Công văn số 659/TCT-CS
V/v xử lý vi phạm pháp luật về thuế
Kính gửi: Cục Thuế tỉnh Bắc Giang
Tổng cục Thuế nhận được công văn số 3045CT/TTr ngày 21/12/2011 của Cục Thuế Bắc Giang về những vướng mắc liên quan đến chính sách pháp luật về thuế trong việc thực hiện đôn đốc thu nộp NSNN theo kiến nghị của các cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Về vấn đề này, Tổng cục Thuế có ý kiến như sau:
– Tại Mục I Phần Thông tư số 61/2007/TT-BTC ngày 14/06/2007 của Bộ Tài chính quy định phạm vi, đối tượng áp dụng và các hành vi vi phạm pháp luật về thuế như sau:
“Cá nhân, cơ quan, tổ chức có hành vi vi phạm pháp luật về thuế (sau đây gọi chung là người vi phạm), không phân biệt cố ý hoặc vô ý đều bị xử lý theo quy định của pháp luật về thuế và hướng dẫn tại Thông tư này, trừ trường hợp Điều ước quốc tế mà Việt Nam ký kết hoặc gia nhập có quy định khác.
Người từ đủ 14 đến dưới 16 tuổi bị xử phạt vi phạm pháp luật về thuế do thực hiện các hành vi cố ý; người từ đủ 16 tuổi trở lên bị xử phạt đối với mọi vi phạm pháp luật do mình gây ra.
3. Các hành vi vi phạm pháp luật về thuế, bao gồm:
3.1. Hành vi vi phạm quy định về thủ tục thuế.
3.2. Hành vi vi phạm chậm nộp tiền thuế.
3.3. Hành vi khai sai dẫn đến thiếu số tiền thuế phải nộp hoặc tăng số thuế được hoàn.
3.4. Hành vi trốn thuế, gian lận thuế.
3.5. Hành vi vi phạm của cơ quan thuế, công chức thuế trong quản lý thuế.
3.6. Hành vi vi phạm của Ngân hàng thương mại; tổ chức tín dụng khác; người bảo lãnh nộp tiền thuế; Kho bạc nhà nước; cá nhân, tổ chức có liên quan trong việc thực hiện các quy định của Luật Quản lý thuế.
3.7. Hành vi vi phạm về thi hành quyết định cưỡng chế thi hành quyết định hành chính thuế.”
– Tại Phần Đ Thông tư số 61/2007/TT-BTC nêu trên quy định về thẩm quyền xử lý vi phạm pháp luật về thuế như sau:
“I. Công chức thuế đang thi hành công vụ có quyền…
II. Trạm trưởng Trạm Thuế, Đội trưởng Đội Thuế trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ có quyền…
III. Chi cục trưởng Chi cục Thuế, trong phạm vi địa bàn quản lý của mình, có quyền…
IV. Cục trưởng Cục Thuế, trong phạm vi địa bàn quản lý của mình, có quyền…
V. Thẩm quyền xử phạt vi phạm pháp luật về thuế của Chủ tịch Ủy ban nhân dân các cấp…”
– Tại Mục I Chương II Luật Kiểm toán nhà nước số 37/2005/QH11 ngày 14/6/2005 quy định về địa vị pháp lý, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Kiểm toán nhà nước như sau:
“Điều 15. Nhiệm vụ của Kiểm toán nhà nước:
…10. Chuyển hồ sơ cho cơ quan điều tra và các cơ quan khác của Nhà nước có thẩm quyền kiểm tra, xử lý những vụ việc có dấu hiệu vi phạm pháp luật của tổ chức, cá nhân đã được phát hiện thông qua hoạt động kiểm toán…
Điều 16. Quyền hạn của Kiểm toán nhà nước:
…4. Kiến nghị cơ quan nhà nước có thẩm quyền yêu cầu các đơn vị được kiểm toán thực hiện các kết luận, kiến nghị kiểm toán đối với các trường hợp sai phạm trong báo cáo tài chính và các sai phạm trong việc tuân thủ pháp luật; đề nghị xử lý theo pháp luật những trường hợp không thực hiện hoặc thực hiện không đầy đủ, kịp thời các kết luận, kiến nghị kiểm toán của Kiểm toán Nhà nước.
5. Kiến nghị cơ quan nhà nước có thẩm quyền xử lý những vi phạm pháp luật của tổ chức, cá nhân đã được làm rõ thông qua hoạt động kiểm toán…”
Căn cứ các quy định trên:
Trường hợp cơ quan thuế nhận được hồ sơ của Kiểm toán Nhà nước hoặc của cơ quan có thẩm quyền khác trong đó có kết luận, kiến nghị về vi phạm pháp luật về thuế của người nộp thuế thì cơ quan thuế có trách nhiệm thực hiện các thủ tục xử lý vi phạm pháp luật về thuế theo như hướng dẫn tại Thông tư số 61/2007/TT-BTC nêu trên.
Trường hợp tại văn bản kiến nghị của Kiểm toán Nhà nước hoặc cơ quan có thẩm quyền khác không xác định rõ sai phạm của Người nộp thuế ở kỳ kê khai thuế nào và thuộc loại sai phạm nào thì cơ quan thuế có trách nhiệm phối hợp với cơ quan Kiểm toán nhà nước hoặc cơ quan có thẩm quyền khác đã đưa ra kết luận và kiến nghị về sai phạm của người nộp thuế để xác minh, làm rõ.
Tổng cục Thuế trả lời để Cục Thuế tỉnh Bắc Giang được biết
Chúc các bạn thành công!
Tìm hiểu thêm về kế toán, kiểm toán, thuế tại calico.vn hoặc kiemtoancalico.com