ-CP ngày 26/6/2014 của Chính phủ quy định chi Tiết thi hành một số Điều của Luật Đấu thầu.
Điều 27. Hiệu lực thi hành
1. Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 16 tháng 5 năm 2016 và thay thế Thông tư số 68/2012/TT-BTC ngày 26/4/2012 của Bộ Tài chính quy định việc đấu thầu để mua sắm tài sản nhằm duy trì hoạt động thường xuyên của cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị – xã hội, tổ chức chính trị xã hội – nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội – nghề nghiệp, đơn vị thuộc lực lượng vũ trang nhân dân.
2. Khi các văn bản quy phạm pháp luật được dẫn chiếu để áp dụng tại Thông tư này được sửa đổi, bổ sung hoặc thay thế bằng văn bản mới thì áp dụng theo các văn bản sửa đổi, bổ sung hoặc thay thế đó.
3. Trong quá trình thực hiện, nếu có vướng mắc, đề nghị các cơ quan, đơn vị phản ánh về Bộ Tài chính để nghiên cứu giải quyết./.
Chúc các bạn thành công!
Tìm hiểu thêm về kế toán, kiểm toán, thuế tại calico.vn hoặc kiemtoancalico.com