Site icon Kiểm Toán Calico | Công ty kiểm toán uy tín | Dịch vụ kiểm toán BCTC

Khôi phục mã số thuế của doanh nghiệp, chi nhánh của doanh nghiệp

bổ sung hồ sơ khai thuế

bổ sung hồ sơ khai thuế

Mục lục bài viết

Đối với doanh nghiệp hoặc chi nhánh sau khi đã hoàn thành thủ tục chấm dứt hiệu lực mã số thuế, việc khôi phục lại MST được thực hiện như thế nào? Phải tuân thủ những quy tắc gì? Bài viết sau sẽ hướng dẫn về vấn đề  khôi phục MST của Doanh nghiệp, chi nhánh của DN theo hướng dẫn tại công văn 1685/TCT-KK

Căn cứ quy định tại Khoản 3 Điều 8, Điểm c Khoản 1 Điều 209 và Điểm d Khoản 1 Điều 211 của Luật Doanh nghiệp năm 2014 và các văn bản hướng dẫn thi hành;

Nghĩa vụ của doanh nghiệp: Kê khai thuế, nộp thuế và thực hiện các nghĩa vụ tài chính khác theo quy định của pháp luật.

Cơ quan đăng ký kinh doanh có nhiệm vụ, quyền hạn :  Yêu cầu doanh nghiệp báo cáo về việc tuân thủ các quy định của Luật này khi xét thấy cần thiết; đôn đốc việc thực hiện nghĩa vụ báo cáo của doanh nghiệp

Doanh nghiệp bị thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp trong trường hợp: Doanh nghiệp không gửi báo cáo theo quy định tại điểm c khoản 1 Điều 209 của Luật này đến Cơ quan đăng ký kinh doanh trong thời hạn 06 tháng, kể từ ngày hết hạn gửi báo cáo hoặc có yêu cầu bằng văn bản;

Căn cứ quy định tại Điều 29 của Luật Quản lý thuế về chấm dứt hiệu lực MTS.

Mã số thuế chấm dứt hiệu lực trong các trường hợp sau đây:

– Tổ chức, cá nhân kinh doanh chấm dứt hoạt động.

– Cá nhân chết, mất tích, mất năng lực hành vi dân sự theo quy định của pháp luật.

Khi phát sinh trường hợp chấm dứt hiệu lực MST, tổ chức, cá nhân hoặc người đại diện theo pháp luật của người nộp thuế có trách nhiệm thông báo với cơ quan thuế quản lý trực tiếp để thực hiện thủ tục chấm dứt hiệu lực mã số thuế và công khai việc chấm dứt hiệu lực mã số thuế.

Cơ quan thuế thông báo công khai việc chấm dứt hiệu lực MST. MST không được sử dụng trong các giao dịch kinh tế, kể từ ngày cơ quan thuế thông báo công khai về việc chấm dứt hiệu lực mã số thuế.

Căn cứ quy định tại Điều 19, Khoản 1 Điều 20 Thông tư 95/2016/TT-BTC ngày 28/6/2016 của Bộ Tài chính quy định về khôi phục MST.

Các trường hợp khôi phục mã số thuế

– Người nộp thuế là tổ chức kinh tế hoặc tổ chức khác bị cơ quan có thẩm quyền thu hồi Giấy phép thành lập và hoạt động hoặc Giấy phép tương đương, cơ quan thuế đã chấm dứt hiệu lực MST theo quy định, nhưng sau đó cơ quan có thẩm quyền có văn bản hủy bỏ văn bản thu hồi Giấy phép thành lập và hoạt động hoặc Giấy phép tương đương.

– Người nộp thuế là doanh nghiệp, tổ chức kinh tế, tổ chức khác, hộ gia đình, nhóm cá nhân, cá nhân kinh doanh ở tình trạng cơ quan thuế đã ban hành Thông báo người nộp thuế không hoạt động tại địa chỉ đã đăng ký nhưng cơ quan đăng ký kinh doanh chưa ban hành Quyết định thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, Giấy chứng nhận đăng ký hộ kinh doanh; cơ quan quản lý nhà nước khác chưa ban hành văn bản thu hồi Giấy phép thành lập và hoạt động hoặc Giấy phép tương đương, người nộp thuế có văn bản đề nghị cơ quan thuế khôi phục MST và cam kết thanh toán các nghĩa vụ thuế với ngân sách nhà nước, chấp hành việc xử phạt vi phạm hành chính về thuế.

– Người nộp thuế là tổ chức kinh tế, tổ chức khác, hộ gia đình, nhóm cá nhân, cá nhân kinh doanh đã có hồ sơ chấm dứt hiệu lực MST gửi đến cơ quan thuế nhưng chưa được cơ quan thuế ban hành Thông báo người nộp thuế chấm dứt hiệu lực MST, đề nghị được tiếp tục hoạt động trở lại.

– Cơ quan thuế xác định người nộp thuế không thuộc trường hợp phải chấm dứt hiệu lực MST do lỗi của cơ quan thuế.

Vừa qua, Tổng cục Thuế nhận được một số công văn của các Cục Thuế về việc đề nghị Tổng cục Thuế khôi phục tình trạng hoạt động của Doanh nghiệp hoặc chi nhánh sau khi đã hoàn thành thủ tục chấm dứt hiệu lực mã số thuế (đóng về trạng thái 01). Về vấn đề này, sau khi thống nhất với Cục Quản lý đăng ký kinh doanh – Bộ Kế hoạch & Đầu tư và báo cáo Bộ Tài chính, Tổng cục Thuế có ý kiến cụ thể như sau:

Căn cứ các quy định nêu trên thì khi nhận được văn bản đề nghị khôi phục MST của doanh nghiệp sau khi đã bị chấm dứt hiệu lực MST về trạng thái 01 “NNT ngừng hoạt động và đã hoàn thành thủ tục chấm dứt hiệu lực MST” nhưng tình trạng pháp lý của doanh nghiệp, chi nhánh trên Hệ thống thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp vẫn là đang hoạt động, cơ quan thuế trực tiếp quản lý người nộp thuế kiểm tra hồ sơ chấm dứt hiệu lực MST của người nộp thuế và xử lý như sau:

Trường hợp 1:

Doanh nghiệp có hồ sơ đề nghị cơ quan thuế chấm dứt hiệu lực MST của doanh nghiệp hoặc chi nhánh của doanh nghiệp theo Quyết định giải thể doanh nghiệp hoặc chấm dứt hoạt động của chi nhánh, doanh nghiệp hoặc chi nhánh đã hoàn thành nghĩa vụ thuế và cơ quan thuế đã thực hiện chấm dứt hiệu lực MST theo đúng quy định nhưng doanh nghiệp không gửi hồ sơ giải thể doanh nghiệp hoặc chấm dứt hoạt động của chi nhánh đến cơ quan đăng ký kinh doanh để thực hiện giải thể doanh nghiệp hoặc chấm dứt hoạt động của chi nhánh dẫn đến tình trạng pháp lý của doanh nghiệp, chi nhánh trên Hệ thống thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp là trạng thái hoạt động.

Sau đó, doanh nghiệp có văn bản đề nghị cơ quan thuế khôi phục MST của doanh nghiệp hoặc chi nhánh để tiếp tục hoạt động sản xuất kinh doanh thì:

– Cơ quan thuế hướng dẫn doanh nghiệp gửi văn bản đề nghị khôi phục MST theo mẫu số25/ĐK-TCT ban hành kèm theo Thông tư số 95/2016/TT-BTC ngày 28/6/2016 của Bộ Tài chính (sau đây gọi là Thông tư số 95/2016/TT-BTC) đến cơ quan thuế trực tiếp quản lý, trên văn bản đề nghị doanh nghiệp phải có cam kết “không có bất kỳ hoạt động sản xuất kinh doanh nào sau thời gian cơ quan thuế chấm dứt hiệu lực MST, nếu có sẽ bị xử lý theo hành vi trốn thuế”.

– Căn cứ vào hồ sơ đề nghị khôi phục MST và cam kết của doanh nghiệp, cơ quan thuế trực tiếp quản lý doanh nghiệp có văn bản gửi Cục Thuế (nếu là Chi cục Thuế), Cục Thuế có văn bản gửi cơ quan đăng ký kinh doanh trên địa bàn đề nghị có ý kiến về việc doanh nghiệp đề nghị được khôi phục MST của doanh nghiệp hoặc chi nhánh khi MST đã bị chấm dứt hiệu lực tại cơ quan thuế theo quy định nhưng tình trạng pháp lý của doanh nghiệp, chi nhánh trên Hệ thống thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp vẫn là đang hoạt động để cơ quan đăng ký kinh doanh yêu cầu doanh nghiệp báo cáo theo quy định tại Điểm c Khoản 1 Điều 209 Luật Doanh nghiệp.

– Sau khi nhận được ý kiến bằng văn bản của cơ quan đăng ký kinh doanh, cơ quan thuế trực tiếp quản lý doanh nghiệp thực hiện:

+ Trường hợp trong văn bản của cơ quan đăng ký kinh doanh xác định doanh nghiệp đã gửi báo cáo cho cơ quan đăng ký kinh doanh theo quy định và cơ quan đăng ký kinh doanh đã thực hiện xử phạt hành vi vi phạm quy định về giải thể doanh nghiệp, về chấm dứt hoạt động chi nhánh theo quy định tại Điều 36, Điều 37 Nghị định số 50/2016/NĐ-CP ngày 01/6/2016 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực kế hoạch và đầu tư thì cơ quan thuế trực tiếp quản lý người nộp thuế (Chi cục Thuế) có văn bản đề nghị khôi phục MST cho doanh nghiệp hoặc chi nhánh gửi Cục Thuế.

Cục Thuế gửi văn bản về Tổng cục Thuế để đề nghị khôi phục MST cho doanh nghiệp hoặc chi nhánh trong thời hạn 01 ngày làm việc kể từ ngày nhận được văn bản của cơ quan đăng ký kinh doanh.

+ Trường hợp doanh nghiệp không gửi báo cáo cho cơ quan đăng ký kinh doanh theo quy định, cơ quan đăng ký kinh doanh đã thực hiện thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký của doanh nghiệp theo quy định tại Điểm d Khoản 1 Điều 211 Luật Doanh nghiệp thì doanh nghiệp hoặc chi nhánh không được khôi phục MST. Trường hợp doanh nghiệp hoặc chi nhánh hoạt động sản xuất kinh doanh trở lại thì doanh nghiệp phải thực hiện thủ tục đăng ký doanh nghiệp để được cấp MST

mới.

Trường hợp 2:

Cơ quan thuế đã có thông báo đối với người nộp thuế là doanh nghiệp hoặc chi nhánh không hoạt động tại địa chỉ đã đăng ký sau khi xác minh tại địa chỉ trụ sở của doanh nghiệp hoặc chi nhánh và cơ quan thuế đã thực hiện chấm dứt hiệu lực mã số thuế theo quy định nhưng tình trạng pháp lý của doanh nghiệp, chi nhánh trên Hệ thống thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp là trạng thái hoạt động. Sau đó, doanh nghiệp có văn bản đề nghị cơ quan thuế khôi phục mã số thuế của doanh nghiệp hoặc chi nhánh để tiếp tục hoạt động sản xuất kinh doanh thì:

– Cơ quan thuế trực tiếp quản lý doanh nghiệp lập danh sách các hồ sơ khai thuế còn thiếu, tình hình sử dụng hóa đơn, số tiền thuế còn nợ, số tiền phạt, tiền chậm nộp (nếu có), thực hiện xử phạt đối với các hành vi vi phạm pháp luật về thuế, hóa đơn theo quy định và yêu cầu doanh nghiệp hoàn thành toàn bộ nghĩa vụ thuế.

– Thực hiện xác minh thực tế tại địa chỉ trụ sở kinh doanh của doanh nghiệp và lập Biên bản xác minh tình trạng hoạt động tại địa chỉ đã đăng ký của doanh nghiệp theo hồ sơ đề nghị khôi phục mã số thuế (người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp phải ký xác nhận vào Biên bản) theo hướng dẫn tại Điều 19, Điều 20 Thông tư số 95/2016/TT-BTC và quy trình quy định về trình tự thủ tục xác minh tình trạng hoạt động, thông báo công khai thông tin, xử lý và khôi phục MST

đối với người nộp thuế không hoạt động tại địa chỉ đã đăng ký với cơ quan thuế ban hành kèm theo Quyết định số 438/QĐ-TCT ngày 5/4/2017 của Tổng cục Thuế.

 

Chúc các bạn thành công!

Tìm hiểu thêm về kế toán, kiểm toán, thuế tại calico.vn hoặc kiemtoancalico.com

 

Bài viết có ích cho bạn?